"Vị tướng tài ba của Trường Sơn huyền thoại" - TG: Đại tá, Nhà thơ: Nguyễn Hữu Quý
VỊ TƯỚNG TÀI BA CỦA TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI
Nguyễn Hữu Quý
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh xứng đáng được gọi là huyền thoại với 5 trục dọc, 21 trục ngang tạo nên “bát quái trận đồ” trên trùng điệp Trường Sơn. Đồng chí Lê Duẩn từng nói: Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng… Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu tích bi tráng của dân tộc trong những năm tháng Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu) vẫn không phôi phai. Nếu như không có sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, không có truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, không có sức mạnh của chiến sĩ, đồng bào thì sẽ không có đường Trường Sơn. Trong muôn vàn cống hiến, hi sinh không kể xiết cho đường Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến tên tuổi, công lao của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Vị tướng tài ba này đã có 10 năm là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Đó là giai đoạn gian khó, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
1.Năm tháng qua đi nhưng những gì Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từng gắn bó với Trường Sơn, làm cho Trường Sơn vẫn mãi mãi được khắc ghi. Trong huyền thoại đường Hồ Chí Minh có huyền thoại Đồng Sĩ Nguyên, trong kỳ tích của bộ đội Trường Sơn có kì tích Đồng Sĩ Nguyên. Tôi tin rằng cho đến hôm nay, khi chiến tranh chống Mỹ lùi xa thì điều đó vẫn đúng. Đúng như nó đã từng xảy ra, đã từng có trên con đường mang tên Bác kính yêu. Đúng như bao hồi ức, kỷ niệm vẫn được lưu giữ trong bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Đúng như những trang văn, câu thơ, cuốn phim, bức tranh, tấm ảnh, bài hát về Trường Sơn một thuở.
Đồng Sĩ Nguyên, không thể nói khác được, ông là nhạc trưởng tài ba của bản giao hưởng bi tráng mang tên Trường Sơn. Chúng ta đã biết, Hội nghị Trung ương 15, năm 1959 xác định rõ: “Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Năm 1959, sinh nhật Bác trở thành ngày đánh dấu sự ra đời của đường Hồ Chí Minh. Lúc đầu, tuyến đường dây 559 chỉ có 500 cán bộ, chiến sĩ - những người lính mang áo bà ba để che mắt địch - họ là đội quân “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Giữa trùng điệp Trường Sơn, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự được thành lập và từng bước phát triển không ngừng. Con đường Trường Sơn đạt đến đỉnh cao khi chúng ta tổ chức được binh chủng hợp thành, tạo ra một tuyến đường chiến lược như thể “trận đồ bát quái” nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Phải khẳng định rằng không có đường Trường Sơn thì không thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào của quân đội và nhân dân ta mà sự kết thúc huy hoàng là cuộc tổng tấn công, nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Đồng Sỹ Nguyên chính thức trở thành Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Đó cũng là dấu mốc thời gian ghi nhận sự phát triển vượt bậc của tuyến đường vận tải quân sự mang tầm vóc chiến lược này. Từ chỗ chỉ có 5 tiểu đoàn xe với khoảng 750 chiếc chia thành 4 binh trạm đã phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên có mặt ở Trường Sơn trong những năm tháng ác liệt nhất khi kẻ thù trút xuống đây hàng triệu tấn bom đạn, hóa chất cực kỳ độc hại với thực vật và con người. Với tinh thần “Địch đánh, ta sửa ta đi”, lòng dũng cảm, trí sáng tạo, sự cần cù của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vượt qua và chiến thắng sức tàn phá của kẻ thù vốn giàu có và hiện đại hơn ta bội phẩn. Nghệ thuật hợp đồng binh chủng, bảo vệ tuyến vận tải cơ giới để vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên con đường Trường Sơn ngày ấy đạt tới độ kỳ diệu. Một chiến trường, một mặt trận đúng nghĩa được mở ra ở đây. Từ những nẻo mòn giao liên len lỏi giữa đại ngàn, tuyến giao thông chiến lược đã được hình thành bởi 5 trục dọc, 21 trục ngang với tổng chiều dài 20.000 cây số trải khắp hai mái Trường Sơn, xuyên qua ba nước trên bán đảo Đông Dương. Không thể không nhắc tới 800 km đường kín, 1500 km đường rải nhựa, 200 km đường nhựa cùng với 1500 km đường ống xăng dầu, 1350 km đường dây cáp thông tin, 3800 km đường giao liên, 600 km đường sông…Trường Sơn thời đánh Mỹ có khoảng 12 vạn bộ đội và 1 vạn thanh niên xung phong…Đấy là đội quân anh hùng đã lập nên những kỳ tích dưới sự chỉ huy của vị tướng tài ba Đồng Sỹ Nguyên.
