Giới thiệu bút ký " Ga Núi Gôi cần dựng một tượng đài" của Phạm Trọng Thanh
------------------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU BÚT KÝ
“GA NÚI GÔI CẦN DỰNG MỘT TƯỢNG ĐÀI”
CỦA PHẠM TRỌNG THANH
Phạm Trọng Thanh (1942) quê thôn Ngọc Tỉnh, xã Xuân Hùng, nay là thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hiện thường trú tại: Số 6/22, phố Ngô Quyền, thành phố Nam Định. Nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà – Nam Định khoá II, III, IV, V (từ tháng 5 năm 1983 đến tháng 3 năm 2006). Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: Khúc hát tặng nhau (thơ, in chung, NXB Tác phẩm mới,1983); Mùa hạ đi tìm (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1990); Lá bay (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1993); Gió trầm (thơ, NXB Văn học, 1997); Thác trời (thơ NXB Quân đội Nhân dân, 2000); Tứ tuyệt đường trường (thơ, NXB Thanh Niên, 2002); Thức cùng trang viết (bút ký, NXB Hội Nhà văn, 2008); Thơ Phạm Trọng Thanh (NXB Hội Nhà văn, 2011) ... Nhà thơ Phạm Trọng Thanh từng là người lính Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều bài viết của anh dù là văn hay là thơ đều hướng tới người lính trong chiến tranh và hậu chiến cùng những người đã hy sinh máu xương cho nền độc lập, tự do của Tổ Quốc.
Bút ký Ga núi Gôi cần dựng một tượng đài của Phạm Trọng Thanh tái hiện cuộc chiến đấu sinh tử của Đại đội 895 Thanh niên xung phong cùng cán bộ, công nhân viên nhà ga Gôi và nhân dân địa phương cứu đoàn tầu chở hàng bị máy bay Mỹ bắn cháy chiều 20/8/1966. Đã có 14 người hi sinh tại đây. Cùng với những chiến công oanh liệt trong suốt năm tháng chống Mỹ, vào năm 2013 Đại đội 895 Thanh niên xung phong được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tiểu đội trưởng liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sau 47 năm hi sinh.
Mong muốn của người viết và của nhân dân là cần có 1 tượng đài mang biểu tượng chiến công của nhân dân huyện Vụ Bản được dựng ở sân ga để hàng ngày, các thế hệ hành khách đi qua ga núi Gôi có dịp chiêm ngưỡng chiến công của lớp cha, anh đi trước.
Bút ký "Ga núi Gôi cần dựng một tượng đài" của Phạm Trọng Thanh được đăng trang 5 và 23 của Tuần báo Văn nghệ số 31 (30-7-2016) của Hội Nhà Văn Việt Nam; Tạp chí Văn Nhân số 106 (2016) của Hội Văn học Nghệ Thuật Nam Định (tr 14-20) và Vang vọng Trường Sơn của Văn học nghệ thuật Trường Sơn Nam Định, NXB Hội Nhà văn Việt Nam (2017).
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Bs Lê Lợi
CCB sư đoàn Bộ binh 968, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
Ga núi Gôi
cần dựng một tượng đài
Bút ký của Phạm Trọng Thanh
Bám trụ trên tuyến đường sắt xuyên Việt, ga núi Gôi Nam Định đã có gần một thế kỷ tuổi tác. Từ ngày hành trình Bắc Nam nâng cấp, khi qua đây, sau mấy hồi còi dài "chào nhau cho phải phép", các đoàn tàu cứ tuần tự sầm sầm chuyển bánh, bỏ lại phía sau ga núi Gôi mấy ngọn đèn tín hiệu, một phòng đợi không người, một phòng trực ban với tổ cán bộ nhân viên vừa xong nhiệm vụ phất cờ thông tuyến. Họ ngồi đàm đạo công việc duy tu, bảo đảm an toàn tuyến đường theo nhiệm vụ được phân công trên lịch trực ban trong một không gian yên ắng.
