" Tháng 5 rực rỡ" - Bài của Lê Lợi - Cựu chiến binh Sư đoàn 968 - Bộ đội Trường Sơn Hội viên Hội VH-NT Trường Sơn Việt Nam

Ngày đăng: 09:55 24/05/2018 Lượt xem: 907
THÁNG 5 RỰC RỠ


Chân dung tác giả
 
         Đây là năm thứ 2 liên tiếp, nhóm bạn có cùng ngày sinh trong tháng Năm quê ở xứ Thanh địa linh nhân kiệt lại hội tụ ở Nam Định, mảnh đất có bề dày lịch sử văn hiến. Còn nhớ cũng vào tháng Năm của năm trước, những cô gái cựu học sinh trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa đang làm việc và sinh sống ở thủ đô Hà Nội đã có trọn 1 ngày về Nam Định để “Lang thang miền Giáo đường” (các bạn có thể xem ở trang http://hoitruongson.vn/tin- tuc/2145_17308/lang-thang-mien-giao-duong-le-loi.htm)
         Tháng Năm, hồ Vị Xuyên long lanh như viên ngọc bích mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Dệt cổ kính. Nước hồ xanh trong, sạch, các bạn tôi cứ xuýt xoa dưới những hàng cây cơm nguội, dừa, xà cừ, liễu … rủ ven hồ, điểm xuyết vào đó là màu đỏ chói chang của Phượng vĩ, tím ngát của Bằng lăng, vàng tươi của Hoàng điệp.
         Sau khi thưởng thức món phở Đán, bò tái chín gia truyền ở phố Bắc Ninh mà cái nước dùng trong, ngọt của nhiều xương bò được hầm kỹ, những miếng thịt bò thái mỏng, mềm, ăn ngọt đến tận chân răng và chầu café ở quán Alya tại phố Lê Hồng Phong, chúng tôi qua cầu Đò Quan xuôi về phía nam.

 

Đoàn bạn bè chúng tôi trong chuyến đi

 
         Điểm dừng chân đầu tiên là chùa Cổ Lễ ở thị trấn huyện lị Trực Ninh, có từ lâu đời. Đây là chùa do Quốc sư Minh Không xây dựng từ thế kỷ XII thời Lý. Vật đổi, sao dời, những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian đã làm dấu tích cổ xưa bị phai mờ, hoang phế. Thật tình cờ trong số khách du ngoạn, có người đang học ngành Du lịch, người địa phương nhận ra trong nhóm chúng tôi có bạn Thu Lan hiện đang là giảng viên của trường đại học VH nên giới thiệu hết sức cặn kẽ và hào hứng về ngôi chùa danh tiếng của quê hương. Rằng chùa được thiết kế kiểu tiền Phật, hậu Thánh do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, một trí thức uyên bác, đi học ở phương Tây về có biệt tài kiến trúc được giao về trụ trì chù xây dựng. Rằng không cần bản vẽ thiết kế, không cần xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản ... ông cùng nhân dân đã xây dựng nên ngôi chùa có kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính. Từ xa nhìn lại, chùa có dáng như một nhà thờ nhưng lại gần thì lại là một ngôi chùa bởi đôi rồng chầu rất lớn ở phía trước và các họa tiết trang trí khác. Khác với nhiều ngôi chùa hiện đại, chùa Cổ Lễ vừa mang vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng ngàn năm tuổi, vừa mang dáng dấp hiện đại của một thánh đường Gia tô giáo với lối kiến trúc Gothic của châu Âu. Bên ngoài, trời oi bức nhưng khi vào đến chùa, chúng tôi không muốn rời đi bởi không khí mát mẻ như có điều hòa vì có nhiều vòm cao. Giống như các chùa khác, tại chùa Cổ Lễ có 1 cái hồ nhỏ, trên cái bệ đá giữa hồ có một quả chuông nặng 9.000kg gọi là Đại Hồng Chung được đúc vào năm 1936. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam, trong quá trình đúc chuông, nhiều người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy. Khi quả chuông đúc xong thì kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, đề phòng sự phá hoại của giặc nhân dân trong vùng đã đưa quả chuông xuống hồ. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, chuông mới được trục vớt cho du khách tham quan. Quả chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Ngoài ra, chùa Cổ Lễ còn có tháp Cửu phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc làbốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đư ờng xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.Chùa Cổ Lễ còn là một di tích lịch sử cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ngày 27/2/1947, 27 nhà sư (trong đó có hai vị ni cô) “cởi áo cà sa ra trận”. Sau đó, trong kháng chiến chống Mỹ và chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới, 7 nhà sư tiếp bước đồng đạo, tạm biệt cửa thiền ra mặt trận đánh giặc cứu nước.
 

