"Bưởi chua" - Truyện ngắn của Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 07:46 06/11/2021 Lượt xem: 290
BƯỞI CHUA
Truyện ngắn
 
       Dũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nên Dũng hiểu rất rõ tình cảnh của người làm nông, anh rất thương bố, mẹ và bà con nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng. Mặc dù sau này lớn lên anh đi bộ đội, sau đó chuyển ngành về đi học đại học ở nước ngoài, về nước anh lại được phân công làm việc ở một cơ quan cấp bộ ngay giữa Thủ đô.
       Tuy nhiên, do thói quen chăm làm từ nhỏ, lại yêu thích trồng cây, nên mặc dù chỉ có ngôi nhà bê tông 3 tầng và có một cái sân nhỏ để xe, không có vườn để trồng cây; nhưng anh vẫn hàng ngày lọ mọ xách từng xô đất lên tầng thượng trồng rau, trồng hoa bằng chậu cảnh hay các thùng xốp, để làm đẹp cho ngôi nhà và cải thiện bữa ăn cho gia đình.
       Vào những ngày Chủ nhật được nghỉ, anh thường lang thang ra chợ Bưởi vừa để thư giãn, vừa để nhớ lại khung cảnh của các chợ quê ngày xưa và tìm mua một số giống cây trồng hay loài hoa mà anh yêu thích. Đây là chợ cây cảnh có truyền thống lâu đời của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ở chợ này bạn có thể tìm mua rất nhiều loại hoa, cây cảnh, các loại giống rau, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phục vụ cho việc trồng cây cảnh hoặc trồng rau trong các hộ gia đình ở tầng thượng hay ban công…
       Một hôm, Dũng gặp một bác nông dân bán cành bưởi giống được triết từ cây mẹ, đang nở hoa rất thơm, Dũng mừng quá, hỏi bác nông dân:
        Bác ơi giống bưởi này là bưởi chua hay bưởi ngọt đấy ạ ?
        Bác nông dân trả lời: Đây là giống bưởi Diễn rất ngọt đấy cháu ạ.
       Dũng mừng quá. Liền chọn mua một cành đẹp nhất mang về trồng, mặc cho giá có vẻ hơi cao một chút. Về nhà Dũng đi tìm mua một cái chậu thật to, lại phải mất mấy ngày, ra bãi sông lấy đấy về, xách lên tầng thượng để trồng cành bưởi quý vừa mua được. Hàng ngày chịu khó chăm bón. Mặc dù có hôm đi công tác hay đi làm về muộn, Dũng cũng bật điện lên tưới và chăm sóc cây.
       Thật là cây không phụ lòng người, chỉ một năm sau cây đã lên xanh tốt và ra rất nhiều hoa thơm phức và đậu rất nhiều quả. Nhưng theo kinh nghiệm của các cụ hướng dẫn, Dũng chỉ để lại đúng 12 quả để cây có đủ chất nuôi dưỡng cho quả to và ngon. Biết bao vui mừng, hồi hộp vì trông thấy những trái bưởi vừa to, vừa xanh bóng, thoang thoảng hương thơm, ai trông thấy cũng tấm tác khen, sao mà Dũng mát tay thế…
       Sau 6 tháng kể từ ngày kết trái, Dũng hái quả bưởi to nhất xuống đưa bà xã bổ cho mọi người trong nhà nếm thử trái chín đầu mùa xem sao. Ai ngờ, mới nếm vào, mọi người đều nhăm mặt kêu trời. Bưởi gì mà chua khiếp thế !
       Thế là bao nhiêu cảm hứng của Dũng biến mất luôn; những ngày sau, có bổ bưởi ra, các cô con gái dù thích ăn chua nhất, cũng lắc đầu. Dũng tiếc của, tiếc công mình chăm sóc, nên lấy muối cố chấm ăn, nhưng cũng nuốt không trôi.
       Vì diện tích đất và các chậu cây trồng trên tầng thượng rất ít và giá trị, nên Dũng quyết định chặt bỏ cây bưởi chua này đi và trồng cây bưởi khác. Lần này để cho chắc ăn, Dũng lấy đúng loại hạt bưởi Diễn, ươm hạt và trồng từ cây con trở lên, đến giờ đã trồng được 5 hay 6 năm mà cây bưởi vẫn chưa chịu ra hoa…

 