Tự bao giờ ga núi Gôi đã tạo cho hành khách những ấn tượng riêng. Có thể vì nhà ga cận kề ngọn danh sơn "non Côi" trong biểu tượng "non Côi sông Vị" của tỉnh Nam Định, nơi duy nhất tìm thấy trống đồng ở đây. Có thể vì núi Gôi tương truyền từ hơn hai nghìn năm trước từng lưu dấu trận huyết chiến chống quân Hán xâm lược của Tể tướng Lữ Gia (? -111 TCN) thời Thuật Dương Vương nước Nam Việt. Ông bị trọng thương, máu chảy đầm đìa giáp trụ vẫn ngồi trên lưng ngựa chiến phi nước đại về đến Côi Sơn mới chịu buông giáo, rời dây cương. Ngôi miếu thờ nơi ông tử trận bên chân núi đã bị bom Mỹ phá hủy nhưng đền thờ ông ở thị trấn Gôi và ở làng Nguyệt Mại, xã Đại Thắng vẫn sạch cỏ đỏ đèn mấy trăm năm qua.
Có thể vì trên sân ga này thời trước lao xao bao cảnh chia lìa "Chị mở khăn giầu, anh thắt lại/- Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi!"... Nước mắt nhân thế thấm ướt trang thơ Nguyễn Bính hồi "Phong trào Thơ mới". Người thơ "Chân quê" mấy lần "Một mình làm cả cuộc phân ly" bắt đầu từ ga núi Gôi, Vụ Bản quê ông đến những sân ga "còi thét" (1) trập trùng xa.
Nhưng gây xúc động mạnh mẽ nhất cho nhiều người từ hơn bốn mươi năm nay ở ga núi Gôi là cuộc chiến đấu sinh tử của Đại đội 895 TNXP cùng cán bộ công nhân viên nhà ga, các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cán bộ, nhân dân địa phương xông vào đây cứu đoàn tàu chở hàng bị máy bay Mỹ bắn cháy lúc 17 giờ ngày 20 tháng 8 năm 1966. Sự xả thân cứu tàu của những người bất khuất giờ chỉ còn hiển hiện 14 dòng tên trên hàng bia đá tưởng niệm trong ngôi đền nhỏ nhìn thông bốn hướng kề hồ nước mé sân ga bên kia. Thảng hoặc trong vầng nhang khói phơ phất dưới mây trời, những chấm lửa lại hồng lên chút hồi quang ngọn lửa dũng khí ngày nào trên ba bát nhang công đồng để gió cuốn mùi hương lên đỉnh núi cao vời. Chiếc gương mặt hồ soi bóng núi ngày ngày dậy lên những vòng sóng cộng hưởng âm thanh của những vành bánh sắt tốc hành ầm ầm dội vào vách đá thời mở cửa nơi ga núi quạnh quẽ, thương cảm bâng khuâng.
Ngày chúng tôi lên đường, quanh sân ga còn ngổn ngang những toa tàu đổ, những hố bom san lấp dở dang, một ngày trùng điệp màu xanh áo lính trong cuộc hành quân lịch sử thẳng tới tiền phương. Ga núi Gôi hôm ấy có bao nhiêu bàn tay vẫy khi đoàn tàu chuyển bánh. Chúng tôi mang theo những kỷ niệm, những vết thương từ quê hương ra đi.
