BAN CHẤP HÀNH
HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
BAN THƯỜNG VỤ
*****
Số: 04 /QC-TTrBTV
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2017
|
QUY CHẾ LÀM VIỆC
CỦA THƯỜNG TRỰC BAN THƯỜNG VỤ VÀ CƠ QUAN
HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
- Căn cứ Điều lệ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ hai nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua ngày 08 tháng 9 năm 2016 đã được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số …. /QĐ-BNV ngày … tháng … năm …..
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ.
Ban Thường vụ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ban hành Quy chế làm việc của Thường trực Ban Thường vụ và cơ quan Hội như sau:
CHƯƠNG I
VỀ TỔ CHỨC
1- Thường trực của Ban Thường vụ
2- Cơ quan của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (gọi tắt là Hội Trường Sơn Việt Nam), gồm có:
a)- Văn phòng và
b)- các Ban chuyên môn
3- Ban Kiểm tra;
4- Các tổ chức trực thuộc.
CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THƯỜNG TRỰC BAN THƯỜNG VỤ
HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM
Điều 1. Thường trực Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam (gọi tắt là Thường trực) do Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam cử để chỉ đạo, điều hành các hoạt động thường xuyên của Hội.
* Thường trực gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký.
* Nhiệm vụ của Thường trực:
- Triển khai kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường vụ và Nghị quyết của Ban Chấp hành.
- Thay mặt Ban Thường vụ quan hệ với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
- Chỉ đạo, điều hành hoạt động của văn phòng và các Ban Chuyên môn của Hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên thực hiện các chủ trương, chương trình hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
Điều 2. Chủ tịch Hội có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 18 Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam.
- Chủ tịch Hội chịu trách nhiệm chung về các mặt hoạt động của Hội, cụ thể như sau:
1. Đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật.
2. Chủ tài khoản của Hội.
3. Chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành, của Ban Thường vụ và các chương trình hoạt động của Hội.
4. Chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội;
5. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội.
6. Ký các Quyết định bổ nhiệm, bãi miễn chức danh lãnh đạo của Văn phòng và các Ban chuyên môn, đơn vị của cơ quan Hội; các Quyết định khen thưởng, kỷ luật; các văn bản về thành lập và giải thể các tổ chức do Hội thành lập theo đề nghị của Ban Thường vụ; các văn bản gửi đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương. Khi cần thiết, Chủ tịch Hội ủy quyền cho các Phó Chủ tịch ký các văn bản nói trên.
Điều 3. Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại điểm b Điều 18 Điều lệ Hội. Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký giúp Chủ tịch chuẩn bị nội dung các kỳ sinh hoạt của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; định kỳ 3 tháng, 6 tháng, một năm báo cáo Chủ tịch, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về các hoạt động của Hội; quản lý, điều hành hoạt động văn phòng và cơ quan Hội; thay mặt Chủ tịch giải quyết công việc thường xuyên, được ủy quyền ký giao dịch tài khoản Hội.
Điều 4. Phó Chủ tịch có nhiệm vụ giúp Chủ tịch trong công tác quản lý và điều hành hoạt động của Hội, được Chủ tịch Hội phân công phụ trách một số mặt công tác và chịu trách nhiệm về những công việc được phân công.
Phó Chủ tịch thay mặt Ban Thường vụ ký các văn bản thuộc lĩnh vực công tác mình phụ trách gửi các cơ quan có liên quan và các tổ chức thành viên thuộc Hội Trường Sơn Việt Nam.
Điều 5. Các Ủy viên Thường trực có nhiệm vụ và quyền hạn: Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Thường trực, thảo luận đóng góp ý kiến vào các chương trình, kế hoạch công tác của Hội tùy theo yêu cầu công việc. Khi cần thiết có thể mời thêm một số lãnh đạo Văn phòng, Ban Kiểm tra các Ban chuyên môn và các đồng chí khác có liên quan tham dự.
