NÀNG THƠ
Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẩn
Sân trống vắng, thấy càng rộng hơn. Bóng lão đi đi lại lại dưới ánh mờ mờ của trăng thượng tuần. Lão vừa đi vừa lẩm bẩm một mình. Vợ hay thơ, thơ hay vợ…?
Ở độ tuổi lục tuần, gọi lão thì cũng oan, nhưng với khuôn mặt xương xương, mái đầu sương đã phủ trắng xóa, hàng ria mép lơ thơ mấy sợi bạc nên gọi lão cũng không sai.
Lão làm nghề dạy học gần bốn mươi năm. Phấn đấu trầy trật, gắng được cái chức tổ trưởng của ba người. Lão tự hào lắm vì dòng họ nhà lão có ai làm “quan” to hơn lão. Lão cũng lấy làm tự hào lắm, có nhà mặt phố, to, đẹp, con cái học hành thành đạt, có việc làm tử tế. Dại gì mà không khoe một tí cơ chứ. Nhá! Cái gì khoe lão cũng bảo của vợ chồng tớ làm ra đấy. Lúc nào cũng phải có từ vợ đi kèm. Mà thật của cải trong nhà một tay vợ lão chu tất, sắp đặt. Từ việc nhà đến việc họ, làng … đều có công vợ lão. Đồng lương còi cõm của anh giáo làng làm sao sắm sanh được những đồ dùng đắt tiền trong nhà lão như thế. Nhận lương về, lão đưa một tràng hóa đơn thanh toán. Này là tiền mời bạn, đây là tiền nộp họ, tiền điện thoại...một mớ bà chằng. Cộng trừ nhân chia xong chỉ đưa cho vợ hơn nửa. Thế cũng đã may.
Về hưu, không biết làm gì lão đưa mấy bài toán ra giải, bài văn ra đọc. Chắc là nhớ nghề? Một hôm, đọc xong bài thơ lão gật gù. Ừ nhĩ! Sao mình không làm thơ?
Và lão làm thơ thật. Mỗi ngày chắp vá một câu, gạch gạch xóa xóa, thế là hoàn thành. Lão thích lắm. Ra gửi bưu điện. Chẳng thấy hồi âm. Tức thật. Nghe con lão bảo gửi qua meo, lão nghí ngoáy tìm địa chỉ trên trang báo và lão gửi. Mừng như được vàng.
Bẵng đi một thời gian, lão có báo biếu và giấy mời nhận tiền nhuận bút. Trời ơi! Lão không tin là thật. Ôm từ báo vào lòng, lão hét toáng lên. Nàng thơ ơi! Nàng thơ của ta đã là thực rồi!
Lão về khoe với vợ. Vợ lão khen hay. Lão hét toáng lên, thành công rồi!
Lão gọi bạn bè đến để khoe thơ, khao thơ. Lão mượn thêm tiền vợ để khao vì tiền nhuận bút không đủ “đô tửu” cho lão, cho bạn bè lão. Vợ lão cằn nhằn. Lão bảo sẽ làm bài thơ khác bù vào. Nhậu xong, lão và mấy đứa bạn say gù. Vợ lão phải dọn một đống phế thải sau nhậu. Vợ lão hét lên. Thơ với chả thẩn, không có lần sau nữa đâu nhé. Mấy người bạn của lão hoảng quá. Về tuốt.
Lão lại rắp tâm làm bài thơ nữa để bù vào số tiền thâm hụt. Rồi lão tìm vần, tìm từ cho bài thơ sắp đến. Quái! Chẳng thấy từ vần đâu cả. Đêm nằm, lão cứ thao thức. Vợ lão giục lão ngủ mai còn làm vườn. Lão bảo vợ cứ ngủ trước đi, không hiểu sao dạo này tôi khó ở!. Có đêm không ngủ được, lão bật dậy ngâm nga: Đã mang cái nghiệp với thơ/ Đêm nằm không ngủ cứ mơ cái vần. Vợ lão đang ngủ giật mình. Hả! Con vân con vần nào mà mơ màng đến vậy. Đầu chẳng còn sợi đen nào mà cứ léng phéng. Chết với tôi nhé. Lão im. Nếu ngày thường chắc lão rống lên ầm ỉ rồi. Nhưng lão sai, mà giờ này cũng đã sang canh, lão sợ hàng xóm nghe nhầm tưởng có trộm thì nguy.
