"Bức thư bị lãng quên" - Truyện ngắn của Đại tá Trương Ngọc Hùng, Nam Định

Ngày đăng: 11:18 30/05/2023 Lượt xem: 99
BỨC THƯ BỊ LÃNG QUÊN
Truyện ngắn

 
            Trước khi vào thành phố Hồ Chí Minh với chồng sắp cưới, con gái cứ xoắn lấy tôi, nước mắt lưng tròng:
            - Một mình bố ngoài này con không yên tâm, hay bố xin nghỉ hưu sớm vào cùng chúng con, hoặc tìm lấy một người nào đó bầu bạn lúc tuổi già.
            - Lớn tướng rồi còn khóc nhè! Sang năm nghỉ, bố sẽ vào một trại dưỡng lão, vừa có bạn vừa được chăm sóc. Con không phải lo.
            - Bố vẫn còn mong mẹ à? Mẹ đã có gia đình bên đó, nhiều năm rồi có ngó ngàng gì đến bố con mình đâu.- Cô con gái vừa nói vừa nhanh tay dọn dẹp đồ đạc vứt ngổn ngang khắp nhà.
            - Thôi mà con! Cũng vì hoàn cảnh cả. Nếu ngày ấy kinh tế nhà mình khấm khá, thì mẹ con đã không phải đi, không phải dầm mình trong tuyết trắng, dành dụm từng đồng tiền về nuôi con, xây nhà. Đàn bà ở nước ngoài cũng cần đến sức vóc đàn ông, họ đã dựa vào nhau, điều đó cũng không có gì lạ. Bố không trách mẹ, mà tự trách mình, không lo được cuộc sống cho gia đình.
            - Bố ơi! Cái hòm gì mà bố giấu kĩ thế, chắc của hồi môn dành cho con gái?- Tiếng con gái gọi váng lên từ khu chứa đồ cũ.
            Nếu con gái không nhắc, tôi đã quên cái hòm chứa những đồ lặt vặt từ thời còn trai trẻ. Nhiều năm không động tới nên phủ một lớp bụi dầy, chiếc khóa cũng han rỉ nên phải dùng búa để phá.
            - Ối giời. Tưởng có gì? Toàn những thứ cũ kĩ mốc thếch cả lên. Bỏ đi bố nhé. Ơ mà, có chiếc túi, trong túi có thư, mà lại bằng tiếng nước ngoài, cả sợi dây chuyền nữa bố ạ.
             Tôi trân trân nhìn chiếc ảnh nhỏ trong cái lắc, đính theo sợi dây chuyền đã mờ theo năm tháng. Lẽ nào là ánh mắt ấy...
                                                                                         ***
            Mùa khô năm 1982. Đó là những năm tháng ác liệt nhất. Đơn vị tôi chốt giữ ở khu rừng thuộc tỉnh Pursat giáp biên giới Thái Lan. Cuộc sống của những người lính tình nguyện tương đối tươm tất vì đường tiếp tế từ bên nước nhà sang thông thoáng. Ngoài ra, chúng tôi còn cải thiện nhờ đánh cá từ sông Kơ Lông, chỉ một liều phóng B40 có thể kiếm hàng chục cân, có khi cả tạ cá. Tuy nhiên cũng phải căng mình ra chống đỡ các đợt tập kích của cả Khơ me Đỏ và Mặt trận Nhân dân Giải phóng Quốc gia Campuchia từ căn cứ ở Thái Lan về. Đơn vị thực hiện nhiều đợt truy quét, ngăn không cho địch đánh sâu vào nội địa. Nhiều trận chiến ác liệt xảy ra. Việc bắt được tù binh không hiếm nhưng với tù binh nữ thì tương đối ít, vì lực lượng này thường làm công tác bảo đảm ở phía sau, ít trực tiếp tham chiến. Do vậy, tin bắt được tù binh nữ lan nhanh ra các chốt. Chỗ nào cũng xôn xao: “Tù binh nữ nó như thế nào nhỉ? Phải qua nhìn “phát” cho biết.”
            - Thôi đi các “bố”. Tù binh nữ cũng là đàn bà, có gì phải xem. Cẩn thận Đại đội bắt được, ốm đòn đấy.- Tôi với cương vị Tiểu đội trưởng, không ra đồng tình, cũng không ra ngăn cấm.