Tháp chuông Chùa Cổ Lễ

 
         Trưa muộn, xe đưa chúng tôi về biển Quất Lâm ăn cơm. Trong cái mặn mòi của gió, sóng biển tung bọt trắng tràn bờ kè, chúng tôi thưởng thức hải sản tươi rói: mực trứng, móng tay, tôm, ngao … với cơm gạo tám, cá bống kho khô, cà pháo chấm mắm tôm những đặc sản vùng quê Giao Thủy.
         Buổi chiều chúng tôi ghé thăm Bảo tàng đồng quê ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy đúng dịp kỷ niệm 5 năm thành lập 19/5, sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Đây là bảo tàng tư nhân do cô giáo về hưu Ngô Thị Khiếu cùng chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Công binh lập nên.
         Với diện tích khoảng 5.000 m2 qua 2 giai đoạn xây dựng, hiện nay hệ thống công trình bảo tàng, thư viện, khu trải nghiệm, sản xuất, chăn nuôi, phục vụ ẩm thực đã hoàn chỉnh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Tại đây lưu giữ những nếp nhà cũ của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa kia. Đó là nhà tranh vách đất lợp rạ của bần cố nông, tường trình đất những năm 30, 50 của thế kỷ trước, với các dụng cụ lao động như cày, bừa, cuốc, thuổng, có cối xay, cối giã gạo, bếp tro… Đó là nhà trung nông, tường xây luồn gianh lợp cói (bổi) dầy từ 30-40 cm, là nơi dệt chiếu, trưng bày cảnh sinh hoạt của nông dân tầng lớp trung nông.

 

Sau cánh cửa ngôi nhà tranh vách đất của Bảo tàng Đồng quê là một người bạn tôi...

         Dãy nhà ngang có rất nhiều chum, vại và đang được sử dụng làm nơi ủ rượu để nấu phục vụ du khách. Đó là nhà địa chủ, nhà ngói gỗ lim, dưới mỗi chân cột là một tảng đá, là nơi trưng bày các vật dụng sinh hoạt của gia đình địa chủ. Căn nhà 3 gian, 2 chái vững chắc, có bộ tràng kỷ được người dân ở Nam Đàn, Nghệ An tặng có lối lên thềm bằng những cối đa thủng úp ngược. Ngôi nhà thứ tư là loại nhà gác tường vào những năm 60 của thế kỷ trước, mang đặc trưng của vùng Giao Thủy, Nam Định. Không biết có phải vì hoài niệm tuổi thơ không mà 4 bạn Liên, Lan, Yến, Cương lại rất thích tạo dáng để chụp ảnh với những căn nhà bần nông, trung nông, với đống rơm, cái nơm, cái vó ... còn Tuấn thì mê mải cất vó ở cái ao trong khuôn viên. Tự nhiên nhớ đến bài thơ tôi viết từ mấy năm trước, khi lần đầu về thăm bảo tàng đồng quê:
 
  Cùng chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền lập nên Bảo tàng Đồng quê
Cô giáo 
Ngô Thị Khiếu còn là người thuyết minh về "chất quê" của Bảo tàng
 
BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ

Tìm về với nếp nhà xưa,
Ngàn năm thương nhớ bây giờ là đây.
Tường đất nện, mái bổi dầy,
Cối xay, khung cửi, điếu cày, bình vôi.
Thấy bao kỷ vật một thời,
Cái nơm úp cá, cái nồi sứt quai.
Cối giã gạo, chiếc võng gai,
Giường tre, cót thóc, gầu dai, gầu sòng.
Nồi ba, nồi bảy, mâm đồng,
Hàng cau với bụi trầu không góc vườn.
Cái dậm, ống trúm bắt lươn,
Rặng tre xanh với ụ rơm trái nhà.
Chim trời sải cánh ngang qua,
Mặn mòi trong gió biển, là Tường vi.
Hồn quê níu bước chân đi,
Hỡi người trở lại, tìm về chốn xưa.

