"Tha hương" - Truyện ngắn mùa dịch của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 04:10 11/09/2021 Lượt xem: 413
THA HƯƠNG
( Truyện ngắn )
Hoàng văn Kính

       Từ hồi còn trẻ đến lúc lấy vợ và sinh đứa con đầu lòng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện phải mưu sinh xa nhà. Quê hương là chùm khế ngọt, dẫu có đi đâu, ở đó có phồn thịnh đến mấy thì cũng không thể bằng quê hương nơi mình được sinh ra, được nuôi dưỡng cho đến lúc trưởng thành, nơi gắn liền với biết bao kỉ niệm vui buồn suốt những năm tháng tuổi thơ.
       Nhà có hai anh em, bố mẹ không giầu có gì nhưng cũng đủ ăn. Anh trai làm ăn xa nhà, trên ba mươi tuổi vẫn chưa lấy vợ. Vài tháng mới đáo qua nhà một lần, bố mẹ có giục cũng chỉ khất lần, nhiều bữa còn nổi cáu đang nửa đêm đùng đùng bỏ đi, rồi chẳng biết anh dính vào cá độ, cờ bạc từ lúc nào. Chỉ đến khi bọn đầu gấu đến nhà đòi nợ bố mẹ mới ngã ngửa ra. Nhà cửa, vườn tược, đất đai phải bán đi hết mà vẫn không đủ trả hết nợ cho anh. Lo lắng, suy nghĩ, mặc cảm với họ hàng làng xóm cả bố và mẹ đều đổ bệnh rồi hai cụ lần lượt ra đi chỉ trong vòng có sáu tháng. Không nơi nương tựa, chẳng còn gì để sống, vợ chồng tôi bàn nhau dắt díu vào Nam kiếm kế sinh nhai. Lúc đầu ông bà ngoại ngăn cản, ông bảo: Các con chẳng phải đi đâu cả, đưa cháu về ở với bố mẹ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Đi xa lạ nước lạ cái liệu có làm ăn được không, lỡ có chuyện gì xẩy ra thì biết bấu víu vào đâu.
       Ông bà nói cũng phải nhưng vì mặc cảm và một chút lòng tự trọng, tôi nhất quyết xin phép đưa vợ con vào Nam lập nghiệp mặc dù biết rằng cuộc sống trước mắt sẽ vô cùng khó khăn. Nhờ có mấy thằng bạn giúp đỡ, tôi xin được vào làm chân bốc vác cho một Công ty may mặc xuất nhập khẩu. Biết rằng nghề bốc vác vất vả, nặng nhọc thu nhập lại không cao lắm nhưng vì không có tay nghề nên đành phải chấp nhận. Vợ thì xin đi bán vé số, nắng cũng như mưa suốt ngày lang thang ngoài đường, len lỏi vào tận các ngõ ngách, nhiều ít mỗi ngày cũng được hai trăm tờ. Thằng nhỏ học bán trú. Có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều, tuy phải vất vả sớm chiều nhưng có đồng ra, đồng vào, thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
       Thấy mọi việc đều suôn xe, làm ăn có phần thuận lợi bà xã vui lắm và nói: Anh ạ, vợ chồng mình giành dụm, cố gắng dăm năm nữa mua lấy cái xe Taxi chạy Grap, em thấy đi bốc vác thế này vừa vất vả lại không chủ động được thời gian.
- Nếu như sóng yên, biển lặng, trời cứ cho cả nhà mình khỏe mạnh, anh tranh thủ làm thêm làm bù vào nữa thì ước mơ ấy sớm muộn gì cũng sẽ thành hiện tực.
       Khu nhà trọ nơi chúng tôi thuê ở có ba dẫy nhà, mỗi dẫy bẩy phòng. Già có, trẻ có, đơn thân có nhưng hầu hết là các cặp vợ chồng trẻ, người tứ xứ miền Bắc, miền Trung, đồng bằng sông Cửu long quy tụ về. Mỗi người một nghề, hầu hết là dân lao động tự do. Bình yên như một cái xóm nhỏ, trước lạ sau quen, dần dà mọi người gần gũi, cởi mở, thân thiện với nhau. Ai cũng xa quê, xa nhà nên có việc gì dù to hay nhỏ cứ ới một tiếng là mọi người cùng xúm vào.
