Hồi ký của nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Ngày đăng: 07:51 18/04/2018 Lượt xem: 566

                     Hồi ký của nhà văn Nguyễn Khắc Phê

                                                                 Huế 13/4/2018

                              Thân gửi các bạn BBT Trang điện tử Hoitruongson.vn

             Một sự tình cờ, Đại tá Trần Văn Phúc đồng đội cũ của tôi ở đường 12A gọi điện cho tôi biết địa chỉ trang báo điện tử của Hội Trường Sơn lại đúng vào những ngày Tháng 4 không thể quên… Xin gửi các bạn một chương ghi lại những trận thử lửa đầu tiên trên con đường chiến lược quan trọng này. Các bạn có thể trích đăng 1 đoạn hoặc đăng tiếp nhiều kỳ. Gửi kèm đây ảnh của tôi ngày ở Trường Sơn và ảnh thăm lại cầu Ca Tang năm 2014.



                                                                                                     Nguyễn Khắc Phê
 
 
  
                            Chân dung anh bộ đội Trường Sơn Nguyễn Khắc Phê                                               



                               III.- Trận đầu thử lửa.


        (Trích ký sự “Những người mở đường ngày ấy” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê)
 

          Với công nghệ và phương tiện trinh sát hiện đại, không quân Mỹ đã chọn đánh trước hết vào các kho xăng, bến cảng, cầu lớn nằm sâu trong “hậu phương lớn” miền Bắc khi chúng ta chưa hoàn toàn sẵn sàng bố trí hỏa lực chống trả cũng như các biện pháp bảo vệ hay sơ tán phương tiện; cách đánh từ gốc trong hoàn cảnh như thế sẽ gây thiệt hại lớn cho đối phương. Chỉ cần một quả tên lửa trúng kho xăng Đức Giang (Hà Nội) đã gây thiệt hại hơn nhiều trận bom chặn xe trên những đoạn đường ngoằn ngoèo như đường 12A.

         Có phải vì thế, mà mãi đến ngày 14/4/1965, không quân Mỹ mới bắt đầu đánh phá đường 12A với mục tiêu là cầu Bãi Dinh. (“Đường 12A” ở đây là chỉ đoạn từ La Khê đến đèo Mụ Giạ thuộc phạm vi Ban Kiến thiết 212 quản lý.) Thực ra thì ngày 31/3, máy bay Mỹ đã làm “cú” thăm dò phóng rốc-két xuống Thanh Lạng và ném một quả bom xuống cầu Tân Đức (nhịp cầu phơi mình giữa vùng đất trống trải, lại không có pháo bảo vệ, nhưng viên phi công vẫn ném chệch mục tiêu!); còn những ngày đầu tháng 4, đồng thời với những trận đánh dữ dội vào cầu Hàm Rồng, máy bay Mỹ đã nhiều lần rà sát xuống đường 12A thăm dò, ném bom nổ chậm bên kia đèo Mụ Giạ, nhưng đến chiều 14/4, cuộc chiến khốc liệt ở đường 12A mới thực sự bắt đầu. Và máu đã thấm đỏ con đường.
 

Trích Nhật ký ngày 16/4/1965:

          … Tối 13, nghe tin một cầu trên đường số 7 bị đánh sập, mình cũng thấy xốn xang (mình đã từng sống ở đó, từng đổ mồ hôi vì nó mà!). Trưa 14, viết thư cho Hương - cô em gái sống với mẹ ở Vinh - đã thoáng có ý nghĩ: “Đã chắc gì lá thư này gửi đến nơi…” Chiều 14, đang đứng đầu mố cầu, theo dõi công nhân Đội “Thống nhất” (Công trường 12A) đắp đất thì nghe tiếng thét “máy bay!” Chúng sà thấp “dưới” núi nên không nghe tiếng. Mấy chiếc T.28 đi trước, lượn một vòng rồi xả một tràng rốc-két. Mình vừa nhào xuống đường thì nghe tiếng nổ, chạy vào gần núi đá thì bom nổ trên đỉnh núi, đá tung xuống rào rào. Một mảnh bom lớn dài hơn một mét rơi đánh thịch bên cạnh. Tiếp đó, bom và rốc-két nổ liên tiếp, xen với vài tiếng súng trường đì đùng của dân quân. Về sau, biết đó là tiếng súng của Tuấn và Nhỏ, công nhân Đội “Thống Nhất”.

               Xong trận bom, mình chạy ra, thấy cầu còn nguyên, mừng quá, nhưng phía lán thì khói bốc lên nghi ngút và nghe nói cô Duy và Dinh bị thương khá nặng. Phải chạy vội về lán lấy túi tài liệu ở hầm ra. Toàn bộ khu lán đã cháy trụi, chỉ còn cột và các đà ngang đang tiếp tục bị lửa đốt thành than. Thật tan hoang! Lại chạy trở ra cầu, xem anh chị em thương vong ra sao. Một quả bom nổ dưới suối đã làm cô Duy và Dinh bị thương rất nặng. Nhìn hai bạn máu đầy người, mặt mũi biến dạng hết, cũng thấy hoảng. Sang phía đầu cầu, trên tuyến đá, một cô gái bị thương bỏ lại một cặp tóc và một cái cóc-sê đẫm máu. Mình lại quay về lán rồi lo theo xe chở anh chị em bị thương về xuôi…
Hơn 10 anh chị em bị thương nằm chật trên xe, người bê bết máu, mùi tanh đến là khó chịu. Đi chưa được chục km, Duy chết. Trong chuyến đi này, cô Lan cấp dưỡng tỏ ra dũng cảm. Ngày thường, cô là một cô gái đỏng đảnh, từng bị “lên án” vì yêu đương “tự do”, lại hay sợ ma. Con người biến chuyển thật lạ. Có lẽ là “thời thế tạo anh hùng”…

            Về đến La Khê (nơi có bệnh xá), Lan mới bật khóc òa lên. Có thể hình dung đây là giây phút Lan biết mình đã hết trách nhiệm với đồng đội và được phép buông chùng tất cả những sợi dây thần kinh đã căng hết cỡ trên suốt chặng đường trên năm chục km ngồi sát cạnh một xác chết…

            Một giờ sáng ngày 15 mới được ăn cơm “chiều 14”! Vừa nằm dính lưng, đã bị gọi dậy họp phổ biến tình hình mới, phải sơ tán triệt để. Thế là lại lúi húi xếp tài liệu, chuyển ra hầm. Cả làng xóm xung quanh cũng vậy. Trong những lùm cây xa, lập lòe ánh đuốc của bà con sơ tán. Trên đồi, bộ đội mới về cùng dân quân đang khẩn trương hoàn thành công sự. Dọc đường, những chiếc xe phóng đi vội vàng. Thật đúng là khung cảnh chiến tranh!...

