Chuyện về anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, ký của Kim Cương

Ngày đăng: 07:58 17/03/2018 Lượt xem: 1.530

  
               Chuyện về anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế

                                                                   
                                                                    
                                                               Ký của Kim Cương

 

            Khi cầm bút viết về những kỳ tích trên những tuyến đường đi qua tuyến lửa Quảng Bình, tôi lại nhớ đến buổi trực tiếp gặp nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế,  người đã 5 lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lần ấy, cách đây hơn 20 năm, tôi được Báo Công an nhân dân và chuyên đề An ninh thế giới – Văn nghệ Công an uỷ nhiệm lên trao tặng chị mười triệu đồng giúp chị thực hiện ước vọng làm một giếng nước ngọt. Chị đã niềm nở tiếp chúng tôi trong căn nhà hai gian nhỏ hẹp nằm cheo leo bên sườn núi , với bát chè xanh của vùng  Cảnh Hoá  (huyện Quảng Trạch) đượm tình quê hương. Theo chị, đó là lần đầu tiên, chị được nhận một món quà không chỉ có giá trị về vật chất mà rất ân tình, nặng nghĩa. Người dân ở đây nói rằng chị quê ở một làng bên cạnh, nhưng quá nặng tình, ân nghĩa, với  tuyến đường với bao kỷ niệm sâu sắc của một thời oanh liệt, một thời máu lửa, với bao sự hy sinh và đổ máu của đồng chí, đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên mới xin về cư ngụ ở đây. Thời ấy, chẳng ai tính toan tiền bạc trên từng tấc đất. Đất quê ta mênh mông, ai muốn cai quản mấy cũng được. Nhà chị ở trên đồi cao. Một phần của chân đồi là thành ta luy của đường 12A – con đường xuyên qua đất Quảng Bình sang đến tân nước bạn Lào, con đường chiến lược, mà đế quốc Mỹ xem là một trọng điểm phải huỷ diệt, để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc Việt Nam vào các chiến trường miền Nam và Lào. Lực lượng thanh niên xung phong của chị phải đảm nhiệm bảo vệ mạch máu giao thông thông suốt trên tuyến đường này suốt 8 năm ròng rã đầy bom rơi đạn nổ.
         
               Nhà của chị hướng xuống con đường ấy, hướng về phía Nam, gần với con sông Rào Nậy chảy qua, có dãy núi Phúc Sơn dài hơn một cây số, như một bức tường đá sừng sững. Mặt đá đủ màu sắc: xanh xám như hoa cương, xanh lục có pha chút màu trắng của đá lưu vân và cả màu đen của đá huyền vũ. Những buổi sáng mù sương, mây bao phủ chóp núi trông cao vời vợi. Người dân ở đây còn gọi núi Phúc Sơn là Lèn Tiên, bởi nó đẹp như thần tiên vậy. Những ngày nhiều mây, cả mặt núi, mặt sông được phủ một lớp mây mù như bông trắng xoá. Sông - núi chập chờn. Và lớp mây mù trắng như bông ấy dần được vén lên theo mặt trời lên, để lại mặt sông trong xanh, phẳng lặng, hiền hoà. Mặt trời cứ lên cao và toả nắng, nhưng Lèn Tiên vẫn không rời khỏi chiếc chăn trắng. Người ngắm cảnh cứ tưởng như núi đang bay lơ lững giửa không trung, huyền ảo, vời vợi, như có một nàng Tiên đang bay lượn quanh núi. Giữa núi Phúc Sơn nhô lên nhiều chóp đá mà đứng xa xa nhìn lên giống như có rất nhiều người lớn nhỏ đứng kề bên nhau. Có lẽ, nhiều hòn đá giống như hình người như vậy, nên đã phát tích ra chuyện Tiên nữ giáng trần và núi được gọi là Ngọc Nữ Lâm Phong.
         