       Cuộc sống tuy chưa phải toàn một màu hồng nhưng sáng sủa và có nhiều tia hy vọng thì bỗng dịch Covid-19 ở đâu ập đến. Lúc đầu công việc còn thúc thắc ngày đực ngày cái, rồi thành phố có chủ trương dãn cách triệt để thế là cả hai vợ chồng đều mất việc, con không được đến lớp, mọi sinh hoạt trong gia đình đều bị đảo lộn. Cứ tưởng cũng chỉ một vài tháng dịch sẽ qua đi nên ai cũng cố gắng chịu đựng. Nào ngờ… chịu mãi, chịu mãi, chịu không nổi, cả cái xóm trọ chạy đôn, chạy đáo về quê, chỉ còn bẩy gia đình anh em quê ngoài Bắc trụ lại.
       Cũng muốn đi, nhưng không thể đi được. May mà có ít tiền để giành, tháng đầu còn có cái xài. Từ tháng thứ ba bắt đầu khó khăn, mọi chi tiêu đều phải tính toán, cân đối từng đồng. Để tiết kiệm tối da trong sinh hoạt, tôi quyết định bỏ thuốc, bỏ trà, bỏ rượu. bỏ Cà phê sáng. Thấy chồng mặt mũi thất thần buồn bực như người mất hồn, vợ tôi lo lắm:
- Anh có bỏ thì cũng phải từ từ, mỗi ngày một tý chứ đoàng một phát như thế thì chịu sao được. Ốm lăn ra đấy lại một tiền gà ba tiền thóc thì khổ cả nhà.
- Đã quyết tâm bỏ là phải dứt điểm ngay – Anh bảo – Cư dây dưa nay một tý, mai một tý lại càng nghiện nặng chẳng bao giờ bỏ được đâu.  Thế là còn già nửa can rượu 20Lít anh mang đổ xuỗng cống, mấy lạng chè với gói thuốc lá đang hút dở anh cũng quảng luôn vào thùng rác.
       Thương chồng, những tưởng tha hương vào đây sẽ có cơ hội xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đâu ngờ cả những thú vui rất đời của đàn ông cũng phải buông bỏ. Cũng phải mất gần tháng anh mới hồi tâm lại được. Phải công nhận dính vào ba cái nghiện này vừa hại người, tốn tiền lại mất thời gian. Thế mà nghe bảo bập vào ma túy cái loại đá gì đấy còn khủng khiếp gấp trăm ngàn lần, thế thì chỉ có chết chứ sống sao được. Đấy như ông anh chồng sướng chẳng muốn, nghe bạn bè rủ rê thế là tàn đời.
       Vì nhiều lí do, trong đó có cái sợ thường trực nhỡ ở nhà buồn quá anh xa vào nghiệp ma túy thì chết. Tôi bàn: Anh ạ, hay là vợ chồng mình về quê, nương nhờ ông bà ngoại dẫu sao thì cũng còn có đồng ruộng, vừơn tược, có chỗ để bấu víu chứ ở đây dịch dã cứ kéo dài mãi thì lấy gì mà sống.
- Thời điểm này, đấy là cách tốt nhất anh đã nghĩ đến rồi, nhưng có rất nhiều lực cản không thể vượt qua được. Đây anh nói để em nghe nhé: Nhiều tỉnh phong tỏa, qua bằng cách nào, tầu hỏa, xe khách thì không chạy. Hơn một ngàn rưỡi cây số lại còn con nhỏ xe máy thồ sao được. Thời tiết khắc nghiệt, trời thì nắng nóng, mà nếu có quyết tâm đi thì biết bao giờ mới đến nơi, còn bao nhiêu tình huống xẩy ra trên đường biết xử lí thế nào. Lơ mơ có khi lại mang họa vào thân.
