“Thằng Lùn” – Truyện ngắn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:38 18/04/2023 Lượt xem: 167

 
THẰNG LÙN
( Nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam )
Hoàng Văn Kính
 
       Cái chợ nằm ở phía đông của xã nên được gọi là chợ Đông. Từ sau ngày cái chợ cũ lầy lội, nhếch nhác, bẩn thỉu được phá bỏ xây dựng lại khang trang, bề thế thì cũng xuất hiện thằng Lùn. Chẳng biết tên thật là gì, nhưng ở đây ai cũng gọi nó là thằng Lùn. Mà nó lùn thật, chiều cao chưa đầy một mét, chỉ đứng ngang rốn người trưởng thành. Nó có cái đầu to quá khổ, nhẫn bóng; hai con mắt xếch ngược lồi ra trắng như mắt lợn luộc; ở giữa mặt có một đường gẫy làm sống mũi bẹp dí xuống; hai chân đã ngắn lại còn vòng kiềng. Nhiều người ngại đến gần nó, bọn trẻ con trông thấy thì bạt vía, chẳng thế mà ở nhà đứa nào hư hay khóc nhè cứ mang thằng Lùn ra dọa là phép tắc đâu vào đấy, có cho kẹo cũng chẳng dám ho hoe.
       Đẻ non, lúc mới sinh nó bé tẹo, để lọt vừa lòng bàn tay. Bố đi đánh Mỹ, trên đường hành quân vào chiến trường thì bị hy sinh, sau khi đẻ mẹ nó thấy đứa con bị dị dạng, nom như quai vật sợ quá nửa đêm vất con lại, bỏ trốn. Nó sống được là nhờ sự chăm sóc tận tình của các nhân viên, y bác sỹ ở bệnh viện. Sau đó được chuyển cho một Cô nhi viện. Đến năm 12 tuổi nó trốn, lang bạt đi tìm bố rồi dạt về đây. Ấy là nghe nói vậy chứ thực hư có ai được tận mắt chứng kiến đâu, cũng chẳng ai biết nó quê ở đâu, có hỏi nó chỉ lắc đầu.
       Xuất hiện như từ trên trời rơi xuống. Đêm nào cũng thấy nó vật vờ, ngủ vạ vật trong chợ. Sợ nó trộm cắp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự Ban quản lí chợ đuổi ra ngoài. Cứ đến tối, người ta lại thấy nó trải cái chiếu rách nằm ngoài vỉa hè, nhiều nhà xua chó ra đuổi, nó lại thất thểu cắp chiếu đi tìm chỗ khác. Muỗi, mưa, rét nó ngồi co dúm lại trùm tấm vải mưa kín người.
       Vừa thương vừa thấy tội, Ban quản lí chợ bàn bạc rồi xếp cho nó một chỗ tá túc vừa kê được một cái dát giường ở góc cuối chợ. Người thì cho cái chăn, cái chiếu, cái màn…thế là nó có một mái nhà vừa đủ để an cư, có chỗ che mưa, tránh gió. Lúc đầu cũng nhiều người không đồng tình, sợ đêm hôm nó mò mẫm thó cái nọ, lấy cái kia thì chết. Tiền cả chứ có phải đồ bỏ đi đâu. Có nhà còn giả vờ quên không khóa tủ cả tuần liền thế mà chẳng mất thứ gì, đến lúc ấy họ mới an tâm.
       Gia tài của nó chỉ có mỗi cái túi vải bé bằng cái cặp sách của học sinh lớp một, chẳng biết có gì trong đó nhưng chắc cũng chỉ một, hai bộ quần áo rách là cùng. Nó sống bằng nghề nhặt ve chai nên lúc nào cũng vắt cái tải dứa trên vai, đến bữa ai cho cái gì thì ăn không thì củ khoai, miếng sắn cũng xong. Những ngày mưa gió   đi nhặt ve chai được, nó ra đầu chợ ngồi đặt ngửa cái nón trước mặt, người cho tiền, người cho quà bánh đủ để sống qua ngày.
