“ Cái tát của mẹ ” và đứa con mất dậy – Góc nhìn sự kiện của Hoàng Văn Kính
“ CÁI TÁT CỦA MẸ” VÀ ĐỨA CON MẤT DẬY
Chương trình “ Gặp nhau cuối năm ” được VTV1 phát sóng vào tối 30 tết, cũng như mọi năm với sự góp mặt của nhiều gương mặt quen thuộc như Quốc Khánh, Vân Dung, Tự Long… nhưng năm nay lại vắng Công Lý và Xuân Bắc. Thay vào đó, vai diễn Nam Tào - Bắc Đẩu do Trung Ruồi - Đỗ Duy Nam đảm nhận.
Vẫn mượn câu chuyện các Táo lên thiên đình, nhà sản xuất phản ánh những vấn đề gây sốt trong xã hội đương đại qua góc nhìn hài hước và châm biếm như: Giăng dây vì dịch bệnh, học online, quảng cáo thần y trên mạng, "nữ hoàng" chửi bới… Bên cạnh đó, thông qua màn báo cáo của các Táo, chương trình còn khéo léo lồng ghép những câu nói ẩn ý gây chú ý như “dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu diếm”, “người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt", “nhìn sang trái"... để cù cười người xem.
Dư luận có nhiều ý kiến khen chê khác nhau, trong đó người khen, chia sẻ, cảm thông thì ít mà người chê thì nhiều. Người ta chê chương trình nhạt nhẽo, không đổi mới, dàn diễn viên toàn những gương mặt từ thời tiền sử cũ như hũ nắm, vẫn điệu bộ ấy, giọng nói ấy, cách cù cười ấy. Nhiều người tỏ ra thất vọng, nói thẳng là không hay, nội dung nhạt và nhàm, lời thoại thô thiển, kịch bản cũ rích, các ý tưởng đa phần copy trên mạng nên không tạo được sự ngạc nhiên để cười, có cảm giác như xem quảng cáo…
Nói nghệ thuật là của công chúng, người làm nghệ thuật là phận làm dâu trăm họ chẳng có gì sai cả bởi vì nếu không có khán giả thì ai nuôi nghệ sỹ, lúc ấy nghệ thuật cũng chỉ như miếng thịt heo treo gác bếp bởi vậy dư luận khen chê cũng là chuyện thường tình. Người làm nghệ thuật hay bất kì lĩnh vực nào khác liên quan đến công chúng nếu thực sự cầu thị thì nên khiêm tốn, biết lắng nghe, rút kinh nghiệm đấy mới xứng đáng là người của công chúng, được công chúng tôn trọng, có câu “ Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng đã thừa”. Dù xét ở góc độ nào thì có khán giả nghệ thuật mới tồn tại, nghệ sĩ mới có đất sống, khán giả còn là người giúp nghệ sỹ có danh, có diện.
Nhưng rất tiếc sự đời lại không như vậy. Sau những lời góp ý và cả chê bai về chương trình “ Gặp nhau cuối năm”, Xuân Bắc lại có những lời lẽ rất khiếm nhã với công chúng qua bài viết “ Cái tát của mẹ”.
Còn nhớ: Mấy năm trước, dư luận đã ném…vào mặt Đàm Vĩnh Hưng khi anh ta vỗ ngực cho mình là “vùng đất cấm”, Trấn Thành ngoác mồm tuyên bố: khán giả không muốn xem thì hãy tắt tivi. Bài viết của Xuân Bắc kể câu chuyện ngụ ngôn với nội dung người con chê bánh chưng của mẹ nấu vào mỗi dịp Tết đến dù vẫn ăn “tụt lưỡi”. Kết quả là anh nhận cái tát từ mẹ với những câu chửi “ăn cháo đá bát”, “có lớn mà không có khôn”; “không ăn thì cút”; “không ăn thì thôi ai bắt”… câu chuyện ngụ ngôn được kết thúc bằng câu: “Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV ".
Tát thẳng vào mặt mẹ mình với lời lẽ cay cú, ngôn từ xấc xược chắc anh ta – Xuấn Bắc - Nghệ sỹ Ưu tú, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam hả hê lắm!
Một người làm văn hóa mà kém văn hóa, tỏ thái độ trịch thượng, thiếu văn minh, tự cho mình cái quyền ngồi lên đầu khán giả để chửi bới, móc mỉa - Xuân Bắc, anh chửi ai, anh tát vào mặt ai? Ai ăn cháo đá bát, phải chăng đấy là cha mẹ mình, đấy là những người đã từng tung hô, nuôi dưỡng, cho mình có được cái danh, cái phận.
Vẫn biết từ xưa đến nay cái được gọi là “ người của công chúng” thường lắm tài nhiều tật, nhưng nếu ranh giới của sự thăng bằng ấy bị xô lệch về một bên, nghệ sĩ dù tài năng đến mấy cũng chỉ như miếng bánh chưng thiu bóc ra đêm 30 tết, chó cũng chả thèm ăn.
Câu chuyện “ Cái tát của mẹ” được núp bóng ẩn dụ khiến không ai chính thức bắt tội được anh ta, nhưng sức ép từ dư luận đã khiến cơ quan quản lý phải lên tiếng, và đến lượt mình anh đã phải gượng gạo xin lỗi, nhưng vẫn còn nuối tiếc một chút danh hão không gỡ bỏ bài viết.
Phải chăng đấy là cách hành xử “ khôn ngoan” cuả người nổi tiếng. Đang nắm giữ nhiều chức to, nào là: Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, Chủ tịch CLB Nghệ sĩ trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, lại còn được trao tặng danh hiệu Thanh niên Ưu tú Thủ đô…đang được xem xét để tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, hèn chi anh ta ảo tưởng quyền lực đến vậy, ẩn dụ xem mình là cha, là mẹ, xem khán giả chỉ như con cháu, như một lũ tôi tớ thích chửi là chửi, thích tát thì tát.
Làm văn hóa, lại có chức tước mà nhân cách chợ búa, không biết mình là ai, đi lên từ đâu, giàu có, thành đạt do đâu mà có?. Được VTV ưu ái mà quên rằng, khán giả cũng là người bỏ tiền nuôi các chương trình truyền hình mà anh ta có mặt. Ngần đó thôi cũng đủ rõ ai là kẻ "ăn cháo đá bát" rồi.
Giá như cụ Nam Cao còn sống thì chắc chắn công chúng sẽ được thưởng thức phần hai tác phẩm Chí Phèo của thời 4.0. Khác với Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy, cái hay trong tác phẩm hiện đại này là một Chí Phèo có học, có chức tước, có tiền của không chỉ biết chửi mà còn dám tát thẳng vào mặt mẹ mình!
Sự thật đã bị lột trần, chiếc áo mà anh ta khoác lên người cũng chỉ là cái danh hão của một đứa con mất dậy.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT và BT Trường Sơn tại Hà Nội