“Bố chồng tôi” – Truyện ngắn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:05 28/06/2022 Lượt xem: 396
BỐ CHỒNG TÔI
(Nhân ngày gia đình Việt Nam – 28/6)


 
     Nhiều đêm dằn vặt, nhất là những hôm trái gió trở trời cái mỏm cụt dưới cẳng chân trái đau nhức làm ông mất ngủ, ông lại tự hỏi: Mình làm như vậy có xứng là bậc làm cha, có mang tội với hương hồn con trai không? Ở nơi chín suối nó có hiểu cho tấm lòng một người cha như ông không?
     Mỗi lần như thế ông lại dậy thắp hương, đứng trước bàn thờ cầu khấn gia tiên, tiền tổ phù hộ cho ước nguyện của ông. Cầu mong con trai thấu hiểu cho những suy nghĩ của cha.
     Có mỗi mình anh là con trai duy nhất, là người kế nghiệp trưởng tộc lúc ông về già. Thuộc diện ưu tiên được miễn đi bộ đội. Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, anh bàn với vợ, xin phép bố mẹ tự nguyện viết đơn tòng quân đi đánh giặc. Phải đến lần thứ ba khi lá đơn được viết bằng máu thì anh mới được chấp nhận.
     Cả nhà không ai ngăn cản, nhưng trong sâu thẳm của đáy mắt và nụ cười là nỗi lo mơ hồ. Chiến tranh mà. Không ai dám nói trước điều gì. Anh đi chiến trường, để lại hậu phương cho người vợ trẻ gánh nặng chăm lo gia đình, nuôi dưỡng chăm sóc bố mẹ già, nuôi dậy hai đứa con sinh đôi còn thơ dại. Khi sạch bóng quân thù, vùng biên ải tạm yên tiếng súng hầu hết các gia đình vui mừng đón chồng, con, em trở về. Làng trên xóm dưới chỗ nào cũng vui như hội, rộn rã tiếng cười nói. Riêng con trai ông vẫn biền biệt chẳng có tin tức gì.
     Đi làm thì chớ, về đến nhà là ông lại làm ấm trà đặc, cầm cái điếu cầy ra ngồi bệ cửa, dõi mắt ra ngoài cổng. Bà thì lủi thủi dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, con lợn, con gà. Vợ anh đứng lớp ngày hai buổi, bận bịu với công việc xã hội, tối về lo kèm cặp dậy bảo con, chấm bài vở, soạn giáo án… hôm nào cũng phải đến khua mới được nghỉ. Trong nhà vắng tiếng cười, ít tiếng nói. Chị nhớ anh, ngóng tin anh, đếm từng ngày, nhưng không dám thở dài trước mặt bố mẹ chồng và các con. Lấy công việc và nuôi hy vọng để tự an ủi mình. Nhiều đêm đang mơ màng bỗng nghe ngoài cổng có tiếng động*, chị vùng dậy tưởng anh về… Cô đơn, lạnh lẽo, nước mắt chảy dài. Chị có linh cảm anh không về và…dù không muốn chị cũng phải chấp nhận sự thật ấy.
     Từ ngày anh đi bộ đội, nhất là sau khi anh hy sinh chị cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt của bố mẹ chồng. Tuy đã lớn tuổi nhưng việc nhà cửa, cơm nước, ruộng đồng, đưa đón, tắm rửa cho các cháu ông bà không để chị phải bận tâm. Thương chồng, yêu con, chị luôn trân trọng, dành hết tình cảm và luôn coi bố mẹ chồng như cha mẹ đẻ ra mình. Mọi chuyện nhà, chuyện nuôi dậy con, cả chuyện công tác và các mối quan hẹ xã hội chị thường hay chia sẻ, tham khảo, hỏi ý kiến ông bà, cũng chính vì thế mà giữa bố mẹ chồng với nàng dâu thân tình như cùng máu mủ, ông bà càng thương chị, không nỡ lòng nào nhìn chị cô quạnh, lủi thủi một mình.
     Sau nhiều lần suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng ông cũng quyết định phải đem chuyện ấy thăm dò ý kiến của bà trước.
     Giọng bà buồn buồn: Làm như thế có phải với hương hồn con trai mình không.
- Mình có làm điều gì xấu đâu bà. Bố mẹ lo cho hạnh phúc của con cái là lẽ thường tình, là hợp đạo lí chứ có gì mà không phải. Nhìn nó bà có thương, có thấy tội nghiệp không. Con trai mình hy sinh cũng vì dân, vì nước, vì hạnh phúc của mọi người. Linh hồn nó sẽ thảnh thơi hơn nếu thấy vợ con cũng được hạnh phúc, được bố mẹ yêu thương. Bà cứ nghe tôi, mình phải thật sự coi nó là con đẻ thì sớm muộn gì nó cũng nghe ra.
