“Người ở lại” – Truyện ngắn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:41 07/08/2022 Lượt xem: 599
Nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam 9-8
 
NGƯỜI Ở LẠI
(Truyện ngắn )
Hoàng Văn Kính

       Bà từ từ mở to đôi mắt, hai bàn tay run run nắm lấy cánh tay em ruột đang ngồi cạnh. Giọng thều thào, ngắt quãng trong hơi thở yếu ớt: Chị đi đây, em nhớ sang trông anh và các cháu thay chị, chị chỉ còn biết trông chờ vào em… – Đôi mắt ngấn lệ như van xin nhìn mãi vào mắt em gái – Chỉ đến khi người em gật đầu: Vâng em xin nghe lời chị - Lúc ấy bà mới thở hắt ra, buông tay xuống chiếu.
        Bố mẹ mất sớm, chỉ có hai chị em nương tựa vào nhau trong căn nhà lụp xụp. Mãi đến năm ba mươi tuổi bà mới lấy chồng.
       Hồi ấy có một anh Thương binh nặng người cùng làng ở Trại điều dưỡng về. Một mắt bị hỏng, còn một mắt thị lực rất kém. Thương hoàn cảnh của anh vừa bị thương tật lại chỉ có một mẹ già nên bà nhận lời mai mối về làm vợ. Cũng chỉ nghĩ đơn giản: Có gia đình là có tất cả, mặc dù anh như thế nhưng mình có sức khỏe, rồi mọi khó khăn trước mắt sẽ qua đi.
       Về làm vợ, bà là người gánh vác lo toan mọi việc trong nhà. Cuộc sống tuy có vất vả nhưng cũng không đến nỗi nào.
       Sòn sòn trong ba năm bà sinh liền hai cậu con trai. Lúc mới sinh, đứa nào cũng bụ bẫm, trắng trẻo, dễ nuôi, hay ăn chóng lớn nhưng chẳng hiểu sao chỉ ú ớ, không nói được. Lớn dần lên, thằng em thì khỏe như con trâu, người to, cao nhưng lại khờ khạo, tính tình nóng nẩy thất thường. Còn thằng anh người cứ dài ra, các cơ bắp teo dần lại, bước đi siêu vẹo, đầu ngoẹo sang một bên, lúc nào cũng nhe răng ra cười.
        Dân làng kháo nhau hai đứa trẻ bị di chứng chất độc Da-cam từ ông bố truyền sang. Nghe cũng chỉ biết vậy chứ bà có biết thứ chất độc ấy là cái gì đâu.
       Thương hai đứa cháu tội nghiệp, lúc nào mẹ chồng cũng sầu não, nhiều bữa bỏ ăn cụ chỉ nằm rên, than thở vật vã trách móc các cụ đời trước chắc ăn ở thất đức nên trời mới gieo quả đắng để các cháu bà phải gánh chịu. Nhà nghèo, tiền chẳng có, thuốc thang cũng không. Lay lắt hơn một năm sau cụ qua đời.
       Thương mẹ, thương mình, thương vợ, thương con, ngày đêm dằn vặt, khóc nhiều nên con mắt còn lại của anh cũng giảm dần rồi mất hẳn thị lực. Từ chỗ còn mó chân mó tay giúp vợ quyét dọn cái nhà, cám bã cho con lợn con gà nay chỉ ngồi một chỗ. Không rời cây gậy trong tay, bước xuống khỏi giường là phải dò dẫm, nhiều khi vấp ngã xây xước cả mạt mày. Thời kì đầu chưa quen, mọi sinh hoạt của chồng bà đều phải lo.
       Hội CCB địa phương đưa anh và các con đi khám nghiệm. Kết quả ngoài bị thương do mảnh bom anh còn bị nhiễm chất độc Da-cam Đio-xin, truyền di chứng sang cho hai đứa con. Cả 3 người được hưởng tiền trở cấp, nhờ đó mà bà có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống hàng ngày, mua thuốc thang cho chồng và hai đứa trẻ tật nguyền, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn.