CHƯƠNG III
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
VÀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT CỦA THƯỜNG TRỰC
A. PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Điều 6. Phương thức hoạt động của Thường trực là thông qua các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất để thảo luận và quyết định các Chương trình, Kế hoạch công tác của Hội theo Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
Điều 7. Thường trực hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở thảo luận, bàn bạc, tạo sự đồng thuận cao.
B. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT
Điều 8. Thường trực sinh hoạt định kỳ hàng tuần và bất thường khi cần xem xét giải quyết những vấn đề cần thiết của Hội, Chủ tịch chủ trì họp thường trực, Chủ tịch đi vắng Phó Chủ tịch thường trực Tổng thư ký chủ trì
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VĂN PHÒNG
VÀ CÁC BAN CHUYÊN MÔN
Điều 9. Văn phòng và các Ban chuyên môn do Ban Thường vụ quyết định thành lập, là cơ quan của Hội, có nhiệm vụ tham mưu giúp Ban Chấp hành, trực tiếp giúp Ban Thường vụ chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết, Chương trình công tác của Hội đến các tổ chức thành viên
Điều 10. Văn phòng và các Ban Chuyên môn của cơ quan Hội được tổ chức như sau:
1. Văn phòng;
2. Ban Tổ chức;
3. Ban Chính sách;
4. Ban Tuyên truyền - Thi đua;
5. Ban Truyền thống - Lịch sử;
6. Ban Công tác Nữ;
7. Ban Kinh tế;
8. Ban Tài chính.
9. Các tổ chức trực thuộc.
Điều 11. Văn phòng và các Ban chuyên môn có Chánh Văn phòng, Phó Chánh văn phòng; Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban. Chánh Văn phòng, Trưởng Ban là người chịu trách nhiệm chung về mọi hoạt động của cơ quan mình phụ trách, có nhiệm vụ thực hiện các chủ trương, chương trình công tác đã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ quyết định. Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng Ban là người giúp việc và thay mặt Chánh Văn phòng, Trưởng Ban điều hành công việc của cơ quan khi Chánh Văn phòng, Trưởng Ban vắng mặt. Lãnh đạo Văn phòng, các Ban Chuyên môn do Chủ tịch Hội bổ nhiệm theo Nghị quyết của Ban Thường vụ.
Điều 12. Chánh Văn phòng, Trưởng Ban có nhiệm vụ tham gia đề xuất, chuẩn bị các chủ trương, chương trình công tác của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ. Chuẩn bị kế hoạch triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Ban Chấp hành về lĩnh vực mình phụ trách.
Điều 13. Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các Ban Chuyên môn.
1. Văn phòng
Văn phòng Hội là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành, trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực tổng hợp, theo dõi tình hình hoạt động của Hội và trực tiếp giải quyết những nhiệm vụ phục vụ cho các hoạt động của lãnh đạo Hội và cơ quan; thực hiện các thủ tục hành chính, công tác đối ngoại, đối nội; đảm bảo sinh hoạt và những vấn đề phát sinh trong hoạt động hàng ngày của Hội.
+ Nhiệm vụ
- Thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình hoạt động của Hội, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực Ban Thường vụ.
- Chủ trì tổng hợp tình hình 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và soạn thảo các văn bản, báo cáo định kỳ và đột xuất, các thông báo về tình hình hoạt động của Hội để báo cáo lên trên và gửi đến các tổ chức thành viên theo Nghị quyết của Ban Thường vụ và yêu cầu của Chủ tịch Hội.
- Chuẩn bị tài liệu, chương trình làm việc và các điều kiện, đảm bảo vật chất phục vụ cho các hội nghị của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành.
- Lập dự toán, quyết toán theo quy chế của Hội thuộc các lĩnh vực được phân công như: sử dụng xăng xe, trực tiếp mua sắm văn phòng phẩm, phương tiện làm việc, phục vụ cho các hoạt động của lãnh đạo và cơ quan Hội. Bố trí phương tiện, chuẩn bị kinh phí để lãnh đạo Hội và cán bộ cơ quan đi công tác theo quy định của Nhà nước và Điều lệ Hội.
