“Những bông hoa sứ trái mùa vẫn tỏa hương”. TG: Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 07:01 20/04/2022 Lượt xem: 297
---------------------------------------------------
       Tập truyện ngắn mang tên “ Hoa sứ nở trái mùa” của Nguyễn Đại Duẫn – Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Việt Nam được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 8 năm 2021. Cuốn sách đã được giới thiệu tổng quan đồng thời được trích đăng một số mẩu chuyện trên Báo Điện tử Hội Trường Sơn Việt Nam và đã được độc giả quan tâm, đánh giá cao…
       Ban Biên tập Trường Sơn vừa nhận được bài viết của Nhà giáo Hoàng Minh Đức đến từ Quảng Bình. Bài viết là tiếng lòng, là cảm nhận, là tôn vinh “ Hoa sứ nở trái mùa” – Tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Nguyễn Đại Duẫn…
       Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn

 
 
NHỮNG BÔNG HOA SỨ TRÁI MÙA VẪN TỎA HƯƠNG
Hoàng Minh Đức
 
        “Hoa sứ nở trái mùa” là tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Đại Duẩn, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2021. “Hoa sứ nở trái mùa” khắc họa hình ảnh của những người lính đang vươn tới cái đẹp, tinh hoa của cuộc sống.       
         Truyện ngắn “Hoa sứ nở trái mùa” kể về tình yêu của một chiến sĩ nữ thông tin tên Ngân trong Tiểu đoàn bộ với chàng lính trẻ có tên là Đại. Anh lấy truyện này đặt tên cho tập truyện đầu tay.
         Tình yêu họ đến với nhau sau lần đầu tiên Đại đang hỏi đường về Tiểu đoàn bộ. Đại lên cơn sốt, Ngân chăm sóc như một cô hộ lý của Trạm xá. Mỗi lần bưng bát cháo lên cho Đại, bao giờ cô cũng mang theo một bông hoa sứ. Hoa sứ tỏa mùi hương dìu dịu thơm ngát cả căn phòng. Rồi khi đã đẩy lui cơn sốt, Đại khe khẽ cất tiếng hát: “Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Hương nồng hoa tình ái, đậm đà đây gọi tên…”. Đến ngày tết Bunpimay Lào, cả hai người hái hoa về cắm vào lọ thưởng thức cái nồng nàn hương nhã của loài hoa. Thế mà năm đó không hiểu sao loài hoa chỉ nở vào đúng những tháng ba, tháng tư nay lại nở vào tháng Chạp. Một loài hoa trùng tên với Đại đã nở trái mùa để minh chứng cho tình yêu của hai người. Tình yêu cho họ có thêm sức mạnh để chiến thắng bệnh tật. Khi Đại về nước cũng là lúc đến ngày Ngân ra quân. Nếu với một người tầm thường thì đây là cơ hội hai người về Việt Nam để cưới hỏi, đoàn tụ. Nhưng với Ngân, tình yêu thương đồng chí, đồng đội đã vượt lên tất cả. Về mùa mưa toàn tiểu đoàn bị sốt rét gần hết. Cây le đã phủ đầy lối đi, dọc tuyến đường dây. Ngân xung phong xuống Đại đội đi phát tuyến. Và đây là những ngày cuối cùng của cô ở lại đơn vị. “Khi cây dao quắm vung lên. Hình như trong bụi le có một quả bom bi vàng chóe. Nhưng không kịp nữa rồi. Một tiếng nổ khô khốc chát chúa vang lên. Ngân gục xuống bên vũng máu. Khi mọi người chạy đến thì ánh mắt của Ngân dại dần. Cô thều thào đứt quãng: “Vĩnh biệt các đồng chí…. Cho em gửi lời chào a… anh… Đ…ạ …i…!”. Đoạn văn thật ám ảnh, thương xót và bi hùng. Ngân ngã xuống nhưng tình yêu của họ đã trở thành bất tử.