     Một buổi sáng trời mưa phùn, gió lạnh nó dậy sớm đi lượm ve chai, sợ muộn người khác nhặt hết. Đi dọc con đường đang làm dở, đến trước một ngôi Biệt thự sang trọng thấy có mấy chai Lavi vất lăn lóc sát cổng, nó vừa cúi xuống nhặt thì có hai thanh niên tay cầm gậy từ trong lao ra:
-Thằng ăn cắp đây rồi, bắt được thằng ăn cắp rồi  bà con ơi – Chúng túm lấy áo lôi thằng Lùn vào trong sân – Đánh bỏ mẹ nó đi cho chừa cái thói ăn cắp – Thế là chúng đấm dá túi bụi.
-Em van các anh, em xin các anh em không ăn cắp, em chỉ nhặt mấy cái vỏ chai nhựa thôi, các anh đừng đánh em nữa – Miệng vừa kêu van xin. hai tay vừa ôm chặt lấy đầu.
-Không phải mày rình mò thì đứa nào lấy trộm mấy giỏ phong lan nhà tao, mày có biết bao nhiêu tiền một giỏ không.
-Không, em không ăn cắp, các anh ơi oan cho em quá – Oan này, oan này – Lại thêm mấy cái đá nữa.
      Thấy ồn ào, mấy bà hàng xom chạy sang. Một bà nhận ra nó – Thôi đừng đánh nữa, nó là thằng Lùn sống ở chợ. Chắc có hiểu lầm rồi, người nó một mẩu thế này thì với làm sao được giỏ hoa treo cao thế. Thôi tha cho nó đi, thằng này không có tính tham lam, tắt mắt thế đâu. Cách đây gần một tháng nó nhặt được một cái ví ở chợ không tìm được người trả còn đem nộp cho Ban quản lí nhờ trả lại người bị mất. Họ kiểm tra trong đó có mấy triệu bạc. Cuối cùng hóa ra người bị mất là bà chủ cửa hàng bán cơm ngay ở đầu chợ. Nếu nó tham thì đã không mang trả. Cảm động, từ hôm ấy bà chủ chu cấp cho nó bữa ăn trưa miễn phí đấy.
       Môt bà khác lên tiếng: Nghe bảo sau khi nhận lại, kiểm đếm số tiền còn nguyên vẹn, bà chủ cửa hàng ăn đã mang đến tạ ơn nó năm trăm ngàn và mấy cân quả, nhưng nó nhất quyết không lấy tiền mà chỉ nhận quả. Đấy người như thế thì không thể là kẻ tham lam, trộm cắp.
       Nghe ra môn ra khoai, ông chủ nhà xin lỗi rồi đưa nó vào phòng tắm lau rửa, thay bộ quần áo mới của thằng cháu đích tôn, lấy thuốc sát trùng những chỗ xây xước trên người nó. Ông cho tiền nó xin và cảm ơn.
       Biết tin bà con ở chợ kéo nhau đến thăm, cho nó quà. Tối hôm ấy, thằng Lùn trằn trọc ôm mặt khóc, oán trách cuộc đời sao lại thiếu công bằng, quá nhẫn tâm, quá phũ phàng với nó. Nó khóc vì thương xót cho cái thân phận bèo bọt của mình. Nó khóc oán trách ông trời sao bắt nó phải sống không như một con người để rồi đầy ải mà không giết chết nó ngay từ khi mới chào đời. Nó khóc vì trên đời này sao lại có người đàn bà tàn ác vứt bỏ cả đứa con do mình đẻ ra ngay lúc mới sinh. Nó ước ao giá như được làm một con người bình thường như biết bao con người khác! Giá như có một gia đình như bao nhiêu gia đình khác! Giá như nó được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ… Rồi nó móc dưới đáy cái túi, lôi ra một cái bọc nhỏ trong có một tấm ảnh, nó nhìn vào đấy, ôm tấm ảnh vào sát ngực khóc rưng rức.
