VŨ HIỆP XẠ:Tấm gương người cựu chiến binh ở Bích Động Việt Yên (Bắc Giang).
Ngày đăng:
12:37 03/07/2021
Lượt xem:
348
VŨ HIỆP XẠ:Tấm gương người cựu chiến binh ở Bích Động Việt Yên (Bắc Giang).
Trong các cuộc chiến tranh giữ nước và bảo vệ Tổ quốc, biết bao thế hệ thanh niên của Việt Yên (Bắc Giang) đã tự nguyện lên đường nhập ngũ, xông pha vào các chiến trường đánh giặc, góp phần giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Về với đời thường, người chiến sĩ ấy vẫn gương mẫu tham gia công tác được mọi người tín nhiệm và trân trọng, đó là gương các CCB đang sinh hoạt ở Hội CCB trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Chiến tranh đã kết thúc được 46 năm, Họ giờ là những cựu chiến binh, những thương bệnh binh của hiện tại, với phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, họ ngoan cường trong chiến đấu, khi xuất ngũ trở về quê hương vẫn hăng say lao động sản xuất, cống hiến hết mình cho công tác hội phục vụ quê hương, Cựu chiến binh Vũ Hiệp Xạ là một con người như thế! Ông đã giành cả tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mĩ cứu nước của dân tộc và 22 năm tham gia công tác hội cựu chiến binh ở địa phương.
Ông sinh 1942, tại Tổ dân phố Trung, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Từ nhỏ, Vũ Hiệp Xạ đã thấm nhuần truyền thống yêu nước của quê hương Việt Yên anh hùng. Ngày 8/2/1960 ông lên đường nhập ngũ, Vũ Hiệp Xạ là lớp tân binh thứ 2 của tỉnh Bắc Giang thời bấy giờ tham gia lực lượng vũ trang, ông được bổ sung vào lữ đoàn pháo binh 386 F351. Với tinh thần dũng cảm và sự nhanh nhẹn của người chiến sĩ tân binh, ông đã được đơn vị cử đi đào tạo tại trường Sĩ quan pháo binh ở Sơn Tây. Tháng 4/1965 khi tốt nghiệp loại ưu, được phong quân hàm thiếu úy và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam; sau đó được đề bạt làm chính trị viên phó đại đội bộ binh thuộc tiểu đoàn 9051 và dẫn quân đi chiến trường B.
Ông Xạ cho biết: “khi đó chiến tranh ác liệt, địch đánh phá làm hỏng hết các tuyến đường giao thông của ta, sau khi dẫn quân đến địa phận Trung - Lào ông phải cùng các chiến sĩ đồng đội gùi hàng đến nơi an toàn để chuyển vào chiến trường. Khi thì gùi 1 bao gạo 50 kg, lúc lại gùi xăng đựng trong ba lô con cóc cùng một chiếc gậy bên người...Công việc đã vất vả và khiến hai vai các chiến sĩ phồng tấy hàng tuần. Điều vô cùng nguy hiểm hơn, chỉ cần xăng bắt lửa thì tính mạng khó được bảo toàn. Mặc dù vậy anh em chiến sĩ vẫn không ai chùn bước, cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... Đầu năm 1968, được điều về binh trạm cửa khẩu 12, nơi mà có nhà văn đã ví nó như “cánh của thép 12” cửa khẩu Trung – lào. Tại đây ông được giao nhiệm vụ phụ trách đoàn chèo xung kích của tỉnh Quảng Ninh đi phục vụ bộ đội...’’
Điểm qua nhật ký cuộc đời quân ngũ của ông, chúng tôi được biết có lần đoàn chèo đang biểu diễn tại một hang đá, ở trọng điểm Sengphan thì bị máy bay địch ném bom ngay cửa hang. Song với tinh thần “ tiếng hát át tiếng bom”, nhuệ khí của đoàn văn công cùng anh em chiến sĩ vẫn không suy giảm. Ngày ấy đi cùng đoàn còn có nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà ký họa Phạm Gia Đạt. Bài thơ “ Tiếng bom sengphan” của nhà thơ Phạm Tiến Duật được ra đời trong hoàn cảnh đó. Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt hơn, do yêu cầu của công tác, năm 1969 ông được cử làm chính trị viên phó của tiểu đoàn công binh D2 binh trạm 12; đơn vị chiếm giữ trọng điểm sengphan, làm nhiệm vụ thông đường cho xe chi viện vào chiến trường lớn. Bao chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đây, có lần bom đánh trúng đầu xe, ông bị hất văng ra ngoài, tưởng rằng cái chết đã cận kề...nhưng lòng vẫn nhủ lòng với sự quyết tâm “ địch đánh 1 thì ta làm 10, đường ta cứ đi, xe ta cứ vượt.”
Với những thành tích dơn vị đã đạt được, tiểu đoàn công binh D2 BT12 được tuyên dương anh hùng; cá nhân ông cũng được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua và được bổ nhiệm là chính trị viên trưởng, bí thư đảng ủy của tiểu đoàn. Năm 1973, ông tiếp tục được cử đi học đào tạo chính ủy trung đoàn, năm 1975 ra trường được bổ nhiệm làm trưởng ban tổ chức của sư đoàn 571 Đoàn 559. Năm 1981 được giao làm Bí thư chi bộ phòng tổ chức thuộc Tổng cục hậu cần. Ông đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức tín nhiệm và đồng đội người yêu quý.
Năm 1986, vì hoàn cảnh gia đình, ông đã nghỉ hưu. Về với địa phương với phẩm chất “anh bộ đội cụ Hồ” ông được tổ chức tín nhiệm đề bạt làm Bí thư chi bộ thôn Trung (nay là chi bộ Tổ dân phố Trung), rồi tham gia làm Đảng ủy xã Bích Sơn (nay là TT Bích Động). Đến 1990 ông được cử làm Thường vụ hội cựu chiến binh huyện, rồi làm Chủ tịch hội CCB thị trấn Bích Động cho đến năm 2015. Hiện nay ông vẫn sinh hoạt tại Hội CCB của Thị trấn Bích Động. Gần 3 chục năm gắn liền với công tác hội, ông luôn tâm niệm hết lòng để đưa công tác hội ngày càng phát triển. Nhờ đó mà nhiều năm liên tục hội CCB thị trấn Bích Động đều là đơn vị vững mạnh.
Theo ghi nhận của đảng ủy Thị trấn Bích Động: “Trong phong trào tình nghĩa ông luôn tham gia đi đầu với mong muốn chia sẻ phần nào gánh nặng với những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những anh em đồng chí đồng đội, những thương bệnh binh trên địa bàn. Không chỉ vậy ông còn khuyến khích hội viên bằng nhiều cách giúp nhau phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Bởi vậy mà hiện nay trên địa bàn thị trấn Bích Động, anh em CCB tỷ lệ hộ giầu khá giả tăng, không còn hộ nghèo.
Với những cống hiến trong đời quân nghũ và về với đời thường, Ông đã xứng đáng được nhận 7 huân huy chương các loại, trong đó có 3 HCCS vẻ vang, 1 HCCS giải phóng hạng 3, 1 HC kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhiều giấy khen các cấp...Đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là giá trị tinh thần vô giá đối với ông. Hiện nay đã ở tuổi 80, ông không còn tham gia công tác lãnh đạo của hội nữa, nhưng hình ảnh về ông, một Chủ tịch hội, một CCB của TT Bích Động đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương đất nước, vẫn mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.
Vũ Hoàng Thương
tin tức liên quan