" Thương nhớ cái rét mùa xuân" - Tùy bút của Đỗ Ngọc Thứ

Ngày đăng: 09:53 09/02/2024 Lượt xem: 52
------------------------
 
THƯƠNG NHỚ CÁI RÉT MÙA XUÂN
Tùy bút Đỗ Ngọc Thứ

 
          Dường như đến một độ tuổi nào đó, con người ta lại quay quắt hoài niệm về những gì đã qua trong cuộc đời ngắn ngủi. Hôm nay, ngày Tết, ngày xuân đã về bên cửa, khi cả đất trời quê hương phương Bắc là một cái “tủ lạnh khổng lồ” thì miền Trung vẫn hoe hoe nắng, vẫn bật quạt ngồi ca cẩm: “Anh ở trong này không có mùa Đông, nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ…”. Tôi chợt thương nhớ “bông tuyết trắng” trong nồi thịt đông mẹ để trên chiếc quang, treo nơi mái bếp.
       Tuổi thơ tôi đói khổ, lăn lóc lớn lên trong ngôi làng nghèo với những mái tranh buồn, bạc phếch dưới nắng mưa. Đường làng bầm nát những vết chân trâu. Những đứa trẻ tóc cháy râu ngô, còi cọc ngồi bên chiếc nồi sứt mẻ với những dẻ khoai teo tóp. Hầu như chỉ khi tết đến, bọn trẻ mới có manh áo mới, có bát cơm không độn sắn, độn khoai, mới có miếng thịt, lát cá. Chao ôi! đói và rét nên ăn cái gì cũng ngon, huống chi là thịt đông, giò chả... Tuổi thơ tôi luôn háo hức chờ tết là vì thế chăng?
        Còn nhớ, năm lên chín, lên mười, cứ vào những ngày giáp tết là cả nhà bận rộn. Mẹ lo chạy chợ kiếm thêm gói mứt, lạng chè. Tôi và chị lo cắt cỏ dự trữ cho trâu; đi quanh làng xin thân cây chuối để dự trữ cho chú lợn xề gầy tong teo trong chuồng. Bận bịu là vậy mà sao cứ vui, cứ cười và chờ mong tết. Cho đến bây giờ, khi đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, tôi vẫn không thể quên cái cảm giác sung sướng vì bắt được chú cá bằng ngón chân trong lần đi hôi ở hồ hợp tác dịp cuối năm. Bốn năm giờ sáng, trời rét căm căm vẫn tung chăn chạy sang nhà hàng xóm xem người ta mổ lợn. Trực chờ đợi bác chủ nhà cho miếng lòng nóng hổi. Chao ơi! Nó ngon đến tận bây giờ.
         Lại nhớ ngày nào ngồi canh nồi bánh chưng cùng mẹ đêm 29-30 tết. Rét cắt da, cắt thịt. Hai tay cứ giang ra như ôm trọn cả bếp lửa đang hừng hực cháy. Mẹ có bắt phải thức đâu mà sao cứ cố thức để chờ đợi một cái gì như quan trọng lắm. Mắt dán vào ngọn lửa đang cố bám vào cành củi mà lẩy bẩy, liu riu. Rồi mẹ lấy nước nóng trong chiếc chậu nhỏ đặt trên nồi bánh chưng, pha nước lạnh tắm cho tôi, như thể mẹ đang gột đi nỗi vất vả, khổ đau của năm cũ. Giờ giao thừa, mẹ treo dây pháo tép trước nhà và cho tôi trực tiếp đốt. Còn gì hạnh phúc hơn không? Tiếng pháo chỉ lẹt đẹt như tiếng ngô rang mà sao nó cứ vang trong tôi trọn một đời. Sáng mùng một tết, mở mắt ra, được mẹ khoác cho chiếc áo mới. Sướng tê người. Tôi chạy đi khoe với lũ bạn trong sự biết ơn mẹ thật nhiều. Nghĩ lại ngày ấy, những câu thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu lại thao thiết dội về:
 “Sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
 Mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
Ta ngoan hết một ngày
Ta ngoan suốt cả năm
Ta thương mẹ đến trọn đời ta sống”.
         Thật hạnh phúc cho ai còn mẹ, còn được cùng cả nhà ngồi quanh nồi bánh chưng đang sôi dưới bếp lửa hồng để xua đi cái lạnh tái tê, chờ năm mới đến. Nhờ có rét xuân ta mới yêu ngọn lửa hơn, yêu khói bếp đậu trên mái rạ thâm nâu hơn, yêu quê hương nghèo khó trong tiếng bờ tre rét run, xào xạc. Gió bấc ơi, tiếng hú của người trên các vòm lá khi xuân về sao thân thương, gan ruột dường vậy? Quê hương ơi! hãy giữ lại cái rét xuân, giữ lại một phần tâm hồn tôi ở phía cội nguồn, để tôi còn có nơi nhớ thương, có nơi trở về, cũng như tôi vẫn còn có mẹ, dù mẹ đã nằm trên cánh đồng gió rét căm căm, để tôi luôn nhớ mình bao giờ cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của mẹ, của quê hương nghèo khó mà nặng nghĩa, nặng tình./.
 
ĐNT
tin tức liên quan