Trong ký ức của những người lính, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn thời đánh Mỹ chưa hề phai nhạt hình ảnh Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ông không chỉ là người chỉ huy mà thực sự là đồng đội, là anh em, bè bạn gần gũi của họ. Không có trọng điểm ác liệt nào, binh trạm nào…ông chưa đến. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đồng cam cộng khổ với bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Ông thấu hiểu nỗi vất vả, hi sinh của họ. Và sự thấu hiểu ấy biến thành lòng yêu thương, sự chia sẻ to lớn mà rất nhiều người lính Trường Sơn còn sống bây giờ nhắc lại còn không khỏi rưng rưng, bùi ngùi. Một vị tướng gần gũi, yêu quý, trân trọng cán bộ, chiến sĩ cấp dưới hết lòng biểu hiện rất rõ cái tâm và tầm văn hóa của ông. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho những người lính luôn trân trọng, yêu kính, hết lòng với vị chỉ huy của mình.
2.Đồng Sỹ Nguyên là người góp phần quan trọng tạo nên một Trường Sơn kỳ tích anh hùng và lãng mạn làm chất liệu quý giá cho văn học nghệ thuật. Trong ký ức dân tộc, đường Hồ Chí Minh chưa bao giờ bị mờ nhạt bởi những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt có từ quá khứ và sự tiếp nối tốt đẹp hiện nay gắn với công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Cùng với đường Trường Sơn trải dọc ngang trên mặt đất như một công trình vĩ đại còn có một đường Trường Sơn khác hiện lên hùng tráng trong văn thơ một thời. Tôi muốn gọi đó là đường Trường Sơn “đặc biệt” do một “binh chủng đặc biệt” làm nên. Họ là các nhà văn, nhà thơ của thời chống Mỹ oanh liệt. Còn nhớ, trong thi phẩm Nước non ngàn dặm, sáng tác năm 1973, nhà thơ Tố Hữu viết: Trường Sơn, đông nắng, tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình. Trường Sơn thời đánh Mỹ được coi như biểu tượng của lòng yêu nước cao cả, là nơi tụ hội chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn học dạt dào bởi hiện thực chiến tranh bộn bề cháy bỏng, gắn liền với ý thức công dân - chiến sĩ luôn được nêu cao. Nhiều tác phẩm VHNT xuất sắc thời đánh Mỹ được lấy cảm hứng và chất liệu hiện thực từ đường Trường Sơn anh hùng và lãng mạn. Thời đánh Mỹ, ở Trường Sơn có một đội ngũ văn nghệ sĩ đáng tự hào. Có các nhà văn nhà thơ như Đặng Tính, Phạm Tiến Duật, Phạm Hoa, Phạm Lê, Trọng Khoát…; các họa sĩ như Nguyễn Đức Dụ, Minh Đỉnh, Hoàng Đình Tài…; các nhạc sĩ như Trịnh Quý, Đào Trọng Thi…; các nghệ sĩ nhiếp ảnh như Hoàng Kim Đáng, Vương Khánh Hồng; ca sỹ Nguyễn Thúy Mỵ…Họ đã nhận được sự yêu thương, trân trọng của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và đông đảo bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Đoàn 559 thời ấy có tờ báo Trường Sơn và đoàn ca múa nhạc, đoàn kịch nói mang tên Trường Sơn. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng có hồi ký Đường xuyên Trường Sơn khá sinh động và ấn tượng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, người được ví như “con chim lửa Trường Sơn” thời ấy được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tặng áo giáp, mũ sắt và ông cũng không ngần ngại nói rằng: thơ Phạm Tiến Duật có sức mạnh như những sư đoàn thiện chiến. Ông yêu quý các văn nghệ sĩ, nhắc nhở cơ quan quan tâm đến họ.
Tình cảm của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với các văn nghệ sĩ Trường Sơn chưa mờ phai trong lòng nhiều người. Đó không chỉ là hồi niệm của một thời mà còn là câu chuyện của hôm nay.
Đại tá, Nhà thơ: Nguyễn Hữu Quý
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn