Cuốn sách "Lời yêu thương" của các Nữ nhà văn, nhà thơ Trường Sơn

Ngày đăng: 06:41 24/12/2023 Lượt xem: 125
CUỐN SÁCH “LỜI YÊU THƯƠNG”
CỦA CÁC NỮ NHÀ VĂN, NHÀ THƠ TRƯỜNG SƠN
 
       Tôi được nhà thơ Lê Thúy Bắc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn đưa bản thảo nhờ đọc giúp các tác phẩm thơ, văn của các nhà văn, nhà thơ Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn.
      Tôi rất mừng vì biết các chị đang chuẩn bị xuất bản ấn phẩm mang tên LỜI YÊU THƯƠNG – cuốn sách chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/2024).
     Đây là tác phẩm in riêng đầu tiên của các nhà văn, nhà thơ nữ Trường Sơn.
     Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn hiện có 375 hội viên thì 59 hội viên là nữ. 35 chị là nhà văn, nhà thơ, số còn lại là các chị hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.
     Tập sách LỜI YÊU THƯƠNG với 300 trang ra mắt lần này chỉ mới giới thiệu tác phẩm của 18 chị. Tuy nhiên, đọc 300 trang bản thảo, tôi đã thấy sự phong phú, đa dạng của đề tài và giọng điệu rất riêng từ tác phẩm của các chị. Bên cạnh những cây bút khẳng định được tên tuổi như Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Hà Nội), Nhà văn Đoàn Ngọc Minh (Cao Bằng), Nhà thơ Lê Thúy Bắc và Đỗ Thu Yên (Hà Nội), Nhà văn Phạm Hồng Loan (Nam Định)…, tôi thấy có nhiều giọng điệu mới, đầy tươi trẻ như các nhà thơ: Vân Ngà, Trịnh Lan Oanh (Thanh Hóa), Chu Kim Hương (Phú Thọ), Hà Kim Quy (Nam Định)…
Võ Thị Xuân Hà với 2 truyện ngắn khá ấn tượng, trong đó “Lối rẽ khiêm nhường” là “tình yêu”thuở học trò thơ ngây, bay bổng nhưng trong sáng của tuổi trẻ một thời cả nước có chiến tranh…
      “Ký ức Trường Sơn” của Lê Thị Kép thì ngồn ngộn sự kiện không thể quên về trận B52 trùm lên đơn vị thông tin của chị. Chị đã cùng đơn vị gạt nước mắt chôn cất đồng đội hy sinh rồi lao vào nhiệm vụ tiếp giữ vững mạch máu thông tin Trường Sơn thông suốt.
      Với 3 truyện ngắn và ký: “Rưng rưng hương khói ngậm cười”, “Tiếng hát vượt lên bom thù” và “Ngủ đi anh trong lòng đất mẹ”,  Nhà văn Hồng Loan đã “vẽ” chân dung về số phận khác nhau của 3 con người. Bạn đọc được cùng Nhà văn trải qua hành trình ly kỳ tìm kiếm và đưa hài cốt của hai liệt sĩ về đất mẹ trong đó có người anh trai của mình…
       “Bông cỏ may” là mối tình lãng mạn chưa kịp trao nhau lời hẹn ước đặc biệt giữa anh lính cao xạ và cô dân quân 18 tuổi. Họ đã thầm thương, trộm nhớ…Họ chỉ lời hẹn ước qua ánh mắt và gửi vào những bông cỏ may ngày nào… Đỗ Thu Yên đã “vẽ lên” một mối tình như thế!
        Đọc “Tình trong mộng” được trích trong chương “Thiếu nữ kiêu sa” - tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương tiếng vọng” của nhà văn Nghiêm Thị Hằng, người đọc không khỏi thán phục về bút pháp và trí tưởng tượng về mối tình đẹp giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du bên đầm sen Hồ Tây thuở nào…