             Chuyện rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai rất khôi ngô tuấn tú, lực lưỡng và khoẻ mạnh, đi vào núi lấy gỗ ở núi Phúc Sơn. Người ta nói trong rừng rất nhiều thú dữ và rắn rết, phần lớn người vào đó đều không trở về, nên không mấy ai dám vào, nhưng chàng thì không mảy may run sợ. Chàng nghĩ rằng càng vào sâu càng có nhiều gỗ quí và đẹp, nên cứ đi mãi không biết mệt mỏi. Đang đi thì bỗng bên tai chàng vọng lên những tiếng con gái reo cười vui nhộn. Ma chăng? – chàng nghĩ: - Từ xưa tới nay đã có ai dám đặt chân đến đây đâu, mà giờ có tiếng người, lại là tiếng con gái, quả là điều quá lạ. Càng nghĩ, càng kích thích tính tò mò. Chàng cứ dấn chân đi. Đi một lúc thì chàng gặp phải một cái hồ nước mênh mông. Nước xanh trong như ngọc. Và, mắt chàng bỗng hoa lên. Chàng nghĩ không biết mình đang đọc chuyện cổ tích, đang mơ, hay hiện thực nữa. Trước mắt chàng là một đoàn con gái. Cô nào cũng trẻ và đẹp tuyệt vời chưa từng thấy bao giờ. Họ đang vui đùa với nhau dưới nước, để lộ rõ bộ ngực căng tròn dưới làn da trắng nõn nà như “ trứng gà bóc” có sức quyến rũ cực kỳ và mái tóc dài xanh mượt, tha thướt, bồng bềnh trên mặt nước. Chỉ có Tiên mới đẹp tuyệt trần như thế. Chàng nghĩ vậy và trong lòng trào lên sự thèm khát của con người. Nhìn họ, chàng cứ khát khao có được một người như vậy lấy về làm vợ, để cùng được chung sống bên mình. Chàng đưa hai lòng bàn tay lên vuốt mặt và nhìn sang bên bờ, thì thấy dưới gốc cây cổ thụ là một đống áo quần bằng lụa màu thiên thanh, thêu đầy hoa rực rở và nhiều bộ cánh tựa như cánh hạc trắng muốt, dài và to lớn. Lòng khao khát, thèm muốn càng trào lên, càng tham vọng. Tính toan mãi, cuối cùng, chàng mạnh dạn, nhẹ nhàng đến gốc cây cổ thụ lấy trộm một bộ cánh và một bộ áo quần đưa vào rừng cất dấu. Khi chàng trở lại bờ hồ thì tất cả đều vắng vẽ, chỉ còn lại một nàng đang ôm mặt ngồi khóc nức nở. Thân thể thoát y của nàng đầy hấp dẩn, như có một lực hút cực mạnh, nhưng chàng cố giữ mình lại, thể hiện là một người đứng đắn. Chàng đánh tiếng. Nàng bỗng giật mình buông tay, ngước lên. Nhìn thấy người, nàng sợ hãi bật đứng dậy định chạy trốn, nhưng đã bị chàng ngăn lại. Thực tế thì anh chẳng giơ tay, dang chân, hoặc dùng một động tác vũ lực nào. Anh chỉ đứng trước mặt nàng với đôi mắt đờ đẩn, mê muội, như người bị hút hồn. Biết mình cũng chẳng làm được gì hơn, nàng nghiêng người như cố che dấu những phần cần che dấu trên cơ thể và đứng yên, với đôi mắt thẹn thùng, e lệ và sợ sệt. Mãi một hồi lâu, anh mới mở được miệng để nói:
- Nàng đi đâu, không mang áo quần gì cả, lại lạc vào chốn rừng thiêng, lắm thú dữ này, mà ngồi khóc một mình tội nghiệp rứa?.
- Nàng vẫn ấp úng không dám trả lời.
- Nàng đừng ngại _ Anh nói tiếp: - Tôi là người ở gần đây. Có điều chi uẩn khúc, nàng cứ nói ra, tôi sẽ giúp cho.
- Tôi là Tiên nga trên trời – nàng nói: - Tôi thường cùng các bạn xuống tắm ở hồ này, nhưng hôm nay, khi tắm xong, không biết ai đã lấy mất đôi cánh và áo quần, nên không cùng chị em về nhà trời được. Hay là anh đã lấy thì cho tôi xin lại để tôi về trời. Không có cánh, tôi không về được, mà ở dưới này thì không biết làm sao mà sống được. Tôi sẽ nói với Ngọc Hoàng Thượng Đế trả ơn anh những gì anh muốn...
- Vừa nói, nàng vừa đưa tay lên lau nước mắt, khóc hu...hu...
- Biết mình đã dùng đúng kế và nếu như trả lại áo quần và đôi cánh cho nàng thì chắc chắn mình sẽ được Ngọc Hoàng Thượng Đế trọng thưởng, trở thành con người sống như vua dưới trần, nhưng đối với anh không có gì là hơn nàng cả. Anh quyết lấy bằng được một nàng Tiên xinh đẹp làm vợ hiền và nói:
- Tôi mới đặt chân đến đây thì gặp tình cảnh này, chứ nào biết cánh và áo quần của nàng đâu. Bây giờ sự việc đã đến nông nỗi này, biết làm sao được, hay là nàng cứ về nhà tôi sống tạm, rồi tôi sẽ đi tìm lại đôi cánh cho nàng...
- Người và Tiên sao mà sống chung với nhau được?
- Lúc đầu có thể là như thế, nhưng dần rồi quen thôi, chỉ sợ hai người không quí trọng nhau và nàng chê tôi thôi. Tiên hay là người đều do Thượng Đế tạo ra cả. Hôm nay, nàng và tôi được gặp nhau ở đây, có lẽ không phải là tự nhiên mà có, chắc chắn là do trời sắp đặt ra cả. Dù sao, thì nàng không thể ngồi ở đây mà khóc mãi, trời thì cũng sắp tối rồi, mà vùng rừng núi hiểm trở này nhiều hổ dữ và rắn độc lắm, nàng không thể ở một mình được đâu. Nàng hãy tin ở tôi, đừng e ngại gì cả. Tôi sẽ che chở, quí trọng và yêu thương nàng...
-Nàng Tiên nghe những lời nói dịu dàng, chân thật, hợp tình bèn nhận lời. Anh cởi bộ áo quần ngoài của mình đưa cho nàng mặc tạm rồi dẫn nàng đi về. Dọc đường, thấy nàng mệt mỏi, anh đã phải cõng nàng đi hàng trăm mét. Về đến nhà, anh vội vàng vào bếp nấu cơm động viên nàng ăn. Rồi anh đi mua áo quần cho nàng mặc. Dần dần hai người thân thiết bên nhau, chung sống với nhau, hoà nhập vào cuộc sống đời thường ở cuối làng Phúc Lâm Hạ. Chẳng bao lâu, hai người sinh được một người con gái. Cùng lúc đó, anh bị gọi đi lính. Trước lúc đi, anh dặn nàng:
- Nhà mình đã có sẵn mấy bồ thóc. Anh tính hai mẹ con ăn hết mấy bồ ở phía ngoài thì cũng vừa lúc anh hết nghĩa vụ trở về. Còn lại mấy bồ phía trong, đợi anh về chúng ta cùng ăn và làm thêm...

            Nghe theo lời chồng, nàng Tiên ở nhà lo chăm nuôi dạy con, nhưng ăn hết mấy bồ thóc ngoài cùng rồi mà vẫn chưa thấy anh về. Nàng buộc lòng phải dùng luôn cả bồ thóc cuối cùng. Bỗng nhiên, từ trong bồ thóc ấy, nàng phát hiện ra đôi cánh và bộ áo quần của mình. Nỗi nhớ nhà trời, nhớ cha mẹ, nhớ chị em và bạn bè bỗng trào lên. Nàng nhanh chóng đưa bộ áo quần ra giặt phơi và lau quét đôi cánh sạch sẽ rồi lắp vào người bay lên. Đôi cánh cứ nâng nàng bay lên mấy tầng mây. Dưới mắt nàng là bạt ngàn núi lèn, sông suối, ruộng vườn trãi bày ra như một bức tranh đủ màu, đủ sắc tuyệt vời. Những làn mây trắng, lâu ngày được gặp lại người thân cứ vuốt ve nàng, nâng nàng ngày càng lên cao hơn. Nhưng, càng lên cao, lòng nàng càng se lại. Lòng thương con, nhớ chồng trỗi lên như có sức nặng ghê gớm, níu kéo nàng xuống.

