Dám nghĩ, dám làm, Dự thi Hào khí Trường Sơn của Nguyễn Đại Duẩn

Ngày đăng: 02:11 26/11/2018 Lượt xem: 657

Bài dự thi: HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN

 

                                                         DÁM NGHĨ DÁM LÀM        
                                        

                                                            Ghi chép của Nguyễn Đại Duẩn

 

 Tôi đi theo đoàn công tác của Hội TTTS, Hội Cựu TNXP huyện về cơ sở để tham quan mô hình làm kinh tế của hội viên.

Đi trong đoàn có anh Nguyễn  Quang Trung, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện; anh Đặng Quốc Trị, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện; chị Đỗ Thị Nhỏ, BLL TS - phụ trách Công tác nữ TS xã Vĩnh Ninh; anh Phan Xuân Hát CCB, Thường trực Hội Cựu TNXP xã Vĩnh Ninh. Anh Nguyễn Quang Trung cho biết: “ Hội Cựu TNXP huyện phối hợp với BLL TS thường xuyên về cơ sở, thăm hỏi hội viên khó khăn, động viên hội viên gặp hoạn nạn, tìm hiểu mô hình làm kinh tế giỏi để nhân điển hình cho các hội viên học tập, khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên. Đồng thời nắm bắt công tác xây dựng Hội cơ sở, nhằm có kế hoạch tổ chức các hoạt động đem đến niềm vui cho hội viên trong cuộc sống, tin tưởng hơn đến tương lai của đất nước”.

          Được chị Đỗ Thị Nhỏ, phụ trách Công tác nữ TS xã giới thiệu chúng tôi tìm đến gia đình anh Đỗ Văn Chúc và vợ là chị Đỗ Thị Cúc,  hội viên Hội CCB,  Hội TTTS, Hội Cựu TNXP xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

          Con đường bê tông ngoằn ngoèo dọc bờ tre, ruộng lúa dẫn chúng tôi đến nhà anh Chúc. Ngôi nhà cấp 4 hiện dần sau vườn cây ăn quả xanh tốt.

          Gặp chúng tôi, anh chị mừng vui niềm nở đón tiếp. Chưa kịp cho chúng tôi nghỉ anh đã dẫn chúng tôi ra xem vườn ổi nhà anh. Vườn ổi đang độ ra quả, quả to bằng trứng gà được anh bọc trong bao ni long PE để chống rầy, con ong vàng thui quả. Chúng tôi đi quanh một vòng , đếm mỏi cả mồm mà chưa hết số cây ổi của anh. Anh cho biết, hiện tại vườn ổi nhà anh khoảng gần hai sào, trên 200 cây. Nếu thời tiết không lụt bão như năm nay thì thu hoạch vụ này trên tấn quả, ít cũng được 10  triệu. Rồi anh đưa chúng tôi đi thăm xưởng may của gia đình anh. Chúng tôi à lên ngạc nhiên. Giữa vùng đất nông thôn đầy đá sỏi này lại mọc lên một xưởng may. Tiếng máy nghe rào rào êm tai. Xưởng may của anh rộng chừng 200m2  nằm khuất sau vườn ổi. Thoáng qua, xưởng đang còn mới. Khoảng độ 50 nhân viên đang say sưa làm việc. Trong xưởng đầy đủ tiện nghi như quạt gió, điện sáng, nước uống. Chúng tôi được anh đưa đi tham quan xưởng, đi đến đâu anh giới thiệu sản phẩm cho chúng tôi đén đó.

          Sau khi tham quan một hồi, tất cả chúng tôi quây quần bên chiếc bàn cắt may nghe anh kể chuyện. Anh là Đỗ Văn Chúc năm nay 61 tuổi, là CCB, Phó trưởng thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu tại chiến trường  Campuchia, thuộc đơn vị C11- D6 - E 95 - F325. Tại mặt trận Campuchia, anh tham gia nhiều trận đánh, trận nào cũng giành thắng lợi. Nhưng trận đánh tại Tà Keo đã để lại nhiều kỉ niệm. Đó là một trận đánh hết sức khốc liệt với quân Pôn Pốt. Lực lượng tàn quân của địch dồn về co cụm lại bất ngờ phản công quân ta. Trận đánh kéo dài suốt từ sáng đến tối. Quân ta, quân địch thương vong nhiều. Địch với lực lượng đông hơn ta gấp bội. Ta bị chúng bao vây không có lối thoát, đi đường nào cũng gặp địch. Đơn vị anh được lệnh mở đường máu để thoát ra ngoài xin lực lượng chi viện. Bằng lòng quyết tâm, dũng cảm, bộ đội ta đã mở được vòng vây. Lực lượng chi viện cũng đến kịp thời. Trận đánh kết thúc trong niềm vui thắng lợi. Nhưng, trận ấy anh bị thương nặng. Anh được đưa về điều trị tại Bệnh viện 121(Cần Thơ).  Năm 1979, sau khi vết thương hồi phục anh lại tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc. Năm 1983, anh xuất ngũ về  quê

hưởng chế độ thương binh 4/4. Năm 1984, anh xây dựng gia đình với chị Đỗ Thị Cúc. Chị Cúc năm nay cũng đã 59 tuổi, là hội viên Hội Cựu TNXP. Chị cho biết, năm 1979 -  1980 chị tham gia TNXP thuộc C34, Sư đoàn thủy lợi Lệ Ninh, xây dựng công trình Nam Thạch Hãn( Quảng Trị) .

