Người hát Quan họ ở Trường Sơn
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
Cuối năm một ngàn chín trăm sáu chín, Thanh chiến đấu trong Đại đội pháo cao xạ 37 ly ở Nam sông Xê Ka Máng. Thanh là chiến sĩ thông tin vô tuyến của Đại đội. Nhiệm vụ của Thanh luôn ở bên cạnh Ban chỉ huy Đại đội để truyền đi mệnh lệnh chiến đấu xuống từng khẩu đội và giữ vững liên lạc với cấp trên.
Vào những ngày áp Tết Âm lịch năm một nghìn chín trăm sáu chín, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt ở tuyến đường Trường Sơn. Đặc biệt là tuyến đường Nam Lào, tuyến đường huyết mạch xuống Khu 5. Nhiều ngày Đại đội của Thanh chiến đấu ròng rã từ năm giờ sáng đến chín giờ đêm. Cao điểm có ngày chiến đấu cả trăm trận. Nòng pháo đỏ như cột sắt nung. Dứt mỗi trận chiến pháo thủ phải dùng bao tải xuống sông ngâm nước, mang đắp lên nòng pháo, làm cho nòng pháo nguội.
Ngày hai mươi hai tháng mười hai năm một ngàn chín trăm sáu chín, ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, mới năm giờ sáng, rừng núi còn dày đặc sương đêm, địch đã đưa nhiều tốp máy bay F4 lên đánh phá dữ dội. Bom đạn trút xuống sông Xê Ka Máng làm cho nước sông sôi lên sùng sục, từng cột nước trắng xóa tung cao.
Chẳng hiểu sao ngày hôm đó Thanh đột nhiên mắc một căn bệnh lạ. Qua một đêm nằm ngủ, sáng ra hai chân không còn cử động được. Bình thường thì đôi chân Thanh rất khỏe, Thanh đã từng vượt bao dốc cao, vực thẳm trên Trường Sơn, từ Quảng Bình vào Nam Lào đi cả hơn một tháng trời mà không đau nhức gì.
Chân không cử động được nhưng đầu óc vẫn hoàn toàn minh mẫn, đôi tay vẫn cử động bình thường. Không ngồi được, đồng nghĩa không thể lên trận địa chiến đấu. Đại đội trưởng Phác cho người mang máy xuống hầm, để ngay trên đầu giường cho Thanh làm việc và cử một đồng chí chiến sĩ ngồi ở cửa hầm truyền mệnh lệnh của Đại đội trưởng xuống cho Thanh phát đi qua máy bộ đàm.
Ngày hôm đó, mặc dù chiến đấu rất căng thẳng, nhưng cứ sau mỗi trận đánh, chính trị viên trưởng Đại đội Tạ Sĩ Lầu lại xuống hầm thăm hỏi sức khỏe của Thanh, động viên, lo lắng cho sức khỏe của Thanh.
Trong chiến đấu nhiệm vụ của người chiến sĩ thông tin rất quan trọng. Đặc biệt là ở Binh chủng pháo binh. Trong một Đại đội, các khẩu đội được bố trí ở cách xa nhau cả vài trăm mét nếu không có hệ thống thông tin liên lạc thì Đại đội trưởng không thể truyền khẩu lệnh chiến đấu tới từng khẩu đội kịp thời.
