Giới thiệu tập sách "Trường Sơn nhớ mãi một thời" của Chi hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Thanh Hóa

Ngày đăng: 10:19 25/04/2024 Lượt xem: 634
----------------------------------------------------------------------
 
Giới thiệu tập sách "Trường Sơn nhớ mãi một thời"
của Chi hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Thanh Hóa
Lê Lợi và Lê Trung Khiên
 
       Trường Sơn là nguồn cảm hứng sáng tác nên nhiều tác phẩm Văn học nghệ thuật (VHNT) có giá trị, nhiều văn, nghệ sĩ đã thành danh từ Trường Sơn. Chào mừng 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2024) và một năm thành lập, Chi hội VHNT Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa ra mắt cuốn sách “TRƯỜNG SƠN NHỚ MÃI MỘT THỜI” gồm 100 bài thơ và 13 bài văn xuôi của 25 tác giả trong đó có 20 hội viên và 5 tác giả ngòai tỉnh. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam ấn hành năm 2024 số lượng 1.000 cuốn với 256 trang dày dặn. Có thể khẳng định dù là tác phẩm đầu tay nhưng đã đáp ứng được chất lượng nội dung và hình thức.


 
      113 bài viết ở các thể loại, trong đó đa phần là viết về Trường Sơn, tác giả Lê Thị Bích nhớ về những kỷ niệm một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”:
Trường Sơn nhớ lắm ai ơi,
Bao nhiêu kỷ niệm một thời nơi đây
Nhớ từng con suối hàng cây
Bản Rô, bản Ngói đong đầy tình yêu
       Còn Bùi Văn Hoằng viết về những TNXP trên trọng điểm đối mặt với bom đạn mà máy bay của giặc Mỹ thả xuống Trường Sơn:
Loạt bom nổ
Cả cánh rừng rung chuyển
Đất đá bay, cây cối tả tơi
Hố bom xé toạc mặt đường
Trong phút chốc
Cả tiểu đội xông lên
       Bùi Văn Hoằng còn có truyện ngắn “Tọa độ lửa” và “Vầng trăng cổ tích” đều viết về Trường Sơn trong những năm bom đạn ác liệt và bài ghi chép “Tiềm năng và lợi thế của Nghi Sơn” viết về khu kinh tế biển Nghi Sơn, một trong tám khu kinh tế biển lớn nhất cả nước
       Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng Hoàng Mạnh Hùng vẫn mãi nhớ đến Trường Sơn và trong ngày trở lại với biết bao cảm xúc dâng trào:
Ta vào thăm chiến trường xưa
 Thăm nơi đầu dãi nắng mưa đã từng
Trường Sơn trùng điệp núi rừng
Tuổi xuân năm tháng đã từng cùng ta.
       Cùng với đó, anh còn có ghi chép “Người mẹ trẻ trở lại Trường Sơn” kể lại câu chuyện xúc động về một nữ Liệt sĩ Trường Sơn và ghi chép “Đồng đội của em” viết về chuyến di chuyển hài cốt Liệt sĩ là đồng đội từ Trường Sơn về quê Thanh Hóa.
       Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Xuân Hảo vào Trường Sơn, để lại phía sau những kỷ niệm về một dòng sông, nơi đó có những người thân yêu nhất:
Anh để lại dòng sông
Rồi lên đường ra trận
Suốt một thời bom đạn
Vẫn nhớ em, nhớ hoài”
        Nhà thơ Lê Trung Khiên có nhiều bài viết về Trường Sơn, hai bút ký: “Hoa nở trên vùng cát trắng” viết về khu kinh tế biển Nghi Sơn của Thanh Hóa sau chuyến về thăm của Chi hội VHNTTS Thanh Hóa và bài “Nghị lực” viết về tấm gương vượt khó của hai vợ chồng TB loại I (chồng cụt hai chân; vợ cụt một chân, hỏng một mắt) là lính Trường Sơn. Viết về cựu nữ Chiến sĩ Trường Sơn, chị Doãn Thị Thanh Lịch, nguyên là chiến sĩ y tá của đoàn 384 làm đường (Binh đoàn 12) vượt khó trở thành một doanh nhân thành đạt, đã đầu tư xây dựng ngôi trường THPT Hoằng Hóa, anh có bút ký “Nữ chiến sĩ Trường Sơn-Doanh nhân thành đạt” và bài thơ “Trồng người”