       Bà lấy chồng được ba năm thì cô em cũng lập gia đình với một người ở làng bên, sau năm năm không có con nên hai người chia tay. Chị ở vậy đơn chăn lẻ gối, ra vào lặng lẽ như một cái bóng nhưng chưa khi nào dám nghĩ đến chuyện đi bước nữa, chẳng còn trẻ trung, xinh đẹp gì, tuổi đã lớn, nhà lại nghèo ai dám lấy mình làm vợ, mà lấy làm gì cho khổ ra, nhỡ không có con lại bị hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà thì biết sống ở đâu.
       Người ta bảo: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, thương chị gái, thương anh rể và các cháu mà nhận lời, lúc ấy chị cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, trong lòng chỉ day dứt một điều: Thiếu vắng bàn tay người phụ nữ rồi đây thân phận, cuộc sống của ba người tàn tật kia sẽ như thế nào, biết nương tựa vào ai nhất là những khi trái gió trở trời.
       Cả làng đều biết chuyện, ai cũng đồng cảm, thương chị. Nhiều người còn lo lắng: Không cưới hỏi gì, lạ nước lạ cái khăn gói về sống chung với ba người tàn tật, điên điên khùng khùng liệu chị có sống nổi không, cuộc sống rồi đây sẽ như thế nào. Hay là…Nhiều tiếng thở dài sau lưng chị.
       Lúc nhận lời với chị gái, chị cũng không hình dung được cuộc sống rồi sẽ vất vả như thế nào. Cũng may sau này nhờ có chính sách, gia đình thuộc diện ưu tiên được tặng ngôi nhà tình thương đỡ phải chui rúc nắng mưa. Nhớ lại cái hồi mới về, mỗi lần trời đổ mưa dù đang làm ở đâu cũng phải tất tả chạy về sơ tán người, che đậy không thì ướt hết. Có những đêm mưa cả nhà phải ngồi chụm đầu lại che tấm nilon cho khỏi ướt. Mỗi khi sấm chớp là hai đứa trẻ sợ dúm người lại ôm chặt lấy bà, miệng không ngớt la hét. Có đứa sợ vãi cả ra quần lại phải thay, phải rửa, phải vỗ về để chúng bình tâm lại.
       Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 4 giờ sáng bà đã phải thức giấc. Quyét dọn, nấu nướng cho cả nhà ăn sáng. Rồi lần lượt đánh thức từng người dậy vệ sinh cá nhân, lau rửa mặt mũi. Mỗi anh là tự làm được, còn hai đứa trẻ đều phải chờ hai bàn tay bà, nếu để cho chúng tự làm thì hộp thưốc đánh răng chỉ ba ngày là hết, la hét, hắt té nước vào nhau.
       Bữa ăn sáng cũng chẳng có gì mỗi người chỉ bát cơm hôm thì chan mắm, sang hơn thì muối vừng lạc. Nhiều chị em góp ý: Cứ phiên phiến đi cũng được, cần thiết thì nấu một bữa ăn cả ngày cho đỡ vất vả còn lại giành chút thời gian mà nghỉ ngơi chứ cứ quần quật như thế từ sớm đến 10-11 giờ đêm mới được ngả lưng thì trâu cũng ngã huống chi là con người.
       Cũng phải nhưng chị lại nghĩ khác: Bữa ăn cũng đã chẳng có gì, thôi chịu khó bữa nào nấu bữa ấy, ăn chín uống sôi, bát cơm bát canh còn nóng bao giờ cũng tốt hơn. Người ta bảo như thế sẽ không bị mất nhiều chất dinh dưỡng.