Sau một ngày chiến đấu căng thẳng, Đại đội của Thanh ngày hôm đó hạ được ba chiếc máy bay địch, giữ vững được cung đường, được cấp trên gửi điện khen ngợi. Toàn Đại đội vui lắm. Cơm chiều xong, Đại đội cho xe chở Thanh đi bệnh viện.Bệnh viện T4 của binh trạm 44 là một trong số những bệnh viện lớn của Đoàn 559. Bệnh viện được đặt trong một khu rừng săng lẻ ở Bắc sông Xê Ka Máng, cách đường giao liên hai trăm mét, cách đơn vị pháo của Thanh chừng non một ngày đường đi bộ. Bệnh viện chia làm ba khu, khu A, nơi làm việc của Ban lãnh đạo Viện, khu B, Nội khoa và khu C, Ngoại khoa. Mỗi khu có hai dãy lán, có nhà ăn, nơi dành cho bệnh nhân nghỉ ngơi, chơi thể thao hàng ngày. Bệnh viện tiền phương nhưng chẳng thua kém các bệnh viện ở hậu phương thời chiến tranh. Bệnh viện có cả trăm bác sĩ, y sĩ, y tá và hộ lý. Các phương tiện hỗ trợ cho điều trị tương đối đầy đủ. Nhiệm vụ của bệnh biện điều trị cho các thương bệnh binh của các đơn vị đóng quân trong địa phận của binh trạm và các thương bệnh binh ở các chiến trường Đông Nam Bộ. Hầu hết các bác sĩ, y sĩ đều được đào tạo bài bản ở các trường Y miền Bắc. Các bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ thương bệnh binh. Hầu hết các cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện làm việc rất nhiệt tình, hết lòng vì người bệnh, chăm sóc chu đáo đến từng chén cơm, ca nước đến giấc ngủ hàng đêm...
Trong số hơn hai chục bác sĩ đều có tay nghề cao, có trách nhiệm với công việc điều trị. Nhưng riêng bác sĩ Mai Hồng Ngọc, Trưởng khoa Ngoại được mọi người quý mến hơn cả; được mọi người tôn vinh “linh hồn” của bệnh viện.Bác sĩ Mai Hồng Ngọc là người con gái Kinh Bắc. Quê chị ở Hiệp Hòa. Dáng người thanh cao, gương mặt chữ điền phúc hậu. Một bác sĩ giỏi chuyên môn lại có một giọng hát thiên bẩm. Chị hát Quan Họ giọng mượt mà, sâu lắng làm rung động lòng người. Đôi bàn tay khéo léo của bác sĩ Hồng Ngọc đã chữa lành hàng trăm vết thương nặng cho thương bệnh binh. Nhiều ca phẫu thuật tưởng chừng bó tay. Ấy vậy mà bác sĩ Hồng Ngọc vẫn giành lại sự sống cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân nói: “Bác sĩ Mai Hồng Ngọc có đôi bàn tay vàng”.Trong hoàn cảnh chiến tranh, hầu hết các bệnh viện tiền phương thiếu chỉ khâu y tế. Có ngày bệnh viện phẫu thuật cả chục ca. Thiếu chỉ khâu, các bác sĩ phải dùng đến cả chỉ may thông thường để khâu vết mổ cho bệnh nhân. Mọi người biết đấy, dùng chỉ may vải khâu vết mổ có rất nhiều bất cập xảy ra. Nếu không cẩn thận dẫn đến nhiễm trùng, rất nguy hiểm, hơn nữa chỉ may vải không tiêu được. Sau vết thương lành lại phải cắt chỉ làm bệnh nhân đau đớn.Làm thế nào giải quyết được chỉ khâu y tế, đây là một bài toán khó đặt ra cho bệnh viện, cho mỗi bác sĩ phẫu thuật. Bác sĩ Mai Hồng Ngọc đã mất nhiều đêm trăn trở mà chưa tìm ra lời giải.