            Hơn 3 giờ sáng, lại lên xe đi Bãi Dinh cùng Trưởng Ban Đỗ Hùng Trợ. Trên xe toàn những thứ “cấp cứu”: chăn, màn, chiếu, xoong nồi… và nhiều thứ vặt mà cần thiết cho sinh hoạt…Đi lên dốc cầu La Trọng, nghe một tin buồn: Hưởng - nhân viên thống kê và một cô gái công trường 12A chết đuối lúc vượt qua suối khi máy bay đang bắn phá! Những cái chết đầu tiên trong chiến tranh mà không phải bom đạn trực tiếp gây ra. Cô gái tên là Chín - một học sinh lớp 8, vừa xin làm công nhân, lao động vất vả nhưng vẫn luôn nghe tiếng hát, tiếng ngâm thơ của cô…Cả Hưởng và Chín là “đồng hương” Hà Tĩnh với mình. Xe dừng lại ở đầu tuyến đá. Anh em Đội cầu như một đàn chim vỡ tổ, trốn ở một hang núi đá trên cao; còn công nhân Đội “Thống Nhất” thì tản núp dưới những lùm cây ven suối. Nghe báo tin Duy đã chết, cô Chiên - người bà con cả với Hưởng và Duy - khóc nức lên. Giữa khung cảnh thật buồn ấy, nhiều anh em vẫn tỏ ra lạc quan, mặc dù toàn bộ “tài sản” bị cháy hết, trừ bộ quần áo rách đang mặc. Anh chàng Lân, cười khà và nói: “Thế này, nhưng vợ cười ở nhà là vui rồi!”…

              Mình dẫn đoàn cán bộ “duyệt” qua bãi chiến trường, rồi ra gặp anh Vũ - chỉ huy trưởng phân đội thợ cầu ở Bãi Dinh - tại “trụ sở” vừa đặt tạm cạnh bờ suối. Ở đây, gặp lại Lợi, trung đội trưởng dân quân. Lợi đang ốm, nhưng vừa rồi cũng xách súng lên đồi chiến đấu. Thấy lán bị cháy, Lợi lao xuống rồi treo lên giật mái tranh. Máy bay tuôn rốc-két xung quanh, Lợi nằm ngửa bắn lên, rồi lăn xuống nhà văn phòng cứu tài liệu; sau đó, cùng với Lân và một đồng chí bộ đội, Lợi cứu được một nhà dân trong bản. Lợi, thân hình gầy gò, nhưng tinh thần người con đất Quảng Trị, từ nhỏ đã sống ở chiến khu Ba Lòng thật dũng mãnh. Trái lại, có đồng chí Th., lãnh đạo dân quân, thì trốn biệt …
Mình quay lại “thăm” căn phòng bị cháy. Căn phòng phía đầu một dãy lán do Đội Cầu dành cho chàng giám sát viên ở, nay chỉ nhặt được ống khóa và quả dây dọi. Mọi thứ khác như đôi giày, cái bát, khăn áo, dao cạo râu, sách học tiếng Nga… đã vùi trong tro than. Sau lán, mấy con gà con chết nằm còng queo trông thật tội. Điều kỳ lạ và cũng thú vị là con chó con - mình đặt tên là Lai-ca - tưởng đã chết, không ngờ, nó biết chui vào hầm nên chỉ bị sém ít lông. Nghe tiếng chủ gọi, chú ta đang rúc trong đống gỗ ngoài sân, chạy ra mừng quýnh nhảy chồm lên liếm tay chân cậu chủ…
 
                Tình hình Bãi Dinh chưa kịp ổn định, thì chiều 16/4, bên bờ khe A Vi (một cầu nhỏ vừa khởi công phía dưới Bãi Dinh), lúc tôi vừa viết xong bài báo ngắn về trận chiến đấu ở Bãi Dinh, định gửi Báo GTVT, nhiều tốp phản lực lao qua, rồi tiếng nổ ầm ầm liên tục từ phía dưới dội lên cho đến chập tối. Về sau mới biết đó là trận đánh khốc liệt nhất mà không quân Mỹ đã “ưu tiên” cho một trọng điểm hạng nhất trên đường 12A - đó là vùng cầu Ca Tang-Khe Núng. Chúng đã tung gần 200 lượt phản lực, đánh nhiều đợt như với cầu Hàm Rồng; chỉ khác, là ở Ca Tang (cũng như trên toàn tuyến 12A), lực lượng pháo phòng không hạn chế, một phần do núi cao vực sâu không có chỗ bố trí trận địa, nên dù tiểu đoàn pháo cao xạ của anh hùng Nguyễn Viết Xuân chiến đấu với tinh thần “Quyết tử”, đã không bảo vệ được chiếc cầu lớn nhất đường 12A. Thì ra sau trận đầu bên kia đèo Mụ Giạ cuối năm 1964, đơn vị pháo của anh Xuân vẫn di động bảo vệ các mục tiêu chủ yếu ở đây.

