"Cuộc hội ngộ sau nửa thế kỷ" - Bút ký của Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 04:29 19/04/2023 Lượt xem: 140

 
CUỘC HỘI NGỘ SAU NỬA THẾ KỶ
 Bút ký của Nguyễn Đại Duẫn
 
       Cầm điện thoại trên tay, số đã bấm rồi, chỉ cần OK nữa là xong. Vậy mà tôi vẫn cứ chần chừ. Chần chừ vì hồi hộp không biết đầu dây kia có phải đúng là người mình cần gặp không
- A lô! Có phải là số chú Thái đây không?
- Dạ phải. Nhưng anh là ai. Sao lại biết tôi ạ? Tôi nghẹn đi vài giây. Khi bình tĩnh trở lại, tôi nói:
- Là anh! Anh Duẫn ở Quảng Bình đây! Anh Duẫn ngày xưa đi K8, ở nhà em đó.
       Như vài giây suy nghĩ thoáng qua. Rồi tiếng đầu dây cất lên: - Dạ! Dạ, em nhớ rồi. Là anh Duẫn, ngày xưa ở trong nhà của ba mẹ em. Ôi! Anh. Đã hơn nửa thế kỷ rồi. Sao lâu nay biệt tin. Mà sao anh lại biết số điện thoại của em mà gọi?
       Hai anh em lan man chuyện nhà, chuyện làm ăn rồi nhắc đến chuyện xưa. Từ khi tôi chia tay gia đình của chú thím nuôi tôi khi tôi đi K8 năm 1968 đến nay(2023) ngót nghét đã 55 năm. Lúc đó tôi còn là đứa trẻ con 10 tuổi nhỏ dại chẳng biết gì. Khi tôi lớn lên, những hồi tưởng thời niên thiếu đã gợi lại cho tôi những kỷ niệm một thời đi K8 ở Thanh Hóa. Tôi gửi thư ra cho gia đình chú thím nuôi. Nhưng không hiểu sao không có hồi âm, tôi thấy buồn lắm. Và rồi những năm tháng lo toan cuộc sông, với những miếng cơm, manh áo đã làm cho tôi dần quên. Năm 1982, tôi nhập ngũ vào quân đội. Gặp những người đồng đội quê Thanh Hóa là tôi giới thiệu mình đã một thời là người con của Xứ Thanh và hỏi xem có ai người quê xã Yên Tâm, huyện Yên Định. Nhưng tôi đều hẫng hụt vì không ai biết thông tin về người thân của tôi cần tìm cả. Năm 1990, có người ở quê tôi đã đi K8 với tôi cùng đợt, ra thăm lại người thân nơi sơ tán K8 xưa. Đây rồi! Đây là manh mối để tôi năm bắt thông tin về chú thím nuôi của tôi. Nhưng tôi lại nhận được trả lời: “Ông bà nhà anh ở xưa đã chuyển đi nơi khác rồi”. Một nỗi buồn ùa về trong tôi. Tôi nghĩ. Cũng đúng thôi,  đất nước thống nhất, chú đã đưa gia đình về quê. Quê chú ở tỉnh Thừa Thiên Huế mà. Vậy là tôi hết hy vọng và thôi ý định việc tìm kiếm từ đó. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, không biết quê chú ở huyện nào? Biết đâu có một ngày tôi sẽ gặp gia đình chú ở Thừa Thiên Huế.    
       Mạng xã hội ngày càng phát triển. Tôi đưa thông tin tìm kiếm lên Facebook. May mắn có một người bạn đã đọc và góp ý cho tôi. Thế là thông qua Cổng thông tin điện tử xã Yên Tâm, huyện Yên Định tôi biết số điện thoại của ông Chủ tịch xã. Ông Chủ tịch xã cho tôi biết số điện thoại chú Thái.
                              
***
       Tôi điện thoại ra cho Thái và kết nối za lô với con gái của chú ấy. Chúng tôi tâm sự với nhau qua màn hình.  Gia đình Thái gặp tôi với nỗi vui mừng khôn tả. Nhất là cô Lý, vợ chú Thái, tuy chưa gặp lần nào nhưng tình cảm như người thân lâu ngày gặp lại. Cô hồ hởi mời gia đình chúng tôi có điều kiện trở lại thăm nơi ngày xưa tôi đã từng sống. Tôi nhận lời mời. Tôi nhìn Thái. Thái đó đứa em con chú thím nuôi tôi thời K8 khi đó mới 4 tuổi mà bây giờ đầu đã hai thứ tóc. Khuôn mặt bụ bẫm ngày nào bây giờ đã hao gầy theo năm tháng. Nước da sạm màu sương gió. Dừng  lại ít giây, tôi  hỏi: “Vậy Sơn đâu?”. “Dạ Sơn nó lấy vợ và đang sinh sống ở Cam lộ, Quảng Trị”. Tôi xin số điện thoại của Sơn để liên lạc. Ngày đó Sơn khoảng 2 tuổi. Hằng ngày ngoài giờ đi học, đứa lớn tay dắt, đứa bé tôi bế đi chơi để cho chú thím làm việc. Rồi tôi cũng liên lạc được với Sơn và cũng biết được một vài thông tin về gia đình.
       Dự định trở lại Thanh Hóa cứ thôi thúc tôi. Đã mấy lần tôi đã sắp xếp để đi. Nhưng dịch bệnh Covid – 19 ngày càng tăng. Dập tắt chỗ này thì bùng phát chỗ khác. Vậy là ý định đi Thanh Hóa đã tạm dừng không thể thực hiện được. Thỉnh thoảng qua za lô chúng tôi lại liên lạc với gia đình hai em.