Lại thở dài, ôm mặt khóc. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, tôi biết vợ đang suy nghĩ rất nhiều. Phụ nữ thường hay cả lo, dịch dã cứ kéo dài thế này thì biết bấu víu vào đâu. Tiền thì không làm ra, tiêu cả núi cùng hết. Ăn có tiết kiệm mấy cũng phải đủ dinh dưỡng mà sống chứ, vợ chồng sao cũng được nhưng còn thằng nhỏ. Bên cạnh đó còn một khoản bắt buộc phải trả là tiền thuê nhà trọ hàng tháng. Không trả thì ra vỉa hè mà nằm à.
- Em lo lắm, chẳng lẽ vợ chồng mình ôm nhau chờ chết à anh.
- Em hay nhỉ, người ta sống được mình cũng sống được, chết là chết thế nào. Trước mắt còn ít tiền em tính toán rồi chia ra cầm cự, chủ yếu tập trung dinh dưỡng cho con. Còn tiền thuê nhà hàng tháng để mai đến ngày thanh toán anh sang nói khó xin bà chủ cho khất trả sau.
- Anh sang phải nói thật khéo vào chứ em thấy bà khó tính lắm đấy. Cẩn thận không được lại còn bị mắng đấy…
Hôm sau, tôi cùng mấy anh em kéo nhau sang thưa chuyện với bà chủ nhà trọ. Nghe chúng tôi gãi đầu, gãi tai trình bầy xong bà bảo:
- Bây giờ thế này. Các cháu cũng đều là người thập phương đến thuê trọ làm ăn. Bà biết toàn thành phố đang dãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, các cháu mất việc làm không có thu nhập cuộc sống sẽ rất khó khăn nên từ tháng này bà sẽ không thu tiền thuê nhà coi như đấy là số tiền ông bà hỗ trợ thêm thắt để các cháu trang trải hàng ngày. Đến lúc nào thành phố không thực hiện dãn cách nữa, cuộc sống trở lại bình thường thì ta sẽ tính sau.
       Tất cả chúng tôi ngớ người ra, không ai tin được đấy là sự thật vì cũng nhiều nơi giảm gia nhưng cùng lắm cũng chỉ 50% thôi. Dạ thế còn ông bà ạ, chúng cháu chỉ giám xin một nửa thôi ạ, thế đã là quý lắm rồi. Bà nhìn chúng tôi cười: Không phải lo cho ông bà, tiền các cháu gửi những tháng trước ông bà vẫn còn đủ tiêu đến hết dịch. Hai cái thân già có tiêu pha gì đâu, ăn uống mỗi bữa lưng cơm, con cháu chúng nó ở xa, chẳng đứa nào cần đến tiền của ông bà cả.
       Tôi đứng dậy lễ phép: Chúng con không biết nói gì hơn, xin cảm ơn tấm lòng của ông bà đã đùm bọc, thương yêu, chia sẽ trong lúc hoạn nạn này. Khi chúng tôi đứng dậy, bà chỉ vào những cái túi hàng đã được gói sãn để ở hiên nhà: Mỗi đứa cầm lấy một túi có gạo, rau, quả, cẩn thận không vỡ trứng.
       Lại một ngạc nhiên nữa, chúng tôi nhìn nhau trong lòng trào dâng cảm xúc về những tình cảm cao đẹp mà ông bà giành cho chúng tôi. Về nhà nghe tôi kể lại, vợ ôm mặt khóc rưng rức: Chỉ có những lúc khốn khó như thế này mình mới hiểu hết được tấm lòng cao thượng của bà. Có lẽ chỉ ở đất nước mình người dân mới có những nghĩa cử cao đẹp như thế anh ạ. Từ đấy cứ khoảng nửa tháng chúng tôi lại nhận được một túi quà như thế, cũng đủ sống được năm, sáu ngày mà không phải lăn tăn gì cả.