            Dĩ nhiên, lính ta nhận ra ngay ẩn ý ấy. Từng tốp, từng tốp... đánh lẻ. Về, mỗi người tả một kiểu. Nào là: “Con giặc cái này đẹp dễ sợ, tóc đen, môi đỏ, mắt lá răm lúng liếng.” Người khác lại bảo: “Da hơi đen nhưng có duyên, đặc biệt là có cái eo thon, tuyệt vời như thần vệ nữ”... Thôi thì đủ kiểu, xinh đẹp hay xấu xí được thêu dệt tùy theo “gu” của từng người. Nghe anh em trong Tiểu đội bàn tán, tôi nổi tính tò mò, quyết một lần thấy tận mắt. Lấy cớ thăm anh bạn làm liên lạc Đại đội, tôi có nửa ngày la cà trên C bộ. Không có gì đặc biệt, một cô gái Campuchia, mảnh mai trong bộ quân phục quân tình nguyện rộng thùng thình,  đi lại, cười nói thoải mái. Cô ta có vẻ giống người nhà lên thăm đơn vị hơn là một tù binh.
            - Mày có thấy “con giặc” này đặc biệt không?- Tôi nói với thằng bạn sau khi ngồi thật lâu ngắm nhìn cô gái.
            - Tao cũng thắc mắc, sao nó lại trắng thế? Không giống người Khrme.
Ý tôi không phải như thế nhưng cũng không muốn tranh luận. Đàn bà đẹp không thiếu, họ là một nửa thế giới, được tôn vinh là phái đẹp. Có gì lạ đâu. Vậy sao, một người đàn bà ở phía bên kia lại hút nhiều ánh mắt của những chàng trai đến thế, vả lại, cô ta cũng làm gì đến mức phải trầm trồ. Phải chăng, cả năm trời, lính ta chưa có dịp nhìn thấy một người đàn bà, hơn nữa cô ta lại xuất hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, nếu không nói là kì lạ. Người ta bắt gặp cô nằm còng queo trong một bụi cây, đang ôm bụng, mặt méo đi vì đau đớn. Cạnh đấy là gánh đạn cối. Gặp bộ đội, không những không sợ mà còn tỏ ra vui mừng. Tiếc là không ai có đủ vốn từ Khmer để hỏi cho rõ ngọn ngành. Thấy để cô gái ở lâu không có lợi, khu vực đại đội đang chốt giữ luôn là tâm điểm cho các cuộc giao tranh ác liệt nên giao cho tôi đưa tù binh về phía sau kết hợp chữa dứt điểm bệnh hắc lào đã hành hạ tôi từ nhiều tháng nay.
            - Đồng chí phải có trách nhiệm đưa tù binh về Trung đoàn an toàn. Để nó trốn là cậu “thế” vào chỗ đó.- Đại đội trưởng giao nhiệm vụ, kèm theo một lời răn đe.