 
 ***
       Mấy ngày Tết Quý Mão 2023 rồi cũng qua. Ý định đi Thanh Hóa lại trỗi dậy. Những kỷ niệm thưở xa xưa một thời kỷ niệm đi K8 bỗng ùa về như chỉ mới ngày hôm qua.
       Đã hơn nửa thế kỷ qua rồi. Ngày đó 1965, chiến tranh. Quê tôi tràn ngập tiếng bom đạn. Khói bom, khói nhà cháy cuộn lên mù mịt đất trời. Hằng ngày tiếng máy bay gầm rú inh ỏi trên bầu trời. Tiếng súng phòng không bên bến phà Long Đại bắn trả máy bay Mỹ từng tràng inh tai nhức ốc. Làng quê tôi cũng như bao làng quê của Quảng Bình đều bị đạn bom cày nát. Từng gốc tre kiên gan với lụt bão, chống chịu với mưa nắng cũng bị bật gốc trước bom đạn giặc Mỹ. Từng bờ đê, từng ruộng lúa non xanh... chỉ một quả bom địch thả xuống là bao mồ hôi, nước mắt đều tan tành trong chốc lát. Tiếng khóc thét sợ hãi của trẻ con,  tiếng khóc gào thảm thương khi người thân bị sát hại cứ ám ảnh trong tuổi thơ tôi. Cuộc sống của người dân chuyển xuống hầm hào, địa đạo. Ăn trong hầm, ngủ trong hầm, học trong hầm, lao động sản xuất bên hầm. Mọi hoạt động cho cuộc mưu sinh diễn ra trong tiếng bom rơi, đạn nổ.  Quê chỉ còn bà già, trẻ con. Đàn bà, con gái thay đàn ông, bám trụ hậu phương với phong trào thi đua “hai giỏi” 
       Được biết, tháng 8 năm 1966 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã lập ra một ban chuyên trách về chiến dịch gọi là Ban K8 nhằm đưa một số con em, học sinh khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị) và Quảng Bình  sơ tán ra miền Bắc để giữ gìn sự sống cho các em, và cũng để giữ gìn lực lượng và nòi giống cho cuộc chiến tương lai, đảm bảo cho những người ở lại yên lòng đánh giặc. Theo kế hoạch, địa phương quê tôi sẽ tổ chức cho con em đi sơ tán từ cuối năm 1967. Nhưng vì lúc này chiến tranh ác liệt quá. Đường giao liên thường xuyên bị máy bay địch oanh tạc. Đến Tết Mậu Thân 1968, lợi dụng mấy ngày Tết máy bay địch thường ít oanh tạc bắn phá, quê tôi tổ chức đưa con em chúng tôi đi. Tôi còn nhớ lúc đó vừa ăn Tết xong vài ngày, tôi cùng các bạn, anh chị trong diện “chiến dịch mang mật danh K8” xuất phát vào khoảng ba, bốn giờ chiều. Ngày chia tay, tôi thấy mắt mẹ ươn ướt, nhưng mẹ không khóc. Mẹ nói, đi để giữ nòi giống, tương lai cho đất nước. Mẹ dặn dò tôi phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành là mẹ mừng. Rồi mẹ dúi vào tay tôi 5 đồng để mua quà vặt dọc đường. Tôi ngần ngại và không cầm. Mẹ cứ để mà mua thức ăn cho bà, mua quà cho các em. Con đi có Nhà nước lo cái ăn, cái mặc rồi. Con biết mua gì đâu, rồi mất tiếc lắm. Các em tôi lúc đó còn nhỏ, thấy tôi đi nó mừng lắm vì bà nội bảo, anh các cháu đi vài bữa, anh về mua quà cho. Chỉ có bà nội ôm tôi vào lòng òa khóc nức nở. Lúc đó bà đã 82 tuổi. Bà đã già móm mém, mắt đã kèm nhèm. Bà bảo. Cháu cứ yên tâm ra đi, bà già nhưng bà chưa chết đâu. Bà nói thêm, ba cháu đi bộ đội biền biệt mấy năm rồi. Chẳng có tin tức gì, không biết sống chết ra sao. Cầu mong cho ba cháu thoát được bom đạn, sống sót trở về khi đó bà mới an lòng ra đi. Tôi ôm bà nghẹn ngào không sao cất bước nổi.
       Chúng tôi được các cô, chú và các thầy cô giáo dẫn đoàn đưa đi. Lúc đến bến đò Quảng Xá chuẩn bị vượt sông để sang bên kia quốc lộ 1A thì bất ngờ từng tốp máy bay phản lực Mỹ đến oanh tạc. Tất cả đều chạy vào hầm trú ấn dọc bờ sông để nấp tránh bom. Căn hầm chữ A ẩm ướt, mốc meo, chứa đến hai, ba chục người chật ních. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ ầm ầm gần lắm, đất trên nóc hầm rơi xuống cả mình. Đến khoảng 5 giờ tối thì máy bay mới ngừng hoạt động. Sau khi tình hình máy bay địch đã cút, các cô dẫn đoàn và cô giáo tập trung điểm danh rồi đưa chúng tôi trở về nhà. Chúng tôi vô cùng lo sợ bởi một trận oanh kích kinh hoàng. May không có ai bị làm sao cả.