Từ ngày say với nàng thơ lão sinh ra đổ đốn. Ngủ muộn, dậy trưa. Vợ lão có nói thì lão chống chế, già rồi. Câu, vần thơ phú nó cứ nhảy múa trong đầu lão. Lão cứ sắp xếp sao cho có vần có điệu là ra thơ. Có hôm đang quét sân, một tứ thơ nhảy ra, lão dựng chổi chạy đi lấy bút ghi ghi chép chép. Cứ như thế lão quét cái sân gần buổi. Các tờ nháp cứ nằm la liệt bên bậc cửa. May cho lão, hôm ấy vợ đi vắng. Rồi cái hôm đang rửa bát. Choang. Cái gì thế? Vợ lão hỏi. Vợ lão chạy ra la toáng lên. Ôi! Cái bát, cái bát Tràng An của tôi nó bị lìa đời rồi. Bắt đền đi, nó bằng tiền nhuận bút cả vài nàng thơ của lão đấy. Lão hoảng.
Rồi bài thơ thứ hai cũng được đăng. Lão không dám khoe với vợ nữa. Lão khoe với con. Các con lão bận làm ăn chẳng đoái gì đến thơ bố. Lúc vợ vắng nhà, lão gọi bạn đến khoe thơ, khao thơ. Chẳng thấy ma nào. Tức thật. Tức quá đi mất. Làm thơ đã khó, làm xong không được đăng đã thấy buồn, đăng rồi chẳng ai đọc thì càng buồn hơn. Tức quá! Lão lên phây, lai cho bạn bè, chẳng thấy ái ke lại. Vợ lão về mắng, đồ thần kinh. Lão nhịn, một điều nhịn chín điều lành mà.
Rồi cái ngày, vợ lão bảo lão đi nhổ cỏ trong vườn. Tứ thơ nhảy ra, không có giấy bút, lão lấy que gạch gạch ra đất. Cứ như thế không biết gạch làm sao mà đến trưa cỏ chẳng sạch, cây ớt cây cà cứ bị lùa đi theo cái gạch.
- Trời ơi! Ông làm ăn thế này đây! Cái nàng thơ chết tiệt của ông đã hủy hoại vườn cây của tôi hết rôi. Đồ chập, đồ thơ thẩn, đồ thần kinh. Thơ ơi là thơ! Chồng ơi là chồng!
- Bà có im đi không. Đừng đổ vấy cho thơ tôi. Tôi có làm sao không , nàng thơ tôi có tội tình gì không?
- Từ ngày ông làm thơ đến giờ, ông chẳng cho tôi yên, cái nhà này chẳng có yên, ông làm cái gì cũng bị hỏng, làm cái gì cũng chẳng nên hồn. Cái nàng thơ của ông đã thâm nhiễm thần kinh ông rồi.
- Bà xem, mọi người đêu làm thơ, nhà nhà làm thơ mà có ai bị nhiếc như tôi không? Tôi có làm gì sai, đâu. Tôi làm thơ phải chùng lén, không dám công khai, bài thơ nào được đăng không dám khoe với bà.
Vợ lão bị dội lại nên tức lắm. Tính bà đã nóng nay cực nóng hơn:
- Hả! Ông bảo không hại đến tôi hả! Đêm không cho ai ngủ yên, ngày thì ôm lấy máy tính. Vườn tược thì chẳng ngó ngàng tới. Đang yên đang lành rước cái nàng thơ của nợ về nhà , người ta thấy ông như bị đau thần kinh. Lúc nào thơ xong cũng “phây phây”. Người thì ngơ ngơ như ma ám!
Lão không chịu nổi:
- Bà không cho tôi phút nghỉ ngơi. Con người thì phải biết hưởng thụ văn hóa, văn chương chứ.
Vợ lão cũng không vừa:
- Vậy ông cho tôi không phải là người à? Này kệ ông! Thơ hay tôi ông chọn đi. Có tôi là không có nàng thơ!
Lão buồn.
