Phong cách thơ của người lính

Ngày đăng: 04:37 08/03/2024 Lượt xem: 33
PHONG CÁCH THƠ CỦA NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN
 Lê Hồng Thái


 
Tôi biết anh khi tôi về nhập cư tại khu phố Đạo Tú, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Là một Cựu chiến binh, nên tôi cũng dễ dàng bắt nhịp. Anh nguyên là một sĩ quan cấp hàm Đại úy, tiểu đoàn trưởng bộ binh, tham gia kháng chiến chống Mỹ thập kỷ 70 – 80 thế kỷ 20.
Về với đời thường anh vẫn giữ vững uy tín, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, anh đã trải qua nhiều cương vị công tác trong đó có 18 năm trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, hiện tại anh đã nghỉ hưu, nhưng vẫn được Đảng, Chính quyền và Nhân dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Người Cao tuổi (NCT) khu phố Đạo Tú, là Chi hội mạnh, số lượng hội viên đông, xấp xỉ 800 người, đồng thời lá ủy viên thường vụ BCH Hội NCT phường Song Hồ. Ngoài ra anh còn phụ trách ban xây dựng, tu tạo bảo tồn di tích Quốc Gia “Di sản nghệ thuật kiến trúc Đình Đạo Tú”. Nhìn chung có thể nói; các công việc xã hội, gia đình, trong họ, ngoài làng, bạn bè, đồng đội thuở chiến trường khá bận rộn và dày đặc. 
Những việc anh điều hành, những vấn đề, ý kiến mà anh phát biểu trước hội nghị tôi vẫn thấy hiện diện một phong cách tổ chức, chặt chẽ, thấu đáo và hiệu quả của một người chỉ huy trận mạc. Với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, chững chạc gần gũi và thân thiện, tôi như thấy lúc nào cũng thường trực trên ánh mắt, nụ cười với vẻ mặt đôn hậu của anh.
 Nguyễn Quốc Lập sinh ra và lớn lên tại vùng đất với nhiều ẩn tích văn hóa đượm chất văn hóa “Luy Lâu – Kinh Bắc”. Anh làm được quá nhiều việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cho nên tư tưởng, tình cảm và tâm hồn anh được dàn trải trên khắp bình diện của cuộc sống. điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách trong sáng tác thơ của anh. 
Một kho tàng thơ, đa dạng phong phú, trong 2 tập thơ “Lính Trường Sơn” và “Gió Mùa” được xuất bản năm 2017 – 2018 và sau này anh vẫn tiếp tục ra mắt nhiều bài thơ ra mắt bạn đọc trên báo chí. Lật giở từng trang, rồi lại từng trang tôi thấy như mình bị choáng ngợp trước những cảm xúc luôn thăng hoa của anh. Thơ anh đa dạng về thể loại, với nhiều đề tài, nhưng có lẽ “Người lính” và những hương thơm của “Gió mùa” là chủ đề chính mà tác giả muốn đề cập. Tình cảm của tác giả giành cho những con chữ, câu thơ anh được lan truyền mãi sang tôi ào ạt và mạnh mẽ.
Tự thấy sức mình có hạn, làm thế nào để khám phá thơ anh, cho nên tôi chỉ mạo muội đưa ra một đôi điều cảm nhận của riêng mình về tác giả. Âu cũng là để giãi bầy sự ngưỡng mộ trước một tài năng, đồng thời góp một phần nhỏ bé vào niềm vui chung với đọc giả như đã từng biết đến thơ Nguyễn Quốc Lập và đã từng đàm đạo với anh. 
Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã được bình yên trên khắp non sông, bờ cõi. Nhưng hồi tưởng lại ta vẫn thấy hiện rõ hình ảnh về người lính vai mang súng, lưng cõng ba lô nặng trĩu với chiếc gậy trong tay vượt Trường Sơn, để vào miền Nam chiến đấu giành thắng lợi hoàn toàn:
“Quản chi thác lũ mưa sa
Trường Sơn, chiếc gậy vượt qua thác đèo
 Ngại chi gian khó hiểm nghèo
Trăm sông cũng lội, ngàn đèo cũng qua
 Đến nơi chiến sự diễn ra!
 Đồng tâm quyết thắng nở hoa chiến trường”.
