30 năm tìm mộ anh trai,hồi ức của Lê Trung Khiên

Ngày đăng: 07:25 14/09/2018 Lượt xem: 708

Dự thi Hào khí Trường Sơn

                              30 NĂM TÌM MỘ ANH TRAI

 
 Trong cuộc chiến tranh biết bao người hy sinh, nhưng còn nhiều người đến nay  chưa tìm được mộ và nhiều người đã tìm được mộ nhưng chưa có tên. Câu chuyện  sau đây kể lại hành trình 30 năm  tìm mộ liệt sỹ anh trai là câu chuyện nhiều cảm xúc
                                                                       
                                                                       Hồi ức của Lê Trung Khiên
 
          Vào một đêm trực ban dịp tết Mậu Thân 1968, tôi nhận điện từ Trạm giao liên km 54 đường 20 Quyết Thắng: “anh trai vào chiến trường, đang nghỉ tại trạm, sáng mai hành quân sớm. Trong chiến tranh chuyện gặp nhau trên Trường Sơn hay ở chiến trường của anh em, bố con . . . cũng là bình thường. Một ngày sau đó tôi nhận được lá thư của anh trai do trạm giao liên  chuyển về, trong thư anh nói nhiều, nhưng tựu chung căn dặn tôi cố gằng công tác, anh em có thể sẽ lâu năm mới gặp lại, chăm viết thư về thăm hỏi bố mẹ và người thân trong gia đình. Trong bài thơ “ Hành quân trên Trường Sơn”, tôi đã viết: Trạm giao liên, anh nghỉ lại tạm thời/Đêm ngủ võng ngày mai hành quân tiếp…..
         
          Hai anh em  xa nhau đã 10 năm, anh đi thanh niên xung phong từ tháng 2 năm 1959 tại Đoàn 12B, công trường 24 tỉnh Phú Thọ, sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ chuyển ngành đi học rồi về công tác tại Chi cục Thống kê tỉnh Bắc Kạn, tháng 11/1967 nhập ngũ, tháng 1 năm 1968 đi B. Công việc ở binh trạm bộ 14 cuốn hút tôi không kể mùa khô hay mùa mưa, bom đạn ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn cho nên cũng ít có thư  về nhà. Những tháng đầu mùa khô năm 1972, trên tuyến đường 20 máy bay Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt, tôi nhận được tin anh trai hy sinh, biết tin đó, anh em trong binh trạm bộ đều chia buồn và động viên tôi cố gắng công tác. Tháng 1 năm 1973, sau hiệp định Pa Ri, miền Bắc không còn chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Binh trạm 14 chuyển từ vận tải sang nhiệm vụ xây dựng đường chiến lược. Tháng 7 năm 1974 được đơn vị cho nghỉ phép; trên chuyến tầu từ Vinh về Thanh Hóa, suốt đêm tôi không chợp mắt, phần nghĩ về anh trai, phần bồi hồi mong về gia đình gặp bố mẹ, người thân sau nhiều năm xa cách. Từ thị xã về quê hơn 50 km, không còn xe khách , nên tôi phải hành quân bộ, lúc đó đi bộ là chuyện bình thường, bởi lính Trường Sơn đã được rèn luyện trèo đèo, lội suối nhiều năm. Tôi về ai cũng mừng, mẹ tôi và chị gái khóc nhiều nhất về chuyện anh trai hy sinh, tôi xem giấy tờ báo tử của tỉnh đội Thanh Hóa ghi “ hy sinh tại mặt trận phía Nam tháng 6 năm 1970”. Thời gian trôi thật nhanh, hết phép, tôi trở lại đường 20, Binh trạm 14 tiếp tục công tác trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


 


Mộ liệt sỹ Lê Kim Tuấn tại nghĩa trang xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
 

             Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi vẫn ấp ủ và nuôi hy vọng sẽ tím được nơi anh trai hy sinh, đằng đẳng gần 30 năm, bằng mọi cách tôi tìm hiểu thông tin nơi anh  hy sinh, nhưng đều vô vọng. Qua một vài thông tin được biết anh chiến đấu ở chiến trường Nam Trung bộ. Vào cuối  năm 2001, tình cờ gia đình nhận được lá thư từ xã Thanh Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cho biết tin nơi anh trai hy sinh. Tôi bố trí đi Bắc Giang gặp người viết thư và tìm hiểu ngọn ngành, thực hư ra sao. Nghe câu chuyện ông kể đi tìm mộ em trai thật đáng khâm phục,  ông cho biết có tới 10 năm đi các tỉnh phía Nam, lặn lội ở  nhiều nghĩa trang lớn nhỏ nhưng không kết quả. Vào cuối năm 2000 như có điều gì mách bảo ông đến tỉnh đội Phú Yên và được Ban chính sách cho xem số ghi danh sách liệt sỹ hy sinh thuộc tỉnh đội quản lý. Ông lần dở từng trang và đã tìm được tên em trong cuốn “số lưu  liệt sỹ D9 tỉnh đội Phú Khánh, quân khu Năm…”, trong đó có 5 chiến sỹ quê miền Bắc cùng hy sinh trong một trận đánh ngày 10 tháng 6 năm 1970. Tháng 5 năm 2002 trong một chuyến công tác phía Nam, tôi đến nghĩa trang xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân tìm mộ; gần trưa trời nắng chói chang, tôi lần tìm gần 200 ngôi mộ nhưng hầu hết đều không có tên, vào làm việc với chính quyền xã được biết thêm thông tin trong trận đánh ngày 10/6/1970 nhiều chiến sỹ hy sinh, trong đó có 5 người quê miền Bắc được chôn cất gần bìa rừng. Sau ngày miền Nam giải phóng, đến năm 1978 địa phương đã cất bốc đưa về quy tập tại nghĩa trang xã nhưng cả 5 người không ai có tên, địa chỉ cụ thể. Tháng 11 năm 2005 tôi vào tỉnh đội Phú Yên, được xem số lưu danh sách liệt sỹ viết tay “ Tiểu đoàn 9 tỉnh đội Phú Khánh”, trong đó có tên liệt sỹ  Lê Kim Tuấn hy sinh ngày 10 tháng 6 năm 1970, tại thôn Phú Xuân, xã Xuân Phước, Huyện Đồng Xuân, mai táng tại chỗ. Những năm sau đó đã có lần xác minh mộ  theo phương pháp tâm linh, nhưng để đảm bảo chính xác tôi vẫn phải dựa vào xét nghiệm AND.

            Tháng 5 năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, được một người thân ở Cục người có công, Bộ Lao động thương binh xã hội giúp đỡ, tôi vào nghĩa trang lấy mẫu hài cốt liệt sỹ gửi về Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam phân tích gien. Ngày 24/7/2012 tại công văn số 537 của Viện Công nghệ xác nhận: “ DNA tách từ hài cốt liệt sỹ có liên quan huyết thống  theo dòng mẹ với DNA tách từ mẫu sinh phẩm của chị gái, anh trai và em trai liệt sỹ Lê Kim Tuấn”. Căn cứ vào kết quả giám định, Cục người có công Bộ Lao động thương binh và xã hội đã thông báo đến Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Phú Yên tiến hành việc gắn bia trên mộ liệt sỹ. Như vậy là sau 42 năm từ ngày hy sinh,  mộ của anh trai đã được ghi danh đầy đủ họ tên, địa chỉ. Năm 2012 nghĩa trang xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân được đầu tư xây dựng khang trang là công trình “ đền ơn đáp nghĩa” chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ. Hành trình 30 năm tìm mộ liệt sỹ từ sau ngày giải phóng miền Nam của tôi có nhiều may mắn và cũng thực hiện được lời ước nguyện  của bố mẹkhi qua đời. Chiến tranh đi qua đã hơn 40 năm, còn biết bao liệt sỹ chưa tìm được mộ và nhiều liệt sỹ đã có mộ nhưng chưa có tên. Chỉ riêng trên tuyến đường Trường Sơn đến nay cũng còn hàng nghìn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và tại nghĩa trang Trường Sơn hơn 10.000 nghìn ngôi mộ vẫn còn nhiều mộ chưa được ghi tên, địa chỉ.
 
          Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống mở đường Trường Sơn mỗi chúng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Câu chuyện kể trên đây cũng xem như một nghĩa cử  tri ân  và mong sao các liệt sỹ  đều được tìm thấy mộ và ghi thông tin đầy đủ.
 
  
                                                                   Lê Trung Khiên
                                                      Hội viên Hội VHNT Trường Sơn           
                                                      Hội Trường Sơn huyện Yên Định, Thanh Hóa
                                                      Địa chỉ: Khu 5, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, Thanh Hóa

                                                      Email: khuyenhocyd@gmail.com
                                                       Điện thoại: 0912 384 909
 
tin tức liên quan