       Hai hôm nay, cứ đến giờ thằng Bin chuẩn bị ngồi vào bàn học trực tuyến tôi lại nghe tiếng thằng Tôm con cô hàng xóm nhà cận kề khóc lóc. Tưởng có chuyện gì, tôi chạy sang. Bước chân đến cửa nhà thì nghe mẹ nó dỗ dành:
- Thôi nín đi con, ăn còn lo từng bữa bố mẹ lấy đâu ra bằng ấy tiền để mua các thiết bị cho con học trực tuyến bây giờ.
       Thàng bé gào lên: Con không biết, con không biết cô con bảo phải có máy tính, điện thoại thì mới học được.
Thương con nhưng bất lực, mẹ nó chỉ còn biết ôm mặt sụt sùi khóc.
- Thôi nín con, bố sẽ vay tiền chỉ vài ngày nữa con sẽ có cái để học. Mẹ Tôm nói trong nước mắt: Đang phong tỏa như thế này, có tiền bây giờ cũng không mua được. Các cửa hàng đóng cửa hết, ai bán mà mua.
       Thấy tội quá, tôi lẳng lặng về kể lại cho chồng nghe rồi bàn với anh: Cùng là dân tha phương cả chẳng ai đoán được lại có cảnh bĩ cực thế này. Em định nói với bố mẹ thằng Tôm, thàng Tèo cùng lớp cho chúng nó sang học với thằng Bin nhà mình, ý anh thế nào.
- Có được không? Có vi phạm quy định về dãn cách xã hội không?
- Em định thế này: Mình phải có quy định thật chặt chẽ, đúng đến giờ học mới được tập trung, vào lớp phải sát khuẩn tay, bắt buộc phải đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn, em sắp xếp để đứa nọ ngồi cách đứa kia tối thiểu phải được 2 mét, hết tiết là giải tán ngay.
- Anh ủng hộ, nhưng em phải quản thật chặt, xẩy ra là chúng nô đùa chạy nhảy. Để Chính quyền đến phê bình nhắc nhở là phiền lắm đấy.
       Thế là từ hôm ấy, căn phòng trọ 18m2 của vợ chồng tôi trở thành lớp học trực tuyến ngày hai buổi cho 3 cậu học sinh lớp 2. Khỏi phải nói chúng vui như thế nào. Còn với tôi, quản được cái lũ này theo đúng quy trình của mình đặt ra cũng bở cả hơi tai.
       Dịch bùng phát ngày càng mạnh, việc thực hiện phong tỏa ngày càng chặt chẽ hơn. Đúng những ngày đang kiệt quệ nhất về tài chính, chúng tôi nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ rồi tiền hỗ trợ của các ban ngành ở địa phương. Các bác, các anh chị đến tận nhà thăm hỏi, động viên rồi trao quà. Không ai bị bỏ lại phía sau, hết đoàn nọ đến đoàn kia, đoàn thì hỗ trợ bằng tiền mặt, đoàn thì hỗ trợ bằng lương thực thực phẩm, đoàn thì hỗ trợ bằng phiếu đi chợ không đồng, siêu thị không đồng. Muôn hình muôn vẻ, nhưng tựu chung lại là sự quan tâm của Chính quyền, các đoàn thể, các nhà hảo tâm để chúng tôi vượt qua giai đoạn khốn khó này. Có sống trong thời khắc này, được chứng kiến tận mắt sự quan tâm ấy, mới thấm thía câu nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nghĩa cử cao đẹp của Chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, các nhà hảo tâm làm chúng tôi những người xa xứ thấy ấm lòng.