 Xứ Thanh, Hoằng Hóa quê tôi
Nữ doanh nhân gắn cuộc đời với dân
Quê hương tình nghĩa ngập tràn
Với đồng đội, chị sé san chẳng nề
Vì tri thức luôn say mê
Giầu vì con chữ giúp quê hương mình
       Cũng viết về CCB Doãn Thị Thanh Lịch còn có bài thơ “Tấm lòng vàng cô gái lính Trường Sơn”  của tác giả tác giả Triều Dâng đến từ cố đô Huế:
Y tá sư đoàn lần đầu em đến
Áo trắng blu dễ mến làm sao
Thời gian trôi và năm tháng tự hào
Ta chung sống mảnh đất Lào nắng đổ…
       Mỗi lần ngủ đêm trên cánh võng dọc đường hành quân ở Trường Sơn, Hoàng Sỹ Khiêm lại nhớ tiếng ru của mẹ, người mẹ tần tảo hai sương một nắng ở xứ Thanh quê nhà:
Giọt sương gõ nhịp bên tai
Rừng đêm lặng lẽ tiếng ai mơ màng
Lời ru tiếng mẹ khẽ khàng
Đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng lòng con
      Cùng hai bài ký “Những ngày bảo vệ đường dây thông tin ở ngầm Bạc”“một nhiệm vụ quan trọng” Hoàng Sĩ Khiêm đều nói về ký ức một thời ở đơn vị thông tin Trường Sơn không thể nào quên.
       Tác giả Thiều Minh Liên viết về Trường Sơn thông qua hình ảnh cô gái lái xe, con gái lái xe Trường Sơn không nhiều nhưng lại là một hình ảnh đặc biệt:
Tuổi đôi mươi em chiến trận “ca bin”
Trước hiểm nguy cũng ngang tàng, dữ dội
Máu và hoa, chia ly, chờ đợi
Cái chết nằm kề vẫn nắm chặt vô lăng
       Nữ nhà thơ Trịnh Lan Oanh dù chưa bao giờ là người lính, chưa từng vào Trường Sơn nhưng những bài thơ của chị viết về Trường Sơn thật gần gũi, chính như người trong cuộc:
Bộ đội hành quân điệp điệp trùng trùng
Chỉ mong nắm được một bàn tay sần sùi chai sạn
Chỉ mong rừng biết có vòm hang con gái
Chỉ mong một lần lán trại được vang tiếng đàn ông
       Phạm Công Phổ nhớ Trường Sơn, nhớ những địa danh đã ở, đi qua trong cuộc chiến tranh khốc liệt:
Ai còn có nhớ ai không
Cồn Tiên, Dốc Miếu ở cùng một A
Ai còn có nhớ đến ta
Khe Sanh nắng lửa, mưa sa giãi dầm
       Nguyễn Thanh Sơn viết về Trường Sơn với cách nhìn riêng của mình. Khi anh trở lại mảnh đất Quảng Bình, anh nhớ:
Về nơi đây mang nỗi nhớ cồn cào
Đất mẹ một thời túi bom, túi đạn
Nơi những đoàn quân ngaỳ đêm ra trận
Vượt Trường Sơn, mẹ tiễn, mẹ chờ
       Còn Nguyễn Văn Tấn khi nhớ về Trường Sơn là nhớ đến hình ảnh các cô gái vượt qua bom đạn mở đường cho những chuyến xe vào tiền tuyến:
Em chắn bom thù mở lối anh qua
Cung đường bom rơi, đạn cày sỏi đá
Máu quyện mồ hôi thấy đời vui quá
Trăng chan đầy man mác nhớ khôn nguôi
       Nhà thơ Phạm Hoài Thanh tâm sự với người lính Trường Sơn đã một thời sát cánh bên nhau cùng làm nhiệm vụ:
Có lời nào là hết lính Trường Sơn
Tay ôm súng bờ vai sờn áo vải
Băng rừng núi dấu chân ai để lại
Nhớ một thời ta cùng mãi bên nhau
       Thầy giáo nhà thơ Lê Ngọc Thiện chưa từng mặc áo lính song lại rất hiểu Trường Sơn, bài thơ “Tiếng đàn” nói lên nỗi niềm của người thương binh nhạc sỹ:
Đồng đội ơi tiếng hát bổng vút lên
Mẹ bạc tóc thời gian ”mong ngày đoàn tụ
Các bạn nằm đây những linh hồn bất tử
Giữa núi rừng sống mãi tuổi thanh xuân”
       Riêng với Phạm Quốc Thịnh, anh có những câu thơ khắc sâu tình cảm và nỗi nhớ thương những cô gái Trường Sơn chịu bao gian khổ vì bom đạn, sốt rét, mưa rừng:
Cơn sốt rét rừng hành hạ em tôi