 Một không gian chụp ảnh lý tưởng của những người bạn tôi 
 
         Tòa nhà chính 4 tầng lưu giữ, trưng bày những bộ sưu tập về nông cụ, đồ dùng sinh hoạt, một số công cụ nghề truyền thống của nông thôn trước đây với các nghề chính là trồng lúa nước, đánh bắt cá và làm muối cùng với các nghề thủ công truyền thống. Tìm thấy ở đây những vó bè, vó tép, cối giã gạo, cối đá, cái dậm, cái hom, ống trúm bắt lươn .... Rất nhiều các loại đèn dầu cổ bằng đồng to có, nhỏ có, đèn măng xông (chợt lẩn thẩn nghĩ không biết ở đây có loại đèn Hoa Kỳ được các cha đạo đi truyền giáo từ thế kỷ 16 vào vùng biển Nam Định mang đến hay không) ... và khoảng 200 chiếc mâm đồng, gần 200 chiếc nồi đồng cùng rất nhiều hiện vật bằng đồng, gốm, sành sứ. Đặc biệt có bộ sưu tập tiền giấy và tiền xu khá đầy đủ gắn với quá trình phát triển của Việt Nam.
         Qua lời thuyết minh của cô gái hướng dẫn viên quê nhà, chúng tôi được biết nơi đây còn lưu giữ những cây trồng, vật nuôi tiêu biểu cho vùng nông thôn châu thổ sông Hồng như: lúa, ngô, khoai, sắn, gà, lợn, cá, cua, ốc…đến những nét văn hóa ẩm thực đồng quê như rượu nếp; bánh gai được làm tại chỗ. Thú thực đã nhiều lần được ăn bánh gai nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy cây và lá gai đang được chế biến, được giã bởi cối giã gạo. Một thư viện có đủ bàn ghế cho người đọc với hàng nghìn đầu sách quý như hai bộ Đại Nam nhất thống chí của Sài Gòn-Hà Nội xuất bản; bộ tạp chí nghiên cứu lịch sử từ năm 1959 đến nay, sách báo thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều thời kỳ đa dạng, phong phú. Có phòng họp phục vụ cho hội nghị, gặp mặt kết hợp tham quan bảo tàng rất thuận tiện cho cộng đồng dân cư trong vùng và du khách. Cũng có hẳn riêng khu trưng bày sa bàn biển đảo và các hiện vật liên quan đến truyền thống Bộ đội Công binh, Hải quân… gắn liền với cuộc đời hoạt động của thiếu tướng Hoàng Kiền.
         Trong lúc chị em mê mải với khu nhà dân dã và nói chuyện với chủ nhân, nhà giáo về hưu Ngô Thị Khiếu đang quần áo nâu sồng ngồi làm lá gai (để làm bánh gai) cùng bà con láng giềng - những nhân viên của bảo tàng thì tôi và Tuấn tiếp kiến thiếu tướng Hoàng Kiền. Gặp đồng đội, dù lớp trước, lớp sau (Thiếu tướng Hoàng Kiền nguyên tư lệnh bộ đội Công binh, tôi là cựu Trung sĩ của sư đoàn bộ binh 968 Quân tình nguyện tại Lào, còn Tuấn hiện đang còn tại ngũ với quân hàm Trung tá) trò chuyện thân tình, được ông tặng cuốn sách Con đường với tình yêu Tổ quốc, và cuốn sách viết về sức khỏe do chính tay ông viết.Về hưu nhưng ông vẫn bận rộn, khi ở Hà Nội làm việc với cương vị Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh Việt Nam, lúc lại tham gia các hoạt động tình nghĩa ở khắp mọi miền Tổ Quốc.

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền tiếp chúng tôi tại Bảo tàng Đồng quê

 
         Hoa phượng tháng Năm rực rỡ soi bóng bên sông trước nhà thờ Thức Hóa, một nhánh của sông Sò đổ ra biển Đông làm rung động những trái tim không còn trẻ của cá c cựu học sinh trường Lam Sơn-Thanh Hóa và Lê Hồng Phong-Nam Định. Nhìn ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười làm ấm lên nhữngngười con quê xứ Thanh. Có phải vì tâm trạng ấy mà Thu Lan khi về đến Hà Nội, mặc dù bận rộn công việc vẫn dành chút thời gian để viết lên tường Facebook của mình những dòng tâm sự và bài thơ đọc đến nao lòng:
         Có “món nợ” từ tâm hồn với đất trời, cỏ cây, hoa lá không thể không trả. Có khi trả gấp gáp vội vàng trong khoảng thời gian thật ngắn, có khi ấp ủ vài ngày...nhưng dù thế nào thì trả xong là thấy hạnh phúc vô cùng!
         Tháng 5 thanh xuân, tháng 5 rực rỡ, tháng 5 của chiều sâu tâm tưởng, tháng 5 của muôn đời! Vài dòng đơn giản chẳng đủ chạm tới tháng 5...!
         Nhưng...!
 
ĐOẢN KHÚC THÁNG 5
(Tháng 5 xanh biếc màu phơi phới)
 
Thơm ngát hồ sen sắp tới thì
Mộng mị trưa vàng chang chang nắng
Có đàn bướm trắng ngắm tìm hoa
Tháng 5 rực rỡ Phượng chói loà
Bỏng cháy sân trường phút chia xa
Dáng người xưa ấy, xa xôi quá
Còn nhớ những ngày ta bên ta?
Tháng 5 tím ngắt ánh chiều tà
Hoàng hôn thơ thần góc trời xa
Kiếm tìm tinh tuý cho màn tối
Thắp sáng đêm đen rực chói loà
Tháng 5 như một bản tình ca
Khao khát tuôn trào cùng lá hoa
Hãy chầm chậm lại thân yêu nhé
Thương mình buồn nỗi tháng 5 qua!

22/5 - Thu Lan

Cũng là phượng, nhưng có lẽ với các bạn tôi -
Phượng nơi này và những ngày này nó "rực rỡ" hơn...
 
BsCKI Lê Lợi,
Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định,
Cựu chiến binh Sư đoàn 968 - Bộ đội Trường Sơn
Hội viên Hội VH-NT Trường Sơn Việt Nam

tin tức liên quan