Các cụ ta xưa có câu: “Cái khó ló cái khôn”. Một hôm mấy đồng chí bảo vệ của bệnh viện vào rừng săn được mấy con dọc về lấy thịt nấu cháo bồi bổ cho thương binh nặng. Khi các đồng chí cấp dưỡng mổ dọc, bác sĩ Hồng Ngọc ngồi quan sát tỉ mỉ thấy những sợi gân của con dọc dài, nhỏ li ti. Một tia sáng nảy ra trong đầu bác sĩ Hồng Ngọc, ta có thể dùng gân của loài dọc làm chỉ khâu y tế được không? Bác sĩ Hồng Ngọc đã yêu cầu trưởng bếp được tham gia mổ dọc, lọc thịt lấy ra những sợi gân nhỏ, khéo léo, nhẹ nhàng căng lên mặt những chiếc khay men đựng dụng cụ y tế, phơi khô, sau đó hấp, khử trùng rồi mang khâu thử nghiệm cho một bệnh nhân tiểu phẫu. Đồng chí thương binh này bị một mảnh đạn pháo ở bắp chân phải, vết mổ dài hai xăng ti. Sau khi khâu được một tuần, vết thương lành, chỉ khâu tiêu mất, điều đó chứng minh gân dọc thay thế cho chỉ khâu y tế được. Bác sĩ Hồng Ngọc và cả tập thể cán bộ y bác sĩ mừng lắm! Qua nhiều lần dùng gân dọc làm chỉ khâu y tế có hiệu quả, sáng kiến của bác sĩ Mai Hồng Ngọc được lãnh đạo bệnh viện gửi ngay ra Cục Quân y Bộ Quốc phòng và được tập thể Hội đồng Y khoa của Bộ đánh giá cao; giải được bài toán khó cho khâu thiếu chỉ khâu y tế ở chiến trường, bác sĩ Mai Hồng Ngọc được nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng.
*
* *
Là một bác sĩ trưởng khoa, nhưng bác sĩ Mai Hồng Ngọc sống rất khiêm nhường, say mê lao động. Bác sĩ Mai Hồng Ngọc không nề hà bất cứ công việc gì. Những lúc rảnh công việc chuyên môn, chị còn xuống nhà bếp giúp việc chị em cấp dưỡng. Những đêm thấy các đồng chí y tá, hộ lý làm việc vất vả, thức khuya, dậy sớm, bác sĩ Hồng Ngọc cùng tham gia chăm sóc cho thương bệnh binh. Nhiều đêm bác sĩ Hồng Ngọc thức xoa bóp cho bệnh nhân, hát Quan Họ động viên các thương binh nặng. Giọng hát của bác sĩ Hồng Ngọc - cô gái miền Kinh Bắc ngọt ngào, sâu lắng làm dịu đi những cơn đau xé lòng của bao thương binh.
“Người ơi! Người ở đừng về,
Người về em vẫn (í i ì i), (Có mấy) khóc i thầm
Đôi bên (là bên song như) vạt áo
(Mà này cũng có a ướt đầm), Ướt đầm như mưa...”
Mỗi khi bác sĩ Hồng Ngọc cất lên tiếng hát, hàng chục người thương binh im lặng, câu hát như những dòng mật ngọt thấm sâu vào tận đáy lòng mỗi người.
*
* *
Thanh là người quê Hà Nam nhưng rất yêu Quan Họ Bắc Ninh. Thanh còn biết thổi sáo. Trong gần một tháng nằm điều trị ở bệnh viện, Thanh vào rừng sâu tìm được một cây trúc ưng ý, chặt mang về khoét, trổ làm được một chiếc sáo trúc xinh xắn. Những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của viện Thanh thường đệm sáo cho Hồng Ngọc hát Quan Họ. Tiếng sáo, tiếng hát quyện vào nhau rất ăn ý, chẳng thua kém mấy các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thiệt không gì thú vị bằng, giữa Trường Sơn xa quê hương lại được nghe những làn điệu Quan Họ ngọt ngào vút lên làm xao xuyến lòng người!Trong những buổi tập văn nghệ, hát cho bệnh nhân nghe, Hồng Ngọc, Nguyễn Thanh đã trở nên yêu mến nhau từ khi nào không hay. Thanh hơn Hồng Ngọc hai tuổi. Thanh người cao, to, da bánh mật khỏe khoắn. Có nụ cười luôn túc trực trên môi. Hai người đứng trên sân khấu rất đẹp đôi. Anh em thương bệnh binh và cán bộ nhân viên của bệnh viện thường nói: “Hồng Ngọc và Nguyễn Thanh là một cặp đôi “trai tài, gái sắc” thật hết ý.
Vào những đêm trăng, Nguyễn Thanh và Hồng Ngọc lại đưa nhau ra bờ suối tâm sự. Một hôm Thanh nói với Ngọc:
- Hồng Ngọc có giọng hát Quan Họ rất hay, vang, rền, nền, nẩy đích thực là Chị Hai Quan Họ. Sao Hồng Ngọc không đi theo ngành nghệ thuật mà đi ngành y?