        Về nhà  được một tuần thì có lệnh lại lên đường. Lúc bấy giờ trong lòng tôi không muốn đi. Nhưng thương bà vì bà bảo, nhà chỉ còn lại cháu là con trai, bố thì ở chiến trường không biết sống chết ra sao, cháu ở nhà chiến tranh ác liệt lỡ có làm sao thì bà không yên lòng nhắm mắt về với tổ tiên. Nghe bà, tôi khoác túi vải, buộc chéo bên hông cùng bạn bè ra đi. Mẹ quay lưng gạt nước mắt tiễn tôi.
       Ngày lên đường là vào một ngày đẹp trời. Từ sáng sớm chúng tôi đã tề tựu về hội trường của hợp tác xã đông đủ, có cả người nhà đến tiễn đưa. Không có máy bay, không có tiếng bom đạn của giặc trời. Tất cả được chia thành từng toán nhỏ. Mỗi toán có các cô chú thanh niên địa phương dẫn đi. Mọi người đều đi bộ. Đi hết một ngày thì đến làng Lệ Kỳ lúc xế chiều. Chúng tôi nghỉ ngơi qua đêm ở đó. Các nhóm được chia về nhà dân để ở. Mỗi nhà chừng khoảng 5-6 đứa.  Đêm lành lạnh, không chăn màn. Tiếng muỗi vo ve quấy rối, nhưng tất cả đều ngủ say vì mêt mỏi. Lần đầu tiên từ nhỏ đến giờ tôi cùng các bạn mới có ngày đi bộ hơn ba chục cấy số. Ăn sáng xong, các cô chú và thầy cô giáo tập trung chúng tôi để quán triệt tình hình. Lần đầu tiên xa nhà, ai cũng buồn, cũng nhớ. Có mấy đứa con gái khóc đòi về. Được các cô dẫn đoàn động viên, dỗ dành mấy đứa mới hết khóc. Hành trình chúng tôi được các cô thông báo là sẽ đến Thanh Hóa. Chúng tôi không biết Thanh Hóa ở đâu nhưng các cô, chú trong đoàn cho biết: cuộc “thiên di” này khoảng chừng hai tháng. Trời! Hai tháng đi bộ giữa làn bom đạn, trong thiếu thốn sinh hoạt, mới nghe ra ai cũng hoảng.
       Đã đi được mấy ngày, chúng tôi cũng đến được huyện Bố Trạch. Đến một cánh rừng, cô giáo giới thiệu với chúng tôi nơi đây là chỗ đóng bộ phim “Rừng o Thắm”, chúng tôi thấy tự hào lắm. Tôi cũng đã được xem phim Rừng o Thắm, thấy cảnh máy bay bắn phá, cảnh o Thắm đã anh dũng, không sợ hy sinh dẫn đường cho vượt xe qua khu vực bom tọa độ. Tôi hỏi cô giáo: “Chỗ này nguy hiểm vậy sao cho chúng em qua đây?”. Cô bảo, ở đây an toàn nên mới đóng phim được. Cảnh ác liệt trong phim là họ dựng lại để ghi dấu tội ác của bọn giặc Mỹ. Nghe cô nói vậy nên chúng tôi yên tâm. Đi tiếp mấy ngày mệt rả rời. Có khi ngày ngủ, đêm đi. Khi thì ngày đi đêm ngủ. Tuy mệt đến bở hơi tai nhưng đặt lưng xuống là cả bọn ngáy như sấm. Thật đúng là tuổi ăn, tuổi ngủ. Đến địa phương nào thì đã có dân ở đó tiếp đón. Chúng tôi được ăn ngủ trong nhà dân. Khi đó tôi cứ tưởng tượng chúng tôi như các chú bộ đội về đóng quân từng nghỉ lại ở quê tôi trên dường vào Nam đánh giặc vậy. Chúng tôi toàn đi đường giao liên, đường rừng núi. Mấy tuần sau chúng tôi đến Quảng Trạch, cũng chẳng biết là đang ở xã nào. Chúng tôi háo hức lắm vì đêm nay được xe ô tô tải chở đí. Chúng tôi dừng lại một khu rừng lúc tầm 4 giờ chiều. Rừng không rậm rạp, chủ yếu cây tán nhỏ. Trời ơi! Dâu rừng. Mấy đứa con trai láu cá chui vào bụi, phát hiện được rồi thốt lên. Dâu  ở đâu ra mà lắm thế. Những quả dâu chín đỏ trên cành như đang mời gọi. Mấy đứa con trai chạy đi bẻ dâu từng chùm chín mọng, ngọt thanh. Mấy đứa con gái í ới tranh nhau những chùm dâu của mấy anh lớn tuổi ném cho. Không khí rộn ràng lên.  Bỗng có tiếng máy bay gầm rú. Tất cả chúng tôi hoảng loạn nằm nấp dưới các mô đất, dưới những hố bom rốc két nông choèn. Tiếng các cô trong đoàn hét to: “Nằm sát xuống, máy bay đang thả bom”. Phía trong làng từng đám lửa cháy nhà bốc lên. Tiếng bom bi nổ chậm ùng ục liên hồi rồi thưa dần. Tôi nghe mấy người lớn bàn tán. Không biết có ai bị sao không mà bom nổ quá dữ. Một lúc. Bâu trời như trở lại bình yên, tiếng xe ô tô cũng rì rì đến. Tất cả lên xe. Mọi người cùng cất lên bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” như vừa mừng rỡ lần đầu tiên được đi ô tô, như để động viên nhau. Song chỉ được mấy phút sau, tiếng nôn ọe, tiếng khóc của mấy đứa con gái rộn lên cả trên xe. Hai chiếc xe tải chở cả đoàn chúng tôi khoảng hơn trăm người vừa chật chội, vừa lắc lư trên những đoạn đường ổ gà, ổ trâu nghe nôn nao. Rồi một vài đứa kêu đau bụng. Chắc là do ăn nhiều dâu quá. Rồi mấy đứa say xe nằm bẹp dí. Sáng hôm sau chúng tôi cũng đến được Hà Tĩnh sau một chặng đường đầy vất vả. Trên xe, trên quần áo, túi đồ mùi hôi nồng nặc bốc lên.