Nhớ lại những năm đầu cuộc chiến tranh "leo thang" của máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, sau loạt rốc-két thăm dò bắn vào cửa ngõ thành phố Nam Định ngày 28 tháng 6 năm 1965 là cuộc tàn phá kho Dầu thành Nam của máy bay Mỹ trong hai ngày mồng 2 và mồng 4 tháng 7 năm 1965. Cột lửa từ các bể chứa lớn đẩy đụn khói bùng cao vắt qua sông Hồng. Trong hai trận đối đầu với không lực Mỹ, quân và dân thành phố Nam Định đã bắn hạ 6 máy bay phản lực, một chiếc tan xác trên bầu trời thành Nam. Dọc tuyến đường sắt Hà Ninh, cầu đường, nhà ga, bến phà, kho tàng... trở thành mục tiêu triệt phá của lũ diều hâu "Thần sấm sét", "Con ma"... khi rình rập, lúc hùng hổ lao vào công kích. Một thế trận phòng không chặn đánh kẻ địch tầm thấp tầm cao được triển khai mau lẹ, rộng khắp. Để hoàn thành nhiệm vụ giao thông vận tải thời chiến, tỉnh Nam Hà đã mở thêm các tuyến đường tránh, cầu phà, bến bãi... đương đầu với kẻ địch. Cầu phao Đoan Vĩ trên trục đường số Một là một sáng tạo được Nhà nước biểu dương, đảm bảo cho các đoàn xe vận tải chi viện chiến trường vào ra thuận tiện dù cho cầu bị đánh phá mấy lần. Trên tuyến giao thông thủy, các cảng sông Nam Định, Ninh Bình... trở thành các cảng trung chuyển quan trọng hàng đầu, phục vụ sản xuất, chiến đấu với một khối lượng khổng lồ hàng hóa vật tư lưu chuyển ngày đêm. Tất cả làm nên một thế trận vận tải chiến lược kỳ vĩ đương đầu với kẻ địch lồng lộn trên trời. Đây cũng là thời điểm hơn 30 nghìn nam nữ thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình trong đội ngũ "ba sẵn sàng" toàn miền Bắc đã lên đường. Họ được phiên chế thành các đơn vị cơ động, có mặt trên các tuyến giao thông vận tải từ miền Bắc vào khu IV đến các trọng điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Đại đội 895 TNXP thành lập tháng 11 năm 1965, số đông quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, C trưởng là anh Lê Nguyên Nhung. Họ rời ghế nhà trường, rời công việc hợp tác xã nô nức ra đi, mỗi người một vẻ, một tính cách nhưng giống nhau ở sức trẻ và niềm khát khao cống hiến. Địa điểm đóng quân của Đại đội ở thôn Phú Thứ, xã Thanh Côi, cách ga núi Gôi chừng 1 km qua một cánh đồng lúa màu. Công việc đơn vị đảm nhiệm trên cung đường bộ, đường sắt từ Trình Xuyên, qua Gôi, Cát Đằng đến cầu Ninh Bình. Đắp nền đường sắt, sửa đường bộ, làm đá, đúc cấu kiện bê tông, tham gia sửa cầu đường sắt, đường bộ, bốc xếp, san lấp hố bom, cứu sập, "một núi công việc" cả đơn vị phải dốc sức bất kể ngày đêm. Máy bay địch tăng cường đánh phá, phải nhanh chóng hoàn thành mọi việc để các đoàn tàu qua lại đúng giờ.
Chị Nguyễn Thị Kiều, nguyên phó ban tổ chức Huyện ủy huyện Hưng Hà có cả một thời son trẻ ở C 895 TNXP, là A trưởng, B trưởng rồi C phó, trong lần gặp đồng chí Lê Gia Huấn, cán bộ Ban lịch sử Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định kể lại: "Đại đội chúng tôi có 198 người đa số là con gái Hưng Hà tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Nhiều đứa muốn vào bộ đội cầm súng đi B như nam giới. Mà con gái thì… đơn giản mà không đơn giản đâu! Nói về sự ở chẳng hạn. Chúng nó cũng cảnh vẻ lắm, chẳng đứa nào giống đứa nào. Thời gian làm cầu A2 thay thế cầu Ninh Bình vừa bị đánh sập, công việc liên tục ngày đêm, mấy ngày liền thức ăn chỉ có bí xào, bí luộc. Bọn nó bỏ hết, tối đến mò ra đồng hái rau lang về luộc. Chúng bảo đang lúc thiếu người thừa việc, trên lại thúc ép làm đúng kế hoạch, đã bí mà cứ ăn bí mãi làm sao mà thắng được! Tối về ngủ nhờ nhà dân, mỗi nhà hai, ba đứa chung một giường. Có nơi giường chật, trời nóng, chúng kéo nhau xuống đất, thế là "thôi rồi", đến sáng. Những hôm cứu sập ở cầu ông Tào, gần hai tuần liền bận bịu vất vả, chỗ tắm không có. Khi kéo quân về cứ, qua đầm nước trời sáng trăng, bọn chúng rủ nhau xuống tắm. Đứa kêu trống trải quá, đưa lo tìm cách cảnh giới. Con Mùi bô bô: "Ôi dào, chỉ có tao với chúng mày, giờ này ở đây kiếm đâu ra con trai mà phải che với chắn... Nào, nhảy xuống!” Thế là nó đun cả lũ nhảy tùm xuống hồ, vẫy vùng thỏa thích.