            Đường từ đơn vị về hậu cứ khá khó khăn, chủ yếu là rừng núi, đi nhanh cũng phải mất vài ngày. Pôn Pốt thường gài mìn hoặc phục kích nên ai cũng ngán. Đi một mình, còn đỡ, đàng này phải dắt díu một “mụ” tù binh mà thoạt nhìn cũng thấy không khỏe khoắn. Tôi chuẩn bị khá kĩ cho chuyến đi. Ngoài khẩu AK vật bất li thân của lính, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, vật dụng đi rừng, thêm một chiếc xoong nhỏ- chiến lợi phẩm của một lần đột nhập sang đất Thái. Vài kí gạo, mấy loong thịt hộp. Một sợi dây dù và cuốn sổ ghi chép một số tiếng Khrme thông dụng... Tôi cắt phương vị, một phần để rút ngắn quãng đường, một phần để tránh nơi lính Pôn Pốt thường gài mìn. Trái với vẻ tươi vui thoải mái khi còn ở trên C bộ, vẻ mặt cô ta buồn so, tai tái, chân bước lập cập, vấp liên tục, chốc chốc lại ngã lăn vì hai tay bị trói không giữ thăng bằng được. Chắc cô ta cũng không muốn trốn, mà có trốn cũng chẳng thể nào tồn tại được ở cánh rừng hoang vu như thế này. Tôi cởi trói, một đầu dây buộc vào một tay ả, một đầu buộc vào tay tôi. Bằng cách đó, chúng tôi đi nhanh hơn, ả cũng thoải mái hơn. Vừa đi chúng tôi vừa “trò chuyện” bằng ngôn ngữ của người khiếm thính. Ả cười rũ, khi nghe tôi nói những từ có trong cuốn sổ, sau này tôi mới biết đó là những từ lính ta xiên xẹo. Bữa ăn đầu tiên trong rừng khá tươm, rau xanh, thịt hộp, cơm trắng. Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua đống lửa nhỏ. Ả ăn nhỏ nhẻ, cặp môi căng mọng, môi dưới hơi trễ xuống, mắt bắt ánh lửa, rừng rực. Mệt mỏi, ả nằm nhoài. Tôi ngồi bó gối nhìn đống lửa đang lụi dần. Nghĩ đến đoạn đường còn dài, tôi giật giật sợi dây ra hiệu đã đến lúc phải đi. Hơi nhíu mày, rồi lập tức giãn ra thật nhanh, ả đi sát vào tôi, hơi thở hổn hển, ngực khẽ chạm vào bắp tay tôi mềm mềm.
            Khu rừng nguyên sinh, dây leo chằng chịt, vừa đi vừa phải phát cây, mở đường nên tốc độ khá chậm so với dự kiến. Ả kiên nhẫn bám theo, không nói cũng không có biểu hiện bất tuân, khiến tôi phần nào yên tâm. Cứ như thế gần một ngày, quãng đường khó đã dần qua, nơi trọng điểm phục kích của địch cũng xa dần. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngửa mặt nhìn trời, ráng chiều đỏ quạch len lỏi qua kẽ lá. Tôi quyết định dừng nghỉ ngay cạnh con suối. Tôi thả mình, tận hưởng sự ve vuốt của dòng nước, mọi mệt nhọc dường như tan biến. Nhìn vẻ như van lơn của ả, tôi cởi trói để ả xuống tắm và tranh thủ đặt nồi cơm và ăng gô canh rau nhặt được trên đường đi. Bỗng có tiếng thét thất thanh. Tôi vội vàng xách súng chạy xuống. Trước mắt tôi, một thân hình “đồng hồ cát” được mạ vàng bởi ánh hoàng hôn hiện ra. Tôi sững người như bị thôi miên. Ả chỉ con rắn đang lắc lư dưới làn nước rồi lao vút, nhảy phóc vòng tay lên cổ, hai chân quặp ngang hông tôi, ướt rượt.... Bộ ngực trắng như sứ áp sát mặt, tôi há như cá mắc cạn, lập tức gần một nửa bầu vú cùng cái núm hồng hồng chui tọt vào miệng, nồng nàn, êm ngọt. Toàn thân tôi căng cứng, bụng dưới đau nhức, quặn thắt, máu chạy rần rần. Cặp môi mềm mềm của ả ngậm vành tai tôi, cái lưỡi ngọ nguậy cũng ướt rượt. Tôi rùng mình... giần giật... giần giật. Lập tức bụng dưới hết tức, người nhẹ tênh, mắt mờ mờ bảy sắc cầu vồng, tưởng như đang ở trên tiên cảnh. Cảm thấy vòng tay tôi lỏng ra, ả buông tay tụt xuống, đôi mắt lá răm liếc xéo, cười rinh rích rồi quay người nhào xuống suối.