Hồng Ngọc bứt những chiếc lá non xoe xoe trên những ngón tay thon dài, trắng mềm mại. Giọng nhỏ nhẹ nói:
- Là con gái Bắc Ninh ai chẳng hát được đôi câu Quan Họ. Mẹ em bà là nghệ nhân hát Quan Họ. Bà hát Quan Họ từ năm sáu, bảy tuổi. Em gái em là diễn viên Đoàn Quan Họ Bắc Ninh, bố em là nhạc công của Đoàn Chèo tỉnh. Riêng em không thích làm nghệ sĩ. Em thấy nghề y thích hơn, được nhiều người quý trọng. Học xong phổ thông trung học, em thi vào trường Đại học Y Hà Nội và đậu điểm cao. Tốt nghiệp, ra trường em tình nguyện vào Trường Sơn. Hát Quan Họ với em chỉ là niềm đam mê bởi Quan Họ là đặc sản của Bắc Ninh, quê em; là vốn cổ của tổ tiên để lại. Hơn nữa, âm nhạc còn là một liều thuốc chữa bệnh. Em hát để động viên thương bệnh binh, ru các anh vào giấc ngủ, quên đi đớn đau.
Ngày còn học ở trường Y, em vào thư viện của trường đọc được một truyện ngắn của Liên Xô. Nội dung của truyện viết đại ý như thế này: Trong thế chiến thứ hai, ở một bệnh viện dã chiến có một ca mổ, bệnh nhân là một sĩ quan Hồng Quân bị thương rất nặng, một đầu đạn găm sâu vào lưng bên phải, cách phổi có một mi li mét. Cần phải mổ gấp. Khi đó bệnh viện lại không còn thuốc gây mê. Tổ phẫu thuật đã nghĩ ra một cách, mời hai nghệ sĩ vào hát những bản tình ca Nga cho người sĩ quan thương binh nghe. Những bản tình ca du dương, trầm bổng làm cho người thương binh chìm sâu vào giấc ngủ. Và các bác sĩ đã nhanh chóng mổ, gắp được đầu đạn ra, bệnh nhân nhanh chóng bình phục và tiếp tục về đơn vị chiến đấu. Đọc xong truyện ngắn ấy em rất tâm đắc, khâm phục người sĩ quan Hồng Quân và nhớ mãi đến giờ.
- Những câu chuyện nói về âm nhạc chữa bệnh anh đã đọc và nghe nhiều nhưng không hẳn đã tin. Nay nghe Hồng Ngọc kể thì anh tin, anh tin! Thật kỳ diệu em nhỉ?
Thanh nhặt mấy viên sỏi ở bờ suối ném xuống nước, những viên sỏi làm cho mặt nước sóng sánh dưới ánh trăng vàng, rừng đêm tĩnh lặng, thỉnh thoảng có tiếng côn trùng tấu lên như những tiếng nhạc nghe rất vui tai. Ở giữa chiến trường bom đạn ác liệt mà có được những giây phút yên tĩnh thế này quả là hiếm. Hồng Ngọc gục đầu vào bờ vai Thanh, khe khẽ hát:
“Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,
Anh ơi, em vẫn đợi vẫn chờ
Người ra đi có nhớ là nhớ trăng là...”
Câu hát cứ dìu dặt theo gió rừng bay đi xa.
Đêm đã về khuya, sương đêm xuống ướt đẫm hai mái đầu, Thanh đưa tay lên vuốt nhẹ mái tóc đen óng mượt của Hồng Ngọc. Thanh chợt thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn, nghĩ tới sáng mai đã phải rời xa Hồng Ngọc.
- Anh muốn hàng đêm được ngồi bên em thế này, được nghe em hát Quan Họ. Nhưng sáng mai anh đã xuất viện về đơn vị rồi. Chẳng biết ngày nào chúng mình mới lại được gặp em!?