Anh chị xây dựng gia đình trong hoàn cảnh đất nước hàn gắn vết thương chiến tranh, đi từ hai bàn tay trắng nên cuộc sống cơ cực, thiếu thốn. Nhất là sau khi sinh đứa con thứ ba thì cuộc sống càng khó khăn hơn. Quê anh thuộc vùng đồi sỏi đá khô cằn. Hồi đó, đồng ruộng luôn thiếu nước nên thường xuyên mất mùa. Người dân quê anh được cấp vườn đồi trồng keo, tràm nên cũng có thu nhập. Anh do sức khỏe yếu, lúc trái gió trở trời vết thương nhức nhối, vợ nuôi con nhỏ nên cũng chẳng làm được gì. Anh cùng vợ bàn bạc quyên góp vốn đầu tư chăn nuôi gà thịt. Do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn nên gà chậm lớn, thu nhập cũng không khá lên mấy. Vườn rộng, anh chuyển sang trồng rau, nhưng vùng nông thôn trồng rau không có đầu ra nên nhiều khi bán ế, rau hư hỏng cũng không bán được. Đưa về thị xã bán thì không có phương tiện, vận chuyển chẳng được bao nhiêu. Nhiều khi anh thấy nản. Nhưng cuộc sống ngày một đổi thay, nhu cầu sinh hoạt, chi tiêu học hành con cái ngày càng cao nên đời sống gia đình anh chị ngày càng khó khăn. Nhất là những lúc vết thương tái phát, đi nằm bệnh viện mọi chi phí cần thiết phải tiêu tốn nhiều. Nhưng với nghị lực của người lính, anh đi hỏi hỏi kinh nghiệm trồng ổi tăng sản. Vườn rộng, anh trồng ổi hết. Với vốn kiến thức học hỏi được và kinh nghiệm qua hằng năm vườn ổi anh cho nhiều quả, thu nhập khá. Rồi các con của gia đình anh cũng lớn lên, đi học đại học, học nghề thu nhập của gia đình anh cũng đủ trang trải cho con theo học. Cái nghèo, cái khó cứ bám dai dẳng  gia đình anh chị.

          Đầu năm 2017, con trai anh chị ra trường. Xin việc làm cho con theo đúng ngành học hiện tại quá khó. Anh nghĩ: “phải có cuộc “cách mạng” bứt phá mới thoát nghèo được. Nhiều người làm được, mình cũng làm được không thể buông xuôi”. Nghĩ là làm, anh bàn bạc với vợ con đầu tư vốn, vay ngân hang, mượn anh em đồng đội để mở tiệm may. Lúc đầu, vợ anh can ngăn cho là mạo hiểm vì ở chốn thành thị nghề may còn có “đường sống” chứ ở nông thôn người ta bươn chải kiếm kế sinh nhai đang khó, ai nghĩ đến chuyện ăn mặc đẹp, kiểu mốt. Nhưng anh không nản lòng. Anh tìm hiểu về nghề may, thị trường, thăm dò ý kiến bạn bè và cho con đi học nghề may. “Doanh nghiệp may mặc Trung Hiếu” được thành lập. Anh cho biết, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy trên 500 triệu, chủ yếu vay Ngân hàng. Lúc đầu Xưởng may mới thành lập, chưa có đầu ra, chưa định hướng được sản phẩm nên thu nhập bấp bênh. Anh cho con đi học hỏi kinh nghiệm nhà may lớn, đi tìm đầu ra sản phẩm. Thế rồi “ông trời” không phụ lòng anh. Anh đã tìm được mối hàng, tìm được thị trường đầu ra. Doanh nhiệp của gia đình anh may hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Có được đầu ra cho sản phẩm, tiền thu lợi nhanh, anh tăng thêm đầu máy, tuyển thêm công nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, anh có khoảng 40 đầu máy khâu. Công nhân Doanh nghiệp của anh phần lớn là con em đồng đội, gia đình hoàn cảnh khó khăn anh cho đi học nghề may, học kĩ thuật đóng gói bao bì, nhãn mác rồi nhận vào làm.  Doanh nghiệp anh làm ăn có uy tín, chất lượng nên mới chỉ gần hai năm thành lập mà đã có mấy đơn đặt hàng. Hàng may mặc của gia đình anh chủ yếu xuất khẩu nước ngoài nên thu nhập hằng năm cũng vài tỉ đồng,  trả đủ nợ cho Ngân hàng, tạo điều kiện làm ăn cho gần 50 công nhân.. Bình quân lương 6 triệu đồng/ người/ tháng. 

          Nghe anh kể chuyện chúng tôi mừng vui cho những thắng lợi bước đầu suôn sẻ của gia đình anh. Anh Trung cứ nhắc đi nhắc lại câu nói: “ thật là một CCB, một thương binh dám nghĩ, dám làm”. Chúng tôi chia tay gia đình anh trong se se của cái lạnh đầu mùa, nhưng trong lòng ai cũng ấm áp bởi xung quanh chúng ta, những người lính trở về đã vượt qua muôn vàn khó khăn để quyết tâm xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu’

 Tấm gương của gia đình anh Đỗ Văn Chúc và chị Đỗ Thị Cúc là tấm gương có ý chí, luôn giữ vững phẩm chất của CCB, Cựu TNXP vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính sức lực của mình, là một tấm gương cho chúng ta học tập và làm theo.

 

Bài và ảnh:Nguyễn Đại Duẫn

CTV Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn

                              TK 5, Thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình


 


Vợ chồng anh Chúc bên vườn ổi


Xưởng may




Vườn ổi


Anh Chúc đi kiểm tra sản phẩm












 

 

tin tức liên quan