       Sau một tháng, đoàn chúng tôi cũng đến đươc Đức Thọ, Hà Tĩnh. Chúng tôi ở lại đây một tuần nghỉ sức. Đoàn lại tiếp tục đí đến Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tại đây chúng tôi được thưởng thức mật mía, kẹo lạc. Rồi từ Quỳnh Lưu chúng tôi lên bến tàu (tôi không nhớ là lúc đó lên ga nào) đi về ga TP. Thanh Hóa. Từ ga Thanh Hóa chúng tôi lên xe về điểm sơ tán.
        Vậy là sau hơn hai tháng hành quân, vượt qua bao khó khăn gian khổ chúng tôi đến được xã Yên Tâm, huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa một cách an toàn vào khoảng sáu giờ tối. Không ai bị “sứt đầu mẻ trán”. Duy chỉ có mấy đứa bị ghẻ lở, ghẻ ruồi, hắc lào trong số đó cũng có tôi. Các cô phải nấu nước lá chuối tiêu lùn, lá ổi tắm cho chúng tôi thì mới lành. Đêm đó là một đêm đầy nỗi buồn vui. Đèn măng xông thắp sáng cả hội trường xã. Chúng tôi được lãnh đạo địa phương tổ chức bữa cơm thân mật. Tiếp đó là tổ chức liên hoan văn nghệ. Các bạn thôn Quảng Xá hát đồng ca bài “Quảng Bình quê ta ơi” thật vang nhộn, làm cho không khí hội trường náo nhiệt hẵn lên. Tôi cũng mạnh dạn đọc bài vè “láo thiên” tôi đã đọc thuộc trong một quyển sách nào đó tôi không nhớ. Những câu hò đáp lại của các cô trò địa phương làm cho mối quan hệ gần lại. Rồi giờ chia tay cũng đến. Cán bộ địa phương đã chuẩn bị danh sách từ trước. Khi đọc đến tên ai thì người đó bước ra và người nhận nuôi đưa về nhà. Vậy là chúng tôi mỗi người về một ngã. Chúng tôi ôm những người dẫn đoàn khóc nức nở, chia tay.
       Tôi được về ở nhà chú Giữ. Ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ... Cột nhà là những cây luồng to, được ngâm bùn từ vài tháng đến một năm. Đòn tay, rui mè làm bằng cây lồ ô. Nhà chính có ba gian. Gian giữa để chiếc bàn gỗ tạp và chiếc điếu bát hút thuốc Lào. Gian đầu hồi có hai giường tre. Giường sát vách trong tôi ngủ và một giường ngoài là ông Cố San. Phía gian gần bếp là chỗ ngủ của chú thím và hai đứa con. Phía Tây là nhà bếp. Sau vườn là chuống lợn. Sau vài ngày tôi dần quen với gia đình và nếp sống sinh hoạt của chú thím. Ngày chủ nhật chú Giữ không đi làm. Chú ở nhà ngồi tâm sự với tôi. Chú tên là Nguyễn Văn Giữ, quê ở  Thừa Thiên Huế. Hiện tại chú làm công nhân ở nông trường Sao Vàng. Chú có nước da ngăm đen. Khuôn mặt chữ điền vẻ hiền lành. Trên cằm chú râu ria luôn cạo nhẵn. Với giọng miền Trung mằn mặn đồng chiêm làm tôi dễ nghe, dễ hiểu. Tuổi chú khoảng tầm tuổi mẹ tôi, tức là lúc này chú tầm 37-38 tuổi. Chú nói với tôi. Cháu cứ gọi chú thím như phong tục ở quê ta. Tôi dạ. Vợ của chú là thím Trần Thị Hiệt. Thím khoảng chừng 30 tuổi. Dáng người thấp đậm, trong khỏe mạnh. Người có nhiều kỷ niệm đáng kính với tôi là cố San. Cố khoảng chừng 50 tuổi. Tóc bạc nhiều hơn tóc đen, lơ thơ trên mái đầu hói. Khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo. Trông cố già trước tuổi. Cố hay cười. Nụ cười hiền dễ gần. Sáng sớm ngủ dậy cố thường hút một điếu thuốc lào. Tiếng điếu bát kêu sòng sọc, khói um cả nhà. Cố làm một bát nước chè xanh, mấy củ khoai rồi cố đi làm việc. Công việc hằng ngày của cô là quét nhà, quét sân, cho lợn ăn. Xong việc cố ngồi đan lát. Cố đan rất điêu nghệ. Từng chiếc nan cố vót nhẵn thín. Cố đan giậm đánh cá, đan giỏ bán cho mấy nhà trong xóm. Những đêm thanh vắng, cố ngồi một mình bên chiếc đàn bầu gãy những làn điệu dân ca như bài “Cây trúc xinh”, “Lý cây đa”. Nhiều đêm ngồi học bài nghe tiếng đàn của cố lòng tôi xao xuyến nhớ nhà. Không biết giờ này mẹ đang xay lúa hay đọc thư của bố. Bà nội có ngủ ngon giấc hay cứ nhắc đến bố tôi. Mấy đứa em ngủ hầm có bị muỗi đốt không. Làng quê có bớt tiếng bom rền đêm đêm hay không? Bao nhiêu nỗi nhớ cứ ùa về làm cho sống mũi tôi cay cay. Có những tối, học bài xong tôi ngồi bên cố nghe cố đánh đàn và muốn cố bày cho. Cố tâm sự. Cố không có con cháu. Cố nuôi thím Hiệt tôi từ nhỏ. Bây giờ già về ở với chú thím. Tôi thấy thương cố. Tôi xem cố như người ông thân thương của tôi. Cố thiệt thòi không con cháu. Tôi lớn lên ông nội, ngoại đã không còn nên tình cảm tôi và cố như có sợi dây gắn kết.  