Hồng Ngọc không nói gì. Vòng tay ôm chặt lấy Thanh. Hai dòng nước mắt rỏ xuống vai áo Thanh nong nóng.
Hai người ngồi cho đến khi ánh trăng rằm đậu trên đỉnh đầu mới quay về lán trại.
Sáng hôm sau, bảy giờ Thanh tới văn phòng làm thủ tục xuất viện. Cán bộ, nhân viên của bệnh viện cùng anh chị em thương bình lưu luyến chia tay với Thanh trong tình yêu thương chan chứa! Hồng Ngọc tiễn Thanh ra tận đường giao liên.Trước giây phút chia tay bùi ngùi, hai người cứ đứng im lặng cầm tay nhau trong nắng ban mai cùng tiếng chim rừng hót líu lo trên những vòm cây cao. Mãi tới khi nghe tiếng những bước chân của đoàn quân đi vào Nam tới gần, hai người mới rời nhau. Thanh hôn nhẹ một nụ hôn lên má Ngọc. Đây là nụ hôn đầu của một chàng thanh niên hai hai tuổi lên má một người con gái. Thanh bỗng thấy lòng mình xao xuyến.
Trên đường cuốc bộ về đơn vị, Thanh thầm nghĩ: Giá như mình không bị đau chân, không đi bệnh viện thì làm gì có cơ may gặp được Hồng Ngọc, người con Kinh Bắc xinh đẹp, hát hay mà giờ đây là người yêu của mình. Quả thiệt là diễm phúc! Cứ như là trong mơ. Chẳng khác nào chàng Lưu Bình xưa gặp được nàng Châu Long ở quán Nghinh Hương.Trong cái rủi lại có cái may. Nhiều người chả từng nói: “Trường Sơn hùng vĩ có biết bao điều kỳ diệu”.
Mình thầm cảm ơn Trường Sơn thân yêu!
*
* *
Cuối năm một ngàn chín trăm bẩy mốt, sau thất bại nặng nề ở Đường 9 Nam Lào, Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa tăng cường cho máy bay chiến đấu lên đánh phá bạo tàn trên toàn tuyến đường Trường Sơn, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Những tuyến đường trọng điểm địch đánh phá liên tục không kể ngày đêm. Chúng huy động cả máy bay B52 lên rải bom. Tuyến đường thuộc binh trạm 44, từ Nam Lào xuống Khu 5 chúng đánh phá quyết liệt. Trên bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay gầm rú và bom nổ rung chuyển núi rừng. Đạn pháo cao xạ, súng 12 ly bảy của ta bắn lên đỏ rực bầu trời. Những ngày này tiểu đoàn pháo cao xạ của Thanh chiếm liên tục không có thời gian nghỉ ngơi ăn uống. Từ trận địa Thanh thường hồi hộp theo dõi về hướng bệnh viện, lòng nóng như lửa đốt. Nơi đó giờ đây với Thanh không chỉ là một bệnh viện quân y có bao đồng chí thương binh đang điều trị mà còn có Hồng Ngọc, người yêu của Thanh ở đó; nơi chứa đầy bao kỷ niệm chất chứa yêu thương!
Bước sang ngày thứ bảy của chiến dịch đánh phá của địch. Một buổi trưa trời nắng như chảo lửa, từng đợt gió Lào thổi sang rát mặt, không khí của cuộc chiến đấu vẫn bốc lên ngùn ngụt. Bỗng Thanh choáng váng nghe tin từ trạm quan sát tiểu đoàn báo về, hồi chín giờ sáng nay bệnh viện T4 bị địch phá hủy nặng. Thanh bàng hoàng như rụng cả chân tay, tim đập thình thịch như rớt ra khỏi lồng ngực. Thanh rời khỏi hầm chỉ huy, trèo lên nóc hầm, lấy ống nhòm nhìn về phía bệnh viện thấy những cột khói dựng lên cao ngất trời. Lòng quặn đau, không biết còn ai sống sót không? Hồng Ngọc của mình còn sống không? Hai dòng nước mắt Thanh ứa ra. Cổ nghẹn ngào thầm gọi: “Hồng Ngọc ơi!”.