Ảnh minh họa
 
       Dũng là cán bộ công chức làm việc trong một bộ chuyên ngành, trưởng thành từ cơ sở và là con nông dân; nên anh rất hiểu và thông cảm với nỗi vất vả của người lao động. Với tác phong sâu sát cơ sở, anh tưởng mình không còn lạ gì với công việc thường ngày của nhà nông; thế mà nhiều lần anh phải ngạc nhiên với những việc làm sáng tạo của các lão nông chân đất giầu kinh nghiệm…
       Những chuyến đi công tác ở phía Nam, anh tận mắt chứng kiến và khâm phục những người nông dân Nam bộ. Họ có tư duy lâu năm của nền kinh tế thị trường, lại chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ mới và tích lũy kinh nghiệm; nên có thể điều khiển được hoa quả ra trái vụ quanh năm như các loại: Bưởi, nhãn, sầu riêng, đu đủ, mãng cầu… Đáp ứng với yêu cầu của thị trường và bán lại được giá cao. Tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá”.
       Trong khi đó, anh rất thương bà con nông dân miền Bắc mình làm lụng, vất vả quanh năm, mà vẫn nghèo khổ, thiếu ăn. Một phần anh thấy thương họ, nhưng thật lòng một phần anh cũng trách họ, chưa có tư duy thị trường; không chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ để trồng và bán được nông sản chất lượng và giá thành cao.
       Nhưng gần đây Dũng rất mừng, người nông dân miền Bắc đã đổi mới tư duy phù hợp với kinh tế thị trường để làm ra những nông sản có chất lượng và giá trị cao, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho chính mình.
       Dũng còn nhớ một lần anh bạn cùng cơ quan mời Dũng về thăm quê anh ở Bắc Giang, nhân ngày thu hoạch vải đầu mùa. Về đến đầu làng đã thấy hàng đoàn xe máy, nhộn nhịp chở vải đi bán, nét mặt ai cũng hồ hởi, phấn khởi vì vải được mùa. Khi đứng trên đồi vải nhà anh bạn, nhìn ra bốn xung quanh rực lên một mầu đỏ rực toàn vải chín, sao mà xốn sang đến thế, mừng cho quê hương của anh bạn đã đổi mới…
       Nhưng đến khi đi vào căn nhà 3 tầng khang trang và ra vườn vải, nhìn thấy những chùm vải mọng đỏ, sai trĩu cành và đàn gà đồi Yên Thế đang mải mê bới ăn dưới những gốc cây vải, càng khâm phục những người nông dân cần cù sáng tạo ở đây gấp bội phần. Ông anh của anh bạn, năm nay đã gần 60 tuổi nói:
       Được như ngày hôm nay, rất mừng các anh ạ; nhưng chúng tôi cũng phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để có ngày hôm nay. Vì vùng đất này xưa kia vốn là đất mà người ta thường nói: “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Trên mặt đất thì đa phần là đất sỏi nhỏ, có nơi đào sâu xuống mười lăm phân thì toàn là đá vỉa. Trồng cây gì cũng cằn cỗi không lên được.
       Để trồng được cây vải trên đất này chúng tôi phải đào đá xếp lên trên, thành những hố sâu đường kính từ 3 đến 4 mét, sâu khoảng 2 đến 3 mét. Sau đó phải vận chuyển đất phù sa từ dưới các chân ruộng, hoặc nạo vét kênh mương lấy đất mùn đưa lên ủ với các loại cây phân xanh, phân hữu cơ mới trồng được cây vải phát triển. Khi cây vải ra hoa, kết trái mà gặp mưa lớn hoặc sâu bệnh, nếu không phòng tránh tốt là mất mùa như chơi…
       Lúc đầu, tuy trồng giống vải này lấy giống từ đất Thanh Hà, Hải Dương mang về có nhiều ý kiến lắm. Nhiều người không tin tưởng thành công; vì đây là loại cây đặc sản, rất có giá trị của Hải Dương, ngày xưa là loại quả đặc sản dùng để tiến Vua cơ mà. Đã là đặc sản theo như các nhà Khoa học định nghĩa: Là loại cây hay hoa quả được trồng ở những vùng thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt. Chỉ có trồng ở vùng ấy mới cho ra loại hoa quả đặc sản. Mang ra vùng khác sẽ bị thoái hóa biến chất, không còn là đặc sản nữa.
       Thế nhưng cũng có loại hoa quả mang từ vùng này đến vùng đất khác vẫn thích hợp, vẫn giữ được gần nguyên vẹn đặc tính thơm ngon của nó: Thí dụ như bưởi Diễn, gốc của nó là bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ ngày xưa. Vì thế cho nên cứ phải mạnh dạn thử nghiệm các anh ạ.
       Bây giờ thì chúng tôi khẳng định được cây vải thiều Hải Dương có thể phát triển tốt trên đất Bắc Giang mà vẫn giữ được đặc tính, thơm ngon của nó. Trở thành loại cây đặc sản có giá trị xuất khẩu lớn của cả tỉnh Bắc Giang…
        Gần đây, người dân của tỉnh Bắc Giang còn trồng cả cam Canh, bưởi Diễn nữa, kết quả bước đấu cũng có nhiều khả quan. Tuy nhiên, để khẳng được còn phải trải qua thời gian dài nữa. Nhiều nơi trong cả nước hiện nay cũng điều khiển được một số loại cây trái ra quả quanh năm để cung cấp ổn định cho thị trường và được giá cao như: Ổi, dứa, nhãn muộn… Mặc dù thời tiết ở miền Bắc có 4 mùa rõ rệt, nhất là về mùa đông rất lạnh, khó điều khiển hơn thời tiết của miền Nam nắng ấm quanh năm.
      Trong một chuyến công tác về Quảng Ninh, Dũng được các bạn đồng nghiệp đưa đến thăm trang tại trồng quýt của một hợp tác xã trồng hoa quả kết hợp với du lịch. Thật là một chuyến công tác lại được đi du lịch, miễn phí tuyệt vời. Giữa vườn quýt có một con suối nhỏ, nước trong xanh róc rách chẩy. Dưới lòng suối là những hòn đá cuội to bằng quả trứng gà hoặc to hơn, nhẵn thín, đủ các hình dáng, mầu sắc thật là quyến rũ... Hai bên suối là những vườn quýt trĩu quả đang chín vàng lung linh dưới nắng chiều.
       Được Giám đốc hợp tác xã giới thiệu đây là quýt sạch, trồng sát luôn với cánh rừng tự nhiên; để nguyên những cánh lá rừng và cành quýt đan xen cho kiến bò. Anh nhìn kỹ trên các cành cây mà xem, có rất nhiều kiến đang bò đấy! Qủa nhiên, Dũng nhìn lên thấy từng đoàn kiến đỏ, có nơi thì kiến đen bò thành hàng trên những cành quýt. Có cây kiến còn làm tổ ngay trên cây quýt; do vậy, không cần phun thuốc trừ sâu, quýt vẫn không bị sâu bệnh. Dũng chọn hái một quả quýt chín mọng trên cành, bóc ra đã thấy mùi thơm ngát quyến rũ, ăn vào thấy ngọt thanh rất ngon.
       Ông Giám đốc nói: Gần đây, chúng tôi mới mở ra tua du lịch sinh thái, đón khách du lịch vào thăm vườn quýt tự nhiên. Mọi người rất thích, nhất là khách Tây rất thích hình thức du lịch sinh thái này. Khách đến thăm vườn tự do hái quýt, ăn tại chỗ miễn phí. Còn ai muốn hái mang về thì được bán với giá rẻ hơn giá thị trường. Nơi đây chỉ cách thành phố Hạ Long có hơn 20 km, nếu đường xá đi lại tốt hơn, thì đây sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch lý tưởng trong tương lai…
       Trong một dịp về công tác tại tỉnh Phú Thọ, Dũng đề nghị lãnh đạo địa phương cho về thăm vùng đặc sản bưởi Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ, xem như thế nào mà nổi tiếng thế ! Vì là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng Trung du, trong đầu Dũng hình dung chắc phải có những quả đổi trồng bưởi xanh bạt ngàn…
       Ai ngờ đến nơi được Giám đốc HTX Bưởi dẫn ra thăm vườn bưởi, lại là vùng đất bãi phù sa phì nhiêu của sông Hồng; chứ không phải là vùng đất đồi như Dũng tưởng tượng. Thẩm nào mà bưởi ở đây được mang về vùng đất Diễn của Hà Nội để trồng từ lâu và nó có thể phù hợp được nhanh chóng với vùng đất mới.
       Mỗi trang trại trồng bưởi rộng khoảng 1 đến 2 ha. Mỗi cây bưởi cách nhau phải đến gần chục mét, có tuổi đởi hàng mấy chục năm. Có cây tuổi thọ đến gần trăm năm, được cắt tỉa, chăm sóc chu đáo, những cành yếu được chống bởi những cây tre hoặc gỗ.
       Lúc này vào cuối mùa xuân, nên cây mới đậu quả non to bằng quả bóng bàn. Thỉnh thoảng vẫn còn một vài chùm hoa bưởi ra muộn trắng tinh, nhụy vàng, thoang thoảng hương thơm… Ông Giám đốc hợp tác xã đang giảng giải cho Dũng nghe về quy trình chăm sóc tỷ mỳ và công phu cho cây bưởi. Dũng chợt nhớ ra cây bưởi nhà mình trồng trước kia là bưởi chua, không ăn được. Nay trồng cây bưởi Đoan Hùng từ hạt để thay thế mà 5 đến 6 năm rồi mà chưa thấy ra hoa.
        Dũng xin lỗi cắt ngang lời giám đốc và hỏi:
       Anh ơi, nhà em trồng phải cây bưởi chua quá không ăn được phải chặt bỏ; trồng cây bưởi ngọt từ hạt thay thế, mà mãi chẳng thấy ra hoa quả gì cả ?
       Ông Giám đốc hợp tác xã nói:
      Sao anh dại thế, lại chặt cây bưởi chua đi, ở đây chúng tôi toàn phải trồng từ bưởi chua, sau đó mới ghép cành bưởi ngọt vào; thế cây bưởi mới lên khỏe và cho nhiều quả và vẫn ngon, ngọt như thường…
       Dũng trưng hửng, thế mà bao nhiêu năm mình làm trong ngành Nông nghiệp mà không biết.
      Chắc chỉ những người lao động trực tiếp và rất yêu nghề họ mới có thể nghĩ ra nhiều sáng kiến và kinh nghiệm đến như vậy…!

Phan Vĩnh Điển
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
 

tin tức liên quan