            Suốt ngày 16,17,18/4/1965, cùng với các đơn vị cầu đường ở quanh vùng Bãi Dinh - A Vi, tôi bận “tối mắt” với chuyện bố trí lại chỗ ở - tháo dỡ các lán vừa dựng lộ thiên ở A Vi, chuyển xuống núp dưới các lùm cây ven suối, lán tạm vừa dựng xong thì lũ về nhận chìm quá nửa … - rồi thay đổi kế hoạch làm việc, thay đổi thiết kế cho phù hợp thời chiến…, nên đến tối 18, mới ghi lại được sự kiện ngày 16/4 tại Ca Tang:
 

Trích Nhật ký ngày 18/4:

           …Hơn 12 giờ đêm ngày 16/4, xe Đội Cầu lên, cho biết trong ngày 16, thằng Mỹ đã bắn phá toàn diện, dữ dội và ta thì đã huyết chiến với chúng. Kết quả là cầu Ca Tang sập nhịp giữa, cầu Khe Núng bị đánh sập cả trụ, cầu La Khê mất 3 nhịp bê tông. Ở cả hai nơi, nghe nói chúng đã thả hàng trăm quả bom, biến núi đồi thành ao hồ và ngược lại. Ở Ca Tang, bộ đội ta đã chiến đấu quyết liệt, pháo bắn đến đỏ nòng và đạn tiếp không kịp. Quân giao thông ở đây đã góp phần đáng kể. Ở Hạt giao thông, có một cô gái rất dũng cảm, đã được tuyên dương tại trận…

             Công trường 12A đã tập trung quân về sửa đường ngầm Ca Tang. Ở La Khê thì xe Đội Cầu, xe của Nông trường “20-4”, dân quân Phúc Trạch cũng kéo vào mở đường tránh…
 

             Mãi đến ngày 19/4, tôi mới về Ca Tang tìm hiểu trận chiến đấu khốc liệt vừa qua và gặp gỡ một số nhân vật đã anh dũng lập công. Một thời gian sau trận này, “cô gái dũng cảm” ở Hạt 4 không chỉ được ngành giao thông tuyên dương, mà trở thành một điển hình toàn quốc, nổi tiếng trên nhiều tờ báo. Đó là cô Đinh Thị Thu Ngà, công nhân thuộc Hạt 4 giao thông - một đơn vị bảo dưỡng, tu sửa đường sá đóng ở Ca Tang. Cô được mời dự nhiều Hội nghị Tổng kết thi đua, được tặng Huân chương chiến công và được đi tham quan ở Liên Xô…Hồi ấy, tôi cũng đã viết về cô. Xin trích lại một đoạn trong tập ký sự “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh Niên, 1968):

          …Ở góc xóm phía Bắc, có một tốp công nhân không ngủ. Đó là những công nhân Hạt 4. Họ đang kiểm điểm trận chiến đấu ngày hôm qua và bàn kế hoạch khôi phục lại giao thông đêm nay. Sau cuộc họp, tôi gặp Ngà, cô gái sửa đường bỗng chốc trở thành pháo thủ. Đêm qua, trên đường về Ca Tang, và sáng nay tôi đã nghe nhiều người kể lại chiến công Ngà với những lời ca ngợi đẹp đẽ nhất, với tấm lòng khâm phục không che giấu. Nghe “lời đồn”, tưởng Ngà là một cô gái có vóc dáng lực lưỡng, hoạt bát, có giọng nói vang vang và đôi mắt to sáng rực. Gặp Ngà dưới bóng một cây mít hiền lành đầu xóm nhỏ thì đúng là cô Ngà mấy ngày trước tôi gặp bên đường đang vun những hạt cát bánh xe tung ra để rải lên lớp đá dăm mặt đường. Ngà vẫn thế, vẫn là một cô gái miền núi ít nói, hơi chậm chạp, vẻ đẹp và sức mạnh ẩn kín bên trong. Và Ngà đã bước vào trận chiến đấu ác liệt với nguyên vẹn tính cách ấy. Im lặng, kiên nhẫn và chính vì thế không ai lường trước được sức mạnh và lòng dũng cảm của cô. Ngà chuyển hòm đạn thứ nhất, rồi thứ hai, thứ ba. Bom, rốc-két nổ xung quanh à? Có sao! Khẩu pháo đang chờ đạn kia và những chiếc phản lực của bọn cướp Mỹ đang theo nhau hung hãn lao xuống…

             Anh Nhiệm bị bom hất ngã rồi. Ngà cúi xuống đỡ anh dậy. Bom lại nổ, anh lại ngất lần nữa rồi. Anh Nhiệm! Anh không tỉnh à? Thế thì Ngà chuyền đạn cho anh Hoàng thay anh. Một chiến sĩ có ý đứng che cho Ngà đỡ nguy hiểm, Ngà nói nhỏ với anh: “Em không sợ đâu! Anh đừng lo.” Và những viên đạn vàng chói cứ đều đặn qua tay Ngà vào nòng pháo. Bắn mạnh đi các anh. Đừng lo gì cho Ngà cả. Đấy, bọn cướp lại cắt mấy loạt bom nữa rồi. Chiếc cầu, đoạn đường… ai che đỡ cho nó…?

            Mặc dầu đồng chí cán bộ Quân khu 4 gợi ý và hỏi Ngà nhiều điều, Ngà cũng không nói thêm được bao nhiêu. Nghe Ngà nói chồng đi bộ đội, đồng chí cán bộ quân khu liền hỏi địa chỉ và vui mừng báo tin cho Ngà: đơn vị chồng Ngà trong một trận chiến đấu tại Hà Tĩnh cũng vừa được thưởng huân chương. Anh bảo:
- Viết thư kể chuyện chiến đấu cho anh ấy đi. Chúng tôi chuyển cho.
 Ngà khẽ lắc đầu:
- Em biết kể chi với anh ấy?
 