Đắp mấy chiếc chăn thân run cầm cập
Em nói mơ hay em nói thật
Em nhớ cung đường và em thương anh
       Lê Thuần trở lại chiến trường xưa Quảng Trị, đến thăm viếng nơi gần hai vạn liệt sỹ yên nghỉ nơi Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9 đã nói lên nỗi niềm:
Lên đường 9 cùng đồng đội thắp nhang
Hai nghĩa trang hơn hai mươi ngàn ngôi mộ
Trời Trường Sơn hôm nay mưa như thác đổ
Nước mắt đầm đìa ai đó khóc ai
       Với truyện ngắn “Sống nhờ”, Lê Thuần nói về một cựu lính Trường Sơn sống không trung thực làm người đọc vừa ghét nhưng cũng vừa thương cho cá tính đặc biệt của ông. Và hồi ức “Chiến sỹ biết xả thân vì đồng đội” kể lại câu chuyện của chính tác giả đưa liệt sỹ từ mặt trận về hậu cứ.
       Lê Thủy là cô gái trẻ, song trong tâm trí luôn khắc sâu hình ảnh người chiến sỹ Trường Sơn, mặc bom rơi, đạn nổ vẫn yêu đời:
Trường Sơn ơi bao ký ức gắn liền
Bom lửa đạn, những cánh rừng tan tác
Vẫn ngân vang những lời ca tiếng hát
Của những cô tnxp đi mở đường
       Tác giả Phạm Minh Thùy có nhiều bài thơ, câu thơ nhớ về những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh và ngày trở lại Trường Sơn anh viết:
Đêm Trường Sơn bạn ơi tôi lại đến
Tiếng thác gào tan nát vỡ trong đêm
Bước chân xa lòng man mác nỗi niềm  
Vui hội ngộ nhớ nhung buồn muôn thuở
       Khi Nguyễn Hữu Tiến trở lại Trường Sơn để di chuyển hài cốt những đồng đội đã hy sinh trở về quê mẹ, anh biết rằng”
Trên tuyến đường chảy đỏ máu, mồ hôi
Nay đưa anh về nơi đất mẹ xa xôi
Để được hưởng cảnh thanh bình yên nghỉ
Để gặp lại bao đồng bào, đồng chí…
       Còn Phạm Thị Kim Quy với ghi chép “Nhớ về một thời Tiếng hát át tiếng bom” chị ghi lại những dấu ấn, kỷ niệm của đoàn văn công xung kích Trường Sơn Thanh Hóa do nhạc sĩ Văn Hòe làm trưởng đoàn đã không quản ngại nguy hiểm, gian khó để mang lời ca, tiếng hát đi phục vụ nhân dân và bộ đội trong chiến trường chống Mỹ.
       Ngoài phần thơ văn của các tác giả trong Chi hội VHNT Trường Sơn Thanh Hóa, tập sách còn giới thiệu trên một chục bài thơ tiêu biểu viết về Trường Sơn của các tác giả: Phạm Thành Long, Nguyễn Hữu Quý; Phạm Sinh; Phạm Cao Phong (Hội VHNT Trường Sơn-Hội Trường Sơn Việt Nam) và Triều Dâng đến từ Thừa Thiên-Huế.
        Tập sách TRƯỜNG SƠN NHỚ MÃI MỘT THỜI còn có những thiếu sót khó tránh khỏi như lỗi biên tập, lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả, lỗi in ấn nhưng nhìn chung là tập sách có chất lượng. Ban biên tập đã công phu từ bản thảo đến khi xuất bản qua 4 lần kiểm duyệt.
       Với thời gian chưa dài kể từ khi thành lập chi hội VHNT Trường Sơn Thanh Hóa, tập sách TRƯỜNG SƠN NHỚ MÃI MỘT THỜI là một sự cố gắng của văn nghệ sĩ Trường Sơn xứ Thanh. Hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm mới được chi hội VHNT Trường Sơn Thanh Hóa cho ra đời, xứng đáng với tầm vóc của vùng đất “địa linh nhân kiệt”…

 
 Đồng chí Lê Trung Khiên (thứ 2 trái sang), Chủ tịch Chi hội VHNT TS Thanh Hóa
trao tặng cuốn sách "
TRƯỜNG SƠN NHỚ MÃI MỘT THỜI tới đồng chí Chủ tịch Hội TS Thanh Hóa
và đoàn đại biểu Hội VHNT Trường Sơn. Nhân dịp 
Chi hội VHNT TS Thanh Hóa tổ chức Kỷ niệm 65 năm
ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn và 
và điểm lại kết quả hoạt động sau 1 năm thành lập Chi Hội. 
 
 
 
 
tin tức liên quan