Cá trắng sông Thanh - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 07:40 29/08/2018 Lượt xem: 557
          CÁ TRẮNG SÔNG THANH
                                          Phạm Thành Long
 
     Sông Thanh bắt nguồn từ những dãy núi thượng nguồn Trường Sơn giữa hai nước Việt Lào. Nó đổ vào Việt Nam thuộc địa phận huyện Phước Sơn và huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. Chảy đến ngã ba Bến Giằng, sông Thanh hợp với sông Cái rồi đổ về sông Vu Gia để cùng lúc chảy ra cửa biển Hội An và cửa biển Đà Nẵng.
      Sông Thanh quanh năm nước trong xanh. Hai bên bờ sông Thanh là những cánh rừng cổ thụ và những bãi bồi xanh ngắt. Những vạt rừng bên bờ nam sông Thanh có rất nhiều khỉ. Người ta vẫn nhìn thấy từng đàn khỉ kéo ra bờ sông kiếm ăn.
      Tháng 5 năm 1973, Sư đoàn 471 chúng tôi về Nam Giang để mở lại con đường 13 cũ (sau này người ta đã đặt cho nó một cái tên mới: Đường 14B). Đường 13 được người Pháp mở ra từ đầu thế hai mươi, nhưng nhiều năm nay con đường này đã bị bỏ hoang. Cây cối, lau lách mọc kín mặt đường. Đường 13 bây giờ chỉ còn là một lối mòn mà đồng bào các dân tộc ở đây đi lại tạo thành. Chỉ chưa đầy hai mươi ngày, chúng tôi đã “đánh thức” con đường 13 ngủ quên suốt hơn 30 năm. Lòng đường được mở rộng để cho hai xe ô tô có thể tránh nhau.  
          Khi đến đây “đánh thức” con đường, chúng tôi lấy bờ sông Thanh làm “nhà”. Võng được mắc lên những cây xanh bên bãi đá ven sông. Bếp đun dã chiến là những tảng đá rất sẵn bên bờ sông. Còn nước sông Thanh trong vắt là “bể nước ăn” tuyệt vời. Rau rừng cũng rất sẵn ở hai bên bờ sông. Đấy là nguồn thức ăn tươi hàng ngày của chúng tôi. Tuy nhiên bữa ăn của chúng tôi rất thiếu đạm. Hàng ngày chúng tôi phải phát cây, san lấp hố bom, đào đất đá, dọn dẹp mặt đường với cường độ cao dưới cái nắng mùa hè như đổ lửa. Lại là “lính cậu” từ các cơ quan của Sư đoàn bộ nên nhiều đồng chí đã xuống sức rất nhanh. Đã có những ca mệt đầu tiên xuất hiện.
          Một hôm, sau bữa ăn chiều, anh Lã Đại Hải, trợ lý cán bộ sư đoàn đi dọc bờ sông Thanh quan sát. Chợt anh nhìn thấy một đàn cá đang cố bơi ngược vượt một thác đá nhỏ. Trở về, anh bàn với chúng tôi về việc bắt cá.
- Mình đã quan sát kỹ thì thấy rằng lũ cá ở đây thường bơi ngược dòng nước ở những chỗ thác đá nhỏ trên sông để kiếm ăn. Vì thế, nếu ta thả lưới nhất định chúng sẽ mắc lưới. Lã Đại Hải nêu ý kiến.
- Nhưng nước chảy khá mạnh. Chúng ta chăng lưới kiểu gì ? Chúng tôi hỏi lại.
- Cầm hai đầu lưới giăng ra hai bờ sông rồi thả cho lưới xuôi theo dòng nước.
- Nhưng lưới sẽ mắc vào đá. Như thế thì rách hết lưới còn gì. Tôi nêu thắc mắc.
- Sẽ bố trí mấy người bơi theo sau. Lưới mắc chỗ nào gỡ chỗ ấy. Tớ tin là sẽ có cá ăn. Anh Hải tin tưởng khẳng định.
Thế là một tay lưới được gửi mua gấp từ Thạnh Mỹ mang lên.
     Có lưới, chúng tôi chọn những người bơi giỏi, phân công ai vào việc nấy. Bốn
người gồm Nghiêm, Sơn, Công và anh Hải chia nhau ra bơi sau tấm lưới trôi trên sông. Còn tôi và Thắng được phân công mỗi đứa cầm một đầu lưới chạy dọc sông.
     Lúc đầu tôi và Thắng tưởng công việc ngon ăn. Nào ngờ, lưới bị sức chảy mạnh của nước kéo phăng chúng tôi đi. Hai đứa phải chạy qua những hòn đá sắc nhọn, lởm khởm dưới mặt nước hai bên bờ sông. Chân va vào đá xầy xước toé máu nhưng vẫn không dám rời tay lưới. Có tất cả bốn cái thác đá nhỏ trên đoạn sông này. Chúng tôi phải cho lưới quét qua. Lưới bị vướng vào đá là lúc khổ nhất. Mọi người phối hợp với nhau khá ăn ý nên lưới được gỡ ra nhanh chóng. Ở những thác đá khi lưới quét qua, có những chú cá nhảy lên khỏi mặt nước.
Ngay mẻ quét đầu tiên, đã có hơn hai mươi chú cá mắc lưới. Chúng tôi mừng muốn khóc. Thật không ngờ, thành quả lại mỹ mãn như thế! Gỡ từng con cá ra khỏi lưới, ai cũng thích thú. Mỗi chú cá phải nặng tới ba bốn lạng. Loại cá này lần đầu tiên tôi nhìn thấy chúng. Nó khá giống cá chép nhưng lại dài như cá trôi. Lưng đen hơn cá chép. Chúng tôi đặt cho nó một cái tên là “Cá trắng sông Thanh”. Tổ công tác của Phòng Chính trị chúng tôi với hơn mười người, thì số cá này kho lên ăn thoải mái cả ngày không hết.
     Từ đấy, chiều nào sau giờ mở đường, chúng tôi cũng chạy vài mẻ lưới để kiếm cá cho bữa ăn ngày hôm sau. Việc cầm hai đầu lưới là khổ nhất. Vì thế, chúng tôi cắt cử nhau lần lượt đứa nào cũng “vinh dự” được cầm đầu lưới một lần. Anh Hải nói vui rằng: “Hoa thơm mỗi người ngửi một tý”. Để chống chảy máu chân, hai người được phân công cầm hai đầu lưới chạy dọc sông được đi giầy. Nhưng rồi chúng tôi vẫn không tránh được những vết va đập vào đá khiến chân cẳng trầy xước chảy máu. Chúng tôi an ủi nhau: Để có bữa ăn tươi, đổ máu cũng đáng!
“Cá trắng sông Thanh” rất ngon nhưng nếu ăn mãi một món cũng chán. Chúng tôi đã chế biến ra nhiều món ăn khác nhau: Cá kho, cá rán, cá rán nấu với lá tai chua, cá kho với quả sung rừng... Có nguồn thực phẩm tươi sống từ sông Thanh cung cấp cho bữa ăn hàng ngày nên sức khoẻ của chúng tôi được nâng lên rõ rệt. Khi công việc mở con đường 13 hoàn thành thì tấm lưới của chúng tôi cũng rách nát gần hết mà những con cá trắng sông Thanh ở khúc sông này cũng ít dần.
      Sau này, chúng tôi được ăn nhiều loại hải sản quý từ nước ngọt và từ biển cả nhưng có lẽ những bữa ăn với “Cá trắng sông Thanh” ngày ấy vẫn là những bữa ăn ngon nhất.          

tin tức liên quan