Đỗ Ngọc Thứ - Đọc thơ “Lặng thầm” của Nhà thơ Cẩm Tú

Ngày đăng: 09:17 29/08/2024 Lượt xem: 181
-------------------


ĐỌC "LẶNG THẦM" CỦA NHÀ THƠ CẨM TÚ
Ngọc Thứ

 
       Một chiều cuối đông lãng đãng mưa bay, nhà thơ Cẩm Tú gửi tôi bản thảo tập thơ mang tựa đề “Lặng thầm”. Chưa đọc, chỉ mới lật ngược, lật xuôi tập thơ dày hơn trăm trang, tôi đã thầm ngưỡng mộ và trân trọng sức lao động sáng tạo của anh – Một người mà dáng đi, giọng nói đã có phần bị “sai lệch” bởi hơn một lần căn bệnh tai biến ghé thăm. Vậy mà anh vẫn đều đều có thơ in chung cùng bè bạn. Và hôm nay lại có cả tập bản thảo đầy đặn, hỏi sao một thằng “chíp hôi” như tôi không cúi đầu bái phục trước nguồn năng lượng tích cực toả ra từ anh.
       Nhà thơ Cẩm Tú tên thật là Phan Văn Thắng, sinh năm 1947 tại Thanh Nho, Thanh Chương, Nghệ An. Anh là thành viên sáng lập Câu lạc bộ thơ Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng; thành viên UNESCO nghiên cứu văn chương Việt Nam. Đến nay, anh đã có thơ in chung trong 97 đầu sách; đã xuất bản 02 tập thơ: Sóng Lòng (Nhà xuất bản Văn học) và Miền quê II (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Có thể là chưa nhiều so với sức sáng tạo của anh, nhưng những “sản phẩm văn học” của anh đều là những sản phẩm thuộc “hàng chất lượng cao”, và tập thơ “Lặng thầm” cũng không phải là một ngoại lệ. Đọc bản thảo tập thơ, dễ nhận thấy tác giả là một người có trái tim nhân hậu, đa tài, đa cảm, đắm say thơ và luôn dâng hiến hết mình cho thơ. Anh bộc bạch:
Mê thơ đã ngấm đậm vào thân
Tối ngủ lơ mơ dậy bốn lần
Mãi nhớ Đường thi tình nghệ sỹ
Còn mơ Lục bát nghĩa giai nhân
Năm canh xuất hiện gieo vài tứ
Sáu khắc loay hoay góp mấy vần
Bảng lảng ra đường mồm lẩm nhẩm
Mắng yêu, vợ bảo lão tâm thần.

(Say thơ).
       Ôi chao! có lẽ các thi nhân gạo cội cũng chỉ say thơ đến thế là cùng. Tôi có cảm giác, những câu thơ về quê hương, đất nước, con người và thiên nhiên được anh “chắt” ra từ những nỗi niềm, trăn trở, suy tư. Với thế mạnh ở thể thơ Đường luật, bằng lý trí tinh nhạy và khả năng khái quát cao, dường như tất cả những vùng đất, những miền quê anh đã đến, đã sống đều được ghi lại dưới dạng thơ với thứ ngôn từ dung dị, đôn hậu, đời thường nhưng giàu nội cảm. Thơ Cẩm Tú cũng đôn hậu, chân chất như chính cuộc đời của anh. Với anh, thơ không phải là thứ để đánh bóng danh xưng, tô màu tên tuổi mà đơn giản chỉ là để giải bày với bạn tri âm mà thôi:
Thay thế con tim quyển sách này
Thân tằm rút ruột gửi vào đây
Đường tơ thắm đậm thơ vàng óng
Tìm bạn tri âm để giải bày.

(Sách)
       Đã từng là người lính lăn lộn với dặm dài Trường Sơn trong những năm tháng đất nước còn mịt mùng khói lửa chiến tranh và có đến 10 năm làm chuyên gia quân sự tại Lào và Cam Pu Chia nên đề tài “người lính” luôn cho anh một cảm xúc lớn lao và đã đánh thức nơi anh lòng khát khao sáng tạo. Nhà thơ luôn chân tình và đau đáu nhớ về những ngày tháng “gian lao mà anh dũng”:
Mấy chục năm rồi vẫn nhớ lâu
Chân dung người lính chẳng phai màu
Chiến trường hăng hái không lùi bước
Trận địa xông pha quyết thắng đầu.

(Kỷ niệm chiến trường)
Hoặc:
Chiến sỹ Trường Sơn dạ một thời
Làm nên huyền thoại dọc ngang trời
Băng rừng vượt thác đi bao hướng
Xẻ núi xuyên đèo đến mọi nơi.

(Con đường huyền thoại)
       Người lính Trường Sơn năm xưa vất vả, gian lao là thế, cái sống cái chết gần nhau là thế nhưng điều ấy chẳng làm các anh sờn lòng, trách nhiệm với quê hương, đất nước luôn được các anh ý thức đầy đủ:
Vai vác tình nhà lòng chẳng nản
Lưng gùi nghĩa nước chí không lơi
Xông pha lửa đạn ra tiền tuyến
Tây bại, Mỹ thua nhớ suốt đời.