       Với bộ ba tản văn “Tản mạn tháng tư”, “Chiếc roi mây của nội” và nhất là “Đi tìm hoa AT’rôn” của Chu Kim Hương, người đọc như bị trinh phục bởi vẻ đẹp của Tây Nguyên hùng vỹ và vốn kiến thức phong phú về các địa danh, các sản vật Tây Nguyên “bày” ra của chị.
       Chị Nguyễn Thị Phương Liên lại đi sâu khai thác về số phận đặc biệt sau chiến tranh của một nữ chiến sĩ Trường Sơn. Chiến tranh kết thúc, chị ôm đứa con của đồng đội (đã mất ở Trường Sơn) trở về quê nhà…Bao điều không may nắm đã liên tiếp ập đến cuộc đời chị…Nhưng vượt lên tất cả, chị đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với đồng đội trước khi ra đi…Truyện ngắn “Lặng thầm sau cuộc chiến” là một trong vô vàn số phận khi rời Trường Sơn như thế!
        Nguyễn Thị Kim Thoa cũng có một câu truyện kể về số phận nghiệt ngã của một nữ thanh niên xung phong qua “Chị chồng tôi”. Số phận thiệt thòi dường như không khép lại với người chị. Chị đã tìm thấy “ánh sáng” và niềm vui mới khi được “về” với Hội Nữ Trường Sơn…
        Còn nhà văn Đoàn Ngọc Minh thì lại giới thiệu số phận khá đặc biệt của hai người lính đồng hương Cao Bằng qua truyện ngắn “Lính cũ”. Câu chuyện họ đi tìm nhau và gặp lại nhau sau gần 40 năm rời chiến trường thật cảm động. Nhưng có lẽ với tôi, ấn tượng hơn cả là câu chuyện về một nữ cựu chiến binh chống Tàu đã bất ngờ tìm lại được cô bé mới mấy tháng tuổi bị bỏ lại ven đường ngày ấy. Chị và đồng đội đã vượt qua muôn vàn khó khăn của cuộc chiến để đưa cháu bé về tuyến sau và gửi nuôi dưỡng tại bệnh viện huyện…Không ngờ, cô bé ngày nào được chị cứu sống ấy lại chính là nữ bác sĩ đã điều trị bệnh cho chị những ngày nằm viện vừa qua…Đúng là, với chiến tranh thì không gì không thể xảy ra!
Dù rời Trường Sơn đã gần nửa thế kỷ nhưng ký ức Trường Sơn vẫn sâu đậm trong từng hơi thở, trong từng nếp nghĩ và tình cảm của các chị. Các chị đã mượn thơ để nói hộ lòng mình.
       Nhớ lắm người bạn vừa tâm sự bên mình thì bom thù đã cướp đi trong chớp mắt: “Trường Sơn từng đợt bom rung/Bạn ra đi giữa vô cùng trời xanh…” (Nhớ bạn – Nguyễn Thị Minh Cử). “Ngồi đây sao bỗng nhớ rừng/Nhớ sao cánh võng đã từng đung đưa/Hành quân ngày nắng đêm mưa/Đầu dây ai mắc cho vừa sợi thương”. (Nhớ rừng – Đỗ Thu Yên).
          Nhớ mãi một thời không quên được làm lính Trường Sơn: “Đã một thời tụi tôi là lính/Mang con tim cháy bỏng bước vào đời/ Nơi ấy con đường thác lũ bom rơi/Gió núi, mây trời đưa tôi vào trận mạc.” (Một thời là lính - Lê Thị Kép).
         Còn chị Nguyễn Phương Nga thì vẽ lên: “Ngày ấy/Chúng tôi lên đường trong tiếng ve ngân/Mùa phượng vĩ bừng lên sắc đỏ/Với trái tim hồng khao khát đắm say!” . “Sườn đông mưa tuôn xối xả/Ầm ầm, trắng xóa vực sâu…”. “Đêm về gió qua kẽ lá/Sao trời lấp lóa rừng cây/Lặng im nghe con dế hát/Gối đầu trên súng/Trăng lên! (Ngày ấy – Nguyễn Phương Nga).
     “Ngậm ngùi thương một phương trời/Đung đưa nhịp võng nhớ thời Trường Sơn” (Thuở ấy Trường Sơn - Đỗ Thu Yên).
      Thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ nhưng cứ chạm vào nỗi nhớ là các chị lại giật mình thoảng thốt: “Ngày ấy.../Anh ra mặt trận/Nụ cười đọng ngọt môi em/Nhiều đêm giật mình thổn thức.../Người xưa...như còn ngồi bên! (Ngày ấy – Nguyễn Thị Phương Liên). Với Chu Kim Hương thì tự hào khẳng định: “Bền gan vượt suối dầm mưa hạ/Vững chí băng rừng mặc gió đông”(Vững bước dưới quân kỳ)
          Trịnh Lan Oanh và Nguyễn Thị Vân Ngà là hai nhà thơ 6X và 7X. Các chị chỉ biết Trường Sơn qua lời kể và qua sách báo… Nhưng các chị đã tìm được những khoảng khắc đẹp qua cái nhìn rất khác về những nữ chiến sĩ Trường Sơn: “Các chị về làm cựu chiến binh/Không kể lại những đau thương mất mát/Mỗi bận gặp nhau chỉ vang lên khúc hát/Niềm tự hào thuở ấy Trường Sơn!” (Thuở ấy Trường Sơn – Trịnh Lan Oanh). Và “Những tấm bản đồ trong Bảo tàng Trường Sơn/Đang kể chuyện về con đường Huyền thoại/Đang kể về một thời con trai con gái/Đem máu xương mở lối tới ngày mai”. (Tấm bản đồ trong Bảo tàng Trường Sơn – Nguyễn Thị Vân Ngà)…
         Dù đang ở cái tuổi U70, U80, nhưng các chị vẫn đầy ắp mơ ước: “Cho tôi xin dòng nhạc trộn vào thơ/Dòng nhạc trào dâng cuộn chặt đôi bờ/Tôi muốn thơ tôi có sóng/Dạt dào như sóng tim yêu...”. (Thơ tôi hát – Tạ Thị Ngọc Hiện). Còn chị Nguyễn Thị Minh Cử thì đi tìm nguồn vui qua thơ: “Nhớ nhớ, quên quên tuổi xế chiều/Riêng thơ như lướt phím phiêu diêu/Bệnh tật, buồn phiền đều tan biến/Sức mạnh của thơ gió nâng diều.” (Tâm sự cùng thơ). Nhà thơ Lê Thúy Bắc thì lãng mạn hơn:  “Xuân xanh bung cứ xa mờ/Rượu nồng này rót loang bờ cỏ may/Đi tìm một nửa cơn say/Để quên nửa gió ăn mày cuối đông”. (Vẫn em một nửa).
       “Chợ tình đông thật là đông/Sao em cứ thấy như không có người/Vắng anh em héo nụ cười/Bơ vơ giữa chợ đơn côi một mình”. (Đến Sapa – Nguyễn Thị Thanh Xuân). Còn Nguyễn Thị Kim Thoa khi nhớ về thuở mới vào Trường Sơn: “Phút ngập ngừng chẳng nói nên câu/Có một điều trái tim như muốn nói/Tuổi hai mươi đã ước hẹn câu thề…” (Ngày ấy không quên). “Em tìm về câu hát của An Thuyên/Chặt câu thơ đẩy con thuyền lướt sóng/Cứ đầy ắp với bao điều ước vọng/Khúc tâm tình cháy bỏng những khát khao.” (Níu xuân – Chu Kim Hương).
       Một lần đi chợ vùng cao, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã bắt gặp phiên chợ Xuân qua cái nhìn riêng của đôi trai gái: “Anh không mua rượu trắng/Em không mua măng rừng/Chợ Xuân ta đợi bạn/Câu hát tìm người thương…/Rượu chưa uống mà say/Mặt trời quên xuống núi/Ngựa hý vang bên suối/Chợ vui không nỡ về”. (Xuống chợ mùa xuân)…
 
       Tình yêu thương dành đồng đội, dành cho người thương, cho quê hương, đất nước, cho Trường Sơn…trong từng truyện ngắn, trong truyện ký, trong hồi ức và thơ của các chị thấm đẫm trong từng con chữ. Có thể nói, LỜI YÊU THƯƠNG từ cuốn sách này của các chị thật dễ thương và rất đáng trân trọng.
       Xin chúc mừng các chị!
       Tôi và bạn đọc rất mong tiếp tục đón nhận cuốn “LỜI YÊU THƯƠNG” thứ 2 của các chị một ngày không xa.
 
                        Nhà văn – Nhà báo Phạm Thành Long
                      Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn
 
 

 
 

tin tức liên quan