" Đời thường của Đại tá Nhà báo, Nhà văn Đậu Kỷ Luật" - Tác giả Nguyễn Viết Lợi - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 08:17 15/09/2018 Lượt xem: 1.883
Dự thi Hào khí Trường Sơn


ĐỜI THƯỜNG CỦA ĐẠI TÁ NHÀ BÁO,
NHÀ VĂN ĐẬU KỶ LUẬT 


Nguyễn Viết Lợi  
    
                   
         Nhà báo, Nhà văn, Nhà nghiên cứu Dân tộc học Đậu Kỷ Luật là người anh đáng kính. Ai đã từng công tác, tiếp xúc, làm việc với anh, đều nghĩ: Anh là một tấm gương để chúng ta soi mình…

         I. ĐÔI ĐIỀU PHÁC HỌA: Nghe, đọc bài viết của anh đã nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời chiến, báo giấy thịnh hành bài của anh xuất hiện nhiều trên các mặt báo có sức hấp dẫn người đọc và tính chiến đấu cao như báo Quân đội nhân dân, báo Quân khu 4, báo Nghệ An, Tạp chí Văn nghệ Quân đội…
Với nhiều bút danh khác nhau. Tôi tò mò đọc, tò mò học và tò mò làm theo cách viết đầy mới mẻ của anh. Không biết từ lúc nào tôi cũng bắt chước lấy tên quê hương mình để đặt bút danh (Đậu Diễn Ngọc - của anh) thành (Nguyễn Nghĩa Đồng - của tôi) đầy luyến nhớ.
         Quê anh xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cái làng vạn đò quanh năm mặn mòi gió, cát. Nhưng con trai, con gái sinh ra nơi đây lại chối từ cái nắng cháy da, ngọn gió Lào hun nóng sạm người để có nước da trắng ngần, tươi tắn chứ không như vạn chài nơi khác. Giọng nói cũng rất chi là Hà Nội. Nhẹ nhàng mới nghe ta cứ ngỡ là người Bắc chứ ít nói “mô, tê, răng, rứa”...
         Tôi kháp mặt anh bởi một bạn viết Trường Sơn. Vì mến nhau qua câu chữ văn phong mà đại úy Nguyễn Văn Mão - nguyên Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Nghệ An đưa tôi đến nhà anh chơi, giới thiệu để anh em biết nhau. Anh Mão cũng không quên dặn tôi nhớ đưa tập thơ tặng Nhà văn và gia đình, bởi anh chị rất ham đọc.
         Đại tá Nhà báo, Nhà văn Đậu Kỷ Luật sinh năm 1935, nhập ngũ 1952 tiền thân quân tình nguyện Việt - Lào. Là phóng viên chiến trường anh lên công tác tại Tiểu đoàn Công binh 25A Quân khu 4 mở đường Trường Sơn.
         Nghe Bộ đội kể chuyện gặp “Ma rừng” anh tò mò tiếp cận thì ra đó là cô gái Lào Lùm bị bệnh hủi lở loét khắp người tên là Xao-Đi. Xao-Đi bị dân làng xa lánh đuổi ra khỏi Bản vì cho cô là ma rừng. Bố mẹ cô phải làm chòi trong rừng sâu cho cô ở, ngày ngày cô hái lượm hoa quả trong rừng để kiếm ăn.
         Đơn vị mở đường gặp thì cô chạy trốn. Nhờ bố mẹ Xao-Đi thuyết phục, Cán bộ dân vận của đơn vị tiếp xúc Xao-Đi được Bộ đội đưa về nuôi, chữa bệnh, chăm sóc. Hơn 6 tháng ròng Xao-Đi khỏi bệnh. Sau này cô trở thành Cán bộ dân vận của nước bạn Lào. Câu chuyện được nhà báo Đậu Kỷ Luật thể hiện dưới ngòi bút sinh động của anh và chuyện đã đoạt giải thưởng xứng đáng.
         Anh đi rộng, viết nhiều nên còn có bút danh Lào: Thoong - Xa - Vắt. Lăn lộn chiến đấu, ăn ở dân vận nhiều năm nên anh rất am hiểu phong tục tập quán, văn hóa vùng miền của các dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn - Tiểu vùng văn hóa khu tư cũ. Công tác tại báo Quân khu 4 với anh cùng thời có các Nhà báo nổi danh: Phan Xuyến - Thanh Đồng, Đào Thắng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Xuân Diệu, nhạc sỹ Văn Đờn.v.v…
         Không là lính Trường Sơn một ngày nào nhưng anh tình sâu nghĩa nặng với Bộ đội Trường Sơn đến cháy lòng. Anh lo việc Hội cứ như việc của nhà mình, anh chia sẻ: Trường Sơn là thỏi nam châm đối với đời viết báo, viết văn của tôi. Anh dừng hết mọi việc để: “ưu tiên vì Trường Sơn” và tập sách mà chúng tôi đang làm.
         Tính cách anh nhỏ nhẹ, cẩn thận. Thường dặn dò riêng cho từng người làm nghề viết lách. Sửa cho anh em từng câu, từng chữ, từng cái tít nếu thấy chưa ưng. Tôi nhớ mãi cái dấu phẩy trong bút ký: “Keng Đu - cổng trời hai phía”. Khi viết về người Mông, tôi hạ bút viết Hơ-Mông, anh sửa đúng cho tôi H’Mông (Hát phẩy trên). Cho nên nghề viết lách không dễ, vừa viết vừa nghiên cứu là vậy.