            Khí hậu Campuchia khắc nghiệt, ban ngày nóng như rang, ban đêm lại lạnh thấu xương. Bóng đêm tràn ngập núi rừng. Không gian u tịch, lạnh lẽo. Lũ côn trùng rỉ rả, đâu đó tiếng mang tác, tiếng chim kêu ai oán càng tạo nên sự huyền bí. Nằm trên võng, tôi rùng mình, cố co mình chống chọi với nỗi sợ hãi và cũng làm giảm diện tiếp xúc. Có mấy bộ quân phục đã khoác hết lên người nhưng vẫn run cầm cập. Ngay dưới chỗ tôi nằm, ả cũng co ro trong tấm mền mỏng, chốc chốc lại trở mình, khiến sợi dây nối tôi và ả rung lắc liên tục. Biết khó có thể ngủ được, tôi ngồi dậy, ra hiệu cho ả lên võng. Tôi nhóm lửa, bất chấp có thể là mục tiêu tấn công của Pốt. Nhìn tấm thân quấn gọn trong tấm đắp lọt thỏm trên võng, hình ảnh ban chiều cứ lượn lờ trong trí óc. Lạ thế! Cơ thể của ả, cái gì trắng là trắng đến nao lòng, cái gì đen là đen đến nhức nhối. Lồ lộ, hun hút. Có ma mới tin giữa cánh rừng âm u hiu quạnh, một trai một gái khỏe mạnh lại không có chuyện gì. Không “ăn” cũng bị mang tiếng. Mình có cưỡng ép gì đâu? Ả tự nguyện. Chả ai biết mà sợ. Tôi đánh mắt về chiếc võng, cố kìm cảm xúc đang dâng dần... dâng dần.
            Ả đã dậy ngồi bên tôi tự lúc nào. Đôi tay mềm mại vòng qua cổ, đôi môi mọng đỏ mở hé. Đôi mắt đen ướt với cái nhìn thăm thẳm, như dâng hiến, đợi chờ. Không thể nào dừng lại được. Suy cho cùng tôi cũng là con trai, là con đực khỏe mạnh, là lính thường, đâu phải thánh nhân, hay cán bộ được rèn luyện bản lĩnh. Tôi chồm người, đè lên ả, chìm ngay vào vòng tay ma mị. Mọi giác quan nở bùng. Tiếng thở ngắt quãng, hơi ấm của cơ thể, mùi con gái gây gây, nồng nồng, quyến rũ. Tôi mê đi, chả còn nghĩ gì được ngoài tấm thân nóng rực. Luống cuống, kéo chiếc thắt lưng. Báo hại cho tôi nó lại bị kẹt. Loại xanh tuya, rập khuôn kiểu của Trung Quốc vốn không trơn tru, lúc cần mở thì kẹt, lúc cần đóng thì tuột. Loay hoay mãi, đến lúc tháo được ra thì hết “hứng”. Nhìn đôi mắt thất vọng của ả, tôi không khỏi chạnh lòng. Chiến tranh đúng là trò trêu ngươi, điên khùng nhất, tàn ác nhất đối với tất cả loài người...
            Một đêm qua đi, vật vã. Ả úp hai bàn tay vào nhau, lật lên, lật xuống, rồi chỉ về phía biên giới. Tôi hiểu ả muốn tôi đi về hướng đó. Sang bên ấy, tôi với ả sẽ là vợ chồng, sẽ có cuộc sống sung sướng. Tôi lắc. Bất ngờ, ả chộp lấy khẩu AK, kéo quy lát, chĩa thẳng vào tôi. Khá bình tĩnh, bằng hai bước chân, tôi đã tiến sát ả, một quả đấm khá nặng vào khuôn mặt xinh xắn. Ả ngã vật, đầu đập vào hòn đá bất tỉnh. Làm sao ả biết được viên đầu trong băng đạn đã bị tôi vô hiệu bằng cách tháo hết thuốc súng. Đi áp giải tù binh, chúng tôi đều làm như thế đề phòng bị cướp súng. Còn khi cần phải tác chiến, chỉ cần kéo khóa nòng hai lần, mất không tới một giây là chiến đấu được ngay. “Nhân đạo với kẻ thù là tự sát”.- Tôi đọc được, ở đâu đó. Vừa nghĩ tôi vừa xiết chặt sợi dây dù, trói giặt cánh khuỷu, chờ ả tỉnh dậy...
