Giải đặc biệt trị giá 400 triệu đồng
Sáng nay (23/11) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức họp báo phát động cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.
Đối tượng tham gia là công dân Việt nam ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động.
Các tác phẩm tham dự phải là tác phẩm hoàn chỉnh, dạng bản thảo chưa công bố hay tham dự một cuộc thi nào trước đây và không tham dự các cuộc thi khác cho đến khi kết thúc. Cuộc thi được tổ chức trong vòng 2 năm từ năm 2021 - 2023.
Cuộc thi là cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên, người lao động trong và ngoài nước sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân, khích lệ động viên công nhân hăng say lao động đổi mới, sáng tạo.
Đồng thời, cuộc thi còn nhằm tôn vinh lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về vai trò hoạt động thiết thực hiệu quả của tổ chức công đoàn, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các bộ công đoàn, người lao động.
Đối với truyện ngắn, kinh phí trao giải là 860 triệu đồng, trong đó, giải đặc biệt là 200 triệu đồng, giải nhất là 150 triệu đồng. Đối với thể loại tiểu thuyết có 14 giải, trong đó giải đặc biệt lên tới 400 triệu đồng, giải nhất trị giá 300 triệu đồng.
Ngoài các giải chính, ban tổ chức còn trao các giải phụ. Tổng kinh phí giải thưởng khoảng 2,5 tỷ đồng, được lấy từ nguồn xã hội hóa.
Chia sẻ trong buổi họp báo, ông Nguyễn Bình Phương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết trước đây, dòng văn học công nhân, công đoàn được nói khá nhiều, thậm chí tạo thành trào lưu, xu hướng nhưng sau đó dần lùi xa. Vì vậy, cuộc thi là hành động thiết thực nhằm đưa người công nhân, lao động, công đoàn vào trung tâm của văn học hiện đại cùng với các đối tượng khác.
Người công nhân, người lao động đã có những thay đổi trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Người công nhân, lao động mang những phẩm chất khác. Có thể mang cả phẩm chất của người nông dân, người tri thức.
"Cuộc sống hiện đại mang lại những cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức. Đại dịch giúp bộc lộ nhiều vấn đề của đời sống công nhân lao động. Trước bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn hợp tác để có thể sáng tác, khắc họa hoàn cảnh, chi tiết, số phận của người lao động trong thời điểm hiện nay", ông Phương nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giá trị giải thưởng có tỷ lệ thuận với chất lượng giải thưởng, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói: "Giải thưởng càng cao, thì nhà văn càng mừng bởi đó cũng là sự chân trọng rất lớn với các tác phẩm văn học. Bản chất nhà văn khi sáng tác, họ để giá trị vật chất sang một góc, nó không phải là yếu tố quyết định chất lượng tác phẩm, tuy nhiên giá trị của giải thưởng có thể chính là cú hích đối với các tác giả dự giải", ông Phương chia sẻ.
Ông Phương cũng khuyến khích các cuộc thi nâng cao giá trị giải thưởng, nếu có điều kiện.
Đề tài hướng mở tới cả nhóm công nhân nông nghiệp công nghệ cao
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Dân Việt về lý do chọn tại sao lại chọn chủ đề cuộc thi viết là "Công nhân, công đoàn với công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao", ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng biên tập Báo Lao động cho biết là bởi ban tổ chức muốn thông qua các tác phẩm khắc họa những hình ảnh rộng hơn về công nhân thời đại mới.
Ông Hiển cho rằng người nông dân bây giờ không đơn thuần chỉ là người "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" mà giờ đây nông dân còn là công nhân làm nông nghiệp điều khiển máy móc công nghệ cao. Công nhân cũng vậy, giờ đây họ không đơn thuần chỉ làm việc trong nhà máy, cầm búa, cầm liềm mà có thể họ còn là nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao.
"Hình thái sản xuất thay đổi, tổ chức công đoàn phát triển rộng hơn, vì thế chủ đề cuộc thi viết sẽ được mở rộng phù hợp với xu thế, hình ảnh người công nhân giai đoạn mới", ông Hiển nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, các thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng hơn 17 triệu lao động. Ranh giới giữa công nhân và nông dân rất gần nhau. Vì hôm nay họ có thể là nông dân, nhưng ngày mai họ lại là công nhân và ngược lại. Dù là ai thì lực lượng này cũng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 1/5 dân số, là lực lượng lao động chính của toàn xã hội.
Theo tiến trình phát triển, mỗi một thời kỳ ghi dấu ấn 1 đối tượng trung tâm của nền văn học khác nhau. Ví dụ trong thời kỳ chiến tranh dấu ấn anh bộ đội; thời kỳ xây dựng đất nước có hình ảnh anh xã đội trưởng; khi đất nước đổi mới hình ảnh nông dân...
Riêng vấn đề công nhân, các tác phẩm văn học chưa khắc họa được vì thế đây là cơ hội để các nhà văn thể hiện. Ông Hiểu cũng cho rằng dịch Covid-19 phát lộ nhiều vấn đề, đằng sau những dãy nhà trọ san sát là câu chuyện những nữ công nhân không lập gia đình, bà mẹ đơn thân, ước mơ về một ngôi nhà nhỏ…
"Từng đồng đô la có được từ nhập khẩu là nhờ sự đóng góp thầm lặng, lặng lẽ của người công nhân vì thế thông qua những tác phẩm chúng tôi mong muốn hình ảnh người công nhân, lao động được khắc họa từ đó có thể lắng nghe, chia sẻ với công nhân", ông Hiểu nói.
Cũng theo ông Hiểu, cuộc thi là hoạt động thiết thực, cụ thể triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02- NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". triển khai tinh thần, nhiệm vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.