           Khi chân nàng vừa chạm xuống mặt sân, thì chàng cũng vừa về đến tận ngõ. Niềm vui sau bao năm xa cách bùng lên. Nàng chạy đến ôm chặt lấy anh, quên cả đôi cánh còn trên vai. Anh ôm chặt lấy nàng vuốt ve trên hai bờ vai. Khi đôi bàn tay chạm vào đôi cánh, thì toàn thân anh sụp xuống. Anh ngồi trong tư thế quì xin, van lạy. Nước mắt chảy đầm đìa.
- Em định bỏ anh và con mà lên với trời hay sao?...em mà bỏ đi thì anh sống sao nổi... bao năm mong mỏi trở về...hu...hu... – Anh khóc nức nở.
- Không, em không đi đâu nữa. Em không thể sống thiếu anh và con...- Nàng cũng vừa khóc vừa nói: - Quả thực, khi nhìn thấy bộ cánh và áo quần, em rất muốn lên thượng giới và đã bay lên gần đến nơi, nhưng vì quá thương anh và con, nên em quay trở về, thì gặp anh về...hu...hu...

             Cả hai người ôm nhau khóc sướt mướt.

             Tiếng khóc yêu thương động đến muôn nơi. Bỗng nhiên Bụt hiện lên. Sau khi nghe hai vợ chồng bày tỏ, Bụt thương tình hoá phép cho cả gia đình nàng Tiên từ giã cõi trần, bay lên Thượng giới, phục vụ Ngọc Hoàng. Cuộc sống trên Thiên đường sung sướng lạ kỳ. Người Tiên và Thánh Phật ở cõi trời không phải làm lụng vất vả, không phải tính toan, dành dụm, nhàn hạ mà vẫn không thiếu bất cứ thứ gì mà mình mong muốn, nhưng cứ sống như vậy cảm thấy nhàm chán và vô vị. Cả hai người như cảm thấy thiếu nhiều những điều sinh ra cho con người, làm cho con người hẫng hụt, buồn tẻ. Đôi vợ chồng đành liều gặp Thượng Đế xin được trở về hạ giới. Ngọc Hoàng nhân từ, đồng ý và liền sai Hoàng Cân Lực Sĩ dùng thúng nhà trời đưa vợ chồng nàng Tiên về cõi trần. Trong chiếc thúng là ba người ngồi và có thêm một cái trống dùng  đánh báo hiệu khi đã xuống đến đất, để lực sĩ buông dây. Cuộc hành trình đang êm ả, thì giữa chừng đứa con đói bụng. Nàng Tiên vừa lấy cơm ra đặt lên mặt trống cho con ăn, thì một đàn quạ bay ngang qua. Thấy có cơm, chúng liền sà xuống tranh nhau mổ cơm, làm cho trống kêu lên thùng thùng. Tưởng là thúng đã xuống đến mặt đất an toàn, Hoàng Cân Lực Sĩ liền buông dây. Chiếc thúng của gia đình nàng Tiên đang ngồi tự do rơi với tốc độ cực kỳ kinh khủng theo sức hút của trái đất và phát hoả. Ngọc Hoàng thấy vậy, động lòng thương xót, không muốn con cháu bị thiêu cháy, bèn hoá phép cho chiếc thúng và ba người trong đó hoá đá, rơi xuống giữa mỏm núi Phúc Sơn này. Từ đó, núi Phúc Sơn mang tên mới; Ngọc Nữ Lâm Phong và hòn phía Bắc gọi là Lèn Tiên giới.

             Trước mặt nhà của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế còn có dãy núi Lệ Sơn trùng điệp, liền nhau như một bức trường thành, mà như nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh viết là: “ Thiên Phong vãn chiếu liên bình lục – Vạn lý phù vân quyển thái hư – Nam quốc Sơn hà chung bất động...”. Nghĩa là: 
 “ Ráng chiều ngàn non xuyên cỏ nội – Mây bay muôn dặm suốt trời tà - Núi non nước Việt không lay chuyển...”. Trên núi có nhiều hang động, mà nổi tiếng là Động Chân Linh với nhiều huyền thoại đầy chất sử thi. Cách đây gần 1.500 năm, Tiến sĩ Dương Văn An đã viết trong Ô châu cân lục là: “ Động có cửa vào, du khách vãn cảnh phải đi thuyền, trước hết phải thanh tâm trì giới thì tự khắc thấy nước lặng, sông êm, trời quang, mây tạnh. Bằng một bó đuốc, theo thuyền vào, nghe gió thổi như đàn, âm vang như sáo. Cỏ đẹp, mây yên, sạch lòng trần tục, hoa cười đón khách, chim hót chào người”. Thơ cổ có câu; “ Cửa hang không khoá, khách tục chẳng muốn về “ là vậy!”. Trên Động Chân Linh có đền thờ một bà Tiên được Triều Nguyễn Gia Long phong là “ Thượng đẳng thần” hàng năm cấp tiền cúng tế. Truyền thuyết kể lại: Nơi đây Tiên nga thường kéo nhau về tắm, vì quá mê cảnh đẹp nên đã xin Ngọc Hoàng ở lại trần gian cai quản hơn 3.000 cảnh đẹp trong vùng “ Thiên phong vãn chiếu liên bình lục”, thay trời ban phúc cho muôn dân. Có lần một trăm con phượng hoàng từ phương Bắc bay vào đây tìm đất đế đô, nhưng vùng núi Lệ Sơn chỉ có 99 ngọn cao không đủ chỗ cho cả 100 con cư ngụ, nên đành tiếc nuối bay đi...
         