            Khuôn mặt sưng lên một cách bất thường, ả sợ hãi, cum cúp đi theo tôi, mắt không ngừng nhìn vào khẩu súng. Ả không ăn được cơm, tôi phải nấu cháo, đút từng thìa. Mắt ả ầng ậng nước, không một lần ngước nhìn tôi. Tôi cũng quên thân hình “thần vệ nữ”, trước mắt chỉ còn một tên nữ tù đã một lần định giết tôi. Cơn mưa rừng trái mùa, bất chợt, không kịp tránh trú, ướt như chuột lội. Tệ hơn, ả lên cơn sốt. Nóng hầm hập, mềm nhũn. Tôi cởi trói, cõng ả trên lưng, phía trước là ba lô, súng đạn, xoong nồi lỉnh kỉnh, phía sau một thân người buông thõng, chốc chốc lại tuột xuống. Đường trơn, bùn bám dính dưới đế dép lép nhép, chốc lại trượt, ngã văng, ả lăn lóc nhóc, cả hai bị đất bám đầy người. Quần áo âm ẩm, những vết hắc lào đau rát ngứa ngáy khủng khiếp. Đúng là của tội. Nếu không có cái của nợ này, tôi đã về từ lâu, sẽ được cứu chữa, thoát khỏi bệnh tật. Hay là mặc xác ả? Sẽ có muôn vàn lí do. “Cứu một người phúc đảng hà sa”. Có thể không ai trách cứ. Nhưng là người lính bỏ tù binh ở lại, lương tâm có bị cắn rứt. Liệu có thể yên ổn cho những tháng ngày còn lại? Ả nằm lại đây chắc chắn sẽ không qua khỏi. Nhưng nó có ngại ngần khi chĩa mũi súng vào mình đâu? Nếu mình không đề phòng thì bây giờ có còn sống để mà nghĩ ngợi... Thôi kệ, phó mặc cho số phận. Đừng oán tôi nhé. Ngoái nhìn ả co quắp trong đất nhão lần cuối, tôi quay người đi như lao. Chợt tôi sững lại, nghe như có tiếng gọi mơ hồ: “Cứu...cứu...”. Tôi bịt tai, cắm cúi, bước tiếp. Rồi lại ngập ngừng, lưỡng lự. Từ trong sâu thẳm: “Ê, mày là thằng lính, một lính tình nguyện, bao nhiêu người đã hy sinh mạng sống cho một Dân tộc được hồi sinh...”. 
            Tiếng kêu hình như rõ hơn. Dừng lại. Ngẫm nghĩ. Rồi quay lại, đi như chạy. Ả nằm đó, vẫn mê mệt, bê bết đất. Chiều mây xám, gió thổi đong đầy xác lá, tuy mưa không còn rơi, nhưng cái lạnh vẫn nổi lên thông thốc. Đổ ít thuốc súng vào đống củi dầu, hơ bộ quân phục trên ngọn lửa cháy phừng phực. Không lâu đã có vẻ rao ráo. Tôi thay quần áo cho ả. Tuyệt nhiên không ham muốn dù thân hình ả vẫn thế. Đẹp và quyến rũ. Ả có vẻ tinh tỉnh khi húp vài thìa nước cháo. Tôi thấy người ngây ngấy: “Có thể cơn sốt sẽ hỏi thăm”. Phải đi thôi. Phải ra khỏi cánh rừng này. Xốc lại ả trên lưng, cánh tay ả buông thõng, lắc lư. Tôi dò dẫm, bước. Cái lạnh từ trong đẩy ra, từ ngoài dội vào. Tôi đi như mộng du, như mơ ngủ. Không giống với sốt rét, có gì tệ hơn thế. Phải cố. Đừng gục, gục ở đây đồng nghĩa với cái chết. Tôi nghiến răng cố để không va vào nhau, lê từng bước. Nhưng rồi, tôi đổ ập xuống, chỉ kịp thoáng kêu: “Mẹ ơi...”
                                                                                 ***
           - Con phải tìm mãi mới thấy nhà ông viết thư thuê, trước hay ngồi ở cửa Bưu điện. Ông già rồi nên không đi được nữa.- Con gái vừa nói vừa chìa bức thư đã được dịch ra tiếng Việt.
            Hàng chữ nghiêng đều tắp, đầy kín một tờ giấy phê đúp.
            Gửi anh bộ đội Việt Nam.