         Anh viết báo đã rất lâu, từng là Phóng viên mặt trận trên các chiến trường C, B, A lũy thép Vĩnh Linh thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
         Ngày đang trong hậu cứ ở nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh Quảng Trị, đơn vị học chính trị để chuẩn bị nhập tuyến tình cờ vớ được tờ báo Quân đội nhân dân. Tôi đã đọc bài viết của anh ở một Binh trạm rồi nhớ mãi vì anh là đồng hương lại có cái tên rất quân sự.
         Năm tháng qua đi, màu cỏ của thời gian phủ xanh quá khứ. Những người lính cầm súng đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trở về xây dựng quê hương, lại tay cày tay cuốc. Nhưng với những người lính Văn nghệ như chúng tôi vẫn gặp nhau trên văn đàn, mặt báo. Tôi gặp lại anh Luật trên: “Trường Sơn ngày ấy bây giờ” của ban biên tập có các anh Đại tá Nguyễn Khắc Tuyên, Trung úy Nguyễn Phương Thoan, Đại úy Nguyễn Văn Mão, Đại tá nhà văn Thanh Đồng…
         Sự đời đưa đẩy tôi phục viên về làm bảo vệ báo Nghệ An trụ sở đóng ở 27 đường Quang Trung, thành phố Vinh. Sau chuyển xuống số 3 Đại lộ Lê Nin phường Hưng Phúc.
         Trực ở đây tôi gặp lại, quen biết nhiều Nhà văn, Nhà báo, Nhà thơ nổi tiếng. “Ngứa nghề” tôi lại sách bút viết nên những xúc cảm của mình gửi các báo, đài và ra được tập thơ đầu tay “Lục bát làng” tặng bạn bè. Tự dưng cái phòng Bảo vệ của tôi thành nơi ghé chân, rẽ bước của văn nghệ sỹ. Vì họ biết tôi liều dám “múa rìu trước mắt thợ” để ra một sản phẩm văn chương có tiếng vang thời bấy giờ. Mà Đại tá, Nhà văn Đậu Kỷ Luật là một trong những số bạn bè anh em rất thích đọc.
         Tôi rụt rè tặng anh tập thơ đầu tay ấy và chỉ mong anh nhận, anh cầm cho là vui, ai ngờ sáng hôm sau anh đã điện thoại từ rất sớm chúc mừng.
         - “Lợi ơi ! thơ chú mi anh đọc một lèo hết cả quyển, chú viết tốt đó. Rồi anh trao cho vợ con đọc, thơ chú đứa mô cũng thích đọc”.
         Được anh khen phong cách viết của tôi man mát, bồng bềnh đọc cuốn hút làm tôi thích lắm. Ngồi cùng anh trên chiếc xích đu sau vườn anh dặn tôi:
         - Mình là người trong cuộc phải viết, viết trả nợ cuộc chiến, trả nợ đồng đội, trả nợ lịch sử. Thích cứ viết, viết cho mai sau cho con cháu sau này hiểu về cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của thế hệ chúng ta. Viết cho Trường Sơn nhiều nữa Lợi ạ. Anh tin vào bút lực của chú. Anh chân tình, thành thật động viên tôi như vậy!
         Anh Luật là những người đồng sáng lập ra tập sách nhiều kỳ: “Trường Sơn ngày ấy bây giờ”, trong mạch nguồn viết về người lính đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn anh hùng của tỉnh hội Trường Sơn Nghệ An. Và tình nghĩa keo sơn của hai dân tộc Việt - Lào: “Có dãy Trường Sơn là có tình nghĩa Việt - Lào”. Như quan niệm thân thiện của các bộ tộc Lào sống trên dãy Trường Sơn hùng vỹ.
         Năm kỉa năm kia bị bệnh nặng tưởng không qua khỏi cái hạn 79. Nhưng rồi ơn trời anh vượt qua cửa ải Vũ Môn cuối cùng của đời người ấy để mỉm cười với cái tuổi hạc của mình ở người thượng thượng thọ.
        Khỏe trong người, anh lại cầm bút, lại đọc. Cứ tưởng rồi tuổi cao sức yếu, năng lượng cạn. Nhưng anh không thế ! Càng viết càng sung và có nhiều phát hiện mới. Cái kho tư liệu sống về chiến tranh nhân dân. Kỷ niệm và ký ức người lính được anh trao truyền cho lớp trẻ, kinh nghiệm khai thác, viết văn làm báo. Làm việc với anh thật thú vị. Vì nghe anh nói, anh kể thật hay nhiều câu chuyện sinh động nghe mà rơi nước mắt. Như chuyện anh giúp đỡ Vương Đình Nhỏ, Lại Đăng Thiện. Chuyện Xao-Đi…Được anh quan tâm sẻ chia, cung cấp thông tin bằng văn bản, đọc đỏ con mắt mới luận ra được nội dung. Vì mắt anh cận thị nặng mà chữ thì xấu hủm như anh thường vui vẻ thừa nhận.
         Anh hiền lành rủ rỉ rù rì, nhưng đã làm việc anh cháy hết mình như ngọn nến đỏ lung linh, đúng tác phong quân sự của người lính. Xứng đáng với tên anh để những cây viết trẻ chúng tôi học tập.