                        (Lính Trường Sơn)
 Với chiến công là thế, song về với đời thường họ vẫn sáng ngời đạo lý:
“Bây giờ về với đời thường:
“Bây giờ về với đời thường
Anh em đoàn kết nhịn nhường lẫn nhau
Chắc rằng mãi mãi về sau
Nghĩa tình đồng đội khắc sâu không mòn.
Tác giả đã cho ta thấy bên cạnh những chiến công “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đâu đấy với người lính vẫn có những thiệt thòi:
“Ngắm em từ thủa thiếu thời
Lớn lên đi lính thế rồi xa em
Về tìm xóm dưới làng trên
Mãi sau mới gặp em lên Bà rồi”.
                          (Tìm em)
Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 4 câu thôi, nhưng đã như như một khúc ca để tặng cho những người đồng đội với con tim thương đau, mất mát đến cháy lòng. Những người lính thương binh, những anh hùng liệt sĩ đều được tác giả trân trọng:
“Ra về gửi lại đôi chân
Đã cùng đồng đội hành quân ngày nào
Vượt qua thác lũ đèo cao
Mang theo lịch sử đi vào thơ ca”
                       (Gửi lại đôi chân”
“Tôi về Quảng Trị viếng thăm anh
Nặng trĩu đôi chân trước cổng thành
Hương khói nhạt nhòa bay phảng phất
Dâng người chiến sỹ mãi lưu danh”.
                            (Mãi lưu danh)
“Tinh thần đồng đội” Cụm từ này đã được đi vào sử sách của dân tộc với biết bao điều quý giá. Những bài ca không quên để mãi mãi đi cùng năm tháng. Thơ Nguyễn Quốc Lập cũng góp phần không nhỏ với những dấu ấn kỳ vĩ đó. Anh đã cho chúng ta cảm nhận được sâu sắc hơn; thế nào là tình đồng đội:
“Ngày nào đứng trước hàng quân
Bây giờ vẫn giữ tinh thần như xưa
Gian khổ dãi nắng dầm mưa
Hết rồi bom đạn đón đưa một thời
Mình yêu mình quý nhau rồi
Sống sao cho đặng, gửi đời tiếng thơm”.
                            (Đồng đội)
Bài thơ như nhắc nhở chúng ta một điều; đất nước chiến tranh đã tạo nên một đội ngũ trùng trùng, điệp điệp, những đứa con của giống nòi biết ra đi diệt thù, cứu nước cho đến nay người còn, người mất, nhưng họ đã xây dựng được “Tình đồng đội” để mãi mãi trường tồn.
Chúng ta hãy trân quý những gì còn lại trên cuộc sống này. Đây cũng chính là thông điệp của tác giả, muốn nhắn gửi cho hiện thực và mai sau.
Người lính trong thơ anh là người lính thời trận mạc, họ đã chiến đấu và họ cũng biết hy sinh không so đo tính toán, có lệnh là lên đường, đã đi là chiến thắng. Nếu ai đã từng có những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn thì cũng rất dễ đồng cảm với thơ anh. Đọc đến đâu, đến bất cứ bài nào, ta đều cảm thấy như có một phần nào của đời mình trong đó.
Anh lính chiến là thế, còn với người nữ chiến sĩ thì sao…cùng một nhiệm vụ, nhưng với đồng đội nữ họ phải vượt qua giới hạn của chính mình để hoàn thành sứ mệnh. Đời sống các chiến sĩ gái ở chiến trường vô cùng phức tạp, thế mà những chiến công nhiều khi cũng ngang tầm nam giới:
“Cọc tiêu bom phá bổ nhào
Buộc anh, chị phải thay vào cọc tiêu
Xe chạy, sóng bạt liêu xiêu
Người trôi khỏi chỗ như diều đứt dây
Bạn tôi ngã xuống nơi đây
Để nay tổ quốc có ngày vinh quang”.
                  (Cọc tiêu đâu rồi)
Sự hy sinh thiệt thòi của họ lại lớn nên hơn gấp bội. Tác giả quặn đau mỗi khi đông về, thương người nữ chiến sĩ Trường Sơn vẫn phải chăn đơn gối chiếc chỉ bởi tuổi trẻ của mình đã qua đi với những năm tháng chiến tranh tàn khốc:
“Đông về em có lạnh không
Chăn đơn gối chiếc anh lòng quặn đau”
Vì nhiệm vụ mà họ chưa kịp lấy chồng, chưa kịp lo cho mình một tổ ấm:
“Đến mùa gió lại trở đông
Chăn ga, gối đệm mà không ấm phòng
Bởi em chưa kịp lấy chồng
Chiến trường khói lửa chờ mong gió mùa”.