            Có lẽ khí đất thiêng, núi non kỳ vĩ, với nhiều vẽ đẹp huyền bí, đến như các nàng Tiên cũng phải luôn để ý, thường xuyên đến chiêm ngưỡng, đã tạo hoá ra ở vùng này nhiều trai thanh, nữ xinh đẹp. Cứ nhìn tấm ảnh Nguyễn Thị Kim Huế đang ôm bó hoa tươi rực rở đứng sát với Bác Hồ, chụp cách đây đã gần 45 năm, thì biết chị là một trong nhiều người đẹp ở vùng này. Năm ấy, chị mới 26 tuổi, đã có chồng, nhưng đã tình nguyện vào thanh niên xung phong, làm tiểu đội trưởng tiểu đội 6 gồm 16 chị em, thuộc đơn vị C759, làm nhiệm vụ bảo vệ đường 12A đã một năm. Cho đến bây giờ, tuy đã bước vào tuổi “ Thất thập cổ lai hy” nhưng chị vẫn còn trẻ đẹp như xưa. Cứ mỗi ngày thức dậy là chị lại nhìn xuống mặt đường 12A. Con đường giờ đây đã được nâng cấp bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa, rộng năm, sáu làn xe chạy, phẳng lỳ, nhưng vẫn luôn đánh thức trong chị bao kí ức của một thời oanh liệt.
 
                                                          *  *
                                                            *
 
                 Con đường này đã có từ thuở chị chưa sinh. Đường ngày càng được mở rộng theo ý đồ xâm lược, vơ vét tài nguyên trên vùng đất Quảng Bình và Trung Lào của thực dân Pháp và yêu cầu giao thông đi lại. Từ năm 1886, Pháp đã cho làm đường từ Ba Đồn lên Minh Cầm. Năm sau, chúng cho làm thêm đoạn từ Minh Cầm lên Qui Đạt. Lúc đầu, đường chỉ đủ cho người và ngựa đi. Khi tuyến đường xe lửa được khai thông năm 1925, Pháp cho mở đường ô tô từ Minh Cầm lên ga Ngọc Lâm và từ ga Đồng Lê vào Qui Đạt, sau đó mới triển khai xây dựng mở rộng đường 12A với chiều dài 149 cây số, nối từ ga Tân Ấp lên biên giới Việt - Lào, qua Thị xã Thà Khẹt của tỉnh Khăm Muộn, đồng thời làm thêm một tuyến đường cáp treo trên núi, gọi là “ Không trung thiết lộ” dài 65 cây số từ xóm Cục, vượt qua đèo Mụ Giạ, sang đến bản Na Phầu... đường đã đưa vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết lên đóng đô, xây dựng căn cứ địa chống Pháp ở vùng rừng núi Tuyên Hoá. Đường đã bao lần nâng bước chân những đoàn quân của các nghĩa quân Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, theo “ Chiếu Cần Vương”, đánh tan bao trận tấn công của địch, bảo vệ vua Hàm Nghi... Năm 1952, để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội đồng cung cấp tiền phương Khu IV đã huy động hơn hai vạn dân công Hà Tĩnh và Quảng Bình, do hai đồng chí Phạm Vọng, phó trưởng Ty giao thông Quảng Bình và đồng chí Hồ Tri Tân, phó trưởng Ty giao thông Hà Tĩnh phụ trách, vừa tu sửa đường 12A từ Tân Ấp, qua xóm Cục, đèo Mụ Giạ, sang bản Na Phầu, vừa vận chuyển trên hai vạn tấn hàng hoá, chuẩn bị cho chiến dịch Trung Lào. Trước yêu cầu và nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ - nguỵ, năm 1962, Bộ giao thông vận tải chính thức thành lập công trường 12A, xây dựng và mở rộng 75 cây số đường, trong đó có 29 km đường Quốc lộ 15A từ Tấn Đức đến Khe Ve và 46 Km đường Quốc lộ 12A từ Khe Ve đến Mụ Giạ, với trên 500 công nhân giao thông tham gia.

              Đến năm 1964, hệ thống cầu cống được làm xong, đường 12A được nâng cấp, xe vận tải có thể đi lại dễ dàng, thì giặc Mỹ điên cuồng dùng không quân leo thang ra  phá hoại miền Bắc, liên tục đánh xuống tuyến đường chiến lược này. Có trận, chúng dùng hơn 150 lượt máy bay phản lực đủ loại, đánh dồn dập bảy giờ liền. Đó là trận đối đầu quyết liệt của những người lính pháo cao xạ 37 ly mang tên người anh hùng Nguyễn Viết Xuân với không lực Hoa Kỳ để bảo vệ tuyến đường, ngày 16 tháng 4 năm 1965 tại vùng Khe Tang. Mặc cho bom đạn quân thù đổ xuống như mưa, các chiến sĩ pháo binh vẫn kiên cường dũng cảm, theo lệnh chỉ huy của chính trị viên Đậu Văn Vĩnh “ Noi gương Nguyễn Viết Xuân, nhằm thẳng quân thù mà bắn!. Bắn!”, liên tục nhả đạn lên đầu máy bay Mỹ. Bên cạnh họ là tổ công nhân Hạt giao thông 4 xông lên chuyển đạn tiếp sức. Chính trị viên Đậu Văn Vĩnh bị một loạt đạn rốc két cắt đứt cánh tay phải, máu chảy đầm đìa, vẫn vươn cánh tay trái chỉ huy khẩu đội tiếp tục bắn. Đinh Thị Ngà - người con gái của vùng quê Minh Hoá vừa vác hòm đạn lên trận địa, thì anh Nhiệm bị sức ép của bom quật ngã. Chi đã thay anh liên tiếp chuyền những viên đạn vàng chói vào nòng pháo, để các anh bộ đội bắn. Sau bảy tiếng đồng hồ, dội xuống đủ loại bom đạn, nhưng chúng chỉ đánh sập được một nhịp cầu, mà phải chuốc lấy thất bại với 6 máy bay bị bắn rơi. Phải nói là một cái giá quá đắt mà từ xưa tới giờ chưa từng có đối với một cường quốc như nước Mỹ.