Một hôm vợ lão đi chơi, lão ở nhà lại làm thơ. Trưa vợ không về. Thế là ăn mì tôm. Lão nghĩ, không có vợ thì đói, không có thơ cũng buồn lắm.
Không hiểu thế nào, lão tuyên bố bỏ nàng thơ. Lão đưa mấy bản thảo quăng vào bếp trước sự chứng dám của vợ. Nhưng lão đâu có ngu, những bài thơ lão làm đã save vào máy tính cả rồi.Vợ lão thấy thế mừng lắm.
Bẵng đi một thời gian, mọi sự bình yên trở lại.
Lão tìm kế để làm thơ mà vợ không hay biết. Lão chẻ nan để đan cái nia mà lâu nay vợ lão cứ ao ước vì không có đồ phơi hạt lạc, hạt vừng. Thế là có lý do rồi. Lão vót nan, tứ thơ nhảy ra. Lão lấy bút gạch một gạch. Tứ thơ khác nhảy ra lão chấm một chấm. Cả trang giấy chấm phấy cứ đầy lên, người ngoài nhìn vào chẳng ai biết gì cả. Tứ thơ khác lại nhảy ra, chưa biết nên gạch hay chấm thì lưỡi mác cứa vào tay, đau điếng, lão gọi vợ ra băng cho lão. Vợ lão chạy ra luống cuống, xé ngay tờ giấy bịt vào chỗ máu chảy. Lão hét toáng lên: - Thôi rồi! Bà giết nàng thơ của tôi rồi. Cầm tờ giấy trên tay lão gào lên mặc cho máu cứ chảy: - Nàng thơ ơi! Em bị giết mất rôì!
Thật là quá thể, vợ lão tuyên bố: - Nhá! Ông ở với nàng thơ của ông đi. Nhá…!
Đã mấy hôm rồi, vợ lão đi họp lớp, không thèm nói năng với lão một lời, nghe đâu xa tận ngoài miền Tây Bắc
Đêm nay, lão buồn. Căn nhà vắng vẻ càng rộng thêm ra. Chỉ tiếng có tiếng dế kêu ra rả. Vợ không điện thoại hay nhắn lấy một câu cho lão. Không biết lão sai hay vợ sai. Làm thơ thì có gì là sai. Làm thơ mà sai thì cả thế giới này có hàng triệu. Vậy sao vợ lão lại bỏ đi không nói gì. Lão ngồi ngẫm nghĩ cái sai có từ đâu?
Thôi! Mình phải làm lành trước xem sao. Và lão bê hũ rượu ra để lấy can đảm. Lão nghĩ, uống một li rồi alo cho vợ. Uống xong lão chẳng biết mình phải làm gì , nghĩ mãi không ra. Ừ! Thì uống li nữa xem có vần thơ nào nhảy ra không? Cũng chẳng thấy gì, rồi lão uống , ba, bốn, năm…li, rồi lão say nằm vật ra phản.
Lão nằm mơ thấy nàng thơ đang bay về phía lão. Nàng thơ đẹp quá, nàng thơ đến bên lão thì thầm khen thơ lão hay. Có thế chứ! Ơi nàng thơ thân yêu của ta. Rồi lão giang tay ôm lấy nàng thơ. Choang. Chiếc cốc vở tan. Lão giật mình tỉnh giấc. Khát quá. Lão đi ra bếp, con “rắn ráo” nằm trong phích nước đã mấy ngày nay. Đến bên bình nước lọc, khô. Lão đi vào chỗ bếp củi. A! Đây rồi! Cái ấm trên bếp đang đầy nước. Không cần li cốc, lão dốc ấm tu một hơi dài. Một dòng nước tràn ra ướt cả cổ lão. Lão giật mình ấm nước rơi xuống, lão chới với trượt chân ngã, ngực đập vào thành bếp đau điếng. Lão thốt kêu lên: - Trời ơi! Vợ ơi! Nàng thơ ơ...i..!
Trong nhà, tiếng điện thoại réo liên hồi. Vợ gọi. Lão cố gượng dậy. Nhưng cái đau, cái mệt làm lão ngã vật xuống…rồi thiêp đi.
Ngoài trời ánh trăng bàng bạc, tiếng gà eo óc gáy sáng.
Quán Hàu, tháng 3 năm 2018
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn