Từ giúp việc thành ông chủ nổi tiếng bên Pháp.

Ngày đăng: 07:29 25/06/2017 Lượt xem: 461

Từ giúp việc đến ông chủ nổi tiếng bên Pháp

Nhiếp ảnh - công nghệ do người phương Tây phát minh lại trở thành nghề truyền thống của một làng quê nhỏ ở Đồng bằng Bắc bộ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Đó là làng Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Chạy xe 15 km từ trung tâm Hà Nội về làng Lai Xá, tôi gặp ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1948), Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh - Hà Nội. Tại đây, câu chuyện về ông Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá được ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Từ người giúp việc trở thành ông Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuổi trẻ ông đi bộ đội, không làm nghề chụp ảnh nhưng sớm được cha và ông nội mình, vốn là thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, truyền đam mê.

Hà Nội xưa, nhiếp ảnh, làng Lai Xá
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh 
Nguyễn Đình Khánh, Hà Nội. Ảnh: Diệu Bình

Nhưng mãi đến năm 2000, khi ông về hưu, niềm đam mê đó mới có cơ hội thành hiện thực. Ông cùng các nghệ nhân trong làng thành lập CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh và xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh làng Lai Xá.

Ông Thắng kể: “Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá có tuổi đời hơn 125 năm. Ông Tổ nghề là cụ Nguyễn Đình Khánh (SN 1874)".

Năm 1890, tròn 16 tuổi, cụ Khánh được người thân giới thiệu đi giúp việc cho hiệu ảnh Du Chương của người Trung Quốc ở phố Hàng Bồ, Hà Nội.

Với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, 2 năm sau, cụ Khánh có thể chụp ảnh và làm các công tác hậu kỳ nghề ảnh một cách thành thạo.

Vì thế cụ đã tách ra, tự mở một hiệu ảnh mang tên Khánh Ký trên phố Hàng Da, Hà Nội. Chỉ trong thời gian ngắn, hiệu ảnh này nổi tiếng khắp đất Kinh Kỳ ngày đó".

Hà Nội xưa, nhiếp ảnh, làng Lai Xá
Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh chụp cùng các thợ ảnh 
của tiệm ảnh Khánh Ký (cụ Khánh Ký đứng ở giữa, trên bậc tâm cấp). Ảnh: Ông Nguyễn Văn Thắng cung cấp

Tiệm ảnh Khánh Ký chuyên về chụp ảnh chân dung. Để phục vụ công việc, ông chủ Khánh đã đưa người làng Lai Xá ra làm cho mình và truyền nghề cho họ, trong đó có ông nội của ông Thắng. 

Theo tài liệu lưu tại Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, năm 1911, cụ Nguyễn Đình Khánh sang Pháp. Tại đây, để duy trì cuộc sống, năm 1912, cụ mở hiệu ảnh ở Toulouse cạnh tranh với các tiệm chụp ảnh bản địa.

Nhờ tài năng và sự nhanh nhạy trong kinh doanh nên chỉ sau một thời gian ngắn cửa hiệu này làm ăn phát đạt.

Năm 1913, khi Raymond Poicare trúng cử Tổng thống Pháp, tại lễ nhậm chức, có hàng trăm tay máy chụp, nhưng cụ Khánh Ký đã chụp được một bức ảnh đẹp nhất, được tờ báo Ilustration chọn đưa lên trang bìa. Nhờ đó, cụ Khánh Ký càng nổi tiếng, lượng khách đến cửa hiệu của cụ ngày một đông.

11 năm tha hương nơi xứ người, vào tháng 7/1921, cụ Khánh Ký về Việt Nam trên chiếc tàu thủy mang tên Amral Nielly. 

Chuyến đi này cụ Khánh còn mang theo 400 kg vật liệu về ảnh. Có kinh nghiệm cộng với tiềm lực kinh tế dồi dào từ các tiệm ảnh bên Pháp, cụ tiếp tục mở các tiệm ảnh ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…

 

Năm 1934, cụ Khánh Ký trở lại Pháp, tiếp tục kinh doanh nghề ảnh. Lúc sự nghiệp còn đang dang dở thì cụ Khánh mang trọng bệnh rồi mất ở Paris vào ngày 31/5/1946, thọ 72 tuổi. 