- Trực tiếp quản lý con dấu, tổ chức in ấn tài liệu, thực hiện đăng ký quản lý công văn đi, đến theo đúng chế độ công tác văn thư và lưu trữ.
- Thực hiện công tác đối nội, đối ngoại theo sự chỉ đạo của Thường trực đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội. Quan hệ, phối hợp với Văn phòng Binh đoàn 12 về hoạt động Trụ sở làm việc của Hội.
- Duy trì chế độ, làm việc của Thường trực và cơ quan Hội.
2. Ban Tổ chức
Ban Tổ chức là cơ quan làm tham mưu giúp Ban Chấp hành Hội, trực tiếp là Ban Thường vụ về công tác tổ chức, cán bộ; hướng dẫn công tác xây dựng tổ chức, hoạt động của các tổ chức thành viên thuộc Hội Trường Sơn Việt Nam.
+ Nhiệm vụ
- Nghiên cứu, đề xuất để xây dựng mô hình về tổ chức; chức năng, nhiệm vụ hoạt động của Cơ quan Hội.
- Chủ trì phối hợp với các Ban trong cơ quan Hội xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực và Cơ quan Hội.
- Đề xuất việc kiện toàn về tổ chức nhân sự của Cơ quan Hội phù hợp với sự phát triển của Hội.
- Phối hợp với các Ban Chuyên môn trong việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác đối với cán bộ của Cơ quan Hội và các tổ chức thành viên.
- Nghiên cứu, đề xuất về trình tự, thủ tục kết nạp Hội viên và cấp Thẻ hội viên.
- Quản lý tình hình về tổ chức và cán bộ, hội viên.
- Hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức thành viên về xây dựng tổ chức và quy chế hoạt động.
- Nghiên cứu phương thức hoạt động của các tổ chức thành viên để kịp thời rút kinh nghiệm về xây dựng tổ chức.
- Phối hợp chặt chẽ với các Ban Chuyên môn để hướng dẫn, giúp đỡ cá tổ chức thành viên thực hiện Điều lệ và Quy chế hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam.
3. Ban Chính sách
Ban Chính sách là cơ quan làm tham mưu giúp Ban Chấp hành Hội, trực tiếp là Ban Thường vụ về chính sách đối với các tổ chức, cá nhân đã và đang hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ có liên quan đến giữ gìn và phát huy truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
+ Nhiệm vụ
- Tìm hiểu, nắm chắc tình hình đời sống, nguyện vọng và ảnh hưởng về những chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo cáo kịp thời với Ban Thường vụ để phản ánh, đề xuất với các cơ quan Nhà nước có liên quan.
- Nắm tình hình tổ chức thực hiện của các tổ chức thành viên về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cựu Quân nhân, TNXP, dân công hỏa tuyến đã hoạt động ở Trường Sơn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
- Nghiên cứu, đề xuất với Ban Thường vụ về những chủ trương, chính sách và giải quyết những tồn đọng về chính sách đối với các lực lượng đã hoạt động trên đường Hồ Chí Minh. Hướng dẫn, giúp đỡ trong việc tìm kiếm mộ liệt sĩ; việc kê khai người bị nhiễm chất độc da cam- đioxin và các quyền lợi khác.
- Phổ biến, hướng dẫn các tổ chức thành viên hoạt động Tri ân nghĩa tình đồng đội, uống nước nhớ nguồn.
- Tham mưu cho Ban Thường vụ và hướng dẫn các cấp Hội về quy chế thăm hỏi Hội viên khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời. Tổ chức chu đáo hoạt động ngày TBLS 27/7 và dịp Lễ, Tết đối với đối tượng Người có công, hội viên không nơi nương tựa, nhiễm chất độc da cam, những gia đình đặc biệt khó khăn.
- Phối hợp, tham mưu với Ban Thường vụ về công tác vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước ủng hộ, tài trợ cho Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chính sách Binh đoàn 12 để hướng dẫn các Hội viên đến giải quyết các chính sách tồn đọng trong chống Mỹ cứu nước.