           Ngà không nói nhiều có lẽ vì cô nghĩ chiến công của mình còn nhỏ bé so với chiến công chung và ai rồi cũng thế, thằng giặc xông đến thì chỉ có một cách là đánh dập đầu chúng thôi. Trong Hạt 4, đâu chỉ riêng Ngà lập công. Tần, Lan, anh Châu, anh Ninh cũng có kém gì Ngà. Còn các anh bộ đội thì chẳng kể hết. Nhưng đẹp hơn cả là anh Vĩnh. Anh người cao to, lại đứng ở chỗ cao, nhưng mặc máy bay trút bom đạn xối xả xung quanh, anh vẫn không cúi đầu, thỉnh thoảng lại hô lớn: “Noi gương Nguyễn Viết Xuân! Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” Và anh đã chiến đấu như anh Xuân. Một loạt rốc-két nổ gần công sự, mảnh đạn cắt đứt cánh tay phải của anh. Anh bị thương nặng rồi, máu chảy đầm đìa, nhưng vẫn đứng đấy, tay trái còn lại của anh vẫn lấy hướng địch bay để khẩu đội tiếp tục bắn!...”

 
              Đoạn văn trên viết từ gần nửa thế kỷ trước, lúc cuộc chiến đấu đang rất gay go, cần phải động viên tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, nên giọng văn có phần hô hào, nhưng đã phản ánh đúng sự thật theo lời kể của người trong cuộc, trừ chi tiết cuối (anh Vĩnh bị đạn đứt cánh tay phải mà vẫn còn sức đưa cánh tay trái chỉ hướng cho đồng đội bắn…) có lẽ là do người kể “tưởng tượng” ra. Trong đoạn văn trên, tôi đã nhắc tên vài người cùng đơn vị cô Ngà cũng đã chiến đấu dũng cảm không kém gì cô Ngà. Tuy vậy, với cách “tuyên truyền điển hình thi đua” đã thành lệ, cả chục năm sau, “thiên hạ “hầu như chỉ còn nhắc đến cô Ngà thôi!

             Tôi phải viết điều này, vì 5 năm trước (2009), trong chuyến trở lại đường 12A với tư cách “người trong cuộc” cùng với nhóm làm phim “Khúc tráng ca trên Đồi 37” của Đài Truyền hình Quảng Bình, khi chúng tôi tìm thăm lại gia đình một số liệt sĩ của Đại đội TNXP 759 anh hùng, do người chỉ đường không chính xác, chúng tôi vào “lầm” một nhà, vừa đến cửa thì quay ra, rồi vào nhà khác, nên đã bị phản ứng dữ dội, đại ý rằng “ai cũng hy sinh chiến đấu, chớ đâu chỉ cái nhà nớ…”; vì gia đình này cũng có con em hy sinh! Đã đành, với một dân tộc mà ở địa phương nào cũng cũng có nghĩa trang, có tượng đài anh hùng, không thể đem huân chương cũng như quyền lợi “đền ơn đáp nghĩa” rải khắp mọi làng quê, nhưng trên trang viết khi sự kiện đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, thì cần có cái nhìn công bằng hơn.

              Vì thế, đọc lại những trang Nhật ký hồi tháng 4/1965, tôi phải nói thêm là trong trận huyết chiến ngày 16/4/1965, cùng với cô Ngà, còn có hàng chục công nhân Đội Cầu 4 đã bất chấp bom đạn Mỹ liên tục trút xuống, vác đạn pháo xông lên đồi tiếp sức cho bộ đội. Còn trong Hạt 4, cùng băng qua lửa đạn chiến đấu với cô Ngà, có một nhân vật với “tiểu sử” khá đặc biệt, lại là người duy nhất đã trải qua chiến trận, xin chép lại để biết là trong đội quân chiến đấu bảo vệ con đường ra mặt trận này, có người từ “muôn phương” đến, chứ không phải chỉ có TNXP, chỉ có người quê Quảng Bình như một số người đã nghĩ ...
 

Trích Nhật ký ngày 19/4/1965:

             Cùng anh Bảy (Công đoàn Quảng Bình) đi lấy tài liệu về Hạt giao thông phối hợp bộ đội chiến đấu. Gặp anh Lê Viết Châu, người cao, cái miệng, đôi tai to, lông mày rậm. Anh mặc cái áo nhuộm đen, quần xanh rách tươm. Bên cạnh một cái mũ bộ đội ngụy trang bị bẹp ở đỉnh do đá đè trong trận chiến đấu; bên vách, treo áo trắng rách bươm lấm đất và máu…

             Anh Châu quê xã Điện Phú (Điện Bàn, Quảng Nam), từng chiến đấu trong trung đoàn 108, sư đoàn 324, thương binh loại 3. Đặc biệt hơn, anh và chị Trần Thị Lý (chị Lý về sau nhà thơ Tố Hữu đã làm thơ ca ngợi : “… Mái tóc em đây hay là mây là suối…”, chứ không phải Trần Thị Lý anh hùng quê Quảng Bình) đã… xuýt thành vợ chồng từ năm 1953-1954 ở mặt trận Gò Nổi, nhưng anh bảo với ba má “đợi ngày thống nhất!” Tập kết ra Bắc, anh muốn trở lại miền Nam khi chiến tranh nổ ra, nhưng khám sức khỏe hai lần đều bị loại. Năm 1960 anh chuyển ngành về Ty Giao thông Quảng Bình, từng đi mở đường Vít-thù-lù - Làng Ho, về công trường 15, rồi sang mở đường 12B (bên kia đèo Mụ Giạ), đến tháng 9/1964 mới về Hạt 4 với công việc thống kê lưu lượng xe, bảo vệ hai cầu Ca Tang - Khe Núng…

