Hơn 20 năm tìm người thân đồng đội,bút ký của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 02:18 17/07/2018 Lượt xem: 512
Tác phẩm dự thi Hào khí Trường Sơn


                               HƠN 20 NĂM TÌM NGƯỜI THÂN ĐỒNG ĐỘI
 

                                                                        Bút ký của Xuân Tuynh


            Ở xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có một câu chuyện đầy cảm động của năm cựu chiến binh, nguyên là cán bộ, chiến sĩ C3 - đơn vị pháo cao xạ Đoàn 559. Các anh đã tốn nhiều công sức, tiền bạc, lặn lội dọc ngang các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ qua nhiều năm để tìm kiếm gia đình người thân của đồng đội - liệt sĩ Đinh Văn Thỏa, người đại đội trưởng thân thương của đơn vị đã anh dũng hi sinh trên đường ra trận vào cuối thu năm 1967, đưa hài cốt anh về quê nhà.

            Tết Mậu Tý 2008, tôi về quê ăn Tết. Tình cờ nghe được câu chuyện kể trên, không quản ngại đường sá xa xôi, tôi đạp xe đi dưới trời mưa rét cắt da, cắt thịt của đợt rét lớn sau 20 năm mới xuất hiện trở lại trên đất Bắc, tìm được về gia đình liệt sĩ Đinh Văn Thỏa để biết rõ ngọn ngành câu chuyện.
Nhà của liệt sĩ Đinh Văn Thỏa, một ngôi nhà ngói cũ, nhỏ bé nằm bình dị nơi đầu làng Thong, một làng quê nghèo của huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Gia đình liệt sĩ Đinh Văn Thỏa hiện chỉ còn người em ruột là Đinh Văn Thuận năm nay đã ngoài lục tuần, tóc bạc nhưng gương mặt vẫn hồng hào, vóc dáng khỏe mạnh. Ông Thuận tiếp tôi tại gian phòng nơi thờ phụng liệt sĩ Đinh Văn Thỏa. Bằng một giọng nhỏ nhẹ, ông kể cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện:
- Tháng 10 năm 1967, khi ấy đơn vị tôi đóng quân ở vùng núi tỉnh Ninh Bình làm nhiệm vụ luyện tập chiến thuật và rèn luyện thể lực để vào chiến trường. Một chiều cuối thu, sau khi luyện tập ngoài thao trường, vừa về đến doanh trại thì tôi nhận được tin dữ: anh trai tôi hy sinh. Tôi thực sự đau đớn trước sự mất mát lớn này. Nhà có hai anh em đều tham gia quân đội. Giờ anh hi sinh, tôi lại chuẩn bị vào chiến trường, ở nhà còn lại mẹ già và người vợ trẻ. Anh em trong đơn vị hiểu được hoàn cảnh của tôi, hàng ngày luôn ở bên tôi động viên, giúp tôi bình tĩnh trở lại và xác định được tư tưởng quyết tâm rèn luyện cùng đồng đội lên đường vào Nam chiến đấu trả thù cho anh.

             Sau khi miền Nam giải phóng - thống nhất đất nước, tôi rời quân ngũ về địa phương công tác. Lúc này tôi mới có điều kiện nghĩ tới việc đi tìm kiếm nơi anh tôi hy sinh để mang hài cốt anh về theo ước nguyện của mẹ tôi trước lúc cụ lâm chung. Nhưng để tìm ra nơi anh tôi hy sinh chẳng dễ chút nào, vì giấy báo tử gửi về gia đình chỉ ghi vắn tắt: “Đinh Văn Thỏa, quê quán... hy sinh... ngày... tháng... năm... trên đường vào Trường Sơn”. Biết tìm đâu, hỏi ai? Tôi viết thư nhờ Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin “nhắn tìm đồng đội”; đài phát đi, phát lại nhiều lần nhưng không có hồi âm. Tôi nhờ các nhà ngoại cảm tìm giúp, nhưng họ cũng bất lực do không biết nơi anh tôi hy sinh nên không có cơ sở tìm kiếm. Mọi cố gắng của gia đình nhằm tìm kiếm hài cốt của anh tôi đi vào ngõ cụt khiến lòng tôi day dứt khôn nguôi. Ngày đi làm, tối về lại nằm vắt tay lên trán, suy nghĩ miên man. Một đêm tôi nằm mơ, có một người cao lớn vận quân phục bạc màu đi đến đầu giường tôi nằm, nói lớn: “Chú Thuận, đi cùng anh đến gặp anh trai chú, đưa anh về. Anh chú hiện ở một nơi xa xôi hẻo lánh và lạnh lẽo lắm”. Khi người cao lớn dứt lời, tôi hét lên: “Tìm thấy anh Thỏa rồi!” Cả nhà nghe tiếng la hét đều bật dậy, hỏi dồn dập: “Có chuyện gì vậy?” Tôi giật mình tỉnh giấc mới hay mình nằm mơ. Từ lúc đó tôi không sao ngủ được, ngồi hút thuốc lào hết điếu này đến điếu khác cho tới sáng. Ngày hôm ấy tôi không đến công sở, ở nhà làm mấy việc lặt vặt trong gia đình. Gần trưa, trời tháng Chạp se lạnh, trong lúc tôi đang chuẩn bị nấu ăn trưa thì có hai người đàn ông lớn tuổi, vận quân phục đã úa màu bước vào sân nhà, trên vai mỗi người khoác một túi hành lý nhỏ. Người đi đầu giống hệt người trong giấc mộng, giọng nói oang oang: “Xin lỗi, cho chúng tôi hỏi đây có phải là nhà ông Thỏa, Đinh Văn Thỏa không?” Từ ngày anh tôi hy sinh, hiếm có khách lạ tới hỏi. Giờ bỗng có người tới, hẳn đây là người mang tin tốt lành về anh mình - Tôi thầm nghĩ, lòng thấy xốn xang, vội mời hai ông khách vào nhà.