       Những ngày sau nó vẫn tiếp tục đi nhặt ve chai, nhưng rút kinh nghiệm chỉ đi quanh mấy cái chợ, dọc mấy con đường dẫn đến chỗ tập kết rác, không dám lảng vảng đến gần cổng nhà người ta. 
       Một buổi tối khi trời đã về khua, không gian yên ắng, tất cả đang chìm sâu vào trong giấc ngủ. Bỗng nghe có tiếng nổ lách cách, vội tung chăn vùng dậy, nó thấy có một đám cháy ở một gian hàng giữa chợ, ngọn lửa đang bốc lên ngùn ngụt. Nó lao đến, trong đầu nghĩ phải thật nhanh không thể để ngọn lửa cháy lan sang các gian hàng kề bên. Tay vừa cầm cái chăn đã nhúng nước lăn xả vào dập lửa, miệng hét to: Cháy, cháy bà con ơi… Khi mọi người tiếp cận được đám cháy, ngọn lửa chỉ còn leo lét, một bộ phận nhanh chóng đưa thằng Lùn đi cấp cứu. Toàn thân nó bị bỏng, mặc dù được chạy chữa tận tình nhưng không qua khỏi. Nó vĩnh viễn ra đi trong niểm thương tiếc và biết ơn của Chính quyền địa phương, bà con tiểu thương trong chợ cùng nhân dân ở quanh khu vực.
       Hôm họp rút kinh nghiệm về phòng chữa cháy trong chợ, ông Chủ tịch xa nói: Cũng nhờ có sự dũng cảm cuả chú Lùn mà đám cháy mới được khống chế, nếu không ngọn lửa lan sang gian hàng bán các loại hóa chất bên cạnh thì không biết tai họa sẽ đi đến đâu. Chúng ta phải biết ơn chú Lùn.
       Ban quản lí chợ lục tìm trong cái túi đựng tư trang. Toàn bộ gia tài của nó có một cái áo len, hại bộ quần áo đã cũ và ba trăm năm mươi ngàn đồng tiền năm chục còn mới gấp cẩn thận, bên trong là một tấm ảnh nhỏ, chân dung của một anh bộ đội còn rất trẻ, mang quân hàm binh nhì. Phía sau có dòng chữ viết nắn nót: Kỉ niệm ngày đi chiến trường. Tấm ảnh sau đó được đặt ngay ngắn vào trong quan tài, chôn cất cùng thằng Lùn. Còn số tiền được cho vào một cái thùng để làm từ thiện, cái thùng ấy được đặt cạnh ang thờ. Cũng từ đấy ở chợ Đông có một cái quỹ từ thiện của bà con tiểu thương trong chợ.
       Cả chợ nghỉ hẳn một buổi bán hàng cùng nhân dân quanh vùng đưa tiễn nó về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang của địa phương. Dòng người nối dài, những vòng hoa nối tiếp nhau, những tiếng sụt sùi thương xót một con người bất hạnh, một số phận đen đủi và một cái chết cao cả vì mọi người.
       Được sự đồng ý của Chính quyền địa phương, bà con đóng góp tiền xây một cái ang thờ ngay tại nơi nó ngã xuống. Con ông chủ nhà nghi oan cho nó lấy trộm phong lan là một họa sỹ đã từng gặp nên nhận phác họa bức chân dung nó tạc vào đá, đặt ngay ngắn trên ang thờ, mùa nào thức ấy lúc nào ở đấy cũng có hương khói, hoa thơm quả ngọt.
       Không phải là người có công, nhưng cứ đến ngày Thương binh Liệt sỹ hàng năm bà con đều tổ chức viếng, vòng hoa to được đặt trang trọng với dòng chữ: Bà con tiểu thương chợ Đông vô cùng thương tiếc và biết ơn.

Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
(CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội)
tin tức liên quan