         Truyện ngắn “Ngày về” kể về tình cảm ba người bạn Đức, Lan, Bình cùng học chung một lớp. Tiếng súng biên giới thúc dục bộ ba lên đường đi đánh quân bành trướng. Người bạn gái đi tải thương tiếp đạn. Hai bạn nam cùng vào một Tiểu đội. Họ chặn đứng một mũi tiến quân của địch trên chiến trường biên giới Lạng Sơn. Đức bị thương gục xuống giữa chiến hào. Quân địch ỷ đông dùng chiến thuật đầu nhọn đuôi dài xông thẳng vào trận địa. Không thể để địch bắt sống được Đức, Bình đã phải dụ chúng chạy vào bãi mìn. Mìn nổ, xác giặc ngổn ngang. Bình ngất đi trong tiếng hô xung phong của quân ta ào ạt xông lên làm chủ chiến trường. Tỉnh lại, Đức tưởng bạn mình đào, bỏ ngũ. Ngày về, họ lại gặp nhau sau mấy chục năm kết thúc chiến tranh. Hạnh phúc đến với cả ba người lính trong tiếng pháo mừng xuân. Ngoài trời lất phất mưa bay và cành mai vàng đang khoe sắc rung rinh trong gió xuân nhè nhẹ.  
         Phần lớn, truyện ngắn Nguyễn Đại Duẩn viết về người lính sau khi trở lại đời thường. Các truyện ngắn “Ngày về”, “Con mèo đen”, “Hương chanh”, “Món quà xuân”,  “Chuyện chưa thành tên”, “Nhà toàn con gái”, “Người trở về”, “Chuyện bây giờ mới kể”, …luôn ca ngợi đức hy sinh của người lính. Họ đã giúp nhau không gục ngã trước sự cám dỗ của vật chất tầm thường. Những người lính đã vượt qua thử thách chống lại cái xấu, cái ác, cái tham lam, vị kỷ len lỏi vào mỗi con người, từng tế bào của gia đình, xã hội. Họ là lực lượng hùng hậu bảo vệ Đảng, Chính quyền, bảo vệ Nhân dân, duy trì trật tự an toàn xã hội.
        Nếu văn học Việt Nam trong chiến tranh luôn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là sức mạnh của một dân tộc để có thể viết nên bản hùng ca khuất phục kẻ thù. Thì sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong thời kì đổi mới, văn học có xu hướng tái hiện con người bản thể. Đó là từ cái “ta”, của chủ nghĩa tập thể chuyển sang cái “tôi” của từng cá thể. Trong bối cảnh văn chương hậu hiện đại tràn ngập khắp hành tinh thì lối viết cũ cần được cách tân. Thủ pháp lắp ghép đã được nhiều tác giả vận dụng để cấu trúc nên một truyện ngắn. Nguyễn Đại Duẩn không đi theo con đường đó. Anh vẽ chân dung người lính từ hiện thực cuộc sống. Có nhiều nguyên mẫu nhân vật được anh tái hiện đưa lên trên trang viết.
        Tập sách còn có các truyện ngắn “Sự đời”, “Thằng Hoang”, “Nàng thơ”, “Mẹ đi lấy chồng”, không mấy liên quan đến người lính, nhưng đều mang đậm chất lính. Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẩn là một nhát cắt của tiểu thuyết. Truyện “Thằng Hoang” là một ví dụ. Cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam thấp thoáng trong cuộc đời của chị Mai, một cựu Thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam. Chị đã nhặt được thằng Hoang từ bãi rác. Thằng Hoang bị người đời chối bỏ nhưng trong lúc nan nguy nhất đã bất chấp tính mạng mình lao ra để cứu 3 đứa trẻ khỏi chết đuối dưới hồ. Trước lúc chết vì căn bệnh ung thư, di chứng của chiến tranh, chị đã kịp giáo dục cho con đức tính của người lính. Sống dũng cảm, trung thực và biết yêu thương tất cả mọi người. Hoang mất đi đã để lại trong lòng người đọc một sự tiếc thương, kính trọng. Em xứng đáng là đứa con của lính.
        “Hoa sứ nở trái mùa”, là tác phẩm tôn vinh những người lính đã đi qua các cuộc chiến tranh. Họ sống dũng cảm, trung thực, giàu lòng vị tha, ở trên chiến trường cũng như về hậu phương, giữa cuộc sống đời thường.
        Nguyễn Đại Duẩn đến với văn chương có hơi muộn màng. Về hưu anh mới có thời gian dành cho văn học. Anh vẫn công tác trong Hội Cựu chiến binh của xã và trong ban chấp hành chi hội Văn học- Nghệ thuật của huyện. Độc giả đang mong chờ anh tiếp tục khai thác đề tài người lính để có những tác phẩm mới.
       
Hoàng Minh Đức,
Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại: 0379872648.
tin tức liên quan