              Vừa bước chân vào nhà, nhìn thấy hình anh tôi trên bàn thờ, cả hai vội bỏ túi khoác xuống góc nhà, chạy tới trước bàn thờ, thắp nhang khấn vái trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Thỏa ơi! Lệ và Thành, đồng đội của Thỏa đây. Bao nhiêu năm tìm kiếm giờ mới biết được nhà Thỏa, báo tin cho gia đình biết nơi an nghỉ của bạn”.

             Trước cử chỉ và tình cảm của hai ông khách, tôi biết đích thực đây là hai người đồng đội của anh mình. Tôi vui mừng khôn xiết. Lúc này tôi liên tưởng đến giấc mơ đêm hôm là có thực, mặc dù xưa nay tôi không bao giờ tin vào giấc mơ.

             Hai ông khách tự giới thiệu là Nguyễn Hữu Lệ, nguyên tiểu đội trưởng C3, hiện cư trú ở 314 Hà Huy Tập, Yên Viên, Hà Nội và Tạ Việt Thành, nguyên cán bộ tiền trạm của đơn vị, hiện cũng sống ở Hà Nội. Sau bữa cơm trưa đạm bạc, tôi và hai ông ngồi trò chuyện suốt cả buổi. Bằng một giọng trầm đục, ông Lệ kể:
- Trung tuần tháng 10 năm 1967, đoàn xe bọc thép bánh lốp của C3 pháo binh thuộc Đoàn 559 do Đinh Văn Thỏa làm C trưởng nhận lệnh hành quân đi chi viện cho chiến trường C. Đoàn xe vừa hành quân tới xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình thì bị máy bay địch oanh tạc. Chiếc xe chỉ huy đi đầu trúng đạn, lao xuống vực. Đại đội trưởng Thỏa cùng với đồng chí y tá ngồi trên xe hy sinh. Cả đơn vị dừng lại mai táng đồng đội, bàn giao cho địa phương rồi mới hành quân tiếp. Sau ngày giải phóng, đại đội đã họp mặt và cử người về xã Liên Vũ để đưa hài cốt của hai đồng đội về nghĩa trang xã, báo tin cho thân nhân đồng chí y tá tới thăm viếng. Riêng trường hợp của Đinh Văn Thỏa là đại đội trưởng, hồ sơ lý lịch do Bộ Tư lệnh quản nên chúng tôi không tìm thấy địa chỉ, gia đình, quê quán để báo tin. Cả đại đội rất ân hận, nhất là năm anh em chúng tôi gồm có Nguyễn Hữu Lệ, Tạ Việt Thành, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Viết Hùng và Nguyễn Viết Tịnh. Tịnh nguyên là đại đội phó, người gần gũi, thân thiết với Thỏa. Năm nào anh em chúng tôi cũng họp bàn cách tìm cho ra địa chỉ của gia đình đại đội trưởng Thỏa. Tịnh, tôi và Thành chia nhau về các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình tìm kiếm. Đến tỉnh nào chúng tôi cũng tìm đến dòng họ Đinh nhờ kiếm xem có ai tên là Đinh Văn Thỏa. Chúng tôi còn đưa cả ảnh của Thỏa để cho họ nhận diện. Thế nhưng, tất cả đều không tìm ra tung tích, đến nơi nào cũng đều nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Xã chúng tôi, huyện chúng tôi, tỉnh chúng tôi không có ai tên Đinh Văn Thỏa”. Anh em chúng tôi còn nhờ cả Đài Truyền hình Việt Nam nhắn tin nhiều lần nhưng không có kết quả, có lẽ do hồi đó vùng nông thôn chưa có nhiều máy thu hình.