               Ngày 16, anh Chấn (Hạt trưởng) đi họp vắng. Tham gia chiến đấu có 7 người: Châu, Ninh, Tọa, Đông, Ngà, Tần, Lan. Ba cô Ngà, Tần Lan và Đông đi chặt nứa, về ăn cơm thì 8 phản lực từ hai hướng nhào đến ném bom vào Ca Tang. Nhà bếp của Hạt và phòng Hạt trưởng bị cháy. Công nhân Hạt tham gia chiến đấu với 1 trung liên và mấy khẩu súng trường. Châu bị đá ném vào đầu chảy máu, nhưng chẳng bận tâm. Tọa cũng bị thương vào đầu và chân phải nằm lại. Sau khi 2 phản lực bị bắn cháy, lợi dụng lúc chúng lảng xa, Châu hô Ninh và anh em chuyển trận địa theo hướng “cây đa cụt”. Bộ đội gọi chuyển đạn giúp, Ninh kêu trung liên tắc. Tần, Ngà, Đông lên chuyển đạn. Sửa xong súng, Châu mượn một hầm cạnh chỉ huy đại đội pháo làm công sự. Đồng chí Thanh, đại đội trưởng yêu cầu Châu cho 5 người chặt lá ngụy trang. Lúc đó, công nhân Đội cầu 4 có hơn chục người đến tiếp cứu; mặc dù không cùng đơn vị, nhưng nghe Châu yêu cầu, anh em đi ngay…4 giờ 30, chúng ào vào 17 chiếc, pháo nổ vang trời. Nhìn lên thấy bom rơi tới tấp rồi trận địa mù mịt khói bụi. 4 khẩu pháo bị tê liệt… 6 giờ kém 20 phút, kết thúc trận đánh, cả vùng đồi giữa hai cầu bị bom đào xới, không còn lối đi để chuyển thương binh, kéo pháo xuống đồi càng gian nan - mãi quá nửa đêm, với sự hợp lực của công nhân Đội Cầu 4, mới tìm được lối đưa mấy khẩu pháo còn lại ra khỏi trận địa…
 

              Một trang Nhật ký ghi vội, lại theo lời kể khá lúng túng vì anh Châu cũng như bất kỳ ai - kể cả người chỉ huy - không thể bao quát được một trận đánh kéo dài suốt mấy giờ liền trên một vùng đồi núi nằm kẹp giữa hai dòng khe mịt mù khói bom, nên chẳng thể diễn tả hết trận đối đầu với không quân Mỹ vào loại quyết liệt nhất giai đoạn đầu cuộc chiến tranh phá hoại; vả lại, mặt trận chính của chiến sĩ GTVT đâu phải là ở những trận địa pháo, mà nhiều khi lại ở những nơi không có, một khẩu súng nào bắn lên, như ở “Đồi 37” hơn một năm sau. Ngay ở Ca Tang, khi trận địa im bặt tiếng súng, đội quân giao thông mới thật sự đứng trước một chiến trường ngổn ngang, một tình thế khó khăn vượt quá sức tưởng tượng của người trong cuộc. Và chính vì thế, xin được nói ngay ở đây một sự thật đau lòng: trong trận đầu thử lửa này, ngành giao thông đã là người thua cuộc; chứ không phải như một câu mà báo chí hồi chiến tranh thường viết: “Mặc dù giặc Mỹ đánh phá ác liệt, nhưng cầu đường vẫn luôn thông suốt!” Quả thật, nếu “cầu đường vẫn luôn thông suốt” thì chiến trường đã không có những thời kỳ thiếu súng đạn, thiếu cả gạo muối và chiến tranh đã không kéo dài đến 20 năm! Trong trận chiều 16/4 thì cả lực lượng phòng không cũng đã thua: để chúng đánh sập cả 3 chiếc cầu trọng yếu trên tuyến đường vượt Trường Sơn quan trọng nhất lúc đó, dù có “đổi mạng” mấy chiếc phản lực, thì vẫn là trận thua đau, rất đau! Chỉ có thể nói đến thắng lợi duy nhất: Đó chính là sự gan dạ, sức chịu đựng của con người trong một cuộc đấu không cân sức, trước đối phương giàu đô-la, vũ khí nhất thế giới, các chiến sĩ phòng không cũng như đội quân giao thông đã không chịu cúi đầu, tiếp tục cuộc chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

              Còn trong mấy ngày thử lửa đầu tiên trên đường 12A thì chúng ta đã thua. Con đường huyết mạch ra mặt trận qua Ca Tang đã bị tắc, không chỉ một ngày. Đêm 16/4 thì đã đành; đêm 17 vẫn không có một đoàn xe nào vượt qua được vùng Ca Tang - Khe Núng bị bom Mỹ cày xới đảo lộn cả địa hình. Cũng phải thú nhận là chúng ta đã không kịp tổ chức lại lực lượng, có kế hoạch ứng phó trước tình hình mới, mặc dù không quân Mỹ đã dồn đập và mở rộng diện đánh phá từ đầu tháng 2/1965, nên rất lúng túng khi con đường bị cắt đứt nhiều chỗ một lúc. Đã đành, “vạn sự khởi đầu nan” và chúng ta chưa hề có kinh nghiệm đối phó với cuộc tấn công của đối phương có cường độ dữ dội, cấp tập như thế. Nhưng bây giờ có lẽ chẳng cần lối viết “tuyên truyền” rằng mọi sự chỉ đạo của chúng ta là “sáng suốt kịp thời” nữa; và chúng ta cũng đã nhận ra, chính cái cơ chế tổ chức kềnh càng và nặng nề đã khiến cho “bộ máy” ì ạch, vướng mắc đủ thứ. Kể từ sau trận anh hùng Nguyễn Viết Xuân hô vang “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” đến trận ngày 16/4 là 5 tháng; cả sau khi hàng trăm phản lực Mỹ tiến đánh cầu Hàm Rồng ngày 3 và 4/4/1965, trên con đường cửa ngõ mặt trận như đường 12A, cán bộ bên “A”, bên “B” vẫn say sưa với kế hoạch xây cầu vòm Bãi Dinh rồi dự tính xây tiếp cầu A Vi thì cũng gần như là cảnh những “anh điếc không sợ súng”! Trên con đường có đến 500 cán bộ, công nhân thuộc 4 lực lượng (Công trường 12A, Hạt duy tu đường bộ, Đội Cầu, Ban Kiến thiết) nhưng mỗi “anh” một kế hoạch, chẳng ai chỉ huy được ai. Nếu như có một bộ chỉ huy chung và có kế hoạch ứng phó trước, cho tu bổ khôi phục các đường ngầm ở Ca Tang, Khe Núng và chỉ cần một chiếc máy ủi “C100” thường trực, thì dù cầu bị đánh sập, vẫn có thể thông xe ngay. (Khi xây dựng cầu Ca Tang và Khe Núng, xe qua hai dòng khe này bằng con đường mở tạm để xuống “ngầm” - đổ đá lấp ngang dòng khe cho xe “lội qua”, nhưng cầu xây xong thì “bỏ quên” chúng, ngầm bị lũ cuốn trôi, đường xuống ngầm thì sạt lở, lau sậy phủ kín.) Vì thế mà khi cả 3 cầu Ca Tang, Khe Núng, La Khê bị đánh sập, đường bị tắc là lẽ đương nhiên.
 
