Một tấm lòng người lính - Bình thơ: Bùi Công Thuấn

Ngày đăng: 03:47 28/04/2024 Lượt xem: 127
                                             MỘT TẤM LÒNG NGƯỜI LÍNH
                                                                                             Nhà phê bình - Bùi Công Thuấn

1. Những chuyện tình chiến trường
      Tập thơ Cây bằng lăng cuối phố có những bài thơ kể chuyện tình chiến trường rất hay. Tôi cho rằng đây là phần tâm huyết và bộc lộ được cốt cách thơ đẹp nhất của Đỗ Thu Yên. Nhà thơ đắm mình trong câu chuyện, kể say mê, ấm áp một tấm lòng trân quý cái đẹp, sự sáng trong yêu đời của đồng đội. Nhà thơ đặc biệt làm sáng lên vẻ đẹp sự hy sinh. Và dù bom đạn chiến trường có dữ dội và tàn bạo đến đâu thì tình yêu của người lính trẻ vẫn tinh khôi diễm tuyệt. Xin đọc: Hoa cỏ may, Cây bằng lăng cuối phố, Câu chuyện đồi sim, Tiểu đội trưởng của tôi, Cô tấm của anh, Chuyện tình của tôi, Tiếng đàn anh.
Em đóng quân ở dưới chân đồi
Khẩu đội của anh ở đỉnh đồi sim tím
Mỗi lần xuống chân đồi lấy nước
Anh lại hái đầy mũ sim tím mọng
Áo anh rách giòn vì đạn giặc
Em ngồi khâu vá mạng…nhớ thương
Các chị trong tiểu đội vẫn đọc câu thơ ấy
Mỗi khi em ngồi vá áo cho anh
Rồi một ngày bom dội suốt ngày đêm
Chị Lành đã hy sinh khi cùng công binh phá bom nổ chậm
Mới sáng nay chị hỏi
Em có ưng cậu pháo thủ đó không
Đường lên đỉnh đồi trở nên xa xăm
Những hố bom làm đồi sim nham nhở
Khẩu đội pháo các anh
Đã hy sinh một nửa
Anh
Bị thương rất nặng
Khi em đến
Anh chỉ kịp nắm bàn tay đặt lên trái tim mình…
Nhớ một chiều êm cùng anh đi hái sim
Sim tím mọng như bao điều muốn nói
Mà chúng mình chỉ toàn nói về sim
Hết cành lá hoa rồi đến quả
Để bây giờ nỗi nhớ vẫn bâng khuâng
(Câu chuyện đồi sim)
         Một câu chuyện lẽ ra là rất bi thương, bởi có quá nhiều đồng đội hy sinh, bởi người trẻ phải trầm mình trong bom đạn, và bởi một tình yêu vừa chớm nở đã bị bom đạn hủy diệt phũ phàng. Vậy nhưng câu chuyện trong bài thơ làm cho lòng ta rưng rưng bởi cái đẹp của những con người bình dị anh hùng, bởi một tình yêu dấu kín vừa tỏ lộ, bởi một hình ảnh thơ rất quen nhưng được khai thác rất lạ, đó là đồi sim tím. Hình ảnh ấy gợi nhớ bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan.
Chiều hành quân
Qua những đồi sim ..
Những đồi hoa sim ...,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa.
Áo tôi sứt chỉ đường tà,
Vợ tôi chết sớm mẹ già chưa khâu
       Thơ Hữu Loan có cái bi tráng của sự mất mát một tình yêu cháy bỏng thì thơ Đỗ Thu Yên có cái nhẹ nhàng thăng hoa của một tình yêu đã trở thành vĩnh cửu. Tất nhiên sự so sánh nào cũng khập khiễng. Tôi muốn nói đến cái riêng của thơ Đỗ Thu Yên.