Ảnh minh họa
 
       Cái làm chị vất vả hơn cả là sự phá phách của thằng em. Bố nó thì ngồi đấy chẳng nhìn thấy gì, mà có nói chúng cũng chẳng thèm nghe có hôm còn bị đánh thâm tím cả mặt mày. May mà hàng xóm các bác cũng tốt, hễ cứ thấy tiếng la hét, va đập là chạy sang can ngăn.
       Nhiều đêm thương chị anh khóc. Oán trách chiến tranh đã cướp đi của anh tất cả, trách số phận đã không mỉm cuồi với mình như bao người khác, trách cuộc đời sao quá phũ phàng…Sợ bị nỗi đau dằn vặt anh nghĩ quẩn chị lại phải to nhỏ động viên, an ủi cho anh yên lòng.
       Trong số hai đứa tật nguyền, thằng em là hung tợn nhất. Khi nó đã lên cơn thì bất chấp tất cả. Có lần nó trèo cây, sợ bị ngã chị chạy lại ngăn thế là nó túm lấy tóc ghì xuống đất rồi tát vào đầu, xé toạc cả áo. Nhớ nhất cái lần đang ngồi giặt ở cầu ao, nó từ từ đi lại phía sau rồi đẩy chị ngã, nhảy ùm xuống theo túm tóc dìm đầu chị, uống no nước tưởng chết may mà được hàng xóm phát hiện, giải cứu. Từ đấy làm gì chị cũng phải cảnh giác, cuốc xẻng, dao dựa phải tìm chỗ cất để chúng không phát hiện ra. Cứ sau một ngày, ngôi nhà như một bãi rác, nó nhặt nhạnh về đủ thứ: cây que, chai lọ, gạch đá, đồ phế thải, phế liệu dấu vào gầm giường, góc nhà. Chỉ đến khi nó lên giường ngủ chị mới lặng lẽ dọn, làm sớm sợ lại bị nó đánh.
        Thằng anh tính cách lại khác hẳn, hiền lành cả ngày chỉ ngồi ở góc hè cười một mình, đến bữa ăn chị phải bón chứ để nó tự xúc mười hạt thì chín hạt vương vãi ra ngoài, đi vệ sinh chị cũng phải lau rửa. Có hôm nửa đếm cả nhà đang ngủ, nó ngồi dậy cười sằng sặc. Chị phải tung chăn sang ôm ấp, vỗ về, lúc ấy nó mới chịu nằm im.
Phải chịu áp lực quá lớn, nhiều đêm trằn trọc chi đã nghĩ đến chuyện buông bỏ, nhưng rồi ánh mắt của chị gái cứ nứu kéo lại, lương tâm không cho phép chị làm điều ấy. Một câu hỏi luôn dằn vặt chị: Nếu mình bỏ đi thì anh và hai đứa con tàn tật kia sẽ sống ra sao?
       Sống với ba người tàn tật như vậy, chị không dám đi đâu xa, có ra chợ cũng chỉ chốc lát. Có ra ngoài đồng cũng phải nhờ mấy bác nhà bên sang trông giúp. Cả cái làng này ai cũng thương, cũng quý mến chị, nhà có việc gì chỉ cần ới là mọi người chạy sang. Những năm mất mùa, giáp hạt khó khăn chị đều nhận được sự hỗ trợ của địa phương, bà con lối xóm người cân gạo, chai mắm…là nguồn an ủi, động viên làm chị ấm lòng. Nhớ lại cái lần chị đang ở ngoài đồng, chẳng biết nhà ai thả trâu đi qua nó xéo nát cả cái bờ ruộng chị phải tranh thủ cố dắp cho xong. Bỗng có người vừa chạy lại vừa la: Về ngay đi, nhà cháy, nhà cháy hết rồi. Chị nhìn lên thấy một cột khói đen, vội chạy về đến nhà thì căn bếp đã thành tro. Ở nhà đến bữa chưa có cơm ăn thế là thằng em châm lửa đốt. May mà hàng xóm sang kịp không thì cháy hết cả người, cả nhà.
       Không phải là bồ tát sống, chỉ là người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác luôn ước ao có một cuộc sống ổn định, một gia đình hạnh phúc nhưng... Chị rất mong có một đứa con chung với anh nhưng lại sợ lỡ chẳng may đẻ ra nó cũng mang dị tật như hai thằng anh thì sẽ thế nào. Chỉ nghĩ đến đấy đã toát mồ hôi, cả hai lần mang thai chị đều ngậm ngùi, lặng lẽ bỏ đi.
       Không phải là vợ, cũng chẳng phải là mẹ hay người giúp việc vì giúp việc có giờ giấc, có thù lao, chỉ là một người phụ nữ bình thường nhưng chị có trái tim nhân hậu biết yêu thương, bao dung, chia sẻ của một người vợ, một người mẹ tuy hành trình đi tìm hạnh phúc của chị có vất vả, nhọc nhằn hơn những người phụ nữ khác.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN)

tin tức liên quan