"Anh bảo lúc ấy chúng nó đang tuổi xuân hơ hớ. Nhiều đứa có người yêu. Có đứa nhận thư từ luôn, làm mệt thế, đêm về vẫn miệt mài giấy mực
"gửi anh thân yêu". Tình yêu đã làm cho lớp trẻ có niềm tin mãnh liệt. Có đứa không nhận được thư thì buồn ra mặt. Có đứa bảo chuyến này bọn con trai đi hết chỉ có mà ế. Cái Mùi lại lý luận: “Chớ vội bi quan, chúng mày cứ phấn đấu và đừng quên tô điểm; chiến thắng, tao sẽ đứng ra cưới cho mỗi đứa một thằng!” Cái Thảo nhạo lại: “Lấy đâu ra, khéo không lại hết cả phần chị đấy!” Mùi càng lên giọng đàn chị: “Tao sẵn sàng dành cả suất của tao cho mày đủ hai suất!”...Yêu thương các chiến sĩ của mình, chị Vui, đại đội phó hậu cần thỉnh thoảng lại mua về hai ba túi gương lược và dầu thơm. Đứa nào cũng vồ lấy rồi san sẻ trau chuốt cho nhau".
Tại cầu Tào, giặc đánh sập cầu đường sắt, đường bộ và nhà dân. C895 TNXP cùng hàng nghìn dân công địa phương khuân vác, hàn vá suốt đêm, hôm sau địch lại đánh tung. Gần nửa tháng bám trụ, "địch phá đi, ta đắp lại" bốn năm đợt liền tàu vẫn thông, xe vẫn bám tuyến. Đơn vị có những lần phải cử các tổ vào ga Đồng Giao, ga Đò Lèn cứu chữa cầu đường, khuân vác chuyển dời hàng chục tấn hàng hóa. Trong đợt địch đánh phá thị xã Ninh Bình liên tục 4 ngày đêm, C895 đã cử các tổ cáng thương vượt qua lưới lửa bom đạn, cứu người, chuyển tải các liệt sĩ. Chị em động viên nhau "giặc ném chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết", "đâu khó khăn ác liệt, ở đó có thanh niên xung phong".
Và cái buổi chiều mệnh hệ "20-8-1966" đã ập đến ga Núi Gôi khi tập thể C895 TNXP sắp hoàn thành công việc một ngày, có bộ phận đã hành quân về cứ. Chị nuôi đã chuẩn bị xong bữa chiều. A trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi đã xong nhiệm vụ cũng xúm vào phụ giúp nhà bếp đơn vị. Tại nhà ga, Phó ga kiêm Trung đội trưởng tự vệ Huỳnh Vàng đang kiểm dụng cụ lao động trong hầm trực chiến. Vào lúc đoàn tàu chở hàng đang tiến vào ga, thình lình 2 máy bay Mỹ lao vào bắn rốc-két, lửa bùng cháy, tiếp theo, 4 chiếc nữa lao tới cắt bom... Đoàn tàu trúng bom bị đổ 3 toa chở gạo, 1 toa đường ray, 2 toa mỡ và 1 toa chở thuốc trừ sâu "đầu lâu xương chéo" Vôfatốc bốc cháy, dữ dội. Những quầng khói lửa vàng khè nồng nặc vỡ bùng trên sân ga, tràn ra ngoài khu dân cư.