       Nhiệm vụ chính của tôi là lên lớp, học baì. Chúng tôi chỉ còn 2 tháng miệt mài bù đắp để hoàn thành chương trình lớp 3, năm học 1967-1968. Những đứa bạn cùng xã chúng tôi được về học chung một lớp. Là tuổi con nít nên chúng tôi mau quen nhau. Chúng tôi có cùng hoàn cảnh nên hòa đồng, dễ  thông cảm và dễ thân quen. Lớp 3 chúng tôi được cô Viêm làm chủ nhiệm và dạy. Cô vui tính, tươi cười. Năm tôi lên lớp 4, cô chủ nhiệm và dạy chúng tôi là cô Châu. Cô đang còn trẻ, chưa có chồng. Cô có nước da trắng hồng, xinh gái. Mấy đứa học trò nghịch ngợm, bướng bỉnh thỉnh thoảng trêu chọc làm cho cô phát khóc. Mỗi lần cô quay mặt vào bảng chùi nước mắt chúng tôi thấy thương cô và thôi đùa nghịch.
       Ngoài giờ học về nhà tôi giúp thím Hiệt chơi với hai đứa em để thím đi làm đồng. Đó là Thái khoảng 4 tuổi và Sơn khoảng 2 tuổi. Cu Thái thì lầm lỳ, nhưng cũng nghịch lắm. Nhiều khi nói không nghe tôi thường mắng em tội nghiệp. Cu Sơn thì đang còn nhỏ đi đâu cũng phải bế bồng. Tôi thường đưa các em qua nhà hàng xóm chơi. Nhà hàng xóm định cư ở đây lâu rồi nên có mít, nhãn xoài để ăn. Nhà tôi ở mới chuyển về nên cây ăn quả mới trồng bé tý. Chỉ có cây bưởi trước sân là to như cột nhà, nhưng quả không được ngọt lắm. Mấy đứa bạn cùng lớp, ở cùng xóm với tôi nhà nào cũng có trâu, bò nên chúng nó buổi đi học, buổi đi chăn trâu, bò. Tôi ít có dịp được chơi với bạn bè.
       Rồi Tết năm 1969 cũng đến. Mấy đứa bạn K8 trong xóm rủ nhau tụ tập. Nhắc đến Tết quê, đứa nào cũng khóc vì nhớ nhà. Cứ mong hết chiến tranh để với với bố mẹ, với người thân. Chúng tôi rủ nhau đi bộ gần 10 cây số sang bên bến phà Kiểu sông Mã để chụp ảnh gửi về cho gia đình.
       Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Vậy mà cũng hết năm học 1968-1969. Tôi đã học xong lớp 4. Một năm học lần đầu tiên trên miền Bắc không thi chuyển cấp mà xét điểm. Lớp tổng kết vui cũng có mà buồn cũng có vì có bạn không được lên lớp, chúng khóc sợ ba mẹ biết chuyện buồn phiền.
       Được biết, sau Tổng nổi dậy Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ thất bại trên nhiều mặt trận, quân ta thừa thế tấn công trên nhiều lĩnh vực.  Mỹ buộc phải tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra kể từ ngày 32/3/1968 và đến ngày 01/11/1968, Mỹ ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc. Ngày 10 tháng 6 năm 1969, Tổng thống Mỹ Ních – xơn tuyên bố rút 25.000 quân Mỹ khỏi Việt Nam. Thì cũng trong ngày 10/6/1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập. Lúc này ở Quảng Bình đã tạm thời đình chiến, làng quê đã tạm vắng tiếng bom đạn địch. Thế là các ông bố bà mẹ ở quê có điều kiện thân chinh ra Thanh Hóa đưa con em “trốn” về quê, vì lúc này chưa có kế hoạch đưa học sinh sơ tán được về. Tôi được bác ruột đưa về cùng với anh con bác và một số bạn trong xóm. Đó là một ngày vào khoảng đầu tháng 7 năm 1969. Sau đó khắp nơi,  con em đi sơ tán Thanh Hóa lần lượt được bố mẹ đưa về.
       Ngày tôi  về quê, tôi xin phép gia đình chú thím cho về nghỉ hè xong là sẽ ra lại. Ngày về, thím Hiệt có cho tôi 10 đồng bạc đi đường mua quà. Tôi chia tay các em Thái, Sơn trong nổi buồn, trong sự ngơ ngác của các em vì lúc đó các em còn nhỏ không biết gì. Rồi lời hẹn ngày trở lại không thực hiện được vì làm sao mà trở lại trong điều kiện bất khả kháng.
