Chuyện của Lê Văn Nam và những kỷ niệm với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, dự thi Hào khí Trường Sơn của Xuân Bách
CHUYỆN CỦA LÊ VĂN NAM VÀ NHỮNG KỶ NIỆM VỚI TƯ LỆNH ĐỒNG SỸ NGUYÊN
Xuân Bách
Tên khai sinh của anh là Lê Văn Nam, nhưng từ khi có bài hát "Lê Anh Nuôi" ra đời, phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, với tên họ, công việc, ca từ trong bài hát cũng na ná với đời lính, tính cách vui tính của anh, nên sau đó, đi đâu, gặp ai, người ta cũng gọi anh là Lê Anh Nuôi. Cho đến bây giờ gặp lại đồng đội xưa ai cũng chào một cách thân thương: Ôi! Chào đồng chí Lê Anh Nuôi.
Quê anh ở xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê đất cát bạc màu. Tuổi thơ của anh Lê Văn Nam nhà nghèo, nhưng có tài bắt cá, bắn chim. Chỉ cần chiếc nõ cao su trong tay trưa nào anh cũng đem về vài ba con chim quốc, chim cu. Dân làng xóm Thanh ai cũng bảo: "Thằng Nam lớn lên cho đi đánh Mỹ sẽ sớm trở thành Dũng sỹ".
Năm 1964 đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc, vừa học xong lớp 10 phổ thông, lớp lớp thanh niên trong làng xung phong ra trận, anh Lê Văn Nam cũng viết đơn tình nguyện, nhưng thật là buồn, mỗi lần gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, lần nào cũng rơi, bởi anh chỉ cao 1,45 m, cân nặng 45kg. Rất may tháng 4/1965, Trung ương Đoàn phát động Đoàn viên thanh niên cả nước đi Thanh niên xung phong (TNXP), đợt đó anh trúng tuyển.
Tháng 5/1965 nhập ngũ, hơn 120 anh chị TNXP ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh được biên chế thành hai cánh: Một cánh vào đường 20 Quyết thắng Quảng Bình; một cánh lấy phiên hiệu 050 sang Lào. Lê Văn Nam được phân công đi Lào làm đường 128. Một tháng hành quân ròng rã vào đến điểm tập kết. Công việc của toàn đơn vị là vào rừng chặt gỗ, chặt tre để rải "rông đanh" trên các quảng đường bị địch đánh phá; lấp hố bom, mở đường vòng, làm đường mới để cho xe ra trận. Hơn một tháng lăn lộn với mặt đường mà đã có gần một nửa đơn vị ốm đau, tai nạn lao động và bị thương do bom đạn Mỹ. Tuy vậy, cả đại đội đều quyết tâm động viên nhau: thêm một cây gỗ rông đanh, thêm một mét đường mới mở, thêm một hố bom được san lấp là thêm sức mạnh cho chiến thắng miền Nam.
Lê Văn Nam vốn thấp bé nhẹ cân, nhưng thuở bé ở nhà đã quen với lao động chân tay, do đó mọi việc anh đều hăng hái xung phong. Sau 4 tháng lao động mở đường, anh được giao làm A phó, nhưng cũng đã ngã gục trước những cơn sốt rét rừng, da thịt xanh xao, ghẻ lở đầy người, tóc rụng không còn một sợi. Thấy anh ốm yếu, đơn vị cho anh vào bệnh viện điều trị. Sau một tháng tạm ổn, đồng chí Ngô Song trưởng phòng và đồng chí Nguyễn Văn Giản trợ lý quân lực vào thăm và hỏi nguyện vọng, đem ra 3 hướng cho anh tự chọn: Trở về đơn vị cũ; chuyển thành quân đội nhân dân Việt Nam hay chuyển về hậu phương để học ngành nghề. Đang ước mơ được cầm súng xông ra chiến trường, được vậy anh sung sướng chọn ngay chuyển sang làm quân nhân. Cả đơn vị có gần 20 người được chuyển sang quân đội và được điều về cơ quan Bộ tư lệnh 559. Tất cả đều tốt nhiệp văn hóa lớp 10/10, người được bố trí làm văn thư, người trực tổng đài, tiếp khách, làm vệ binh, riêng anh Lê Văn Nam và một số đồng chí khác "sổ Nam tào" chấm về làm nuôi quân cho cơ quan Tham mưu. Đang chắc mẫm được cầm súng, đươc trở thành dũng sỹ diệt Mỹ thế mà lại về làm anh nuôi, bước đầu anh cũng buồn chán. Nhưng rồì anh nghĩ, làm việc gì hoàn thành nhiệm vụ đều vẻ vang, anh xác định tư tưởng, bắt tay vào công việc không sợ khó khăn vất vả.