              Cuộc chiến đấu đầy khốc liệt đã qua đi, để lại gánh nặng cho lực lượng công nhân giao thông và thanh niên xung phong là phải nhanh chóng giải phóng mặt đường.

            Chị Nguyễn Thị Kim Huế kể lại rằng: “ Hồi ấy, địch đánh xuống tuyến đường này ác liệt lắm. Trước lúc đi cứu đường, chúng tôi đều làm lễ truy điệu sống và lúc nào cũng mang theo một ít cồn, đề phòng có ai hy sinh mà khâm liệm...”.

             Có lẽ đó cũng là chuyện rất bình thường đối với tất cả những người làm nhiệm vụ trên các tuyến đường đi qua tuyến lửa Quảng Bình này. Bom đạn địch thì cứ từ trên trời dội xuống liên tục, chẳng biết nơi nào mà tránh. Chỉ từ tháng 5 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966, mà chúng đã đánh xuống đoạn đường đi qua đồi Cha Quang, do đại đội 759 phụ trách gần 650 trận, với trên 6.000 quả bom tấn và bom tạ. Bình quân mỗi đội viên trong đại đội phải hứng chịu hơn 40 quả bom tạ trở lên, chưa kể các loại đạn róc két, bom bi, bom napan... sống chết âu chỉ là số phận, nhưng hy sinh vì mặt đường thông suốt, để lực lượng ta kịp vào chiến trường đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thì chẳng có một ai đắn đo, do dự. Cái “ Lễ truy điệu sống” ấy chỉ là sự tôn vinh, động viên an ủi nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận chiến mới. Có một lần, chúng đánh xuống tuyến đường qua Ca Tang gần 200 quả bom cỡ lớn, lại rãi thêm mấy chục loạt bom bi chà đi, xát lại, trong đó có gần 50 quả bom nổ chậm. Con đường vừa bị băm vụn, vừa bị cắt ra từng khúc. Trên vách núi, bên đoạn đường vừa bị đánh có ba quả bom nổ chậm đang găm vào.Trước tình thế đó, ban chỉ huy đại đội thanh niên xung phong 754, đơn vị bộ đội công binh và đội công nhân Quyết Tiến khẩn trương hội ý, thống nhất quyết định là không thể chờ cho bom nổ hết, mà phải cấp tốc san lấp hố bom, san lấp mặt đường, kịp thời thông xe. Cùng với huy động lực lượng tham gia giải phóng mặt đường, đơn vị công binh vừa quyết định cử người “gác “ ba quả bom nổ chậm. Nghe đến hai tiếng “ gác bom” mà rợn cả người. Trên đời, người ta có thể gác cổng, gác cửa, gác kho, gác ruộng, gác vườn, gác đường... cao hơn là gác phòng không để báo động khi có địch đến, chứ chưa ai nói đến gác bom bao giờ. Đã gọi là bom nổ chậm thì ắt sẽ có lúc nổ, mà nổ  trong thời khắc nào thì chắc cả thần thánh cũng không biết nổi. Theo cách nghĩ của tôi, thì những người đứng gác bên bom chưa nổ, chẳng khác nào những con thiêu thân. Vậy mà khi nghe trung đội trưởng trung đội I công binh Đặng Đình Năng nói “ cần ba đồng chí đứng gác bom”, thì tất cả những người có mặt trong cuộc hội ý đều giơ tay xung phong!. Họ tranh giành nhau như tranh giành một danh vọng hay một vật quí. Dù sao thì vẫn theo quyết định là phải chọn ba người. Sau một hồi cân nhắc kỹ từng người, cuối cùng trung đội trưởng Đặng Đình Năng quyết định chọn Nguyễn Khắc Dụ, Nguyễn Đình Huých và Liên. Họ đều là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường phổ thông. Có người chỉ mới học hết lớp tám. Tất cả mới vừa nhập ngũ, chưa qua tuổi hai mươi. Họ nắm chặt tay nhau với trung đội trưởng, đến bắt tay tận từng người, rồi leo lên vách núi, cưỡi lên hang “ thần chết”.
- Yên chí mà san đường mau lên đi – Từ trên miệng hố bom nổ chậm, Nguyễn Khắc Dụ nhìn xuống nói: - Bom Mỹ đã có các anh bịt miệng rồi, đừng sợ...

            Mặc cho “ thần chết” đang rình rập bên người, mặc cho máy bay địch có thể ập đến đánh bất cứ lúc nào, rồi bom rền, đạn nổ, rồi có thể có người hy sinh, có người bị thương, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn vui vẻ lao vào dồn sức thông đường, vui vẻ cười, hát. Cái khẩu khí “ Tiếng hát át tiếng bom” của người Quảng Bình như đã thấm vào trong họ. Từ trong đám đông, một giọng Hà Tĩnh của một cô gái vang lên:
- Anh Huých ơi!, sức vóc eng răng mà đè nổi trái bom?. Nó mà nổ, tui bắt đền đó.
- Tiếng cười rộ lên quanh hố bom.
-Thử sức với anh Huých lúc nào rồi mà biết yếu? – Tiếng một chàng trai lại cất lên.
- Tiếng cười rộ lên càng to hơn, tao nên một không khí sôi động. Từ trên vách núi, Huých nói vọng xuống:
- Nó mà nổ, tôi bay lên trời thăm chị Hằng luôn thể. Các cô, ai muốn đi theo thì đăng ký đi...

             Ở quả bom thứ ba gần đường xe chạy, tiểu đội trưởng Lê Từ và Nguyễn Khắc Dụ đang chuyển đất san lấp, bổng thấy mình bị mất thăng bằng. Sau đó không còn biết gì, cũng không nghe được tiếng bom nổ. Mặt đường vừa chưa kịp vá xong, lại thêm ba hố bom xé toác ra. Ba chiến sĩ gác bom và Từ bay mất. Mười công nhân đội Quyết Tiến bị đất đá vùi lấp. Trung đội trương Đặng Đình Năng nghẹn ngào cất tiếng gọi:
- Dụ ơi!, Huých ơi!, Liên ơi!, Từ ơi!...