       Năm mươi lăm đã trôi qua, những đứa trẻ K8 chúng tôi ngày nào giờ đã thành ông, thành bà.  Mái tóc đã lốm đốm hoa râm. Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, những “đứa con K8” đã được những người cha, người mẹ thứ 2 nuôi nấng, bao bọc bằng tất cả tình thương yêu. Dẫu cuộc sống còn lắm vất vả, gian truân nhưng họ đã nhường cơm, sẻ áo, chăm sóc những đứa con nuôi trong vất vả, ốm đau hay an ủi, vỗ về mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê. Cuộc sống thời chiến vốn đã thiếu thốn trăm bề nhưng dù sao, nghĩa tình người dân miền Bắc vẫn luôn dành trọn cho những đứa con của miền Trung ruột thịt.
 
***
       Dịch Covid-19 đã đẩy lùi.  Ăn tết xong, tôi a lô cho vợ chồng chú Thái để hẹn ngày ra thăm. Cô Lý, vợ chú Thái nghe điện thoại vui mừng lắm. Ngày 17 tháng 2 tôi theo ô tô về thành phố Thanh Hóa. Thành phố Thanh Hóa bây giờ sầm uất, nhiều dãy nhà cao tầng mọc lên, không còn bóng dáng lụp xụp của  thời chiến tranh ngày xưa. Đã sang xuân, nhưng trời tưng tửng trở rét. Cái rét mùa đông còn rớt lại đọng vào từng tế bào phế quản làm cho tôi tỉnh táo hơn sau chặng dường dài gần 350km. Theo chỉ dẫn của cô Lý, tôi lên xe buýt về cầu Kiểu, sẽ có người nhà đi đón. Chặng đường từ thành phố Thanh Hóa đến cầu Kiểu không xa, chỉ có kỷ niệm xa vời tháng năm trong tôi cứ ùa về. Tôi không tưởng tượng ra được nơi mình đang đến vì sự đổi khác quá nhiều sau nửa thế kỷ. Nhà cao, ngói mới. Xe cộ như mắc cưỉ. Phó xá, đường quê nhộn nhịp người qua lại.
       Xe dừng ở gần cầu Kiểu. Tôi đang ngỡ ngàng như bị lạc vào dòng người xuôi ngược thì nghe tiếng một người phụ nữ từ xe máy bước xuống gọi: “Anh Duẫn! Có phải là anh không?”. Như thể từng quen biết đã lâu, tôi à lên một tiếng: “Đúng là cô Lý rồi. Là anh đây! Sao em lại biết anh mà gọi”. “Thấy người là biết anh liền. Có ai đứng ngơ ngác, tìm kiếm người ngoài anh”. Tôi lên xe theo cô Lý  về nhà. Vừa đi hai anh em vừa vui vẻ trò chuyện.
Về nhà tôi dạo quanh một vòng, ngắm nhà, ngắm vườn. Căn nhà hai tầng rộng rãi, có  đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho một gia đình nông thôn. Không sang trọng nhưng ấm áp. Trong lòng mừng thầm cho cô, chú có nơi đi về nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Tôi đi ra đường và xác định tọa độ nơi này. Nhưng không thể xác định được. Cô Lý cho biết đây là con đường ngày xưa anh đi học ngang qua. Tối đến, cả gia đình quây quần tíu tít trò chuyện. Hai anh em tôi và Thái ôm chầm nhau một hồi lâu. Được biết chú Thái có ba người con gái, 4 cháu ngoại đuề huề. Đứa gái út chưa xây dựng gia đình. Cuộc sống không giàu sang, phú quý nhưng ấm áp tiếng cười sau mỗi ngày làm về. Rồi bao nhiêu kỷ niệm một thời ùa về. Phải phục trí nhớ của chú ấy. Tuy lúc đó Thái mới 4- 5 tuổi mà vẫn còn nhớ những kỷ niệm về ngày xưa của hai anh em tôi, được chú kể lại vanh vách.
       Sáng ngày 18 tháng 2 năm 2023, tôi theo Thái lên mộ thắp hương cho chú  thím. Khu nghĩa địa xã nằm trên đồi cao, xung quanh là cây bóng mát, cây cảnh thật dẹp mắt. Có đường đi lối lại đổ bê tông. Khu mộ chú thím được xây tường, mộ đắp bằng đá ốp, khá chắc chắn. Tôi thắp hương lên mộ chú Giữ, thím Hiệt và hai người vợ kế của chú. Tôi thầm khấn chú, thím tha lỗi cho tôi, giờ mới về bên chú, thím tuy có muộn màng. Cầu mong chú, thím an nghỉ suối vàng phù hộ cho con cháu.