            Em viết bằng tiếng Pháp thay vì tiếng Khrme, vì đó là tiếng mẹ đẻ của em. Mẹ em là người Pháp, giáo sư một trường Đại học. Bố em, người Campuchia là Bác sỹ trong một Bệnh viện ở Phnompenh. Năm 1975, gia đình em đã kịp chạy sang Băng Cốc trước khi Khơ me Đỏ tràn vào thành phố.
           Em vào học ở trường dành cho ngoại kiều ở Thái Lan. Em chuẩn bị bước vào Đại học thì bố gia nhập vào đội quân do Hoàng thân lãnh đạo. Chả ai bắt buộc cả. Bố tham gia vì tôn thờ Hoàng thân và muốn làm cái gì đó phục vụ “đất nước”. Em cũng muốn một lần trải nghiệm, bất chấp ngăn cản của mẹ. Được tuyển vào lực lượng đặc biệt, em rất vui vì thỏa mãn tính phiêu lưu mạo hiểm đã ngấm vào em từ tấm bé. Em được các cố vấn nước ngoài dạy cách thu thập tin tức, cách mua chuộc và sử dụng các loại vũ khí. Em đã một lần trong vai người Campuchia trốn từ trong rừng ra. Được bộ đội Việt Nam cho ăn, ở. Thời gian đó em đã kịp ghi nhớ quân số, vũ khí, vị trí đóng quân, báo cho chỉ huy. Nghe nói, trận đó chúng em đã thu được kết quả. Đôi lúc, em cũng ân hận vì đã phản bội lại những người bộ đội đã nhường đồ ăn, thức uống cho mình nhưng lại tự an ủi: “Chiến tranh là thế! Và em đang góp phần “giải phóng” quê hương”.
           Lần này, em lại được giao đột nhập căn cứ của các anh. Cái căn cứ như cái gai đâm vào mắt của các cấp chỉ huy, đã gây không ít tổn thất, đã ngăn cản việc chuyển quân, chuyển vũ khí từ Thái Lan về sâu trong nội địa. Kịch bản là tù binh được dàn dựng khá công phu và không khó để em vào trong căn cứ của các anh. Em lại được đối xử như người thân trở về. Trong thời gian ở đơn vị, em không hề thấy gò bó gượng gạo, ngược lại luôn nhận được những ánh mắt thân thiện, đôi khi ngưỡng mộ nữa. Em ghi nhớ những vị trí chốt, quy luật hành quân, quân số, vũ khí khi truy quét và bố phòng. Em tự lên kế hoạch, vẫn đinh ninh sẽ được gửi về, trên một chuyến xe nào đó hoặc được phóng thích tự tìm về quê quán như lần trước thì thình lình em bị trói, bị giải đi. Kế hoạch đào tẩu không thành. Vừa đi, em vừa nghĩ đến việc mua chuộc anh. Theo những gì em được học và bản năng của đàn bà em nghĩ sẽ có cách tiếp cận, anh sẽ không thể nào cưỡng lại được. Cho đến khi anh rẽ vào rừng, đi theo một lộ trình chỉ một mình anh biết. Em lo lắng thật sự vì rừng rậm, hoang vu, nhiều nguy hiểm. Nếu thả ra, em cũng không thể nào tìm được đường. Có lẽ anh hiểu được điều đó nên đã không trói như lúc đầu, đổi lại là sợi dây “gắn kết” giữa hai cánh tay anh và em. Một “cú” giả vờ lúc tắm suối, em gần như chắc chắn anh không thờ ơ. Em cười khi anh ngượng ngùng đi nghiêng để em không nhận ra cái “mảng đàn ông” sâm sẫm. Dù còn trẻ, nhưng nhiễm lối sống phương Tây, em đã là người đàn bà từng trải, tự cho mình có khả năng mở mọi cánh cửa vào tâm hồn của những người khác phái. Em không vội vàng. Rồi sẽ đến lúc anh phải quy hàng. Em sẽ vô cùng hãnh diện khi dẫn anh về ra mắt thượng cấp. Viễn cảnh: Em được tôn vinh, được coi là người phụ nữ hàng đầu trong đội ngũ những người “kháng chiến”, làm em phấn khích. Nếu mọi việc êm xuôi, anh đã có em, và trong bộ sưu tập đàn ông, em có thêm một người “lính tình nguyện”. Sự việc không thành, em buộc phải cướp súng bắt anh phải theo sự xếp đặt. Em không hề muốn hại anh, chĩa súng, nhưng ngón tay em chưa từng chạm đến vòng cò. Nhưng dù vậy em vẫn là kẻ thù của anh. Có một điều em không thể lí giải, tại sao anh vẫn ân cần, chăm sóc người có ý định giết mình? Anh hoàn toàn có thể bỏ em ở lại mà không ai, kể cả em có quyền trách cứ.