           Tiếng gọi của anh xuyên qua từng cây xanh, kẻ lá, vang vọng khắp cả núi rừng, nhưng chẳng nghe một tiếng người đáp lại, nghe buồn và xa xôi, lạnh lùng...

            Từ giữa vùng đất đá mới ngổn ngang, nhiều người lần lượt ngoi lên, phủi bụi đất đứng dậy. Họ còn sống. Trần Thị Tình vừa bươn ra khỏi đống đất đá, đi lại chưa vững, nhưng đã cúi xuống bới đất đá, tìm cứu đồng đội. Nguyễn Thị Ngụ bị một hòn đất to đè nặng ở chân vừa lắc lắc người, vừa dùng hai tay gạt đất xung quanh, toàn thân đau đơn lắm, nhưng không khóc, không nói một lời nào.

            Tiếng gọi đồng đội của Đặng Đình Năng vẫn liên hồi vang lên. Vẫn chỉ là tiếng vọng của núi rừng đáp lại một âm thanh não cả ruột gan. Năng cảm thấy đau đớn cả người, rồi dần xỉu xuống bên cạnh hố bom. Trong mê man khổ đau, Năng bỗng nghe đâu đó vọng lại một câu nói: “ Anh Từ có làm sao không?” và liền bật dậy. Trước mắt anh là mọi người đang đứng bao quanh Dụ và Từ. Quá vui mừng, anh vùng dậy chạy đến hết ôm Dụ lại ôm Từ. Cùng lúc đó, cách hố bom chừng mười mét, cạnh vệ đường Nguyễn Đình Huých, chàng thanh niên bé nhỏ, gầy gò như chú thiếu nhi, đã tỉnh lại. Có lẽ Huých quá nhỏ nên bị tung ra xa hơn. Mặc bụi đất đang bám đầy mặt và người, nhưng khi gặp lại các anh, các chị, Huých đã cười nói:
- Hôm nay, thằng Giôn xơn cho bay một chuyến quá thú vị!.
Còn Liên thì bị tung xuống một hố bom phía dưới đường, được Năng và Từ phát hiện dìu lên. Như vậy là tất cả người của hai lực lượng công trường và công binh không có ai hy sinh. Mọi người, kể cả những người vừa thoát khỏi lưỡi hái của “ thần chết” như Ngụ, Dụ, Huých, Liên, Từ kéo nhau ra trận địa thông đường, thông xe.

              Kể về những người “ gác bom” ở đại đội thanh niên xung phong 759 thường kể về người đại đội phó của mình là Trần Thị Thành. Lần ấy, ở khu vực mà đại đội đang làm nhiệm vụ cũng còn ba quả bom nổ chậm. Một quả ở trên sườn núi cao và một quả ở dưới khe sâu đã nổ nhưng chỉ làm hỏng một chóp mũ của một chiến sĩ. Chỉ còn lại một quả ở gần đường. Trần Thị Thành đảm nhận nhiệm vụ gác bom, còn tất cả theo lệnh của chị ra mặt đường. Nhiều người can ngăn chị, vì theo kinh nghiệm từng trải thì quả bom này sắp nổ. Có người mạnh dạn lên tiếng đề xuất:
- Đề nghị chị cho đơn vị rút quân khoảng 5 đến 10 phút, chờ bom nổ xong rồi làm tiếp.
Đại đội phó Trần Thị Thành đứng im lặng suy nghĩ chốc lát rồi nói:
- Không thể được. Theo các đồng chí, nếu như sau 10 phút mà bom vẫn chưa nổ, thì chẳng lẽ cứ phải chờ?. Các đồng chí cũng đã thấy rồi đó, một đoàn xe quan trọng đang chờ chúng ta, mà tinh thần của chúng ta xưa nay vẫn là “ Đường chờ xe, chứ không thể để xe chờ đường!”. Chúng ta phải thông đường ngay!.

             Lệnh chiến trường là không thể thay đổi được, mà cả đại đội lâu nay đã cảm phục và chứng kiến nhiều quyết định táo bạo, quyết đoán nhưng thắng lợi của Thành, nên ai cũng chấp hành nghiêm túc. Tất cả đều đổ hết sức lực chạy đua với giờ nổ của quả bom và đã chiến thắng. Đoàn xe nối nhau khẩn trương vượt qua trận địa. Tưởng đã được thở phào nhẹ nhõm, sẽ được nghỉ ngơi chốc lát, nhưng lại có tin báo về ở bên cầu Ha Nông, chị em lại phát hiện thêm hai quả bom chưa nổ, xe lại  lên xuống rất nhiều, sợ bom nổ, tắc đường ra sửa không kịp, Thành lại cùng tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Kim Huế vừa “ gác bom”, vừa bố trí chị em ở lại bốc mấy xe đá lát đường.

              Khi các đoàn xe vừa đi qua, cũng là lúc bóng đêm trùm xuống. Mọi người đều kéo nhau về lán trại, chỉ còn Thành ở lại một mình. Chị hết đứng, lại ngồi bên một hòn đá, đôi mắt buồn buồn nhìn về hướng Nam. Ở nhà, chị em đã tắm rửa xong, dọn cơm, nhưng không thấy đại đội phó, đứa em ruột của Thành là Trần Thị Minh Thế và tất cả liền rũ nhau đi tìm và nhìn tháy chị đang đứng như một hòn đá vọng phu bên đường. Hỏi ra mới biết: cách đó mấy hôm có một chiến sĩ không quen tìm Thành và báo tin anh Luận chồng của chị ít ngày nữa sẽ về qua đây. Thành đã nôn nao chờ đợi hết ngày này qua ngày khác, không muốn về lán trại nữa, mà cứ thích ở ngoài đường ngóng đón. Rồi lại có tin anh Luận đã hy sinh không về nửa, nhưng Thành vẫn không tin, vẫn lặng lẽ dấu kín em ruột và chị em, đêm nào cũng đứng chờ đợi một mình ngoài đường. Đâu đó tiếng chim Từ Qui gọi bạn cất lên dồn dập ảo não cả núi rừng...

              Nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế cứ say sưa kể cho tôi nghe về những kỳ tích của đồng đội, kể cả những chuyện chị được nghe lại và những chứng kiến của mình trên tuyến đường 12A. Có lẽ bao đau thương, mất mát, bao gian khổ, hiểm nguy và bao ký ức của một thời, mà không thể có thời nào oanh liệt hơn thế, đã khắc  sâu trong con người chị. Chị kể rõ ràng từng thời gian, từng tính cách của mỗi người, từng hành động quả cảm của từng con người trong đội hình “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lại”. Chị kể những chuyện cách đây đã hơn 45 năm, mà như chuyện vừa xảy ra. Thỉnh thoảng, cổ họng của chị như có vật gì đó chặn lại, đau đớn, làm cho nước mắt trào ra. Chị lại lấy chiếc khăn đã thấm đẫm nước mắt lau vội, rồi lại tiếp tục kể với giọng buồn buồn:
- Ngày hôm ấy quả là một ngày quá khủng khiếp...- Chị nói: - Có thể nói đó là một sự kiện bi hùng trên tuyến đường 12A và đại đội 759 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

                Đó là ngày 3 tháng 7 năm 1966, một ngày nắng như đổ lửa, gió Lào quất nám cả làn da. Tại Km 21 đồi Cha Quang – nơi mà suốt 47 ngày đêm vừa qua, giặc Mỹ đã dùng đủ loại máy bay trút xuống hàng ngàn tấn bom đạn, nhằm chặt đứt con đường. Con đường không biết đã bao nhiêu lần biến mất, rồi lại hồi sinh như trong thần thoại. Giặc Mỹ dồn tất cả các loại vũ khí đổ xuống, hòng băm nát con đường. Còn đại đội 759 thì kiên quyết bám giữ “ toạ độ” chết người ấy, vì những đoàn xe ra mặt trận không còn một lối đi nào khác. Cuộc chiến đấu vì thế mà khốc liệt. Bầu không khí ở đây lúc nào cũng căng thẳng, nóng bỏng, lúc nào cũng phải hứng bom. Hố bom chồng lên hố bom. Đám cháy này chưa tắt, thì những thùng na pan và lân tinh khác lại ụp xuống, đốt nóng cả một vùng. Xe qua, bụi mù bao phủ...

               Ngày ấy, chúng lại cho nhiều tốp máy báy liên tục đánh xuống hàng trăm quả bom. Năm tiểu đội thanh niên xung phong của đại đôi 759 và một trung đội bộ đội công binh, với tinh thần “ Máu C759 có thể đổ, nhưng đường của C759 không thể bị tắc”, đã tập trung rà phá hàng chục quả bom từ trường, bom nổ chậm, nhặt hàng chục quả bom bi chưa nổ, san lấp hố bom đến 12 giờ đêm mới giải phóng được mặt đường. Đêm trăng, trời đã dịu mát, một số người phải ở lại trực chiến ở đường, một số chị em thanh niên xung phong trong đại đội vừa về đến lán trại, chưa đầy hai tiếng đồng hồ, thì bầu trời bổng loé lên ánh chớp bom, rồi tối sầm lại. Một loạt bom toạ độ đổ xuống. Khói bom, đất đá tung lên mịt mù. Hàng ngàn tấn đất đá từ trên các ngọn núi đổ ập xuống chồng cao trên 200 mét đường, vùi lấp luôn cả 8 thanh niên xung phong và 11 chiến sĩ bộ đội công binh, làm cho 68 người bị thương. Từ trong đống đất đá người ta nghe tiếng kêu của một cô gái:
- Mẹ ơi!. Con sẽ chết mất thôi!. Hồ Chủ Tịch muôn năm !...

              Đó là tiếng kêu của nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Sâm ở tiểu đội 5. Giữa đất đá ngổn ngang, nồng nặc khói bom, Nguyễn Văn Hạnh vừa ngoi lên đã dùng tay cào bới, kéo được Sâm lên, nhưng Sâm đã lịm đi, miệng sủi đầy bọt, bụng dần trướng lên.
- Con Sâm e chết mất thôi!...- Hạnh nói trong nước mắt.

              Không thể để chậm trễ, những người bị thương nhẹ khẩn trương khiêng Sâm và các thương binh nặng lên 3 xe tải nhanh chóng chở về bệnh viện. Còn tất cả dồn sức đào bới tìm đồng đội. Cuộc chiến đấu hết sức căng thẳng vì không thể dùng bộc phá mở đường, bởi thi hài của hơn 15 đồng đội đang nằm dưới đất, trong khi địch đang đánh phá ác liệt. Tất cả đều phải dùng sức lực và đôi tay, vừa tìm các đồng chí của mình, vừa tìm cách thông đường, giải phóng cho nhiều đoàn xe vận tải đang bị ùn tắc. Sau ba ngày quên ăn, quên ngũ, quên cả mệt mõi, các chiến sĩ đại đội 759 mới tìm thấy thi hài Nguyễn Thị Thường và Cao Thị Thường. Ngày 11 tháng 7 tìm thêm được 6 liệt sĩ. Đến năm 1971, sau đợt san ủi, hạ thấp độ dốc mặt đường, mới tìm được thi hài liệt sĩ Trần Xuân Trường, cùng với chiếc đèn pin và cái bi đông có khắc tên anh. Những người còn lại vẫn lặng lẽ, dùng cả phần xương thịt còn lại của mình nâng bánh cho hàng ngàn đoàn xe chở hàng, hàng vạn lượt quân ra, quân vào mặt trận, đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào, để lại những người còn sống bao nỗi tiếc thương, cảm phục và góp phần làm rạng rở cho cả đại đội 759 - “ Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Với ân tình, nặng nghĩa và để ghi nhớ sự hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu này, đại đội thanh niên xung phong 759 đã lấy cái ngày 3 tháng 7 thay tên đồi Cha Quang thành Đồi 37. Tỉnh Quảng Bình cũng đã quyết định dựng bia tưởng niệm và đề nghị Nhà nước truy tặng các liệt sỹ đã hy sinh ở đay danh hiệu tập thể anh hùng.