Năm giờ chiều, cuộc chiến tạm lắng xuống, đơn vị đã có những giây phút nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Thanh xin phép Ban chỉ huy Đại đội được tới thăm bệnh viện. Ban chỉ huy đồng ý, điều một xe tải, mang theo lương khô cùng Đức lái xe, Mẫn pháo thủ số ba đi cùng Thanh đến bệnh viện.
Sau gần một giờ đồng hồ xe băng rừng, cưỡi lên những đoạn đường gồ ghề sỏi đá mới tới được bệnh viện.Cả một khu bệnh viện rộng lớn nhà lán khang trang trước đây, giờ chỉ còn lại một đống tro tàn khổng lồ. Những hố bom sâu thẳm, xác người nằm la liệt, máu chảy loang lổ trên mặt đất, da thịt người văng khắp nơi. Bầu không khí đau thương bao trùm nhức nhối. Hơn ba năm chiến đấu ở Trường Sơn, giờ đây Thanh mới chứng kiến cảnh đổ vỡ, chết chóc khủng khiếp, hãi hùng như thế này. Thanh gào thét: “Các đồng chí ơi! Hồng Ngọc ơi! Các y bác sĩ ơi! Có còn ai sống không?”. Câu hỏi chẳng có tiếng đáp lại. Bầu trời đã tối sầm. Thanh, Mẫn, Đức ngồi bệt xuống nền nhà phủ đầy đất đá, căm thù uất nghẹn trong tim. Cả ba người cứ ngồi im lặng như ba pho tượng đồng. Chừng ba chục phút sau, thấy có một tốp khoảng bốn, năm người từ phía dưới suối đi lên. Dưới ánh trăng bàng bạc, Thanh nhận ra bác sĩ Cần, phó viện. Thanh, Đức, Mẫn đứng vụt dậy, chạy tới, Thanh nắm lấy tay bác sĩ Cần, hỏi dồn dập:
- Còn ai sống không bác sĩ? Hồng Ngọc, bác sĩ Mai Hồng Ngọc đâu?...
Bác sĩ Cần giọng nghẹn ngào:
- Thương binh cứu sống được khoảng năm chục đồng chí. Chúng tôi đã đưa về ẩn nấp ở nơi an toàn. Anh chị em bác sĩ, y sĩ, y tá cùng cán bộ nhân viên hy sinh nhiều lắm. Hiện nay chúng tôi đang rối bời, chưa thể thống kê hết được, những ai còn, ai mất.
- Thế... Bác sĩ Hồng Ngọc, còn sống... hay...?
Bác sĩ Cần đưa tay lên lau nước mắt, nói trong đớn đau:
- Bác sĩ... Mai Hồng Ngọc đã... hy sinh rồi!
Bác sĩ Cần nấc lên. Không còn nói được gì nữa.
Thanh ngã gục xuống đất. Mọi người vội đỡ Thanh đứng lên. Một đồng chí nữ đứng cạnh bác sĩ Cần kể lại:
- Khi nghe loạt bom đầu tiên nổ ở cánh rừng bên, bác sĩ Hồng Ngọc và tôi vội đưa hơn một chục thương binh nặng xuống hầm, lúc này bom dội liên tục xuống bệnh viện. Những tiếng nổ chói tai. Đất đá, lửa khói bốc lên nồng nặc. Tôi và bác sĩ Hồng Ngọc, hai chị em lao ra khỏi hầm để đi cứu những thương binh khác. Chị Ngọc đột nhiên dừng lại, dúi vào tay tôi chiếc túi xách, đẩy tôi vào lại hầm. Chị nói như ra lệnh:
- Hồng, em giữ cho chị chiếc túi xách, ở lại trong hầm cùng thương binh. Để mình chị đi cứu những người còn sống. Nói xong chị Ngọc lao vút như cánh chim, trong ánh chớp sáng rực của lửa đạn. Dứt đợt bom nổ chừng mười phút, tôi từ trong hầm lao ra, tôi gọi lớn:
- Bác sĩ Hồng Ngọc ơi! Chị ở đâu? Không có tiếng đáp lại, tôi lại gọi lớn hơn, bác sĩ Ngọc, chị ở đâu...? Vẫn không có tiếng đáp lại. Tôi hốt hoảng lùng sục mọi nơi. Đến khu B, khu nhà đang bốc lửa đỏ rực, khói mù mịt. Tôi bàng hoàng thấy bác sĩ Hồng Ngọc nằm vắt ngang miệng hầm, đầu bay mất, chỉ nhận ra người chị từ cổ trở xuống, tay chân dập nát, chiếc áo bờ-lu màu xanh đẫm máu.