                       (Gió mùa)
Rất nhiều hình tượng người nữ chiến sĩ Trường Sơn được tác giả đưa vào thơ, ta nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông chùa trong phút giao thừa, lại nhớ tới hình tượng cô gái đang lầm lũi đánh dấu bom nổ chậm đến lạnh người:
“Đêm khuya vẳng tiếng chuông chùa
Vang ngân tức cảnh giao thừa đêm nay
                          ***
Những lời tâm sự đa đoan
Cho lòng nhẹ bớt trái ngang cuộc đời
Ai đang lần hạt bùi ngùi
Hẳn vì cay đắng phôi phai tình sầu”
                    (Tiếng chuông phút giao thừa)
Bạn đọc đã cảm thông hơn nỗi ưu tư của người phụ nữ giờ sống nơi cửa phật xa lánh nhân gian, nhưng đôi khi vẫn đau đáu nhớ phương xa núi rừng:
“Trường Sơn nắng cháy mưa quây
Tóc em rụng xuống vương đầy cành khô”
                         (Cô gái mở đường)
Câu thơ như có nhạc điệu, nhưng ta thấy một nỗi xót xa, tiếc thương của tác giả. Trong thơ anh, những người phụ nữ thời chiến là vậy, còn chốn hậu phương cũng được đề cập khá nhiều, họ phải chịu đựng nỗi gian nan, vất vả khi chồng vắng nhà:
“Phải rồi em đã lấy chồng
Chồng em đi vắng má hồng nhạt phai
Em gồng gánh nặng đôi vai
Việc nhà việc nước lấy ai chia cùng”.
                        (Vợ lính)
Và nặng nề hơn nữa, họ còn phải mòn mỏi chờ chồng héo hon đến hết cả cuộc đời:
“Tuổi anh mãi mãi hăm hai
Còn em chờ đợi đã ngoài bảy mươi”.
Cũng thật đau đớn, anh ra đi mãi mãi, còn em vẫn chờ đợi anh với lời thề son sắt của mình:
“Để em ngóng đợi vụng về
Tóc xanh đã bạc lời thề còn nguyên
Phải chăng phụ nữ chính chuyên
Vào thời loạn lạc thuyền quyên chờ chồng”.
                            (Giữ vẹn câu thề)
Đọc và suy ngẫm, ta thấy lòng mình trĩu nặng và không khỏi tràn lệ. Nguyễn Quốc Lập làm thơ rất nhẹ nhàng, tự nhiên không câu nệ về chủ thể, trong một cảnh chiều tà, trên chiếc võng dù ra trận của người lính chiến anh đã thả hồn theo tiếng hát ru của mẹ:
“Vẳng nghe tiếng mẹ hát ru
Đu đưa trên chiếc võng dù Trường Sơn
Chiều tà gió thổi mây vờn
Vi vu rừng gọi tiếng đơn tiếng trầm”
Anh thương mẹ đang ngày đêm bạc tóc nhớ nhung con, nỗi niềm riêng của tác giả cũng là những tâm sự chung về đức hy sinh cao quý của các bà mẹ đáng kính thời bấy giờ có con đi chiến trường:
“Nuôi con vất vả bao năm
Mái đầu điểm bạc mẹ nằm nhớ nhung”.
                   (Lời ru của mẹ)
Trong thơ anh không quên dành cho vợ, người bạn đời yêu thương của anh với một tình cảm đặc biệt trân trọng, biết ơn. Anh vẫn giữ mãi trong tim hình ảnh tuổi 20 của người vợ hiền tuổi xuân trẻ:
“Em như cô tấm ngày xưa
Dáng người nhanh nhẹn tuổi vừa đôi mươi
Môi hồng gắn nụ cười tươi
Mắt em lúng liếng chơi vơi giữa trời”
Và cũng như bao đồng đội khác; “Người vợ lính”, trong thời chiến tranh cũng phải chịu đựng biết bao thiệt thòi, nơm nớp lo âu, khắc khoải và đơn côi như vậy:
“Vài ngày cưới phải đi xa
Anh vào chiến tuyến ở nhà mình em
Hoa khôi cất giữ sau rèm
Đợi ngày tái ngộ khoe men sắc hồng”.