         II. VỸ THANH: Nghỉ hưu năm 1996. Ở cái tuổi 62, anh được mời tham gia công tác hội CCB tỉnh nhà - phụ trách ban tuyên huấn kiêm chủ bút tờ CCB Nghệ An 12 năm liền. Cá gặp nước, anh lại đi và viết nhiều, tìm hiểu nhiều, cần cù gom nhặt những mảnh ghép có giá trị và chứng tích thời gian của cuộc chiến tranh vệ quốc vỹ đại. Đi xuống cơ sở gặp các già làng, già bản nắm bắt thông tin, tìm hiểu phong tục tập quán, đưa tin chính xác về công tác hội. Đồng thời hòa nhập với dân để phát hiện nghiên cứu các di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Gửi các tạp chí chuyên nghiên cứu về phong tục tập quán của 54 dân tộc. Một mình vừa chém vừa vác - vừa “cài cắm” cộng tác viên ở cơ sở viết bài, vừa biên tập, in ấn. Giai đoạn này anh được tặng hai giải thưởng về Văn học nghệ thuật.
         Anh đi sâu nghiên cứu văn hóa các tộc người, quan sát kỹ viết chi tiết về họ. Đến cái  “que đuổi lợn” anh cũng đưa vào sách được thì thật tinh tế, tài tình. “Văn hóa luật Mường” là đề tài anh viết cho Cán bộ dân vận, nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn.
          Ở tuổi 84 - như chuối chín cây. Anh không ngưng nghỉ nghiệp viết mà lại viết, đều tay các tập truyện: “Hồn của lúa”, “Con người đạo học và khoa học”, “Suối thì thầm”, “Một số nét về tộc người ở Nghệ An”…
          Những đứa con tinh thần được anh chăm bẵm và lần lượt ra đời ở cái tuổi nghỉ hưu. Sắp tới tập sách: “Cồng Chiêng Việt - Mường” tập sách nghiên cứu các nhạc cụ tâm linh sẽ ra đời.
         Anh có người bạn đời đảm đang. Chị Luận - vợ anh thường cùng chung suy nghĩ với chồng. Nên góp tay thu vén, sắp xếp mọi thứ trong nhà và nơi anh làm việc thật ưa nhìn, thuận tiện. Thư viện gia đình được đặt ở tầng 2 đủ các thể loại sách báo, tài liệu nghiên cứu. Nơi bàn viết, chị chăm lo cho anh từng cây bút, tờ giấy, chị căn cơ xếp gọn những tờ lịch đã qua ngày để đầu bàn, đầu giường nằm. Khi anh thăng hoa cảm xúc thì có thể vớ bút giấy để ghi chép ngay kẻo quên. Nghỉ hưu cũng đã lâu nhưng chị còn dẻo dai, khéo tay và “khéo” …gái. Chỉnh chu trong công việc nội trợ, lo cho chồng từ mớ rau sạch đến con cá trích nướng anh ưa ăn…
         Chiếc xích đu nơi anh thư giãn. Nhìn ra khoảng trời thành phố bị cái chung cư cao tầng mới mọc, thả bóng trùm lên ngôi nhà anh chị nằm sâu trong hẻm. Vẫn còn khoảng trời riêng cho anh thả sức sáng tạo. Cây lộc vừng còn ít tuổi trùm mát những bông hoa ly ti vương trên mái tóc hai màu - Anh đã già.?!?!
         Chẳng còn mấy nữa là ngày  hội “Vui mở đường” - kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh diễn ra. Cũng chắc chi còn quỹ thời gian để anh em văn nghệ Trường Sơn hội ngộ 70 năm.
         Xin chúc cho “Trường Sơn ngày ấy bây giờ” tập tiếp theo trẻ trung đầy phát hiện. Kính chúc Thủ trưởng - người anh đánh kính - Nhà văn, Nhà báo lão thành lời chúc vọng bách tuế - thấy mình trăm tuổi. Chúc văn nghệ sỹ Trường Sơn Nghệ An mãi mãi xứng danh Anh Hùng tuyến lửa “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”.
         Viết tiếp những bản hùng ca mới, những tác phẩm mà họ còn nợ Trường Sơn. Những mạch nguồn bất hủ của các tác phẩm Văn học Nghệ thuật để đời như “Tiểu đội xe không kính”; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”…mà hào khí Trường Sơn ghi khắc./.
 
Họ tên: Nguyễn Viết Lợi
Bút danh:  Hà Sơn Tuyền
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐC: Số 99, ngõ 6A, Đ. Nguyễn Cảnh Chân
P. Quang Trung, TP. Vinh, Nghệ An
ĐT:  01668 851502

tin tức liên quan