              Còn tôi, lúc đó, chỉ là một “con tốt” - một anh giám sát viên, coi như đã “thất nghiệp”, chẳng ai xây dựng mới để mà “giám sát” nữa, nhưng con đường bị chặt đứt lên tiếng gọi, cũng đau đớn như trước các đồng đội thương vong nên không thể ngồi yên, cứ một mình xuôi ngược Bãi Dinh-Khe Ve-Ca Tang-La khê, chẳng nề chi nguy hiểm.

 


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê  thăm lại cầu Cà Tang năm 2014

 

Trích Nhật ký ngày 25/4/1965:

                  Qua đi mấy ngày có rất nhiều sự kiện không kịp ghi lại.

                Sáng 19/4, đón được xe bộ đội về trụ sở Ban ở La Khê. Chuyến đi báo hiệu không may, ngay khi lên dốc đầu bản La Trọng. Xe đổ nghiêng xuống bên rãnh, mình ngồi trong ca-bin nên không việc gì, chỉ bị khẩu súng thúc ê vai. Nhảy lên một chiếc xe khác đi thì xe đã cũ lắm, tấm kính xe còn in chữ Staline, phanh chân hỏng, lúc phóng xuống cầu Rông, thấy mặt cầu trước mặt bị thủng một lỗ lớn, mình lạnh cả người. Về đến Khe Ve lại hết xăng, đành phải cuốc bộ. Được vài cây số, xin đi nhờ được một chiếc com-măng-ca. Xe phóng nhanh, một đồng chí đứng bám bên thành xe cảnh giới máy bay. (Lúc này, không quân Mỹ mới tập trung phá kho tàng, cầu cống, chưa tìm bắn từng chiếc xe, nên những “anh tài” can đảm vẫn cho xe chạy ban ngày.)

              Dọc đường đi có nhiều thay đổi. Nhà ở Công trường 12A vừa dựng, đã phải dỡ, cũng như lán cạnh cầu A Vi. Khu lán ở Khằng bị chúng bắn cháy ngày 17/4 còn trơ mấy cái cột đen nham nhở. Đề phòng cầu Khe Ve sẽ bị đánh sập, đường ngầm bắt đầu được khôi phục, mái ta-luy phủ màu xanh thời gian, nay nổi bật màu đất mới.

            Đến Ca Tang vừa gặp công nhân Đội “Quyết Tiến” (thuộc Công trường 12A) đi làm về. Làm suốt đêm, nhưng vẫn rất vui. Các cô gái Đức Thọ, cổ mang cườm lóng lánh. Đơn vị đang làm mặt đường đoạn gần La Trọng, vừa được điều về, anh chị em ở tạm trong các nhà dân xóm Chuối. Mình ghé nghỉ lại, nghe chuyện chiến đấu ngày 16/4 vừa qua.

           Chiều, vượt ngầm Ca Tang về La Khê. Cùng đi có bác Sĩ. Anh tên là Nguyễn Quang Sĩ, ra trường và về Ban Kién thiết sau mình, nhưng lớn tuổi hơn, nên mình gọi bằng “bác”. Nước lũ còn cao, dòng khe đục ngầu, chảy xiết. Từ hai bên đường ngầm, người đi lại cởi áo quần đội lên đầu, chống gậy lội qua. Từ đường ngầm, nhìn xuống hạ lưu, nhịp cầu gãy gục chắn ngang lòng khe. Phía Khe Núng còn tan hoang hơn nữa. Trụ cầu gãy dưới mặt nước, nhịp cầu bị phá nát, giương những thanh sắt chọc ngược lên. Khu nhà Hạt Giao thông và nhà Ban Kiến thiết ở cũ không còn một dấu vết, các hố bom chồng chất lên nhau. Trên đồi cao, cây cháy trọc trụi. Trận địa pháo không một bóng người, chỉ thấy rất nhiều hòm đạn và đạn cao xạ 37 ly bỏ lại …

               Về đến La Khê đã tối om. Một chiếc xe mắc ở đường ngầm mới làm, hai bên bờ xe tắc lại. Chưa quen, lội qua đường ngầm đến là hoảng. Ở đây, cũng cảnh Khe Núng thứ hai…

              Ở Ban hai ngày, chứng kiến hai trận. Ngày 20, chúng bỏ bom ga Tân Ấp vì có mấy toa goòng lộ ra; ngày 21, bắn rốc két vào cầu Tân Đức, nhưng chỉ bị hư nhẹ. Và nghe hai chuyện cũng khá “đặc biệt”: Trong trận phản lực Mỹ đánh Ca Tang, Khe Núng, La Khê suốt mấy giờ liền chiều 16/4, anh Bân (quê Bình Định, tập kết ra học Trường Giao thông, về Ban phụ trách làm kế hoạch), trong lúc nấp máy bay, đã dùng một cái que bằng ngón tay cái đào được hầm sâu đến ngực! Còn anh N. (một kỹ sư, quê Hà Tĩnh) thì nằm khoanh tròn dưới một cái hầm, cho anh Mai đứng lên trên để bắn. Lần đầu hứng bom đạn Mỹ, có nhát sợ cũng là lẽ thường. Thì mình cũng cắm cổ chạy ở đầu cầu Bãi Dinh ngày 14 đó thôi! Mà không có súng ống trong tay, thì vươn ngực ra đối mặt với phản lực Mỹ làm chi?