Bếp ăn phục vụ cho cơ quan tham mưu trên 200 cán bộ chiến sỹ, lúc thấp nhất cũng 80 đến 100 người. Chế độ ăn thật đa dạng, người kiêng kem chua cay, người ăn cháo vì ốm, người không ăn được thịt hộp, măng rừng. Thương các cán bộ cao cấp, trung cấp tuổi bậc cha bậc chú đã trải qua hai cuộc kháng chiến, lăn lộn khắp các chiến trường vẫn phải làm việc căng thẳng cả ngày lẫn đêm. Miệng nói tay làm, anh đã lên rừng xuống suối, hái rau rừng, đào môn thục, lấy măng, bắp chuối rừng, mò cua đá, bắt cá khe, vào bản xa dùng muối đổi lợn gà cải thiện bữa ăn cho toàn đơn vị. Thấy anh nhiệt tình, siêng năng lại có trách nhiệm, một thời gian ngắn sau anh được Cục Quân lực giao cho làm A trưởng của bếp Tư lệnh. Lên đây suất ăn ít hơn nhưng chất lượng bữa ăn phải đảm bảo, cơm không được sống, được khê, thức ăn đều có định lương, nấu xong các đồng chí quân y đến khiểm tra trước.
Làm bếp trưởng Tư lệnh, anh luôn được tiếp xúc với các đồng chí trong Bộ tham mưu, đặc biệt với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Bước đầu anh cảm thấy lo lắng, thiếu tự tin, khó để hoàn thành nhiệm vụ. Trừ những ngày Tư lệnh đi công tác, hàng ngày anh thấy một người chắc khỏe, da trắng, sống đúng kỷ cương điều lệnh quân đội, nhưng nụ cười ánh mắt luôn luôn vui vẻ, dễ gần, giọng nói ấm áp mang nặng phương ngữ Quảng Bình (mình đều nói là miềng; chênh vênh thì bao giờ cũng nói chêng vêng). Tối làm việc rất khuya, sáng nào đúng giờ ông cũng ra trước cửa đại bản doanh tập thể dục. Lần đầu gặp anh, ông đến bắt tay và động viên rất thân thiện "Các đồng chí phục vụ nuôi quân như vậy là tốt lắm. Nuôi quân nhưng ở đây nuôi tướng nhiều. Thủ trưởng, thủ phó, tướng tá nhà miềng mà không có các cậu thì cũng chẳng có đủ sức để chiến đấu và làm việc mô. Cố gắng nhé!". Nhận được lời động viên của Tư lệnh anh càng vững tin và càng thấy có trách nhiệm hơn. Lắm đêm đi ngang qua các căn hầm thấy các thủ trưởng viết lách, trao đổi bàn bạc thâu đêm, anh lại về trao đổi với anh chị em trong tổ nuôi quân tìm cách cải thiện bữa ăn cho cơ quan. Làm người tiểu đội trưởng anh luôn luôn lắng nghe ý kiến, tìm cách dậy thật sớm phân công cắt việc cho từng người. Có hôm cả Bộ tham mưu và Tư lệnh đi chỉ đạo chiến trường xa, anh lại dẫn một số đồng chí lên rừng chặt cây bống báng, vào nương rẫy nhân dân nước bạn tìm thêm nguồn thực phẩm rau xanh. Những lần lấy được nhiều, anh tìm cách muối xổi, muối chua, phơi khô để dự phòng khi khan hiếm.
