"Mùa xuân, nghĩ về bản lĩnh Việt Nam" - Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 01:16 22/01/2023 Lượt xem: 187
 

MÙA XUÂN, NGHĨ VỀ BẢN LĨNH VIỆT NAM
Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý
 
       Chắc nhiều người biết trong kho tàng văn hóa dân gian có một tác phẩm đặc sắc nói về sự vượt khó, vượt khổ. Khổ và khó kiểu ấy chắc ở mức độ tận cùng rồi. Bình Trị Thiên, dải đất hẹp nhất nước, nơi triền miên nắng mưa dữ dội, bão nối bão, lụt chồng lụt và cũng từng bị chiến tranh khốc liệt là xứ sở của bài dân ca nổi tiếng đó. Một bài dân ca mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu: “Tháng giêng, tháng hai,/ Tháng ba, tháng bốn,/ Tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái/ Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng/ Một trứng: ung/ Hai trứng: ung/ Ba trứng: ung/ Bốn trứng: ung/ Năm trứng: ung/ Sáu trứng: ung/ Bảy trứng: ung/ Còn ba trứng nở ra ba con/ Con: diều tha/ Con: quạ bắt/ Con: mặt cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”. Trong hoàn cảnh bi đát này, người ta coi như trắng tay. Thế mà, kỳ diệu thay, người nông dân vẫn không mảy may đánh mất hi vọng; niềm tin vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Xin nhắc lại hai câu kết, theo tôi, có giá trị như quan niệm nhân sinh của người Việt: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây. 
       Từ đó, suy rộng ra, nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, ta thấy tầm vóc bản lĩnh Việt Nam thật to lớn. Dấu vết quá khứ bi tráng còn hằn in, lưu giữ trên mỗi tấc non sông kéo dài từ cực Bắc nhấp nhô núi nhọn đến mũi Cà Mau lồng lộng gió phương Nam, từ Trường Sơn điệp trùng ra Trường Sa, Hoàng Sa mênh mang. Ở đâu cũng vang vọng bài ca giữ nước anh hùng. Mấy phen thù Bắc, giặc Tây ngạo ngược, hùng hổ kéo đến. Nghìn năm. Trăm năm. Vài chục năm. Và hầu như bao giờ đối phương của chúng ta cũng được ví như “kẻ khồng lồ” so với dân tộc mình bé nhỏ. Dấu vết viễn chinh của những kẻ muốn đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta; muốn đồng hóa, hòa tan dân tộc này; muốn Việt Nam không còn là Việt Nam nữa vẫn còn đó trong sử sách, trong muôn vàn di tích, trong cả ký ức non sông. Nhưng, tất cả mọi cuộc xâm lăng tàn bạo đều chuốc lấy thất bại. Kể cả khi ta dằn lòng mở ải cho giặc vào trú tạm, kể cả lúc phố làng đều “vườn không nhà trống”, kể cả thời quân cướp nước tàn bạo nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn (Nguyễn Trãi). Nước có lúc mất nhưng làng chưa bao giờ mất. Làng đồng nghĩa với sự bất khả xâm phạm về văn hóa Việt. Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc (Nguyễn Khoa Điềm). Nói như thế là chạm tới văn hóa dựng nước, giữ nước của dân tộc mà cốt lõi của nó chính là bản lĩnh quật cường mang tên Việt Nam. Tầm vóc bản lĩnh được hun đúc nên bởi tinh thần Nam quốc sơn hà Nam đế cư… (Lý Thường Kiệt) và Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ (Hồ Chí Minh). Bản lĩnh ấy có tầm vóc lớn lao khiến kẻ thù khiếp hãi và bạn bè khâm phục. Viết đến đây, bỗng nhiên tôi nhớ Bruce Weigl, Nhà thơ nổi tiếng của nước Mỹ, người từng có mặt ở miền Nam Việt Nam thời chiến tranh trong bộ quân phục gắn mác USA đã viết: Đôi lúc tôi cảm thấy tôi là người Việt, hoặc tôi đã từng một lần sống cuộc đời của người Việt. Trong cuộc sống đó tôi nhớ mình đã chạy băng qua những cánh đồng lúa, xanh thẳm trong sự chín rũ của chúng cùng với những người bạn của tôi, giữa những tiếng thơ cất lên từ sau con đê làng, những bài hát về công việc và tình yêu…Những bài hát như một tiếng kinh cầu, giúp cho công việc đỡ nặng nhọc hơn, nhưng nếu bạn lắng nghe kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng chúng là những bài hát giản dị nhất và tuyệt đẹp nhất về hạnh phúc được sống trong thế giới này… 