- Ông đã nói thế thì để tôi lựa lời nói với con.
     Một buổi trưa, chị tranh thủ có việc qua nhà, vừa bước chân lên bậc hè bỗng vô tình nghe được câu chuyện của hai ông bà:
     Giọng ông chậm rãi: Chuyện hôm nọ tôi bàn với bà, bà đã trao đổi với con chưa.
- Tôi vẫn chưa dám nói, sợ nó hiểu lầm.
- Mình là cha mẹ, nó là con cái có chuyện gì mà bà phải sợ. Trên ba mươi tuổi rồi, chưa phải già nhưng không còn trẻ. Bậc làm cha, làm mẹ tôi không đành lòng nhìn nó như thế.
     Bà thở dài: Nếu nó có thuận thì biết lấy ai. Trẻ thì không ai với, lớn tuổi hơn thì đã có gia đình. Đã qua cái tuổi chơi bời hẹn hò, lại bận trăm công ngàn việc làm gì có thời gian tìm hiểu.
- Bà cứ làm tư tưởng đi, cả với nó và bên ông bà thông gia nữa, nếu nó không tự tìm được thì tôi lo. Thế hôm nọ bà ra Chùa thày bảo sao, xin âm dương có thuận không.
- Thầy bảo ông bà lo thế là phải đạo. Dâu rể con nào cũng là con, nhất là chồng nó lại hy sinh vì dân vì nước, lo được thế là để phúc cho đời sau. Còn âm dương xin một đài được ngay. Thầy còn dặn tuổi nó cuối sang năm cưới được là thuận nhất.
     Nghe đến đấy chị không cầm lòng được, vội chạy vào quỳ sụp dưới chân ông: Con xin lậy bố mẹ đừng đuổi con đi. Từ ngày nhà con hy sinh con đã hứa với lòng mình sẽ mãi mãi ở vậy thay anh phụng dưỡng bố mẹ và nuôi dậy các cháu nên người…rồi chị khóc nấc.
     Ông đứng lên đưa hai cánh tay ra đỡ chị ngồi vào chiếc ghế bên cạnh: Con đã biết chuyện rồi thì bố nói luôn: Con còn trẻ, con phải lấy chồng, con phải được hạnh phúc như tất cả những người phụ nữ khác, không thể ở như vậy mãi được. Nếu con không tìm được người vừa ý thì bố mẹ sẽ lấy chồng cho con. Bố mẹ biết tấm lòng của con nhưng bố mẹ không đành lòng nhìn con góa bụa mãi như vậy. Con hãy nghe lời bố mẹ, bố có linh cảm chồng con nơi chín suối cũng sẽ bằng lòng.
- Bố mẹ tuổi ngày một cao, các cháu lại đang tuổi lớn, nó sẽ nghĩ gì về con. Rồi thiên hạ dị nghị làm sao con có thể ngẩng đầu lên được.
- Thời buổi bây giờ khác rồi, nếu con muốn bố mẹ được vui, sống khỏe, thảnh thơi với tuổi già thì phải nghe lời. Con có lấy ai thì vẫn phải ở trên mảnh đất này, vẫn là con của bố mẹ. Ai có làm chồng con thì vẫn phải về ở làm rể bố mẹ. Đất này của tổ tiên để lại khi bố mẹ về già nó là của các con. Còn việc làm tư tưởng với bọn trẻ, với họ hàng, làng xóm đã có bố mẹ.
     Ông bà đã nói đến nước ấy thì chị chỉ còn biết vâng lời. Chị hiểu mình có đi bước nữa không phải chỉ cho riêng mình, còn cho con và cả bố mẹ chồng. Điều làm chị lo lắng nhất là cuộc sống vợ chồng sau đó có được hạnh phúc không, có được như kì vọng của ông bà không, người đó có đủ tư cách để làm cha của hai đứa trẻ không. Những câu hỏi ấy cứ xoáy lấy chị, day dứt buộc chị phải đắn đo suy nghĩ.
Cái tuổi nó đuổi xuân đi. Lại một năm nữa trôi qua. Ông sốt ruột lắm, chẳng thấy chị đưa ai về ra mắt, có hỏi thì cứ ầm ừ cho qua chuyện: Ngần này tuổi đầu, con cũng không kén. Cũng có người đến nhưng con sợ, con thấy thế nào ý.