       Cả hai bài thơ, nhân vật người kể chuyện đều là người lính, người trong cuộc kể lại cuộc tình và tâm trạng của mình. Nhưng Màu tím hoa sim là tình của người lính đi chinh chiến xa với vợ hiền ở quê nhà, còn Câu chuyện đồi sim là tình yêu của hai người lính cùng một chiến trường. “Em đóng quân ở dưới chân đồi/ Khẩu đội của anh ở đỉnh đồi sim tím”. Tình yêu của họ bắt đầu từ đó, từ những lần “xuống chân đồi lấy nước/ Anh lại hái đầy mũ sim tím mọng”. Chưa có nhiều kỷ niệm, cũng chưa có lần hò hẹn. Chưa có những ước mơ hay dự định, cũng chưa một nụ hôn dù là nụ hôn gửi trong gió. Họ chỉ vừa kịp tỏ tình ngay trước lúc người con trai hy sinh. Đỗ Thu Yên đã không khai thác chất bi thương của đời lính và sự mất mát của cuộc tình, không miêu tả sự hụt hẫng sụp đổ của người con gái khi tình đầu vừa chớm đã bị bom đạn chôn vùi, để lại một trái tim vỡ nát không thể khâu vá. Nhà thơ đã để cho câu chuyện đồi sim trở thành tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu
Nhớ một chiều êm cùng anh đi hái sim
Sim tím mọng như bao điều muốn nói
Mà chúng mình chỉ toàn nói về sim
Hết cành lá hoa rồi đến quả
Để bây giờ nỗi nhớ vẫn bâng khuâng
      Kết thúc bài thơ như vậy, nhà thơ đã ghi vào thiên thu những mối tình đẹp của người trẻ thời chống Mỹ. Tôi rất thích chi tiết tỏ tình của hai bạn trẻ này. Với người con gái :” Mới sáng nay chị hỏi/ Em có ưng cậu pháo thủ đó không”. Người con gái im lặng giữ trong lòng bí mật trái tim mình. Còn người con trai, phút cuối cùng,” Khi em đến/ Anh chỉ kịp nắm bàn tay đặt lên trái tim mình…”. Cả hai không nói lời nào, nhưng tình yêu của họ đã lấn át bom đạn và chiến thắng cái chết, tình yêu làm cho sự hy sinh ngời lên sắc đỏ trái tim. Đó làm chỗ sáng tạo độc đáo của Đỗ Thu Yên. Rất truyền thống, nhưng cũng rất mới mẻ. Rất tự nhiên như đời thực, nhưng cũng đầy công phu khám phá cái đẹp và thể hiện cái đẹp. Đặc sắc thơ kể truyện của Đỗ Thu yên là ở những chi tiết truyện làm nên tứ thơ. Truyện đã thành thơ.
2. Một tấm lòng người lính.
      Ở những câu chuyện tình yêu khác, có hiện tượng nhà thơ nhập vai vào nhân vật người con trai để kể chuyện mình (Hoa cỏ may, Chuyện tình của tôi, Cô Tấm của anh, Hoa tiêu), hay trực tiếp nói lời của người con gái (Cây bằng lăng cuối phố, Mùa thu năm ấy, Đan áo tặng anh, Giọng trầm, Có một chiều xuân, Bản tình ca, Bức thư cuối cùng, Chuông gió, Sắc tím dịu êm), và thấp thoáng trong hai nhân vật ấy là bóng dáng nhà thơ
      Sự nhập vai là kỹ thuật của người kể chuyện, và chỉ khi người kể chuyện nhập vào nhân vật, vui buồn cùng nhân vật, trải nghiệm hiện sinh như chính nhân vật, lúc ấy câu chuyện được kể mới trở thành nghệ thuật (xin đọc đoạn thơ Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân trong Đoạn trường tân thanh để thấy Nguyễn Du đã quằn quại tử sinh với nhân vật của mình thế nào, và hiểu được vì sao Truyện Kiều là một tuyệt tác).
       Đỗ Thu Yên nhập vai được vào nhân vật người lính bởi chính tác giả cũng là người lính, nhưng người lính ấy là nhà thơ, nhạy cảm với mọi niềm vui nỗi buồn của đồng đội mình và luôn nhận ra cái đẹp thanh khiết giữa đời thực gian lao.