Tranh minh họa 
 
       Một buổi chiều bỗng có tiếng gọi, tôi ra mở cửa thì thấy có hai anh Bộ đội mặc bộ bảo hộ chống dịch, tay sách túi quà to trao tận tay rồi chìa tờ giấy cho tôi kí xác nhận. Nhìn tờ giấy tôi biết đấy là quà tăng gia sản xuất của đơn vị Quân đội hỗ trợ. Chưa kịp nói lời cảm ơn thì các anh lại đi tiếp sang nhà khác. Những ngày này trên khắp thành phố đi đến đâu cũng bắt gặp hình anh các anh Bộ đội trong trang phục mầu xanh của lính, các anh công an giúp dân: Hỗ trợ mua hàng, trực chốt, tuần tra bảo đảm an ninh, duy trì hoạt động ở các trạm xá lưu động…
       Các anh từ ngoài Bắc vào, từ Tây Nguyên xuống, từ các đơn vị của thành phố, những người lính của dân, vì dân ngày đêm không quản khó khăn, vất vả đến với dân trong những lúc khó khăn khiến chúng tôi phải suy nghĩ…
       Chẳng biết đến bao giờ mới hết dịch, mình sức dài vai rộng chẳng lẽ lại cứ ngồi nhà ngóng tài trợ, tôi bàn với mấy anh em ở khu nhà trọ xin đắng kí làm Shipper đưa hàng. Mọi người đồng ý ngay, tôi được phân công thay mặt anh em mang kiến nghị đệ trình lên lãnh đạo phường. Sau khi nghe trình bầy nguyện vọng, anh Chủ tịch phường phấn khởi:
- Rất hoan nghênh tinh thần của anh em, nói thật lúc này phường đang rất thiếu người đưa hàng, có sự chung tay của anh em phường cũng bớt được một mối lo. Nhưng biết trả thù lao như thế nào.
- Báo cáo với Chủ tịch, chúng em tham gia tự nguyện, không đòi hỏi thù lao, bồi dưỡng gì đâu ạ. Chúng em xa quê vào đây làm ăn được Chính quyền và nhân dân điạ phương tạo điều kiện, giúp đỡ nhiều, chúng em không bao giờ quên. Chỉ xin anh cho tiền xăng, mua hết bao nhiêu chúng em xin được thanh toán theo hóa đơn. Còn nếu xe cộ có hỏng hóc thì chúng em tự lo, trong số anh em có hai là thợ sửa chữa xe máy lành nghề đấy ạ.
- Thế có ổn không, làm không công à, gia đình anh em cũng đang gặp khó khăn mà.
       Tôi kể lại cho Chủ tịch nghe về tấm lòng thơm thảo của ông bà chủ nhà trọ, về những gói hỗ trợ của các cấp Chính quyền, các ban ngành đòan thể, các mạnh thường quân, các đơn vị quân đội…
- Anh ạ, những nghĩa cử cao đẹp ấy chúng em sẽ ghi nhớ mãi mãi. Xin Chủ tịch cho chúng em được đóng góp một chút công sức nhỏ bé cùng địa phương phòng chống dịch, ngoài ra chúng em không có đòi hỏi gì khác ạ.
- Thế mai có đi làm ngay được không?
- Dạ được ạ.
- À chưa được, sáng mai mấy anh em đến Trạm y tế phường tiêm vắc-xin đã, ổn rồi sẽ đi. Trước mắt ngày hai bữa trưa và chiều, phường sẽ bảo đảm, anh em đến quán cơm từ thiện ở đầu ngõ ăn, không phải lo tiền nong gì cả. Còn lại sẽ tính sau. Vất vả lắm đấy, cố gắng lên, phải có sức khỏe thì mới làm được lâu dài.
       Thành phố Hồ Chí Minh người xe đông đúc, nhà cửa san sát, đường xá ngóc ngách như bàn cờ. Mất mấy ngày đầu lúng tùng, nhầm lẫn, lạc đường, nhưng nhờ có anh em người địa phương đi kèm nên những ngày sau đó chúng tôi trở thành những tay shipper thiện nghệ. Ship hàng đến nhà ai, chúng tôi cũng nhận được những cử chỉ thân thiện, giọng nói ấm áp và ánh mắt trìu mên của người dân thành phố mang tên Bác.

Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
(CTV Trang TT&BT Trường Sơn)

tin tức liên quan