4. Ban Tuyên truyền - Thi đua
Ban Tuyên truyền - Thi đua là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành, trực tiếp là Ban Thường vụ về công tác tuyên truyền, giáo dục, thi đua, động viên hội viên các tổ chức, lực lượng đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoạt động trên chiến trường Trường Sơn nhằm phát huy giữ gìn lịch sử truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
+ Nhiệm vụ
- Nghiên cứu, đề xuất nội dung tuyên truyền, giáo dục, thi đua với các lực lượng đã chiến đấu, hoạt động ở Trường Sơn và các lực lượng đang phát huy truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương, giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thống bộ đội Trường Sơn Anh hùng cho thế hệ trẻ.
- Hướng dẫn các tổ chức thành viên thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và Hội Trường Sơn Việt Nam phát động.
- Theo dõi và tổng kết phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương sáng của Hội viên Trường Sơn trong thời kỳ mới.
- Hướng dẫn, triển khai thực hiện và theo dõi công tác thi đua, khen thưởng và là cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua Khen thưởng của Hội Trường Sơn Việt Nam.
- Phụ trách Trang Thông tin điện tử và Bản tin Trường Sơn, thực hiện công tác tuyên truyền thực hiện đúng Tôn chỉ, Mục đích của Hội và quy định của luật báo chí.
- Chỉ đạo, tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ nghệ thuật Trường Sơn và các hoạt động của Câu lạc bộ văn nghệ của Hội và ở các tổ chức thành viên; chỉ đạo hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuât Trường Sơn
- Chỉ đạo các hình thức xuất bản báo chí, văn hóa, nghệ thuật và các hình thức tuyên truyền khác để tuyên truyền về Trường Sơn và Hội Trường Sơn.
5. Ban Truyền thống - Lịch sử
Ban Truyền thống - Lịch sử là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành Hội, trực tiếp là Ban Thường trực về công tác Truyền thống - Lịch sử; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để tổ chức, xây dựng, tu bổ, sưu tầm, phục chế và phát huy giá trị của các di tích lịch sử của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
+ Nhiệm vụ
- Nghiên cứu, đề xuất các địa danh đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trên chiến trường Trường Sơn, đề nghị Nhà nước công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Phối hợp với các nước bạn để xây dựng, củng cố di tích lịch sử trên Đường 9 và các khu vực Bộ đội Trường Sơn hoạt động trên đất bạn Lào, tạo điều kiện để đặt các bia di tích trên các trục đường chiến lược thuộc 7 tỉnh của Lào và 03 tỉnh Đông Bắc Campuchia, đường sông Mê Kông và Sê Kông.
- Phối hợp với Binh đoàn 12 đề xuất, nghiên cứu bổ sung để tái bản cuốn Lịch sử Trường Sơn. Hướng dẫn biên soạn lịch sử các đơn vị truyền thống; sưu tầm, tập hợp các cuốn Lịch sử đơn vị đã có, kết hợp khai thác các nhân chứng để bổ sung, hoàn chỉnh Biên niên các sự kiện Lịch sử Trường Sơn.
- Nghiên cứu, đề xuất nội dung, phối hợp tham gia với các ngành, các tổ chức, các bảo tàng về xuất bản, phục chế và trưng bày các hiện vật lịch sử Trường Sơn. Tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo về Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức và cá nhân hiến tặng các kỷ vật kháng chiến về Trương Sơn - Đường Hồ Chí Minh để trưng bày tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
6. Ban Công tác Nữ
Ban Công tác Nữ chiến sỹ Trường Sơn là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành, trực tiếp là Ban Thường vụ về xây dựng tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của tổ chức Nữ chiến sĩ Trường Sơn thuộc các tổ chức thành viên.
+ Nhiệm vụ
- Nắm chắc số lượng, chất lượng; tình hình cựu Nữ Quân nhân, TNXP, Dân công hỏa tuyến và các lực lượng khác đã từng hoạt động ở Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
- Tuyên truyền, động viên chị em giữ vững và phát huy truyền thống chiến sĩ Trường Sơn bằng các hình thức phong phú như gặp mặt, giao lưu, biểu dương chị em tiêu biểu; thăm hỏi, trợ giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đối với chị em luôn đau ốm, không có gia đình, chồng con, không nơi nương tựa.
- Quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tổ chức liên quan trong hệ thống chính trị để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ các nguồn lực nhằm góp phần giải quyết khó khăn đối với chị em chiến sĩ Trường Sơn.
- Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các Chương trình hoạt động hỗ trợ của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn có hiệu quả thiết thực, đúng quy chế.
- Nêu gương các Nữ chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi, giúp đồng đội xóa đói giảm nghèo.
7. Ban Kinh tế
Ban Kinh tế là cơ quan tham mưu giúp Ban Chấp hành, trực tiếp là Ban Thường vụ về chủ trương, giải pháp làm kinh tế, dịch vụ, vận động tài trợ tăng nguồn thu cho hoạt động của Hội.
+ Nhiệm vụ
- Nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về biện pháp, hình thức tổ chức và quy mô hoạt động làm kinh tế, dịch vụ để tạo các nguồn thu cơ bản, lâu dài cho Hội.
- Theo dõi, nắm chắc tình hình làm kinh tế của các tổ chức thành viên thuộc Hội Trường Sơn Việt Nam, nhất là các điển hình làm kinh tế giỏi, định kỳ tổ chức các Hội nghị chuyên đề để biểu dương hội viên làm kinh tế giỏi, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo.
- Tập hợp các Hội viên Trường Sơn là doanh nhân, tiến tới thành lập CLB Doanh nhân Trường Sơn, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ mọi điều kiện để tăng nguồn thu cho hoạt động của Hội.
- Chủ trì tham mưu với Ban Thường vụ về vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước tài trợ Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn và các hoạt động của Hội.
8. Ban Tài chính
Ban Tài chính là cơ quan làm tham mưu giúp Ban Chấp hành, trực tiếp là Ban Thường vụ về công tác quản lý và sử dụng nguồn tài chính của Hội.
+ Nhiệm vụ
- Lập dự toán, quyết toán; xây dựng quy chế thu, chi tài chính; thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản theo quy định của Nhà nước và Điều lệ Hội.
- Nghiên cứu, đề xuất với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành về xây dựng Quỹ Hội từ các nguồn thu. Phối hợp với Ban Kinh tế tổ chức các hoạt động kinh tế, dịch vụ; các nguồn tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật.
- Theo dõi, quản lý chặt chẽ quỹ hoạt động thường xuyên của Hội và Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn, sử dụng đúng quy chế, tiết kiệm, đúng mục đích và có hiệu quả.
- Định kỳ 3 tháng, 6 tháng 1 năm báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành về công tác tài chính theo đúng quy định, nguyên tắc, chế độ, quản lý tài chính.
Điều 14. Ban Kiểm tra:
Ban Kiểm tra Hội Trường Sơn Việt Nam do Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ hai bầu; hoạt động theo đúng Điều lệ Hội và Quy chế của Ban Kiểm tra, được ban Chấp hành Hội thông qua.
Điều 15. Mối quan hệ của Văn phòng và các Ban Chuyên môn Cơ quan Hội.
1- Đối với Thường trực, Ban Thường vụ Hội: Văn phòng, các Ban Chuyên môn phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; là cơ quan tham mưu, giúp việc, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo.
2. Văn phòng và các Ban Chuyên môn là quan hệ phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Đối với các tổ chức thành viên của Hội Trường Sơn Việt Nam là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ triển khai, thực hiện các Chủ trương, Nghị quyết, Chương trình hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Quy chế này được Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam thông qua ngày ….. tháng ….. năm 20…. và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các tổ chức trực thuộc: Trang Thông tin điện tử và Bản tin Trường Sơn, Câu lạc bộ Nghệ thuật Trường Sơn, Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa thực hiện theo quy chế về tổ chức, hoạt động do Ban Thường vụ ban hành.
Trong quá trình thực hiện Quy chế có những vấn đề chưa hợp lý sẽ được Ban Thường vụ nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình hoạt động và phát triển của tổ chức Hội./.