Công nghệ chụp ảnh cổ xưa

Ông Thắng chia sẻ, nhờ cụ Khánh Ký đưa người làng Lai Xá ra học việc, dần dần những thợ chính cũng nối gót cụ, đi khắp các tỉnh thành trong cả nước mở tiệm ảnh. Thậm chí họ còn sang cả nước ngoài mở tiệm và làm ăn khấm khá.

Do nắm bắt bí quyết nghề và biết sở hữu kỹ thuật chụp ảnh điêu luyện, các tay máy làng Lai Xá có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. 

Ông Thắng cho biết thêm: "Những năm đầu thế kỷ 20, thợ ảnh Lai Xá đều dùng các máy ảnh gỗ chụp bằng phim kính của hãng Lumière nhập từ Pháp. Phim kính có kích cỡ từ 4x6  đến 18x24. Khách muốn cỡ nào thì thợ dùng cỡ đó".

Theo đó, khi chụp ảnh, người thợ phải chui vào chiếc khăn phủ màu đen phủ trên máy ảnh, căn chỉnh các góc độ, ánh sáng, tư thế và khung hình cho khách. Thợ ảnh sẽ kéo tấm chắn trước ống kính rồi đóng lại ngay.

Những tấm phim kính được quét một lớp thuốc bắt sáng trên một mặt. Tráng phim kính trong buồng tối phải soi đèn. Nếu là phim kính nhạy sáng thì thợ sẽ dùng đèn đỏ, nếu là phim có độ nhạy chậm thì soi đèn xanh để soi xem hình đã hiện đủ chưa trước khi đưa miếng kính vào thuốc hãm.

Sau khi cho vào thuốc hãm, soi phim (chỉnh sửa dưới máy soi lần đầu)... thì ảnh được đưa ra ngoài buồng sáng. Lúc này thợ ngoài buồng sáng sẽ dùng bút lông để chấm sửa những khiếm khuyết trên bức ảnh và trả khách. 

"Thời đó, chưa có công nghệ ảnh màu, ai muốn làm ảnh màu thì thợ ngoài buồng sáng sẽ dùng bút lông, chấm vào nước sau đó chấm vào màu giấy (Tờ giấy nhuộm màu) và tô lên ảnh", Ông Thắng nói.

Hà Nội xưa, nhiếp ảnh, làng Lai Xá
Một bức chân dung chấm sửa màu của thợ ảnh làng Lai Xá.Ảnh: NVCC

Theo ông Thắng, quan trọng nhất trong việc tô màu ảnh này là dùng nước bọt làm chất kết dính. Bất cứ ai làm thợ chấm màu đều biết, sau khi chấm bút vào nước, người thợ sẽ cho đầu bút lông vào miệng. 

Thao tác này vừa giúp đầu bút lông tròn hơn mà chính nước bọt cũng là chất kết dính rất tốt, giúp màu giấy bền và khó trôi hơn.

Hà Nội xưa, nhiếp ảnh, làng Lai Xá
Dụng cụ bút lông, màu giấy để chấm sửa màu ảnh
 của nghệ nhân Lai Xá. Ảnh: Diệu Bình

Những người làm thợ ngoài buồng sáng đều có năng khiếu về hội họa, hình khối mặc dù họ chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nào.

Trước đây, chủ yếu thợ chụp trong các studio, vì chụp ảnh ngoài trời thường rất ít. Người ta  tạo ra nhiều loại phông để thỏa mãn thị hiếu và sở thích của khách. 

Cuộc sống hiện đại, máy ảnh phim nhựa rồi đến thế hệ máy ảnh kỹ thuật số dần dần thay thế. Công nghệ làm ảnh cổ xưa của làng Lai Xá giờ chỉ còn lại trong kí ức của những nghệ nhân cao tuổi. 

Chiếc máy ảnh gỗ nằm lặng im trong Bảo tàng nhiếp ảnh của làng Lai Xá như minh chứng cho sức sống bền bỉ của làng nghề truyền thống này, cũng như ghi dấu ấn lịch sử cho quá trình hình thành và phát triển của nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam.

tin tức liên quan