Có thời gian mùa khô ở nước bạn Lào cây rừng khô cháy, khe suối cạn trơ, rau rừng khan hiếm, bận ăn nào cũng chỉ có thịt hộp, bí đỏ và muối vừng dự trữ, cứ nghĩ tới nhiều bận làm việc căng thẳng, các suất ăn của các thủ trưởng ăn không hết trả lại nhà bếp, anh bận tâm, không vui. Làm người nuôi quân là phải nắm bắt được dư luận khen chê qua từng bữa ăn của mỗi người để khắc phục điều chỉnh. Nhân buổi sáng tinh mơ, anh xin các đồng chí cảnh vệ chạy thẳng vào phòng Tư lệnh, miệng ấp úng xin ý kiến. Chưa kịp nói thành lời Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã nói: "Câu Nam muốn tranh thủ ý kiến Tư lệnh về chuyện nuôi quân chứ gì? Cậu muốn hỏi khẩu vị thì miềng nói thật, đôi khi chỉ thèm một thìa mắm muối dập, một bát canh tôm cua, như thuở mẹ cho ăn ở nhà, đơn giản và bình dị thôi. Nhưng các cậu cố gắng làm sao bảo đảm tiêu chuẩn chung cho bộ đội nhé. Có ăn no mới đánh thắng được giặc Mỹ". Anh cảm động trước lời nói của Tư lệnh và suy nghĩ: Cũng hạt gạo, củ sắn, lạng thịt hộp, tiêu chuẩn ấy cả thôi nhưng biết động viên các đồng chí trong tổ nuôi quân chịu mệt nhọc, vất vả gia công thêm như: lấy gạo ngâm nước, xay bột tráng thành bánh cuốn, dùng thịt hộp, măng rau làm nhân rán lên cải thiện ai cũng vừa lòng. Anh lấy thép làm những cái xiên có móc để lúc rảnh rỗi ra suối bắt cua, bắt cá về nấu với lá me rừng thành những bát canh chua ngon miệng. Nước uống thì hàng tuần cứ thay chè rừng, gạo rang, cơm cháy đun sôi đảm bảo cho các phòng ban dùng. Anh tự coi mình như người nội trợ, coi đồng chí Tư lệnh như cha mẹ, đồng đội như anh em ruột thịt trong nhà, hết lòng tận tụy với công việc của người nuôi quân.
Có một dịp mùa mưa đến sớm, củi bị ngâm ướt, đến giờ cả tổ nuôi quân nhóm lửa bếp Hoàng Cầm chuẩn bị cho bữa trưa thì mãi không cháy, thời gian không còn nhiều, có chiến sỹ nuôi quân đã nhanh ý xuống đội xe xin chút dầu nhớt để nhóm, khói đen của dầu bốc lên, máy bay đang lượn trên đầu, tổ cảnh vệ trực trên cao phát hiện chạy xuống bắt dập lửa ngay. Bữa cơm hôm đó dẫu chín nhưng bị khê và nát, các đồng chí quân y kiểm tra suất ăn cho Tư lệnh lên tiếng phê bình gay gắt, nhưng rất may Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên biết được sự việc và nói ngay: "Trong hoàn cảnh chiến trường các đồng chí nuôi quân nấu được như vậy là tốt rồi. Cơm hôm nay chưa đảm bảo một chút nhưng chúng miềng đều chén sạch. Rất cảm ơn các đồng chí nuôi quân đã khắc phục khó khăn". Nghe xong Lê Văn Nam và cả tổ nuôi quân thở phào cảm ơn Tư lệnh, không thì tối đó lo mà ngồi nghe Ban hậu cần và Cục chính trị kiểm điểm, chất vấn.
