"Trở lại Sư đoàn 968 Anh hùng Quân tình nguyện Nam Lào" - Ghi chép của Lê Lợi (Tiếp theo)

Ngày đăng: 10:57 19/06/2023 Lượt xem: 76
TRỞ LẠI SƯ ĐOÀN 968 ANH HÙNG QUÂN TÌNH NGUYỆN NAM LÀO
Ghi chép
TTUT-BsCKI Lê Lợi, CCB F968
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam


 
 
(Tiếp theo)

ĐÔNG HÀ VÀ CỬA VIỆT
       Sau buổi trưa, chúng tôi về nhận phòng nghỉ rồi thuê xe chạy xuống Cửa Việt để ngắm biển. Xe chạy khoảng chừng 20 cây số thì đến Cửa Việt, cái địa danh nổi tiếng từ thời chiến tranh. Giờ đây vẫn còn hoang sơ lắm và dường như vắng vẻ hơn bởi ảnh hưởng của sự cố Formosa năm trước nên người về đây không nhiều. Không nhiều khách đến, có người xuống biển tắm, có người chỉ sắn quần lội ở mép nước nhưng vẫn có nhiều người bán hàng rong, thôi thì người già, trẻ em rao bán lạc luộc, bán bánh đa, bán bật lửa, tăm, đĩa DVD nhạc .... Có độ chèo kéo nhưng không dai dẳng phát sốt ruột bằng các nơi khác. Chúng tôi gọi món mực tươi, nghe chủ quán giới thiệu mới lấy từ thuyền đánh bắt về hấp ngay ở quán trên bờ biển, uống với bia lon, miếng cá mực trong miệng thấy giòn và thơm, càng nhai càng thấy ngọt. Không mang theo quần áo tắm, thôi thì để chân trần lội xuống nước, bờ cát trắng phau như tan chảy ở những kẽ ngón chân. Nhìn thấy mờ xa là Cồn Cỏ, hòn đảo tiền tiêu nổi tiếng khắp năm châu thuở chống Mỹ năm nào giờ đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn được nhiều người biết đến..
       Chiều, chúng tôi về lại thành phố Đông Hà để dự bữa cơm thân mật của Ban liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 968 tỉnh Quảng Trị tổ chức. Tại đây, ngoài những người quen cũ chúng tôi còn gặp nhiều thế hệ lính sư đoàn ở một số tỉnh về đây nhân ngày trọng đại kỷ niệm 50 năm Sư đoàn. Những mái tóc bạc trắng, những bước chân tập tễnh, những chiếc nạng thay chân, những ống tay áo bị rỗng ... trong những bộ quân phục bạc màu những trên gương mặt khắc khổ đều xuất hiện những nụ cười rạng rỡ khi gặp lại người quen và cả người không quen. Những câu chuyện cả cũ, cả mới được nhắc lại trong buổi tối đầu tiên ở Đông Hà giữa những cựu binh một thời chinh chiến trên đất bạn Lào.
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUỐC GIA ĐƯỜNG 9
       Ngày 16/6/2018, sau khi ăn sáng chúng tôi tập trung đi Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9. Nằm cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6 km trên một vùng đồi thuộc về phía nam quốc lộ 9 trên đường đi Lào, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Không hiểu sao, trời đang tạnh ráo mà khi xe chở đoàn cựu chiến binh mấy trăm con người chúng tôi qua cổng nghĩa trang thì trời bắt đầu lắc rắc rồi chuyển mưa nặng hạt. Tại khu nhà chờ của Ban Quản lý nghĩa trang, tôi gặp người quen, cháu Trang là con gái anh Bình một sĩ quan quân đội người Nam Định giờ lấy chồng và làm nhân viên ở đây. Sau một chút chờ ở nhà Ban Quản lý đợi các xe nối đuôi nhau tập kết, chúng tôi mặc kệ trời mưa, để đầu trần ra khu hành lễ. Khuôn viên khu hành lễ có nhà tưởng niệm, phù điêu và bốn cụm tượng. Nhà tưởng niệm có một lư hương lớn để dâng hương. Có ba mảng phù điêu khá lớn quây thành ba góc như vòng cung hướng về trung tâm khu hành lễ. Bức phù điêu chính giữa có gắn hàng chữ Tổ quốc ghi công các liệt sỹ. Bức phù điêu phía Ðông tái hiện tinh thần đấu tranh bám trụ kiên cường của quân và dân Quảng Trị cùng đồng bào miền Nam; chính giữa là hình ảnh bà mẹ giới tuyến đang ngồi vá lá cờ Tổ quốc. Còn bức phù điêu phía Tây thể hiện tinh thần đoàn kết, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng quân, binh chủng của ta ở chiến thắng Ðường 9 - Hạ Lào đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 71 của Mỹ-ngụy. Có bốn cụm tượng ở phía trước nhà tưởng niệm, được đặt ở bốn góc. Cụm thứ nhất là hình ảnh anh bộ đội giải phóng cầm khẩu súng chống tăng B.41 đang sát cánh cùng anh bộ đội Pa thét Lào. Cụm thứ hai mô tả hình ảnh nhân dân trong đó có đồng chí thương binh chống nạng, đặt tay lên ngực đến viếng các anh hùng, liệt sỹ sau ngày chiến thắng. Cụm thứ ba là hình ảnh của cuộc chia tay giữa bộ đội Việt Nam với nhân dân các bộ tộc Lào sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế; người thiếu nữ phù sao Làođang buộc sợi chỉ cổ tay thể hiện tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc. Cụm thứ tư là hình ảnh anh du kích người dân tộc ít người của núi rừng Trường Sơn với cô gái thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Phía trước khu hành lễ là tháp chuông treo đại hồng chung, trên thân chuông có khắc lời đề từ của Viện sĩ-Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, người làng Hành Thiện nổi tiếng thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường của tỉnh Nam Định:
Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc
Ngọn lửa anh linh rực đất trời
Muôn dặm từng vang đường Số Chín

Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi”.
       Tại đây còn có tượng đài chiến thắng cao 18 m, được chia làm hai phần, bệ và tượng. Bệ tượng được kiến trúc thành hai mộ kề nhau. Mộ tượng phía Ðông thể hiện sự đổ nát của Thành Cổ Quảng Trị bởi bom đạn trong chiến tranh còn mộ tượng phía Tây lấy hình tượng là một ngọn núi của dãy Trường Sơn mà tiếng Lào gọi là Phu Luông hùng vĩ. Thiết kế về phần tượng thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt-Lào, đó là hình ảnh anh bộ đội giải phóng quân Việt Nam và phù sao (thiếu nữ) cùng em bé người Lào mừng chiến thắng sau ngày chiến tranh kết thúc.
       Sau lễ mặc niệm và dâng hương, cháu Trang dẫn chúng tôi đến khu 11 là nơi dành riêng quy tập và an nghỉ của 340 anh hùng liệt sĩ người Hà-Nam-Ninh, cái tỉnh năm 1976 được nhập lại từ hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, đến năm 1997 lại hoàn thành việc chia thành ba tỉnh nhỏ Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Tại nơi này, biểu tượng của Nam Định là tháp Phổ Minh mới được xây dựng, gồm 13 tầng ốp bằng đá màu đen, trông thật sừng sững, uy nghiêm. Nghe cháu Trang nói là đang hoàn thiện, vẫn còn vết của xi măng nhưng đã có hiện tượng bị lún, vỡ gạch lát nền. Chúng tôi thắp hương, kính cẩn nghiêng mình trước đồng đội lớp trước của sư đoàn 968 và các sư đoàn 308, 304, 312, 324, 320…đây là những đại đoàn, sư đoàn chủ lực từng gắn bó với nhân dân các bộ tộc Lào trong quá trình làm nghĩa vụ quốc tế suốt các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nằm lại nơi đây còn có bộ đội địa phương, dân quân, du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cháu Trang cho biết toàn khu nghĩa trang được chia làm 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương để tiện cho việc quản lý và thăm viếng. Mỗi một khu vực được thiết kế có nhà tưởng niệm riêng với kiến trúc phảng phất hình ảnh đặc trưng ở các vùng quê mình. Đây là đối với phần mộ liệt sỹ biết đầy đủ họ tên, quê quán còn gần mộ liệt sĩ chưa biết đầy đủ thì quy tập lại ở khu vực chung. Khuôn viên nghĩa trang hôm nay có các cháu thanh niên địa phương và bộ đội của sư đoàn 968 đến vệ sinh và dọn cỏ, dưới bóng thông và hàng dương tỏa bóng mát, các ngôi mộ được bố trí xếp hàng hài hòa, đều nhau như trong quân ngũ (Chỉ có một số ngôi mộ của các liệt sĩ được phong tặng danh hiệu anh hùng là được thiết kế to hơn). Giữa không gian phảng phất mùi hương trầm ngan ngát, tôi tham gia các hoạt động