       Thắp hương xong tôi ra ngôi bên mộ chú, thím để hồi tưởng lại những ký ức. Thái cho biết: Năm 1970 ba mẹ sinh thêm em trai. Đến 1973 mẹ sinh thêm em gái nữa. Sau khi sinh em, mẹ bị bệnh ruột thừa, bụng đau quằn quại. Nhưng bệnh viện bảo chắc là sót nhau. Đến khi ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng rồi mẹ qua đời. Lúc đó chúng em đang còn quá nhỏ, ba vất vả lo toan nuôi chúng em ăn học. Em gái ốm rồi cũng qua đời. Ba buồn lắm, cảnh gà trống nuôi con vò vỏ. Rồi ba lấy vợ kế để đỡ đần cuộc sống gia đình. Sinh được một em gái. Năm 1978, mẹ kế lại qua đời. Nỗi khổ chồng lên nỗi mất mát. Được các con động viên, mọi người góp ý, ba lại đi bước nữa mong có thêm người lo toan cuộc sống cùng ba. Nhưng ông trời đâu có thương ba. Năm 1995 người vợ kế thứ hai cũng bỏ ba ra đi, để lại cho ba một mình nuôi năm đứa con nhỏ đại, trong hoàn cảnh khó khăn. Nghe Thái kể chuyện về chú, thím mà lòng tôi nghẹn thắt lại. Còn Thái ngoảnh mặt, lau giọt nước mắt đang nhỏ xuống. Ba buồn lắm. Có nhiều khi ba cũng muốn về quê sinh sống với anh em ruột thịt trong đó. Chúng em đã cùng ba vào quê tìm lại cội nguồn và tìm nơi để về. Nhưng rồi ý định về quê cũng không thực hiện được. Mảnh đất này đã níu chân ba lại. Nơi đó có những kỷ niệm gắn bó với cuộc đời ba, nơi có người thân yêu của ba đã yên nghỉ. Thế rồi năm 2009, ba cũng  đi về với mẹ, với các dì hưởng thọ 79 tuổi. Rồi Thái nhìn tôi như có điều gì nghẹn lại khi tôi nhắc đến cố San: “Anh à! Chỉ một điều làm em cứ day dứt đó là không đưa mộ cố San về an táng nơi nghĩa trang này được. Dù sao em cũng chỉ là cháu ngoại, mọi việc phụ thuộc bên họ nội. Em không quyết được. Bây giờ thấy ân hận lắm, nhưng không biết làm sao”. Nhắc đến Cố San, tôi không thể nào quên được kỳ nghỉ hè năm học 1968 - 1969, đó là những đêm đi cất vó với ông. Nhiều đêm hai ông cháu bắt được nhiều cá nên về khuya. Tôi xách giỏ mắt nhắm mắt mở. Có khi vấp mô đất ngã nhào, cá văng ra ngoài giỏ. Hai ông cháu cầm đèn chai tìm bắt. Có đêm khát nước, tôi lủi vào vườn mía của phụ lão “bẻ trộm” mấy cây ăn cho qua cơn khát. Rồi nhớ đến chú Giữ những ngày trên nông trường Sao Vàng, hai chú cháu đi nhổ sắn chú trồng để “tự túc” lương thực. Tôi gánh một gánh sắn nặng, đường xa, thế là chú phải san qua gánh của chú. Đêm về mổi nhừ, rên hừ hự không ngủ được chú lấy cao sao vàng xoa bóp cho. Giờ nghĩ lại những hình ảnh ấy sao mà gần gủi thân thương như người cha của tôi vậy. Tôi cứ nhớ có những lần thím Hiệt bảo tôi đi hái chè rồi đưa ra chợ Đồn bán. Có bữa tôi bớt một hào mua thuốc lá tập hút theo mấy đứa bạn. Thím biết. Thím không mắng nhưng nhắc nhở, cháu muốn thì xin thím, đừng làm thế mà quen rồi sinh hư. Mà hút thuốc lá là không tốt tý nào. Tôi ân hận lắm vì mình làm điều xấu. Tôi thành thật xin lỗi, rồi thím bỏ qua. Tuy tôi sống với gia đình chú thím hơn một năm thôi, nhưng những kỷ niệm, những tình cảm yêu thương thì không thể nào kể hết. Giờ nhắc lại tôi cảm ơn rất nhiều đến Cố San, đến chú thím người đã quan tâm nuôi nấng, dạy dỗ tôi để tôi trở thành người như hôm nay. 
       Sau khi đi trên mộ chú thím về, Thái dẫn tôi về lại nơi khu nhà cũ. Ngôi nhà cũ giờ đây là nơi ở của chủ mới. Như những đứa con xa quê lâu ngày trở lại,  đôi chân líu ríu lần bước theo từng mảng ký ức khi nhớ, khi quên. Tôi tìm lại kỷ niệm nơi ngôi nhà tôi ở ngày trước . Bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Nhưng tôi vẫn còn xác định được vị trí. Nhắc đến những nhà xung quanh. Tôi còn nhớ tên các thành viên từng nhà mà tôi đã từng đưa hai em Thái , Sơn đi chơi. Tôi gặp lại môt số người trong xôm. Họ và tôi không nhận ra nhau.Nhưng khi nhắc đến tên tôi thì ai cũng nhắc về kỷ niệm. Hình ảnh mấy đứa trẻ sơ tán người Quảng Bình xưa vẫn đang hiển hiện trong tâm khảm họ. Thật xúc động biết bao. Rồi tôi đi thăm nhà cô Thủy. Nhà ngày xưa nuôi bạn Hoạt cùng học một lớp với tôi. Cô Thủy xinh đẹp ngày xưa có nhiều bài hò Xứ Thanh giờ cũng đã 80. Bà đang còn khỏe mạnh, đẹp lão. Cái vị nồng nồng trầu cau làm cho đôi môi bà thắm hơn. Bà nhắc lại những kỷ niệm mà ngày xưa tôi thường được bà cho sang hái mận nhà bà. Ngày đó chồng bà đi bộ đội xa. Con trai bà lúc đó mới 5 tuổi bây giờ cũng sắp lên chức ông. Tôi vào nhà tâm sự với ông nhà chồng bà. Ông cho biết, ngày xưa ông từng đóng quân ở Quảng Bình quê tôi. Ông kế về nổi cơ cực của người dân quê tôi phải chịu cảnh đạn bom, nghèo khổ. Ông nói lúc đó về đóng quân ở nông trường Phú Quý, ông có gặp bố và anh của Hoạt.