           Chiến tranh vốn là thứ tàn bạo, và ai cũng phải chấp nhận sự tàn bạo đó. Thế rồi, anh cũng không tránh khỏi cái khắc nghiệt của rừng già, mê man, mê sảng. Em không thể tìm đường về căn cứ nên cố kéo anh về phía có tiếng động cơ ô tô xa xa. Anh thì nặng, em lại yếu nên chỉ nửa thân trên của anh là trên lưng em còn hai chân bị kéo lê trên đất cứng. Đến được lộ, cũng là lúc em gục xuống. Khi tỉnh dậy, thấy đang cùng anh nằm trong một bệnh viện hay bệnh xá quân y. Em bịa ra chuyện gặp anh đang sốt trong rừng. Không ai nghi ngờ gì, em được mọi người yêu quý. Em khỏe lại rất nhanh trong khi anh vẫn mê man. Em nhất quyết không rời, nếu anh không tỉnh lại. Nhiều người lầm tưởng giữa anh và em có “quan hệ”. Em không thanh minh, cảm thấy có cái gì đó cựa quậy trong trái tim. Anh không giống những người đàn ông khác. Anh là người em vừa căm ghét, vừa cảm phục vừa thương mến...
            - Cậu ấy bị nhiễm trùng máu. Phải đưa ngay về Việt Nam.- Ông Bác sĩ già sau khi xem xét và hội chẩn, yêu cầu.
            Trên đường đi em thấy anh dùng ASA để bôi lên những chỗ bị hắc lào, khi hết thuốc, anh đã dùng nhựa chuối, sau là một loại nhựa cây gì đó. Có thể anh đã bị nhiễm độc từ những nhựa cây ấy. Một chiếc xe được huy động, em đi cùng đến khi rẽ sang lộ 3- lối về Việt Nam. Em không chịu xuống, nhưng không ai cho phép em về Việt Nam dù có khóc lóc van xin. Đặt đầu anh lên đùi, hai tay em vuốt vuốt, lay lay: “Tỉnh dậy đi anh, một lần thôi để em yên tâm về Phnompenh”. Anh vẫn không mở mắt. Tháo sợi dây chuyền, mẹ tặng khi em tròn 18, cho vào túi ngực anh, cài khuy cẩn thận. Kỉ vật này thay cho lời em nói. Biết không thể khác được, em xuống xe, đứng giữa ngã ba đường, rất lâu, cho đến khi lớp bụi sau xe chỉ còn một dải mờ mờ...Những ngày ở cùng các anh, em hiểu ra nhiều điều. Hiểu thế nào là tình yêu. Hiểu về những người lính tình nguyện. Và hiểu rằng nếu không có quân đội Việt Nam, rất có thể một ngày nào đó, dân tộc Khrme Campuchia sẽ không còn tồn tại... Em tin: Nhất định sẽ có ngày gặp lại. Hãy tìm em, anh nhé...
            Tôi đọc đi đọc lại bức thư. Ngơ ngẩn. Không một dòng địa chỉ. Cũng đúng, những năm tháng ấy, Phnompenh vắng lắm. Em chắc cũng không biết mình sẽ ở đâu, liệu căn nhà cũ của em có còn tồn tại trước biến cố gần chục năm dưới chế độ Khrme đỏ?
            - Này bố! Sau lễ thành hôn của con, bố sang bên ấy mấy ngày. Giờ chỉ một buổi là tới thôi.
            “Ừ! Sao lại không! Biết đâu...”

 
Tháng 1 năm 2023.
Đại tá Trương Ngọc Hùng
(Nguyên Phó chỉ huy trưởng, BCHQS tỉnh Nam Định)

tin tức liên quan