và chuyện trò cùng các cháu, lứa tuổi mười chín, đôi mươi như ngày nào chúng tôi trong quân ngũ. Các chiến sĩ trẻ măng đang dọn cỏ và rác thấy một cựu chiến binh già, tóc bạc đeo quân hàm Trung sĩ thì thú vị lắm, trò chuyện hết sức vui vẻ. Được biết đây là công việc mà hàng tuần các cháu thay nhau thực hiện góp phần nhỏ bé cho nghĩa trang khang trang hơn, đẹp hơn để làm ấm lòng người dân cả nước về thăm viếng.
THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
       Rời Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, đoàn cựu chiến binh lên xe và hướng về thành cổ Quảng Trị. Tôi đã đến đây mấy lần, lần nào cũng trào nước mắt khi nghe cô thuyết minh đọc lá thư của người chiến sĩ viết gửi về cho vợ trẻ trước lúc bước vào trận đánh và hi sinh, trong thư dặn rất rõ nấm mộ của mình là nơi bờ Bắc của sông Thạch Hãn và quả là đúng như vậy. Nhiều đơn vị gần như bị xóa sổ chỉ sau một đêm, hàng ngàn chiến sĩ đã hi sinh anh dũng ở đây, nơi mà vẻn vẹn có 4 cây số vuông hứng biết bao nhiêu là bom, là đạn của kẻ thù. Chúng tôi dâng hương mà lòng nặng trĩu, hiểu rằng cái giá phải trả cho nền độc lập của Tổ quốc là rất đắt. Biết bao nhiêu người con ưu tú của đất Việt đã nằm lại nơi đây, thịt xương tan vào đất để đất nước thống nhất liền một dải non sông. Mỗi bước chân của chúng tôi trên mảnh đất này đều chầm chậm bởi hiểu rằng mỗi tấc đất đã chứa đựng trong lòng nó biết bao là thân xác của liệt sĩ và nhân dân. Cái canh cánh từ nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường Chín đến Thành cổ Quảng Trị đã làm hình thành bài thơ Ghi ở Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9
Các anh từ mọi miền quê,
bao nhiêu đơn vị, giờ về nằm đây,
Ngàn năm mây trắng cứ bay,
Đất trời Quảng Trị nứu tay nghìn trùng,

Bây giờ về mái nhà chung,
Không còn cái thuở mịt mùng đạn, bom.
Thân trai nợ nước đã tròn,
Chỉ thương cha, mẹ mỏi mòn phương xa.

Mấy mươi năm ấy đã qua,
Sim, mua tím ngắt chiều tà Trường Sơn.
Khe Sanh, Dốc Miếu, Tà Cơn,
Lòng sông Thạch Hãn vẫn còn nỗi đau ....

Bao đàn em, lớp lớp sau,
Chắc tay súng, viết tiếp câu quân hành.
Khói hương nghi ngút trời xanh,
Nguyện cầu, mong đợi các anh trở về.


Nghiã trang đường Chín thành quê,
Các anh yên giấc, bốn bề bình yên.
Gối đầu lên dãy Trường Sơn,
Chân xuôi Cửa Việt, rập rờn sóng xa.

Nước non một dải sơn hà,
Nhớ ơn Liệt sĩ, giao hòa hồn thiêng.
Vạn năm sông núi vững bền,
Máu đào nhỏ xuống thiêng liêng đất này.


(Còn nữa)

tin tức liên quan