(Đoàn 559 anh hùng).
       Quê hương, gia đình và nghĩa tình bạn hữu luôn réo gọi trong tâm hồn lãng mạn và bay bổng của nhà thơ Cẩm Tú một nỗi nhớ chất chứa. Là người con xa xứ nên tình yêu quê hương xứ sở luôn trĩu nặng trong trái tim anh. Ấy là vì Cẩm Tú luôn đeo đẳng một hồn quê. Một hồn quê mộc mạc, chân chất từ thuở ấu thơ. Do vậy, những bài thơ về quê hương đã được anh viết ra trong những tháng năm dài xa xứ như một tình yêu cháy bỏng, một nỗi nhớ khắc khoải về nơi chôn rau cắt rốn. Nơi có người mẹ “cả đời vất vả bôn ba / nuôi con bằng đất phù sa quê nghèo” (Thơ: Đỗ Ngọc Thứ); nơi có dòng sông tắm mát cuộc đời, nơi anh lớn lên bằng những bữa ăn mặn nhút, nhạt tương. Tình yêu cháy lòng đó, nỗi nhớ day dứt đó cứ như mạch nguồn tuôn chảy, tạo nên những câu thơ giàu hình tượng mà đau buốt tận đáy lòng:
Chắp tay con khấn đất trời
Lòng con tê tái lệ rơi mãi sầu
Dễ chi từ giã nỗi đau
Mẹ đi để lại con sầu vấn vương

(Mẹ ơi)
       Rồi:
Dòng sông dang rộng vòng tay
Ôm quê ôm cả những ngày nắng nung
Đi xa sao nhớ vô cùng
Ngày hè rực lửa vẫy vùng sông quê
Bao năm xa cách nay về
Ra sông bến cũ vẫn nghe rì rào.

(Sông quê)
       Hoặc:
Quê tôi đặc sản có từ lâu
Món nhút Thanh Chương xếp đứng đầu
Cà pháo, măng tre thêm mắm muối
Mít non bắp chuối trộn mì dầu.

       Đọc hết tập bản thảo, tôi có cảm giác, mọi sự vật, hiện tượng bắt gặp trong cuộc sống đều để lại trong tâm hồn nhà thơ đa tài, đa cảm này một sự xôn xao, trăn trở và suy ngẫm để từ đó có thể “Xuất khẩu thành thơ”. Anh kể: Có lần đến thăm một ông bạn già, ông mừng và tất tả đi pha trà đãi khách. Khổ nỗi, sau khi cho trà vào ấm, ông không rót nước vào ấm mà cứ thế đổ nước phích vào bao trà còn đầy nguyên. Và anh đã “bật” ra những câu thơ như một sự cảm thông:
Về già lẩn thẩn vốn hay quên
Năm tháng qua đi luống tuổi thêm
Chuyện cũ cần quên thì nhớ mãi
Việc cần đáng nhớ lại quên liền
Người thân bạn cũ quen không nhớ
Kỷ niệm một thời nhớ tựa điên
Đừng có chê già sinh lẩm cẩm
Trách người minh mẫn giả vờ quên.

(Nhớ - quên)
       Đi thăm con gái đang học ở xứ sở “chuột túi”, trong cảnh mùa đông lãng đãng tuyết bay, trước bức tranh thiên nhiên huyền diệu, tâm hồn thi sỹ trong anh lại trào dâng:
Thăm quan du lịch cảnh mùa đông
Mỗi sáng chờ xem ánh nắng hồng
Gió tuyết nhiều nơi rơi trắng núi
Mây mù khắp chốn phủ xanh đồng.

(Du lịch Australia)
       Rồi:
Xuống biển đêm xem chim cánh cụt
Lên rừng chiều ngắm gà đuôi công
Gia đình chuột túi người thân thiện
Hạnh phúc từng đôi cặp vợ chồng.

(Thanh bình)
       Điều thú vị trong mảng thơ về sự vật, hiện tượng của nhà thơ Cẩm Tú là vừa tả vừa bình. Tả bằng xúc cảm của tâm hồn nghệ sĩ và bình bằng trí tuệ sắc sảo, bằng cái nhìn thấu đáo của một người từng trải. Do vậy, thơ Cẩm Tú đã chuyển tải đến người đọc một thu nhận toàn diện: sắc màu, hương vị, tình cảm, linh hồn và tính cách của con người, cảnh vật.
       Thể thơ chủ đạo của Cẩm Tú là thể thơ Đường luật – một thể thơ đòi hỏi khắt khe về niêm luật. Các vế đối cứ phải là “chan chát” và chuẩn mực cả về câu từ, thanh, âm... Nhưng dường như điều đó chẳng gây cho anh một khó khăn gì. Anh yêu thể thơ này đến cháy bỏng và luôn coi đó là “dòng thơ bác học”. Có thể xem Cẩm Tú là một trong số ít người đã góp công vào việc gìn giữ, phát huy và chấn hưng thơ Việt Nam viết theo thể Đường luật. Anh chia sẻ:
Những tưởng thơ xưa đã lỗi thời
Nào ngờ phát triển mãi sinh sôi
Thi nhân thuở trước reo vần đẹp
Bạn hữu ngày nay dệt ý tươi
Bản sắc luật Đường lưu vạn thuở
Tinh hoa tứ Việt tạc muôn đời
Tự hào vật báu hồn dân tộc
Ngọc quý nên thơ vẫn rạng ngời.