             Ở Ban, gặp Tuấn và Hiền đi Hà Nội về. Đường đi cực nhục lắm. Hầu hết phải đi xe đạp, lại đi đêm theo đường chiến lược. Tình hình này, sao mà Cục, Bộ chậm có ý kiến chỉ đạo thay đổi kế hoạch đến thế?... (Một “tép riu” như tôi, từ ngày đó, đã biết “chê” cấp trên xoay chuyển chậm chạp, chứ đâu đến tận bây giờ…)

           Tối 26/4, đón xe bộ đội đi lên. Đến Ca Tang, biết là đường ngầm đã thông, mừng quá! Và thật hùng vĩ, thật vui, thật xúc động, khi từ trên dốc nhìn xuống khắp vùng Ca Tang - Khe Núng, buổi chiều trước chỉ có sự im lặng và dấu vết của chết chóc, tàn phá, nay trong đêm, ánh đuốc sáng rực, người đi lại làm việc đông như trẩy hội, tiếng hát tiếng hò chắp nối mãi không thôi. Không khí ấy đã lôi kéo mình ở lại, để rồi phải chịu đựng nhiều vất vả trong khi đi tiếp lên Bãi Dinh.      

             Ở bên đường ngầm Ca Tang, lại gặp mấy cô gái Đức Thọ. Một cô đưa bắp ngô nướng cho ăn. Ngô không non, cũng chưa già, ăn vừa ngọt vừa thơm. Cô gái nướng ngô bị anh tổ trưởng mắng hoài, nhưng cô vẫn cười một cách tự nhiên. Hết giờ nghỉ giải lao, vừa chuyển đá xuống tu bổ ngầm, các cô lại hò hát; có cảm tưởng như cố ý cho mình nghe…

            Mình đi dạo khắp “trận địa”, rồi vòng lên cầu vừa lúc trăng lên. Trăng đã khuyết, nhưng vẫn tỏa đủ ánh sáng cho mình thấy rõ hơn nét hoang tàn cũng như khung cảnh lao động vừa hoành tráng, vừa nên thơ, khi đứng đầu mút nhịp cầu còn lại nhìn bao quát khắp vùng. Khoảng trống nhịp cầu vừa bị bom đánh sập chiều 16/4 chỉ rộng 30 mét, nay hiện ra trước mắt trở nên sâu hun hút và gợi cảm giác hụt hẫng ghê gớm. Dòng khe sâu dưới chân trụ cầu, bị nhịp cầu gãy chắn ngang thì giận dữ gào thét liên hồi. Quả là con người và những đoàn xe, có phép thần thông, mới “bay” qua được bờ bên kia. Nay thì đành bò qua đường ngầm mới khôi phục còn lổn nhổn đủ thứ đá, máy gầm gừ một cách khó nhọc. Dưới mố cầu Ca Tang, nhóm thợ đá đang đục phá một vách đá nhô ra, để mở rộng thêm đường xuống ngầm. Trong đêm vắng, nghe tiếng búa đục “cóc cách” chát chúa kiên nhẫn vang lên ở một nơi khuất nẻo, nghĩ đến những đóng góp thầm lặng, bền bỉ của bao người “vô danh” trên con đường này.

             Trở về phía Khe Núng, gặp lại tổ công nhân Hạt 4. Những công nhân duy tu bão dưỡng đường bỗng chốc trở thành pháo thủ, lập chiến công anh hùng trong trận chiều 16/4, nay đang giải lao. Cậu Đông thổi sáo, cô Tần bắt được con ve chơi khiến nó kêu inh ỏi… Anh chị em làm việc “thoải mái” vì đường xuống ngầm đã tạm thông xe, chỉ cần tu bổ, mở rộng thêm, được chừng nào hay chừng đó…

            Tối hôm sau, đón đoàn xe, xin đi nhờ lên Bãi Dinh. Cũng chẳng biết lên để làm gì, nhưng mình đang là giám sát viên trên đó, thì phải lên thôi! Tình hình này, Ban Kiến thiết (tổ chức chuyên lo giám sát công trình xây dựng trong thời bình) đâu còn cần nữa, nhưng Cục chưa có lệnh “giải tán”. Một chuyến đi đến cực khổ, xuýt chết nữa. Chiếc xe mình đi nhờ, lúc qua ngầm, lạc hướng, sa xuống chỗ sâu. Sợ xe đổ, mình phải xuống lội bộ vào. Hồi chiều, mới lội qua, nước chưa đến đầu gối, nay, không ngờ lũ về - lũ mà trời nắng, con khe thật quái quỷ! Cả người ướt lướt thướt, xuýt bị nước cuốn trôi; lết được vào bờ, nhưng con đường xuống ngầm vừa khôi phục sau trận bom, lau sậy đất đá vùi lấp lổn nhổn, mãi mới tìm được lối lên. Vừa đặt chân lên mặt đường thì hai phản lực lao đến! Thật nguy hiểm, nhất là khi đoàn xe đang gầm gừ bò qua ngầm và bao nhiêu người đang đốt đuốc sửa đường. Cũng may, lúc đó không quân Mỹ chưa có lệnh tìm diệt đội quân giao thông! Một lúc sau, mấy chiếc xe xúm lại mới kéo được chiếc xe đi lệch ngầm. Mình lại leo lên xe, nhưng chạy đến xóm Cục thì “anh tài” cho dừng bánh vì đã lỡ cung độ. Tiến thoái lưỡng nan, rồi cũng đành cuốc bộ trở lại đầu ngầm Ca Tang, chờ xin xe khác. Đêm vắng, hai bên núi rừng tối sẫm, sợ quá nên đi như chạy.