Tuổi mười bảy của tôi
Khi đất nước sục sôi đánh Mỹ
Trống hội tòng quân náo nức lên đường
Tôi cùng dõi theo đoàn người ra trận
Và trở thành người chiến sĩ trường sơn
(Tuổi mười bảy)
Nhớ một thời trai trẻ tôi và anh
Cùng xa quê xa nhà đi chiến đấu
Cùng có nhau trên những nẻo đường hành quân
Cùng vui một niềm vui chiến thắng
Cùng ngậm ngùi tiễn đưa
Những đồng đội đã hy sinh…
(Lời ca khúc Những người cựu chiến binh)
       Đỗ Thu Yên có những câu thơ viết về đời lính, về trái tim người lính làm say lòng người.
Ngồi đây sao lại nhớ rừng
Nhớ sao cánh võng cũng từng đung đưa
Hành quân ngày nắng đêm mưa
Đầu dây ai mắc cho vừa sợi thương…
(Nhớ rừng)
Mùa thu năm ấy gặp anh
Suối reo róc rách vọng quanh lưng đèo
Đường hành quân dốc cheo leo
Tuổi thanh xuân vẫn trong veo giọng hò
Rừng xanh mắt lá em chờ…”
(Mùa thu năm ấy)
Chân trần trong ánh trăng, sương
Hoa tiêu em đứng chỉ đường cho anh
Bắp chân con gái trắng xanh
Theo em bước vội xe nhanh qua ngầm
Bãi bom nổ chậm rất gần
Đôi chân em rẽ tránh dần hiểm nguy
Xe anh vượt dốc vội đi
Tên không kịp hỏi, biết chi quê nhà…
(Hoa tiêu)
3.Một ngòi bút giàu vẻ đẹp truyền thống
       "Cây bằng lăng cuối phố" không chỉ đặc sắc ở nghệ thuật kể chuyện trong những bài thơ viết về tình yêu của người lính, nhưng còn gây ấn tượng ở những bài thơ đậm chất nghệ thuật của ca dao truyền thống. Nhà thơ dùng lại những tứ thơ quen nhưng thổi vào hồn thơ những nét mới lạ. Người đọc ngạc nhiên và cảm xúc thẩm mỹ vỡ òa. Nhà thơ Đỗ Thu Yên dùng lại những hình ảnh thơ rất đỗi quen thuộc như cô Tấm (Cô Tấm của anh), đan áo (Đan áo tặng anh-Nhà thơ TTKH có Bài thơ đan áo), con đò, dòng sông (Dòng sông xưa), buồng cau (Hương sắc thu), vầng trăng (Một nửa vầng trăng) nụ tầm xuân (Bâng khuâng nụ tầm xuân)…
Em trở lại dòng sông xưa
Một chiều mưa dòng sông vắng lặng
Con đò vẫn sang sông
Đò không em không anh
Trôi trong chiều sông vắng
Em bâng khuâng đứng lặng
Nhớ một người đi xa
(Dòng sông xưa)
       Con đò, dòng sông, chuyến đò qua sông là rất quen thuôc, nhưng tứ thơ :”Con đò vẫn sang sông/ Đò không em không anh/ Trôi trong chiều sông vắng” cùng với hình ảnh người con gái đơn độc bên sông thả hồn mình trong nỗi nhớ ngập tràn dòng sông là một tứ thơ có sức gây ấn tượng. Từ “sông “ được lặp lại nhiều lần vừa là hướng nhìn kiếm tìm kỷ niệm của người con gái nhưng cũng là tâm hồn nhớ thương mênh mang. Tôi thích những tứ thơ lạ như vậy trong tập Cây bằng lăng cuối phố.
Khi con bập bẹ biết gọi cha
Anh đã không bao giờ về nữa
Em mất đi điểm tựa cuộc đời
Em mơ thấy mình ở giữa sa mạc mênh mông
Vào lúc mặt trời gay gắt nhất
Em
Phải biết đứng ở đâu?