              Đồng đội nằm đó, đất nước hòa bình đã một phần tư thế kỷ mà gia đình, người thân không biết, khiến mỗi lần gặp mặt nhau anh em đồng đội chúng tôi rất đau lòng. Riêng phần tôi, sau những đợt tìm kiếm gia đình của Thỏa nhiều lần không có kết quả, vợ tôi giận dữ nói: “Anh là người dở hơi, nhọc công đi làm việc không đâu, có khác chi mò kim đáy bể”. Mặc cho vợ trách móc, không nản, tôi tâm nguyện chừng nào mình còn sống, còn sức khỏe, còn đi cho tới khi nào tìm được gia đình của Thỏa, đưa Thỏa về với gia đình mới yên lòng. Nhiều chuyến đi dài cả tuần lễ, tiền bạc mang theo hết, chúng tôi phải nhịn đói, xin xe quay trở về, nhưng chúng tôi vẫn không bỏ cuộc.

               Ngày 22/12/2002, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh em trong đại đội họp mặt ở nhà tôi, bỗng nhiên chúng tôi nhớ ra cô Đinh Thị Nụ ở Đồng Tâm, Nhân Huệ, huyện Chí Linh, Hải Dương - nơi đơn vị chúng tôi đóng quân nhiều năm. Cô Nụ ngày ấy là dân quân, có giọng hát hay. Nụ là người yêu của Thỏa chắc Nụ phải biết quê quán Thỏa. Cơm trưa xong, năm anh em chúng tôi lên xe đò về Hải Dương tìm Nụ. Xã Đồng Tâm nay thay đổi rất nhiều, con người cũng thay đổi. Khi chúng tôi hỏi thăm thì dân làng nói: “Đồng Tâm có tới ba cô Nụ. Các ông nói cô Nụ nào? Nụ đen, Nụ béo hay Nụ cao?” Chúng tôi tả hình dáng của chị Đinh Thị Nụ, người cao, gương mặt trái xoan, có giọng hát hay. Lúc đó người làng mới cho biết Đinh Thị Nụ hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Nhà ở cổng trường Đại học Ngoại ngữ. Chúng tôi lập tức quay về Hà Nội tìm gặp Nụ. Cô Nụ giờ đã lên bà, tóc có sợi bạc, gương mặt trái xoan xinh đẹp năm xưa nay đã xuất hiện nếp nhăn. Gặp lại chúng tôi Nụ khóc nức nở như trẻ con, anh em chúng tôi cũng cảm động ứa nước mắt. Nụ lấy tận đáy tủ tư trang của mình ra một cuốn sổ tay đã ố vàng, trong đó có ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ xóm, làng, xã của người yêu cũ. Biết được địa chỉ của gia đình Thỏa, chúng tôi vui mừng như bắt được vàng, vây quanh bên Nụ hò reo vang trời. Nỗ lực tìm kiếm của anh em suốt hơn 20 năm trời giờ cũng được đền đáp.
- Sau bao lâu thì hài cốt của ông Thỏa được mang về? - Tôi hỏi. Ông Thuận chế thêm nước sôi vào bình trà, rót cho tôi thêm một ly trà nóng rồi hào hứng kể tiếp:
- Ngay sáng hôm sau, gia đình tôi cùng với ông Lệ, ông Thành lên Hà Nội. Ông Lệ điện cho tất cả đồng đội trong đơn vị, có người quê ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh về họp mặt tại nhà ông Lệ và tổ chức một đoàn gồm hai chục người đi về xã Liên Vũ, Lạc Sơn, Hòa Bình đưa anh tôi về. Lễ tiễn đưa hài cốt anh tôi được Ban Thương binh - Xã hội huyện Lạc Sơn và cán bộ cùng đông đảo bà con xã Liên Vũ tổ chức rất trọng thể. Tìm được anh tôi, gia đình, họ hàng nội ngoại và bà con xóm làng rất cảm động. Lễ đưa anh tôi về nơi an nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ quê nhà được cử hành trang nghiêm, tôn kính. Hôm ấy, bà con trong làng vây quanh, các cựu chiến binh đại đội 3 bộ đội Trường Sơn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, các anh là những người có công lớn trong việc đưa liệt sĩ Đinh Văn Thỏa về với quê hương sau bao năm mòn mỏi kiếm tìm.

                Chia tay với gia đình ông Thuận, ra về dưới trời gió rét mà tôi cảm thấy ấm áp lạ thường, hình như câu chuyện về tình đồng đội sau chiến tranh của năm cựu chiến binh đã biến thành ngọn lửa sưởi ấm lòng tôi. Tôi thầm nghĩ: tình đồng chí, đồng đội của bộ đội Trường Sơn năm xưa sao mà đẹp và sáng trong nhường vậy.
 
Địa chỉ liên lạc:   
                      Nguyễn Xuân Tuynh
(06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang.DĐ: 0908.625.369)
tin tức liên quan