Kỷ niệm sâu sắc nhất của đời anh Lê Văn Nam làm anh nuôi ở bếp Tư lệnh Trường Sơn là vào tháng 2 năm 1967, được tin Bộ Tổng tư lệnh quân đội ở Hà Nội sẽ vào khảo sát chiến trường và thăm Bộ tư lệnh 559. Thực phẩm trong kho hậu cần thời điểm đó cũng đã cạn kiệt, chỉ còn ít thịt hộp, đồ khô. Chiều hoàng hôn ở Trường Sơn đã buông xuống, đồng chí Nguyễn Văn Lung người Thái Bình, trưởng Ban hậu cần gọi anh lên và giao: "Cậu đã quen vào dân bản, cố gắng đêm nay đến đổi muối lấy một con lợn 30 – 40 kg về trước 4 giờ sáng để trưa hôm sau đón Đại tướng Hoàng Văn Thái. Đi khẩn cấp, giữ bí mật nhé!" Đường từ Bộ tư lệnh 559 đến bản Chàlet ở Cọngle là bản gần nhất cũng phải đến 20km, phải vượt qua 3 rừng rậm, dốc cao, 2 con suối sâu chảy ra sông Xêmănghiên. Đi một mình giữa rừng núi âm u, chim từ quy cứ khắc khoải gọi bầy, thú rừng thấy động cứ chạy loang loáng trước mặt, có lúc anh cảm thấy rùng mình. Xuất phát từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm mới vào đến bản. Đổi được một con lợn 40 kg và mua thêm được một bi đông rượu Lào, một mình vác lợn ra trong rừng sâu đêm tối, vượt dốc rồi lại qua suối về đến Bộ tham mưu lúc 3 giờ 30 sáng. Cả đơn vị phòng ban, thủ trưởng hậu cần ra reo mừng động viên, ai cũng bảo, may sao thổ phỉ không bắt cả người lẫn lợn trong rừng. Trưa hôm đó cả bếp Tư lệnh đón tiếp đại tướng Hoàng Văn Thái cùng với mười đồng chí của Bộ Tổng tư lệnh vào thăm. Buổi chiều sau khi tiếp khách xong được giây phút nghỉ ngơi, mệt quá anh nhấp mấy chén rượu Lào say mơ màng, nằm lại ở khu bếp quân nhu, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đi ngang hỏi đồng chí Nam đâu? Mọi người bảo: Báo cáo thủ trưởng lúc tối anh Nam đi làm nhiệm vụ về mệt quá lại uống vài chén rượu đang nằm ở trong lán. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vào sờ lên trán anh và giao cho đồng chí cảnh vệ lấy ít vôi ăn trầu tô vào dưới bàn chân theo cách chữa dân gian và giục mọi người nấu nước đậu xanh cho anh uống để giải rượu. Dẫu trong cơn say nhưng anh vẫn biết được từng cử chỉ, nghe được từng giọng nói động viên của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên: "Cố gắng chăm sóc lấy Nam, để nó nằm xuống là mệt lắm đấy." Lời nói dù ngắn ngủi nhưng trong tiềm thức anh thấy xúc động vô cùng.
Có lẽ nhờ biết làm dâu trăm họ nên anh Lê Văn Nam đã trụ vững ở bếp Bộ tư lệnh Đoàn 559 từ năm 1965 đến tháng 04/1971. Trong thời gian đó anh nhiều lần được bầu là chiến sỹ thi đua, có 3 lần là chiến sỹ quyết thắng. Một hôm phó Tư lệnh Lê Đình Sum bàn với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nên để cho đồng chí Nam về đơn vị bộ binh trực tiếp chiến đấu một thời gian, như vậy mới có điều kiện để xét phong cấp bậc. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên bảo cậu Nam là một con người xông xáo, năng động, nhiệt tình nên để cho đồng chí ấy đi học. Thế là vài tháng sau anh được gửi ra Hà Nội đi đào tạo tại Học viện Chính trị ở Phúc Yên. Qua gần 4 năm đào tạo ở trường anh trở về tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi sau giải phóng giúp nước bạn Lào xây dựng tuyến Đường 9 đi Cóp Mạc - Mường Phìn - Đồng Hến.
Anh Lê Văn Nam
Có một hạnh phúc đặc biệt, ngày 24/04/1971 trước khi rời bếp Tư lệnh lên đường đi học Học viện Chính trị, tại căn hầm Hội trường cơ quan tham mưu Bộ Tư lệnh đoàn 559 diễn ra một đám cưới của chàng rể thượng sỹ Lê Văn Nam và cô dâu thượng sỹ Trần Thị Tiêu. Chị Tiêu quê ở xã Thạch Tượng, Thạch Hà, Hà Tĩnh cùng tham gia vào đơn vị TNXP một ngày với anh và cùng về bếp nuôi quân Bộ tư lệnh 559. Anh chị đã yêu nhau trong chiến trường, trong đạn lửa. Đám cưới đêm ấy không có hội trường lộng lẫy, chỉ có ánh đèn măng sông trong căn hầm che kín, mấy nhánh hoa rừng, phích nước ấm, trà ngon, bù lại một bầu không khí ngập tràn giản dị và tình đồng đội ấm áp chan hòa. Đêm ấy có mặt đầy đủ lãnh đạo chỉ huy cao nhất ở chiến trường và tất cả các đồng đội ở Bộ Tư lệnh, mọi người đều hòa chung trong bài ca và lời chúc thắm thiết "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Chúc cho hạnh phúc đôi bạn mãi mãi vững bền". Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên bước lên tặng vợ chồng Lê Văn Nam một gói quà trong đó có chiếc màn tuyn mới tinh của người lính dùng trong chiến trường.
Năm 1990, Lê Văn Nam về nghỉ hưu với cấp bậc đại úy. Bản thân anh đã có liên tục 25 năm ở Trường Sơn, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương của Nhà nước và nước bạn Lào, là thương binh hạng 3/4. Ngày mới về anh đã được nhân dân bầu làm tổ trưởng dân cư rồi kiêm cả Chi hội trưởng cựu chiến binh phường. Từ một khối dân cư chật hẹp ở phường Trường Thi luôn bị ngập úng, mất điện, mất nước, mất vệ sinh, anh và cấp ủy cùng cư dân trong khối bắt tay xây dựng thành khối phố văn minh. Từ một chi hội CCB có vài ba chục đồng chí, nay đã có 85 hội viên, luôn luôn xếp tốp đầu trong toàn phường và 16 năm liền là đơn vị tiêu biểu của thành phố. Anh còn có 18 năm làm cấp ủy, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc khối, đã được thưởng nhiều giấy khen và bằng khen của tỉnh. Phía sau anh bao giờ cũng có gương mặt của người vợ thân yêu, - người đồng chí trung thành Trần Thị Tiêu. Anh chị đã có những năm tháng cùng sống, chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, nay trở về hoạt động ở đoàn thể nào cũng luôn là gương sáng đi đầu, là gia đình văn hóa tiêu biểu. Đến nay anh đã 75 tuổi nhưng vẫn tham gia Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn phường Trường Thi.
Tháng 04/2013, nhân Tư lệnh - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên 90 tuổi, vợ chồng anh Lê Văn Nam đã ra Hà Nôi mừng thọ thủ trưởng. Biết tin, Trung tướng ra đến tận cửa đón vợ chồng anh như một người thân trong gia đình và cất tiếng chào vợ chồng "Lê Anh Nuôi"- với cái tên thân thuộc như đồng đội thường gọi anh. Gặp vợ chồng anh trong ngày vui Tư lệnh đã nhắc lại những kỷ niệm mãi mãi một thời sống, chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn ác liệt.
Ngôi nhà hai tầng của vợ chồng anh Lê Văn Nam nay ở số 02, ngõ A, đường Nguyễn Kiệm, phường Trường Thi, dẫu không rộng nhưng anh vẫn giành một không gian làm phòng truyền thống gia đình. Các di vật và kỷ vật, tranh ảnh của một thời chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn đươc anh sắp xếp, trưng bày rất trang trọng và giữ gìn như gia bảo.
Nhìn những tấm ảnh anh chụp tập thể ở chiến trường Trường Sơn và những ngày về hoạt động ở dân phố đang trưng bày trong phòng truyền thống, bao giờ anh cũng đứng hàng trước như một chính khách. Anh giải thích là do thấp, nhưng mọi người vui vẻ ôm lấy anh và nói: Anh một chiến sỹ quân đội, một người lính Trường Sơn, một người công dân chân chính, rất xứng đáng và mãi mãi được đứng hàng đầu./.
Nguyễn Xuân Bách
Số 3, đường Tôn Thị Quế, Tp. Vinh, NA
ĐT : 0912 591 362
Email: xuanbachnguyendu@gmail.com