       Qua những  lời tâm sự của những người hàng xóm nơi tôi đến thăm, lòng tôi thấy như mình đang mắc nợ với mảnh đất này. Mảnh đất ấy vẫn vậy, vẫn hồn hậu và yêu quý chúng tôi như mấy chục năm về trước, vẫn đầy ắp nghĩa tình như ngày chúng tôi còn nhỏ. Ngày đó, tôi chưa hiểu hết tình cảm mà người dân vùng đất Yên Định, tỉnh Thanh Hóa dành cho học sinh K8 chúng tôi. Giờ đây khi đã làm bố mẹ, làm ông bà chúng tôi mới hiểu được những vất vả của cuộc sống gia đình, mới hiểu hết tình cảm thiêng liêng mà họ đã dành cho chúng tôi. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy, chúng tôi không bao giờ quên được những năm tháng chiến tranh đau thương và oanh liệt; không bao giờ quên ân tình sâu nặng của người dân Xứ Thanh đã đùm bọc, nuôi dạy, bồi đắp cho chúng tôi những giá trị văn hóa của miền phù sa sông Mã anh hùng. Để sau này lớn lên, những giá trị tinh thần ấy dã truyền thêm cho tôi sức mạnh trong cuộc sống.
       Chiều, hai anh em rủ nhau thưởng ngoạn núi rùa. Nhìn từ xa, ta tưởng tượng  núi như hình con rùa đội đất sừng sững một mình xung quanh đầm lầy. Đường lên núi rùa giờ đã bê tông hóa, không còn con đường đất mấp mô ngày xưa. Dưới chân núi, những bãi cỏ sữa xanh tốt, thay cho những ruộng mía của các cụ phụ lão xưa. Hai anh em men theo lối mòn trèo lên sườn núi. Núi lô nhô đá tai mèo, ghi dấu năm tháng chống chọi với thiên nhiên. Phong cảnh không còn hoang sơ như trước đây. Cây cối đã bị chặt phá, loang lổ như từng vạt áo vá víu. Chỉ còn lại cây táo dại cổ thụ to như cột nhà còn ghi dấu năm tháng. Chú Thái cho biết. Có năm người ta hái cả tạ quả về làm thuốc.. Đầm lầy xưa giờ đây đã không còn. Đất đá đã bồi đắp cao thêm. Hàng ngàn cây thiên tuế sum suê xanh ngắt dưới chân núi. Hai anh em chui vào hang núi. Hang chật, ngắn. Ngày xưa, tại hang này có mạch nước chảy ri rỉ. Rùa nhiều lắm. Chúng bò lổm ngổm trên những bậc đá. Có thể rùa ở đây nhiều nên người ta gọi là núi rùa chăng? Sau một trận mưa, rùa bò ra xung quanh núi để ăn lá non, uống những giọt nước đọng lại trên lá cây. Chúng tôi cứ thế bắt về nấu chuối, mẻ.  Một bữa ăn tuyệt vời. Bây giờ hang không còn mạch nước chảy, không còn rùa. Thấy tiêng tiếc thế nào ấy. Nơi đầm ngày xưa, tôi và Cố San cất vó giờ đã cải tạo thành đồng ruộng. Lúa vừa bén rể trải một màu xanh non thật đẹp mắt. Nhìn sang bên kia khoảng cây số là núi Bân. Núi Bân giờ đang khai thác lấy đá, nhìn xa như có những cái miệng cá sấu đang ngoác to chực đớp mồi. Thăm núi rùa, lòng mình còn đó những ký ức đi bắt rùa, đi mò cua, cất vó mà cứ thấy bồi hồi với những năm tháng tuổi thơ. Cảnh cũ đã khác, chỉ có lòng người còn lưu luyến ngày xưa.
       Hai ngày cũng đã trôi qua. Giờ chia tay cũng đến. Hai ngày để gặp lại người thân quá ít ỏi so với thời gian nửa thế kỷ chia xa. Nhưng vì công việc nên tôi không thể nán thêm lại thêm. Chú Thái nhìn tôi hờn dỗi nói: “Bữa sau mà như thế này thì anh đừng ra nữa. Ít nhất để em còn đưa anh đi chơi đây đó cho thỏa nguyện sau bao năm xa cách”. Tôi chỉ biết cười xòa, để chú thông cảm.
       Chia tay gia đình vợ chồng hú Thái, cô Lý và các cháu ra về mà lòng cứ bịn rịn. Những tình cảm nồng ấm như máu mủ không bao giờ phai. Hẹn gặp lại một ngày không xa. Chào hai em, chào các cháu, chào Xứ Thanh yêu dấu, Nơi nồng ấm tình thương yêu.
       Sau chiến tranh, chúng tôi đều trưởng thành, đang chung tay xây dựng lại quê hương hoặc tỏa đi khắp mọi miền đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Giờ đây, những học sinh K8 chúng tôi đã thành ông, thành bà. Nhưng trong tâm khảm chúng tôi luôn khắc ghi công ơn của Bác Hồ, của Đảng và Chính phủ và các địa phương đã thực hiện một chủ trương đúng đắn, sáng suốt, không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn đầy tính nhân văn cao cả. Điều đó luôn nhắc nhở chúng tôi phải sống thật xứng đáng, cống hiến hết mình cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.
 
 
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Quảng Bình
tin tức liên quan