     Ông dứt khoát: Thôi để bố lo. Con hãy tin bố…
     Thôi để bó lo, nói như vậy thôi chứ ông cũng lo lắm. Cũng có vài người mai mối nhưng ông chưa chấp thuận. Trai tơ cũng có, người thì lớn tuổi quá, người lại đông con, người thì không có công ăn việc làm…Ông không kén, không cầu toàn vì con mình đã… Vội thì vội thật, nhưng cũng không phải vì thế mà bất chấp, vơ bèo vạt tép, cuộc sống tương lai của nó còn dài.
     Một hôm ông nhân được giấy mời gặp mặt truyền thống Tiểu đoàn thời đánh Mỹ trên đường Trường Sơn. Hồi còn ở chiến trường ông đã có mười năm gắn bó máu thịt từ những ngày đầu còn là anh lính tò te đến lúc làm Đại đội trưởng ở đơn vị này . Sau hơn ba chục năm lần đầu tiên anh em lại được gặp nhau. Tay bắt, mặt mừng, người thì từ Quảng Bình, Nghệ An ra, người từ Lào Cai, yên Bái cùng các tỉnh quanh Hà Nội về.
- Chào thủ trưởng, thủ trưởng có nhận ra em không ạ.
     Ông nhìn người đang đứng trước mặt mình, có nhiều nét quen quen. Phải một lúc lâu ông mới nhớ ra: Thắng hả, Nguyễn Quốc Thắng phải không?.
- Vâng em đây, Nguyễn Quốc Thắng đây. Rồi hai người lính Trường Sơn năm nào ôm chặt lấy nhau. Những giọt nước mắt cứ thế lăn qua hai bên gò má.
     Hồi ấy đơn vị được bổ xung một lớp tân binh, ông chọn Nguyễn Quốc Thắng làm liên lạc. Mới gặp đã có cảm tình ngay, ông quý Thắng ở chỗ được học hành tử tế, thông minh, nhanh nhẹn, sức khỏe tốt và rất được việc. Từ đấy đi đâu ông cũng lôi theo. Gọi là thủ trưởng Đại đội với chiến sỹ nhưng giữa ông và Thắng chỉ hơn kém nhau có vài tuổi nên ngoài những lúc công việc còn lại hai người coi nhau như anh em, nhiều lúc tếu táo như bạn bè.
Chiến trường đòi hỏi sự chi viện ngày càng nhiều, phải tranh thủ mọi thời cơ để chuyển hàng vào trong. Rút ra từ quy luật hoạt động của địch, khoảng giữa buổi trưa tầm từ 11-14h, thời tiết mùa hè nắng nóng gay gắt bọn máy bay Mỹ cũng phải “ giải lao”, tạm ngừng hoạt động. Thủ trưởng Binh trạm quyết định cho xe chạy ngày vượt trọng điểm.
     Tổ chức chạy ngày là một quyết định táo bạo và bất ngờ. Nhờ công tác tổ chức chặt chẽ: số lượng xe, tốc độ, cự li, công tác phòng chống rủi ro…nên mọi việc đều diễn ra suôn xẻ. Nhưng có một sự cố đã sẩy ra: Một hôm, chiếc xe cuối cùng đang ì ạch vượt Phu-la-nhích thì bị hỏng máy nằm chết dí gữa trong điểm. Sau hai phát súng báo hiệu sự cố. Ông vội kéo Thắng cùng đi kiểm tra. Vừa đến chỗ chiếc xe bị nạn thì bất ngờ một tốp F4 lao xuống cắt bom. Kéo cậu liên lạc lao vội xuống một căn hầm, ông vừa kịp đẩy Thắng xuống trước thì một loạt bom nổ, đất đá, khói bụi mù mịt. Lúc Thắng kéo được Đại đội trưởng xuống thì một bên chân trái anh máu chảy đầm đìa. Thắng xé vội tay áo buộc lại phía trên vết thương cầm máu. Sau hai loạt bom là một khoảng lặng, Thắng trườn ra khỏi hầm:
- Thủ trưởng cố chịu đau, bám chặt lưng em. Phải thật nhanh, em cõng anh, mình men theo vách ta luy dương tránh càng xa khu vực đánh phá càng tốt. Chiếc xe còn đấy, nó quay lại bây giờ.
     Cõng Đại đội trưởng trên vai, Thắng vừa thở dốc vừa gò lưng chạy. Được một đoạn, một tốp khác lại gầm rú lao xuống cắt bom. Hai anh em ép sát người xuống chân ta luy, Thắng nằm đè lên người để tránh thêm thương tích cho Đại đội trưởng. Cứ thế, sau mỗi loạt bom lại chạy xa dần và thoát được ra khỏi khu vực đánh phá.