               Về đến đầu ngầm, ngồi chờ, mệt quá, ngủ quên lúc nào không biết! Khi xe chở đá đi qua, vụt choàng dậy, chân tê cứng vẫn cố chạy theo xe, thế là ngã khuỵu xuống. Xe qua rồi, mãi mới tìm thấy đôi dép. Đã hơn 12 giờ đêm. Đành mò vào nghỉ lại xóm Chuối, nơi đội “Quyết Tiến” đang ở tạm. Mình chui vào ngủ chung với một công nhân trong một cái nôống tròn đặt trên nền nhà, cả hai phải nằm co mới gọn. Thế mà rồi cũng ngủ được. Tỉnh giấc, đúng lúc xe chở đá đi qua. Sáng rồi! Đã là ngày 23 của tháng 4. Cảnh mặt trời sắp lên thật đẹp. Những vân mây trắng nhuốm màu hồng rạng rỡ. Gió mát thổi nhẹ. Chim hót vui vẻ hai bên đường. Nhưng mọi con mắt chỉ để cảnh giới máy bay, chứ còn tâm trí đâu ngắm nhìn cảnh đẹp.

               Lên đến Khe Ve, lại bắt đầu cuốc bộ. Cùng đi có hai anh bưu điện. Mỗi khi qua cầu là các anh không giấu vẻ sợ hãi, chạy cho mau qua…

             Tối, nghỉ lại A Vi, phía dưới Bãi Dinh chục cây số, nơi Đội Cầu 4 chuẩn bị xây tiếp một cầu vòm đá. Các lán vừa làm xong sạp. Phòng nữ được thưng riêng, để không còn cái cảnh như hôm trời mưa, nữ phải buông màn, rồi trùm chăn thay quần áo, trong khi các chàng trai nhòm ngó và tán nhảm. Tối, muốn ngủ một đêm cho yên, nhưng phải chạy máy bay mấy lần.  Sáng, 4 phản lực Mỹ bay ào đến. Anh em hầu hết còn ở trong nhà. Mình lại mặc áo trắng, không dám chạy ra. Quay vào, vơ phải cái áo nâu của nữ, chui đầu không lọt, lại quay vào tìm áo khác! Vừa chạy ra khe thì bom đã nổ rầm rầm xung quanh. Mình nấp tạm bên một hòn đá cuội to, cảm thấy tính mạng thật mong manh… 
 
 Trang Nhật ký bỏ dở, ngày 26/4/1965, mới ghi tiếp những dòng sau đây:

                Thật may là chúng không bắn vào lán mà chỉ quần quanh 2 chiếc xe, nên cả đơn vị an toàn. Mình cuốc bộ lên Bãi Dinh thì gặp y tá, dân quân của hai đơn vị phía trên kéo xuống ứng cứu.
Suốt ngày 24 và 25, chúng tấn công ta cả ngày lẫn đêm. Làm ăn thật gay go…
 
                Sáng 26/4, lại xuống A Vi chuẩn bị về họp Ban. Trưa, về đến Y Leng mới gặp hai cán bộ Cục (Đàm và Ngọc) vào giải quyết công tác bảo đảm giao thông trên đường này. Hai anh đi bộ từ Đồng Hới lên. Nghe nói Cục Kiến thiết cơ bản sẽ giải thể.

Mãi đến lúc viết những dòng này,  mới chợt nhớ ngày hôm nay là ngày sinh thứ 26 của mình. Người phương Tây thì đây là lễ lớn; với mình, trong điều kiện hiện nay, chẳng có ý nghĩa gì. Không nghĩ đến ngày sinh mà có lẽ nghĩ đến “ngày tử” nhiều hơn!
 

                  Cũng may, là trong lực lượng gần 500 cán bộ công nhân trên đường 12A lúc đó, người lúng túng vì “thất nghiệp” như tôi không nhiều và hầu như đơn vị nào cũng tự giác điều động quân tướng ra cứu đường, kể cả dân quân các xã lân cận và công nhân một nông trường ở Hương Khê (huyện giáp giới với Quảng Bình), nên rồi con đường cũng được nối liền, dù chậm trễ và nhiều chỗ chỉ đủ cho xe bò qua một cách khó khăn. Chính nhờ không khí đó và sẵn cái “máu” làm báo sôi sục, tôi hăng hái xuôi ngược trên con đường mang đầy thương tích để được chứng kiến và “phỏng vấn” các điển hình. Cũng nhờ thế mà chỉ sau trận đầu ở Bãi Dinh, mặc dù đồng đội hy sinh, lán trại cháy trụi, quân tướng tan tác như ong vỡ tổ, trong chỗ tạm trú dưới một lùm cây bên khe, tôi đặt bút viết trang đầu tiên về cuộc chiến đấu trên đường 12A mà không hề nghĩ đến chuyện “làm văn” - chỉ là một bài báo phản ánh kịp thời tinh thần can đảm của những người thợ cầu đường trong trận ném bom đầu tiên lên “nơi bắt đầu con đường mòn ấy” với nhan đề “Con đường chiến thắng”. Đó cũng là tinh thần mà lãnh đạo công trường muốn giương cao để đánh bạt tư tưởng sợ chết, phải nói thật là đang trú ẩn trong không ít tâm trạng của đội quân giữ đường chưa quen với bom đạn, thậm chí là có người quá hoảng sợ đã chạy dạt vào rừng sâu, mãi mới dám mò về đơn vị. Bài “Con đường chiến thắng” với “khẩu khí” cổ vũ xông lên xốc tới hồi đó đã được đăng báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là bài viết đầu tiên của tôi, mở đầu cho một loạt bài phản ánh cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt trên đường 12A được đăng trên nhiều tờ báo khác như Tiền Phong, Giao thông vận tải, Cứu quốc… Đây cũng là chất liệu giúp tôi hoàn thành tập sách đầu tay: Cuốn ký sự “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh Niên, 1968). Nhưng đó là chuyện về sau. Còn sau trận đầu ở Bãi Dinh và Ca Tang, con đường 12A cũng như cuộc đời tôi còn lắm phen phải đứng trước những thử thách sinh tử; bây giờ nhớ lại, cứ ngỡ ngàng không hiểu mình đã vượt qua như thế nào…


             (Trích từ tập ký sự “Những người mở đường ngày ấy” – NXB Giao thông vận tải, 2016)

______
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, 8 Xuân Diệu, Huế.ĐT:0234.828399. Mobile: 098.9965409; Email: ngkphe@gmail.com
 
 
 
 
tin tức liên quan