               (Hoa khôi của anh)
Hầu hết thơ Quốc Lập là đề tài người lính và quê hương, bên cạnh ta cũng thấy mảng chữ tình của người lính chiến chẳng khô khan chút nào. Ta bắt gặp một cảm hứng rất đỗi yêu thương, tươi tắn của tác giả:
“Phải em cô gái Xứ Thanh
Như hoa nở giữa rừng xanh đại ngàn
Tắm đêm dưới ánh trăng vàng
Suối trong ôm cả mơ màng tuổi xuân”
Cuộc đời lính chiến phiêu diêu của anh cũng hằn chứa cảm xúc rất đỗi bung lung, xao xuyến:
“Trên đường đơn vị hành quân
Vô tình anh thấy tấm thân ngọc ngà
Thế rồi mấy trục năm qua
Đêm nằm vẫn mộng sao mà nhớ em”.
                 (Em gái Xứ Thanh)
“Thả câu” là toàn cảnh một bức vẽ sinh động về người thiếu nữ đang gội đầu, quai yếm trễ, bên dòng nước biếc thiếu nữ như đã khỏa mình vô tình để thi sĩ ngắm nhìn được và viết thành thơ:
“Chiều ra thùng đấu thả mồi câu
Trộm thấy em bên đang gội đầu
Trái bưởi lung linh quai yếm trễ
 Thân hình nhỏ gọn đáy ong sâu
Phao kia nhấp nháy sao chưa giật
Đợi chút bình yên sợ mất mầu
Ngắm mãi vòng eo cô thiếu nữ
Lung linh bóng nước dưới chân cầu”
Có những bài những câu, ngôn ngữ khá đắt, thơ có họa, có cả âm thanh và nhạc vần, cảm hứng của tác giả đã tìm được đồng cảm với cảm hứng của bạn đọc. Ta có thể rất dễ gợi lại lòng mình những trống trải, vu vơ mỗi khi tìm được về với kỷ niệm của dòng sông:
“Tìm về kỷ niệm dòng sông
Trăng treo bến nước, đò không có người”
              (Trăng treo bến đợi)
Bất chợt, ta thấy tứ thơ của anh khi bắt gặp lại là những phút giây mang nỗi niềm bâng khuâng, hững hờ:
“Chiều về nhẹ gió thu bay
Trời se se lạnh heo mây hững hờ”.
                         (Thu xưa)
Thơ anh là một sự giãi bày tự nhiên, suy ngẫm ta thấy đây cũng chính là cách ứng xử trước cuộc sống trong cách viết của anh.
Với “Lính Trường Sơn” và “Gió mùa” Nguyễn Quốc Lập đã nêu bật được hầu như toàn cảnh, mọi hoạt động của bộ đội và thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Biết bao thăng trầm của đời người đã được in đậm trong thơ anh. Cũng biết bao hồi ức của một thời bom đạn cứ ùa về với mỗi chúng ta khi đọc tác phẩm.
Mỗi bài thơ là một cảm xúc riêng, mang tính khái quát, không đi vào chi tiết, những ngôn ngữ dễ hiểu nhưng tinh tế, chọn lọc, nhiều bài đã in đậm dấu ấn trong tâm hồn độc giả.
Đó chính là giá trị nghệ thuật của thơ anh. Chúng ta luôn biết ơn và trân trọng sự hy sinh, thiệt thòi, mất mát của những người lính ngoài trận tuyến, của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương. Đây cũng chính là một cách suy ngẫm, nhìn nhận khác của tác giả về chiến công, tinh thần thầm lặng nhưng vĩ đại của người hậu phương, bên cạnh những chiến công vang dậy của người lính trên chiến tuyến.
Do vậy, ta càng hiểu sâu hơn về giá trị của độc lập – Tự do, của những người làm lên chiến thắng và hôm nay đất nước hòa bình họ vẫn đang phấn đấu hết mình cho công cuộc dựng xây đất nước bảo vệ tổ quốc.
 
 Lê Hồng Thái
Khu phố Đạo Tú – phường Song Hồ - thị xã Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh
ĐT: 0963100757

 


tin tức liên quan