       Nhà thơ nổi tiếng Trần Đăng Khoa từng ví non sông Việt có hình dáng một người mẹ mảnh mai gầy gò mang áo vá vai, đầu đội nón lá trông ra biển Đông. Tôi hình dung thêm người mẹ vĩ đại ấy còn có đôi cánh tay vô hình đầm đẫm nắng mưa Tổ quốc ôm lấy mênh mang biển đảo. Ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa cũng là con của mẹ. Dấu ấn lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam còn in nơi đó, thật khó phôi phai, nhạt nhòa. Giông gió, bão tố không làm mẹ nản lòng, nhụt chí. Thăng trầm, chìm nổi bao phen, Mẹ Việt Nam vẫn đứng vững muôn đời bởi bản lĩnh ngoan cường và tấm lòng nhân hậu. Cây cứng mới đứng đầu gió, đấy là bản lĩnh Việt. Còn đây nữa, Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Và, chẳng còn gì tử tế, tốt đẹp hơn khi dân tộc này đã biết Thương người như thể thương thân. Càng giàu lòng yêu thương càng đầy bản lĩnh, đó là sự thật đã được minh chứng. 
       Trong đại dịch covid - 19, nhân dân Việt Nam cũng thể hiện rất rõ bản lĩnh và lòng nhân nghĩa của mình. Sau đại dịch, Việt Nam là một điểm sáng được bạn bè bốn biển năm châu nhắc tới về khả năng phục hồi, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Non sông bờ cõi được giữ vững, đời sống nhân dân được chăm lo đáng kể. Tương lai đất nước được mở ra với những kế hoạch, dự án, định hướng đầy tính khoa học, thực tiễn và luôn lấy con người làm trung tâm đối với nhiều vùng miền. Đảng và Nhà nước thực sự quan tâm đến đời sống nhân dân lao động, nhất là với người nghèo, quyết tâm không để ai bị bỏ lại đằng sau. Chúng ta còn nhiều việc phải làm lắm, không chỉ một năm, hai năm mà đôi khi phải trải qua mấy thập kỷ để chế độ ta thực sự là của dân, do dân, vì dân và Việt Nam sớm muộn sẽ trở thành nơi đáng sống. 
       Ở đâu trên Tổ quốc này chúng ta cũng thấy ánh sáng nhân nghĩa. Tôi muốn nói, chia sẻ nào, cưu mang nào, ủng hộ nào cũng đều đẹp như nhau. Cũng là ứng xử mang tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Cái chữ đùm dân giã chân mộc mà sao yêu thương đến thế. Đằng sau chữ đùm là hạnh phúc. Hạnh phúc bình dị của người Việt, thật trùng khít với lời Phật nói: Hạnh phúc không bao giờ cạn đi khi ta biết sẻ chia. Chính lòng nhân nghĩa đã làm nên sức mạnh của Việt Nam. Nhân nghĩa là giá trị văn hóa cốt lõi đầy sức sống và rất bền chắc của dân tộc ta. Nhân nghĩa cho ta sức mạnh dựng nước và giữ nước. Nhân nghĩa cho ta bản lĩnh để vượt mọi gian nguy tiến về phía trước. Nhân nghĩa để cây đời mãi mãi xanh tươi trên Tổ quốc này. Nguyễn Trãi viết: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Hồ Chí Minh cũng canh cánh nỗi lo dân nước, nên Người căn dặn: Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Hai cách nói của hai anh hùng dân tộc, hai danh nhân văn hóa tầm cỡ nhân loại vào hai thời điểm khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa cao đẹp. Đấy là lòng nhân nghĩa mà sự quy tụ cao nhất không gì khác chính là yêu nước, thương dân. Nhân nghĩa càng bao la tầm vóc bản lĩnh dân tộc càng to lớn. Nhân nghĩa phát sinh bản lĩnh; bản lĩnh lấy nhân nghĩa làm gốc. Tầm vóc của bản lĩnh Việt Nam không nhỏ bé và có sức bền vô tận bởi cái đó. Nó không chỉ mang tính dân tộc mà mặc nhiên hội tụ đủ đầy khát vọng cao cả của nhân loại. Khát vọng hòa bình và yêu thương.

 
Nguyễn Hữu Quý
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn

 
tin tức liên quan