     Do vết thương quá nặng, Đại đội trưởng phải bỏ đi một chân, “ bị loại khỏi cuộc chiến”. Còn Thắng toàn thân bầm dập vì bị đất đá ném vào nhưng xương cốt thì không sao, cũng may vẫn giữ được cái gáo nhờ sự bảo hộ của chiếc mũ sắt. Sau đó hai năm anh được cử đi đào tạo tại trường Sỹ quan Công binh.
     Tối hôm ấy, ông Thắng mời bằng được Đại đội trưởng về nhà mình nghỉ, vừa để “ khoe” thủ trưởng cũ bằng xương bằng thịt với vợ con chứ không phải chỉ bằng những câu chuyện kể, vừa để anh em có thời gian tâm sự. Đêm ấy, câu chuyện của hai người từ lúc phải xa nhau cứ nối dài mãi, vui có, buồn tủi có, có tiếng cười sảng khoái, có tiếng thở dài và không ít tiếng nấc nghẹn… Những năm tháng cùng vào sinh ra tử, tình đồng đội, tình anh em được tôi luyện trong bom đạn đã kết dính tình cảm giữa hai người lính, họ thật sự trân trọng, quý mến và tin tưởng ở nhau. Và cái kết cuối cùng sau một đêm tri kỉ là hai gia đình phải trở thành thông gia của nhau. Hai ông mà đã tâm đầu ý hợp như thế thì kiểu gì hai bà cũng vui vẻ, không còn gì để phải đắn đo.
     Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, Thắng được điều động về một Lữ đoàn Công binh. Vợ anh là cô giáo dậy cấp hai ở một huyện ngoại thành. Anh chị sinh được hai cậu con trai, cả hai đều đã có gia đình cùng sống trên mảnh đất của bố mẹ. Gia đình anh cả được hai con đủ nếp tẻ. Anh thứ hai không được may mắn khi vợ anh đưa con nhỏ đi lớp chẳng may bị tai nạn, mặc dù được cấp cứu kịp thời nhưng cả hai mẹ con đều không qua khỏi. Từ đấy nhiều năm anh sống lặng lẽ, chỉ chú tâm vào công việc. Cũng có người mai mối nhưng chẳng hiểu sao cái duyên vẫn cứ không đến.
     Một chiến lược “ mưa dầm thấm lâu” được hai ông vạch ra, điều quan trong nhất trong “chiến lược” này là không được gò ép hoặc gợi ý một cách thô thiển. Trách nhiệm của hai gia đình là phải tạo cớ, tạo cơ hội, tạo mọi điều kiện tự nhiên để hai đứa tự đến với nhau một cách tự nguyện. Sự gắn bó giữa hai gia đình ngày càng trở nên thân thiết và cũng chẳng biết từ lúc nào hai phận người cơ nhỡ kia lại trở nên gần gũi, trao tình thương yêu cho nhau. Nhất là hai đứa con của chị lâu lâu không thấy anh đến nó lại nhắc, lại giục mẹ gọi điện.
     Không nói ra nhưng cả nhà ai quý mến anh ở đức tính thật thà, hiền lành, biết chia sẻ, một cán bộ cấp Vụ có tư cách. Còn điều nữa cũng làm ông ( và chắc cả cô con dâu nữa ) rất ưng thuận là bởi tên anh cùng vần với tên con trai ông, một đứa là Quý, một đứa là Quỳ. Anh cùng tuổi với con trai ông, có nhiều nét hao hao giống nhau từ tính cách đến đôi mắt và nụ cười. Ngay từ hôm đầu đến thăm nhà, nhìn thấy anh ông đã thấy gần gũi, mường tượng ra con trai mình như đang hiển hiện bằng xương, bằng thịt.
     Từ ngày có bạn, con dâu vui vẻ như trẻ ra. Sau khi hai “đứa trẻ” đã bén duyên, hai gia đình, hai bên nội ngoại bàn bạc cặn kẽ, thấu đáo, ông quyết định bán một phần mảnh đất thổ cứ nằm sát con đường liên tỉnh xây tiếp căn nhà liền kề sát vách căn nhà ông bà đang ở làm nơi sinh hoạt riêng cho anh chị. Riêng việc ăn uống thì tất cả vẫn phải quy về một mối, mục đích để gia đinh, ông bà con cháu hàng ngày đoàn tụ, một phần cũng để đỡ đần cho anh chị có thời gian lo việc công.
     Ngày tổ chức lễ thành hôn. Đám cưới không bầy vẽ nhưng trang trọng. Nhận được tin vui, bạn bè, bà con lối xóm ai cũng bớt chút thời gian đến chúc mừng hạnh phúc anh chị, chúc mừng ông bà có rể mới. Ai cũng khen chị may mắn, có phúc được làm con ông bà. Mọi người đều vui, nhưng có lẽ ông mới là người vui nhất, mãn nguyện nhất.
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

 

tin tức liên quan