Quy chế làm việc của Ban Thường vụ Hội TS Việt Nam

Ngày đăng: 08:20 08/05/2017 Lượt xem: 1.834

 

 

                       BAN CHẤP HÀNH

HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM

*****

Số: 35 /QC-BTV

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 
   
             Hà Nội, ngày 03 tháng  4  năm 2017

 

QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN THƯỜNG VỤ

HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

VIỆT NAM

 

- Căn cứ Điều lệ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ hai nhiệm kỳ 2016-2021

- Căn cứ Quy chế hoạt động số 34/QC-BCH ngày 3/4/2017 của Ban Chấp hành.

Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ban hành Quy chế hoạt động của Ban Thường vụ như sau:

CHƯƠNG I

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN THƯỜNG VỤ

          Điều 1. Ban Thường vụ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam do Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (gọi tắt là Hội Trường Sơn Việt Nam) bầu cử, có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 14 Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam, cụ thể như sau:

1. Thay mặt Ban Chấp hành chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, chương trình hoạt động của Ban Chấp hành; các công việc thường xuyên và đột xuất của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành.

2. Chuẩn bị nội dung và chương trình các kỳ họp của Ban Chấp hành.

3. Ban hành các Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành đến các tổ chức thành viên.

4. Chỉ đạo thực hiện Quy chế của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực và các cơ quan đến các tổ chức thành viên. Chỉ đạo công tác tài chính và các hoạt động kinh tế của Hội.

5. Cử Thường trực của Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội làm nhiệm vụ Thường trực để giải quyết các công việc thường xuyên của Hội, nhằm thực hiện những chủ trương, Nghị quyết, Chương trình công tác do Ban Chấp hành và Ban Thường vụ đề ra.

Thường trực Ban Thường vụ xây dựng Quy chế hoạt động theo điểm 4 Điều 13, Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam.

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ TỊCH, CÁC PHÓ CHỦ TỊCH,  PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC - TỔNG THƯ KÝ

VÀ CÁC ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ

Điều 2. Chủ tịch Hội có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 18, Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam;

- Chủ tịch Hội là người chịu trách nhiệm chung về các mặt hoạt động của Hội, cụ thể như sau:

          1- Đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật.

          2- Chủ tài khoản của Hội

          3- Chỉ đạo triền khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành, của Ban Thường vụ và các chương trình hoạt động của Hội.

          4- Chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội.

          5- Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội

          6- Ký các Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh lãnh đạo của Văn phòng và các Ban chuyên môn, đơn vị cuả cơ quan Hội; các Quyết định khen thưởng, kỷ luật; các văn bản thành lập và giải thể các tổ chức do Hội thành lập theo đề nghị của Ban Thường vụ; các văn bản gửi đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương. Khi cần thiết, Chủ tịch Hội, ủy quyền cho các Phó Chủ tịch ký các văn bản nói trên.

Điều 3. Phó Chủ tịch Hội là người giúp Chủ tịch giải quyết các công việc của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành theo quy định tại điểm 1 Điều 15; có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Trực tiếp giải quyết những nhiệm vụ do Chủ tịch phân công, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về những quyết định của mình.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, nắm tình hình về tổ chức và hoạt động của các tổ chức thành viên về triển khai thực hiện Nghị quyết, Quyết định của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Đề xuất với Ban thường vụ những chủ trương, biện pháp về tổ chức và hoạt động của Hội.

3. Thay mặt Ban Thường vụ làm việc với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị - xã hội ở lĩnh vực mình phụ trách và các lĩnh vực khác khi được Chủ tịch ủy quyền hoặc Thường trực Ban Thường vụ phân công.

4. Được ký các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách và chịu trách nhiệm về các văn bản đó.

Điều 4. Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại điểm b Điều 18 Điều lệ Hội. Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký giúp Chủ tịch trực tiếp phụ trách Văn phòng, công tác Thi đua tuyên truyền; Văn học Nghệ thuật. Thay mặt Chủ tịch giải quyết công việc thường xuyên của Hội, cụ thể:

1. Trực tiếp điều hành hoạt động của Văn phòng và chế độ, nề nếp làm việc của  cơ quan Hội. Chỉ đạo các hoạt động thường xuyên của Hội theo yêu cầu và ủy quyền của Chủ tịch.

2. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng báo cáo với Ban Thường vụ và 1 năm báo cáo với Ban Chấp hành về các hoạt động của Hội.

3. Chỉ đạo soạn thảo báo cáo 3 tháng, 6 tháng, 1 năm về kết quả các hoạt động của Hội và một số báo cáo chuyên đề.

4. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành về các công việc của Hội được Chủ tịch ủy quyền.

5. Ký các văn bản gửi đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể và các tổ chức thành viên theo ủy quyền của Chủ tịch Hội.

6. Là Chủ tài khoản ủy quyền thứ nhất của Hội, có trách nhiệm quản lý tài chính theo đúng quy định của pháp luật và quy chế tài chính của Ban Thường vụ.

Điều 5. Các Ủy viên Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Tham dự các cuộc họp, các hoạt động của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ.

2. Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương và chương trình hoạt động của Hội.

3. Kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành về các lĩnh vực công tác được phân công.

4. Thực hiện các công việc do Chủ tịch hoặc của Thường trực Ban Thường vụ phân công về quan hệ với các Bộ, Ngành ở Trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Hội.

5. Phụ trách và chịu trách nhiệm trước Thường vụ về các mặt công tác của Văn phòng và các Ban chuyên môn Cơ quan Hội.

6. Ủy viên Ban Thường vụ là Chủ tịch Hội, Trưởng Ban Liên lạc các tổ chức thành viên ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Hội ở địa phương, đơn vị còn có trách nhiệm tham gia công tác chung của Ban Thường vụ. Tùy theo tình hình và yêu cầu, có thể được phân công theo dõi, nắm tình hình, giúp đỡ hoạt động của các tổ chức Hội, Ban Liên lạc ở Tỉnh, Thành phố, đơn vị truyền thống khác.

CHƯƠNG III

NGUYÊN TẮC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 6. Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam làm việc theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, đồng thuận, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.

Điều 7. Các Nghị quyết, Chương trình hoạt động của Ban Thường vụ là hợp lệ khi có  trên ½ (một phần hai)số Ủy viên Ban Thường vụ tán thành.

Điều 8. Ban Thường vụ ít nhất 3 tháng họp một lần. Khi cần thiết, Ban Thường vụ có thể họp bất thường. Nội dung Hội nghị Ban Thường vụ được Thường trực chuẩn bị và gửi tới các Ủy viên Ban Thường vụ trước kỳ họp.

Điều 9. Các Ủy viên Ban Thường vụ được cung cấp các thông tin về tổ chức, hoạt động của Hội;  chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có liên quan đến tổ chức Hội Trường Sơn Việt Nam.

- Ủy viên Thường vụ khi đi dự các Hội nghị hoặc đi công tác các địa phương do Thường trực Ban Thường vụ phân công được thanh toán tiền tàu xe,  ăn, ở, trong thời gian Hội nghị và đi công tác.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Quy chế này được Ban Chấp hành Hội Trường Sơn Việt Nam  thông qua ban hành và có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện Quy chế, những vấn đề chưa hợp lý sẽ được Ban Chấp hành bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình hoạt động và sự phát triển của tổ chức Hội./.

 

 

Nơi nhận:

Bộ Nội Vụ, Bộ VHTT&DL

- Các đ/c UV BCH;

- Các tổ chức thành viên;

- Ban TC&VPH;

- Lưu                                                        .

 

T/M. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

 

 

Thiếu tướng Võ Sở

 

 


tin tức liên quan