Kể đến đây, Hồng nghẹn ngào không nói được gì nữa.
Mọi người đứng im lặng trong bóng đêm mờ nhạt, thời gian trôi đi nặng nề. Hồng lên tiếng:
- Nhìn bác sĩ Hồng Ngọc, người chị thân thương, người đồng hương của em; người mà em cùng bao người ngưỡng mộ về tài năng cũng như giọng hát ngọt ngào đã hy sinh. Nay mai hòa bình, còn sống em về quê biết ăn nói thế nào với hai bác, cha mẹ của chị ấy?
Hồng đến nắm tay Thanh. Đưa cho Thanh cái túi xách, sụt sùi nói:
- Đây là vật kỷ niệm của chị Ngọc, anh là người yêu của chị Ngọc. Em trao lại cho anh.
Thanh cầm chiếc túi xách, tay run run mở ra. Bên trong túi có đựng một sấp thư, một quyển sổ nhỏ và một chiếc sáo trúc, cây sáo Thanh tặng cho Hồng Ngọc lúc chia tay. Thanh nắm chặt chiếc túi trong tay sợ nó biến mất. Giọng nghẹn ngào thốt lên:
- Ngọc!
Lại một lần nữa Thanh ngã quỵ xuống. Bác sĩ Cần, Hồng và Cần, Đức, Mẫn, Hồng lại đỡ Thanh đứng lên. Hồng nghẹn ngào:
- Mới đêm hôm qua thôi, cũng tại chỗ này, bác sĩ Hồng Ngọc còn đứng trước bao người hát “Người ơi! Người ở đừng về...”. Vậy mà đêm nay chị đã đi xa. Bác sĩ Mai Hồng Ngọc, người hát Quan Họ ở Trường Sơn không còn nữa! Đau thương quá các anh ơi!
Bác sĩ Cần vỗ vỗ vào vai Hồng:
- Thôi. Nén thương đau lại. Chiến tranh mà em. Biết làm sao được. Rồi đây chúng ta còn phải đối mặt với nhiều mất mát đau thương nhiều hơn nữa. Chiến tranh nó có trừ ai đâu.
Mọi người đứng vây quanh lấy bác sĩ Cần, cúi đầu sụt sùi khóc. Thanh lên đạn khẩu CKC, chĩa thẳng lên trời bắn một loạt đạn để vĩnh biệt Hồng Ngọc, vĩnh biệt những đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Đức chạy ra ngoài xe mang vào hai thùng lương khô 702 đưa cho bác sĩ Cần:
- Đây là chút quà của đơn vị, gửi bác sĩ.
Thanh, Đức, Mẫn chào tạm biệt bác sĩ Cần cùng mọi người, ra xe về lại đơn vị. Xe lao nhanh trong màn đêm nhạt nhòa ánh trăng sao. Từ phía chân trời xa vọng lại tiếng máy bay phản lực Mỹ. “Ngày mai sẽ lại là một ngày chiến đấu căng thẳng nữa đây”- Mẫn nói.Thanh ngồi trầm ngâm nhìn ra những cánh rừng lướt nhanh trước mặt. Lòng buồn vời vợi nhớ về Hồng Ngọc, hình dung ra Hồng Ngọc, người yêu đang đứng hát trên Trường Sơn cao vời hát: “Người ơi! Người ở đừng về”.
Nha Trang, tháng 6-2018
X.T
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
(06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang.DĐ: 0908.625.369)