(Dòng thơ Bác học).
       Cũng chính từ sự yêu thích thể thơ tao nhã, thanh cao này nên với anh, những người làm thơ theo thể Đường luật luôn là những người bạn tâm giao, tri kỷ, dù đi đâu, ở đâu anh cũng luôn nhớ và mong ngày gặp gỡ để tâm sự, đổi trao:
Thư trong thư đã đủ rồi
Kính mời anh chị đến sân chơi
Trông chờ thơ bạn đùa vui nhộn
Mong đợi quà huynh thắm đẹp tươi
Vinh dự tình sâu ngời bút ngọc
Tự hào nghĩa trọng sáng đường đời
Tiệc trà nâng chén ngồi đàm đạo
Đối đáp ngân nga múa hát cười.

(Mơ về hội).
       Hoặc:
Phố cũ trông hoài anh ngóng đợi
Làng xưa mãi nhớ chị chờ mong
Trăng khuya mộng ảo vờn du khách
Để mãi trần ai thổn thức lòng.

(Bên nhau).
       Cũng như bao thi sĩ khác, đề tài tình yêu lứa đôi luôn là nguồn năng lượng tích cực làm xôn xao tâm hồn nhà thơ, khơi dậy lòng khát khao sáng tạo trong anh. Ta gặp trong thơ Cẩm Tú không chỉ là người bạn đời chung gối, chung chăn mà mới xa vài ngày cứ ngỡ như đã xa mấy tháng trời dằng dặc:
Vợ về thăm ngoại mới vài ngày
Như thể đi xa mấy tháng nay
Thanh vắng tiếng em nhà lạnh lẽo
Hàng ngày nội trợ phải ra tay.

(Ngày không em)
       Ta còn gặp trong thơ Cẩm Tú những gương mặt xa lạ mang đến cho anh “những phút xao lòng” và đã hành hương cùng con chữ chân chất của anh trên dặm dài nẻo đường sáng tạo, cho dù anh luôn ý thức được cái hệ luỵ của một mối tình ngang trái:
Bâng khuâng một phút xao lòng
Để rồi mơ mộng nhớ mong tháng ngày
Tình là mật ngọt, ớt cay
Bao người trả giá vì say men tình
Rạc dài theo đuổi bóng hình
Tơ tình đã vướng tử sinh một đời
Sóng lòng đầu bạc biển khơi
Ai có hiểu được lòng người đang yêu.

(Sóng Tình)
Tuy vậy, anh vẫn chân thật:
Ước về gặp mặt ngày vui đợi
Mong đến cầm tay buổi nói cười
Trông thấy người tình đôi mắt sáng
Trong lòng rạo rực tưởng sao rơi.

(Mong đợi)
       Khi đọc bản thảo tập thơ “Lặng Thầm”, dường như tôi không quá quan tâm soi xét đến từ ngữ. Tôi thả lỏng lòng mình để cảm nhận cái hồn của từng câu thơ, từng bài thơ. Dù từ ngữ có chỗ chưa được anh mài giũa để có được một viên ngọc sáng, bớt đi những “thỏi quặng thô”, nhưng những câu chuyện, những thông điệp anh gửi trong mỗi bài thơ cứ làm tôi trăn trở, suy tư, đôi lúc cảm thấy chạnh lòng và thương cảm đến vô cùng:
Mấy bận xa quê từng não ruột
Một mình ốm yếu đã hơi lâu
Lúc này mới ngấm khi xa mẹ
Có phải nhiều tiền đã sướng đâu.

(Đất khách)
       Đọc xong tập bản thảo, tôi nghĩ, độc giả sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Năng lượng tích cực toả ra từ anh đủ để lấp đi chỗ trống trong bao người. Tôi cứ tiếc, giá như tôi gặp và thân quen anh sớm hơn thì chắc chắn, bằng lòng nhiệt tình chỉ dẫn của anh, con đường thi ca của một gã “chập chững” như tôi đã bớt đi sự tối tăm, mờ mịt. Tôi ngưỡng mộ và tin tưởng ở sức lao động sáng tạo, ở sự dâng hiến hết mình cho thơ của một tâm hồn bay bổng, đôn hậu và giàu lòng trắc ẩn như anh. Thầm mong sao anh có đủ sức khoẻ để có thể cho ra đời những đứa con tinh thần “khoẻ mạnh, xinh xắn" tiếp theo. Trân trọng.

Đại tá, PGS, TS Đỗ NgọcThứ.

 
tin tức liên quan