Để cho cái bóng của em
Lớn
Như có cả bóng anh cộng lại
Che cho con đi suốt cuộc đời”
(Nhật ký người vợ trẻ)
       Đọc bài thơ, tôi không sao ngăn được trái tim mình khôn nguôi xúc động, và ngỡ ngàng trước một tứ thơ rất đỗi bình dị nhưng lạ lẫm và có sức lay động rất sâu xa. Lạ lẫm vì thơ Đỗ Thu yên nằm trong mạch truyền thống, bỗng dưng xuất hiện một bài thơ có những phẩm chất hiện đại…
       Có hai từ được dùng rất “đắc địa”, mang lại sức nặng tư tưởng cho bài thơ. Đó là từ “Em” và từ ”lớn” đứng một mình, làm thành một tứ thơ riêng. Phải nhìn vào hình ảnh cấu trúc bài thơ mới có thể nhận ra tính hiện đại của thơ Đỗ Thu Yên thể hiện ở hai từ này.
       Câu thơ tiếp theo “Em/ Phải biết đứng ở đâu?”
      Không phải là câu hỏi bế tắc mà là sự lên tiếng đặt vấn đề trực diện với thời đại hôm nay. Trong thơ Việt đương đại, chưa có hình tượng người phụ nữ nào có được tầm vóc như thế,
       Người vợ trẻ ấy hỏi và cũng tự trả lời
Để cho cái bóng của em
Lớn
Như có cả bóng anh cộng lại
Che cho con đi suốt cuộc đời
       Bài thơ rất ngắn gọn nhưng Đỗ Thu yên đã khắc họa một hình tượng người phụ nữ thật đẹp, thật đầy đủ những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam sau chiến tranh.
4. Nghệ thuật là ở những điều giản dị
      Tôi tự hỏi bí mật những bài thơ hay của Đỗ Thu Yên nằm ở những yếu tố ngôn ngữ nào, và câu trả lời là. Thơ Đỗ Thu Yên không hay ở lời trau chuốt mới lạ. Cũng không độc đáo ở giọng thơ, cũng không có khám phá mới lạ nào ở thi pháp, chỉ có một điều, đó là sự chân thành, giản dị của một tấm lòng thắm thiết tình đời tình người. Không có điều này, mọi yếu tố kỹ thuật tác tạo câu chữ chỉ là cái vỏ.
      Nói Ngôn ngữ thơ Đỗ Thu Yên giản dị, mộc mạc, không có nghĩa là người làm thơ không cần phải sáng tạo, không cần phải vắt tim óc mình để tìm cách nói những điều không thể nói.
        Xin đọc bài Tiểu Đội Trưởng Của Tôi. Bạn đọc cảm nhận được sức sống mãnh liệt, gắn bó tình người tình đồng đội, bài thơ không hề kể đến những chiến công, nhưng tiền ẩn trong đó là sức mạnh của người chiến thắng, tôi nghĩ các thể hệ trẻ mai sau sẽ hiểu được sức mạnh của thế cha anh đã chiến thắng kẻ thù như thế nào!
Tiểu đội trưởng của tôi
Khi cấp cứu thương binh băng mình trong lửa đạn
Thế mà chỉ có một cái hôn
Người yêu tặng trong thơ
Chị đã đỏ bừng cả mặt
Mấy đứa tinh nghịch cứ trêu chị mãi...
Để những tiếng cười khúc khích trong veo
Ngân vang trong căn hầm con gái
Những tiếng cười xua đi cái lạnh của rừng!
       Ngay cả khi viết về nỗi đau của em bé bị nhiễm chất độc da cam, Đỗ Thu Yên cũng có những câu thơ tưởng như nhẹ nhàng, nhưng người đọc cảm thấy rất đau. Nỗi đau lên tiếng để thức tỉnh lương tri con người, nhà thơ mong muốn nỗi đau huỷ hoại đồng loại sẽ không còn tái hiện bất cứ ở đâu trên trái đất này!
Nếu em giống cha
Em đã là chàng trai đầy nghị lực
Nếu em giống mẹ
Em đã là cô gái đẹp nết na
Em không giống ai
Chất độc Dioxin đã hủy hoại hình hài.
       Đỗ Thu Yên đã hóa thân vào các nhân vật, thủ thỉ kể chuyện, mỗi bài thơ là một Truyện ngắn thu nhỏ và tập thơ Cây Bằng Lăng Cuối Phố đã tạo ra những khoảng lặng, nơi ấy trái tim người đọc cùng rung lên trong cái đẹp của ý và tình.
 
         Bùi Công Thuấn
 
tin tức liên quan