              Dù là người đã lập được rất nhiều chiến công trên tuyến đường 12A và trong đại đội thanh niên xung phong 759 anh hùng, nhưng Nguyễn Thị Kim Huế rất ít kể về mình. Chị nói; “ Đó là thành tích chung dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Những chiến công oanh liệt đó, trước hết thuộc về các liệt sĩ...”. May sao, sau đó vài năm, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, tôi được dự buổi truyền hình trực tiếp “ Bác Hồ với Quảng Bình – Quảng Bình làm theo lời Bác”, do hai đài phát thanh truyền hình Hà Nội và Quảng Bình tổ chức và được nghe chị kể lại 5 lần vinh dự được gặp Bác. Thực sự là chị đã vinh dự được trực tiếp gặp Bác 5 lần. Năm lần được ngồi cạnh bên Bác, nói chuyện với Bác, tặng hoa cho Bác và được Bác tặng hoa, chứ không như một số người chỉ được nhìn thấy Bác tại các hội nghị và lễ mét tinh, rồi “ bắt quàng” gặp Bác. Đó là vào tháng 11 năm 1966, sau trận quyết tử cho mặt đường hồi sinh ở “ Đồi 37”, chị được cử ra Hưng Yên tập huấn quân sự. Sau khi lập 3 kỷ lục xuất sắc về môn bắn súng, trong buổi kiểm tra, thì có một cụ già râu tóc bạc phơ, khoác bộ áo quần kaki đã cũ, đi đôi dép cao su đến gặp chị và hỏi:
- Cháu có bí quyết gì mà bắn súng giỏi vậy?. Cháu bày cho Bác với.

           Lúc này, chị đã nhận ra, người đang hỏi mình là Bác Hồ kính yêu. Mặc dù trong lòng đang trào dân nỗi niềm vinh dự, tự hào và rất xúc động, nhưng chị vẫn trả lời rất tự nhiên:
- Dạ thưa Bác, cháu tự tin, bình tĩnh, nín thở bóp cò thôi ạ!.
- Tốt lắm!, rất tốt!.- Bác khen: - Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi...

            Cũng trong năm này, Nguyễn Thị Kim Huế lại có mặt trong đoàn đại biểu của ngành giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác. Nhìn đoàn con cháu từ tuyến lửa ác liệt, vượt đường xa trên 500 cây số ra, Bác hỏi:
- Các cô, các chú ở Quảng Bình ra thăm Bác có chuyện chi hay không?. Cháu là người con gái trẻ nhất đoàn – Bác chỉ vào Nguyễn Thị Kim Huế và nói: - Bác cho ngồi gần Bác. Cháu đã có chồng chưa?.
Huế đang ấp úng, chưa kịp trả lời, thì Bác hỏi tiếp:
- Bao giờ cháu sinh con?.
- Dạ thưa Bác! – Huế lễ phép trả lời: - Dạ, khi nào cách mạng thành công, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thì cháu mới sinh con.
Bác bảo:
- Sự nghiệp đánh Mỹ còn dài lâu, cháu phải sinh con để sau này còn đi đánh giặc nữa chứ. Cháu đánh giặc giỏi, nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình.

               Đúng vào ngày mồng một Tết dương lịch năm 1967, Nguyễn Thị Kim Huế là một trong những người vinh dự được Quốc hội, Chính phủ phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và được dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại Đại hội này, đoàn Quảng Bình có 11 người, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Suốt là người cao tuổi nhất và chị Trần Thị Lý mới 19 tuổi là trẻ nhất. Sau khi được gắn danh hiệu anh hùng, Nguyễn Thị Lý đã được Bác quàng khăn và tặng một chiếc đồng hồ của Liên Xô. Nguyễn Thị Kim Huế, Mẹ Suốt và cả chị Lý đều được chụp ảnh chung với Bác.

               Lần nào được vinh dự gặp Bác cũng là những kỷ niệm sâu sắc, mang đầy ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc đời, nhưng với chị, có lẽ lần gặp Bác trong dịp ra dự Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc lần thứ 4 vào tháng 7 năm 1967 là xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Hôm ấy, theo sự phân công của Ban tổ chức Đại hội, chị cùng Tổng đội phó Tổng đội thanh niên xung phong miền Nam Nguyễn Thị Minh Nguyệt sẽ tặng hoa cho Bác. Khi Bác vừa bước vào, chị đã chạy ào xuống tặng hoa cho Người. Trong khoảnh khắc ấy, bức ảnh hai Bác cháu ra đời. Bức ảnh đã được nhà in Tiến bộ in thành hàng vạn bản, phát đi khắp nơi và đối với chị: Đó là gia bảo. Lần thứ năm, Nguyễn Thị Kim Huế lại được gặp Bác để nghe Bác dặn dò khi chị chuẩn bị lên đường sang thăm Liên Xô. Cùng với năm lần chính thức được gặp Bác, được Bác thăm hỏi, âu yếm dặn dò, ngày Bác ra đi về với tổ tiên, về với Lênin – Các Mác, Nguyễn Thị Kim Huế lại có mặt trong đoàn ra viếng và đưa tiễn Bác.

              Càng nghe chị kể, tôi càng hiểu hơn về người anh hùng này. Chị không nói về những chiến công của mình, bởi chị nghĩ: Tất cả mọi việc mình làm, tốt hay xấu, mọi người đều nhìn thấy cả. Nhưng, 6 lần được gặp Bác, được tiễn Bác ra đi, với một con người như chị, cũng là một kỳ tích sáng giá rồi.
 
                                                                                                K.C
(Địa chỉ: Kim Cương - Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình.
Đt: 0916 897 726)
tin tức liên quan