Trong tiếng kẻng báo động dồn dập, C 895 TNXP được lệnh tập trung cứu tàu, họ băng đồng chạy về nhà ga, dàn đội hình dập lửa. Cùng lúc, huyện Vụ Bản cũng nhanh chóng triển khai lực lượng. Các đồng chí cán bộ thường trực Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, Huyện công an, Huyện đội cùng cán bộ xã Thanh Côi tiếp cận nhà ga. Tại hiện trường lửa khói, ông Phạm Văn Nhung, huyện ủy viên trực tiếp chỉ huy các lực lượng cứu chữa. Cùng làm nhiệm vụ với Phó ga Huỳnh Vàng còn có anh Đỗ Lệnh Minh, bí thư Đoàn thanh niên tuyến đường sắt Hà Ninh, anh Nguyễn Kim Loan, công nhân điện nhà ga, anh Đỗ Văn Dương, công nhân đường sắt. Bộ phận phòng cháy chữa cháy của Công an tỉnh đóng ở thôn Dư Duệ cũng kịp thời đưa xe cứu hỏa vào ga tác chiến.
Nhưng lực lượng chủ công cứu tàu là cán bộ chiến sĩ C895 TNXP, một đội hình thành thục công việc. Những người cứu tàu xông tới các toa , nhanh chóng dàn hàng chuyển nước, dập lửa. Nước xe cứu hỏa không đủ, họ múc nước hồ tiếp ứng. Họ dùng xà beng bật các cửa toa, chuyển hàng ra ngoài. Những người khác phá cửa, xông vào toa độc hại, khuân vác những thùng Vôfatốc bén lửa. Trong đám khói độc sặc sụa mịt mù, họ sùi bọt mép và từng người ngã xuống. Người ta chứng kiến cảnh A trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi làm luôn cả việc của một y tá quên mình cứu chữa đồng đội. Cô lần lượt làm hô hấp nhân tạo cho từng người, dùng miệng hà hơi, hút khói độc trong mũi đồng đội để họ tỉnh lại. Cứu được người thứ 8 thì Mùi ngất xỉu. Đằng kia, đồng chí công an vác đầu vòi rồng chữa cháy áp sát các toa tàu khi lửa tắt, anh cũng ngã xuống bất tỉnh. Hai trường hợp này khi đưa về nơi đóng quân, họ đã mãi mãi ra đi. Chiều tối hôm đó có thêm 8 người nữa hy sinh, 5 chiến sĩ C895 và 3 chiến sĩ của đội phòng cháy chữa cháy.
Ông Vũ Minh Trúc, nguyên Trưởng ban tuyên giáo Huyện ủy Vụ Bản qua tài liệu thu thập cho biết, buổi tối hôm ấy, sau cuộc chiến đấu cứu tàu, C895 lại trở về cứ, nhiều người sau khi tắm gội, ăn cơm xong, lại ngất xỉu do nhiễm độc nặng. Đêm hôm đó, hàng trăm chiến sĩ C895 phải đưa đi cấp cứu trên băng ca, trên cáng tải thương. Các đồng chí cán bộ Đoàn xã Thanh Côi, cán bộ Xã đội xã Tam Hào huy động lực lượng địa phương chuyển những người cấp cứu về đình làng Côi Sơn nơi đặt trạm cấp cứu tiền phương. Có thêm các anh chị ở địa phương cùng bộ phận y tế huyện tiếp tục cứu chữa những người bị ngất. Liền sau đó có thêm 3 cán bộ công nhân đường sắt hy sinh, trong đó có anh Đỗ Lệnh Minh, bí thư đoàn tuyến đường sắt Hà Ninh, quê ở Bình Lục, Hà Nam; anh Trần Bá Mô thanh niên địa phương ra cứu tàu đã chết vì nhiễm hơi độc.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Kiều, ngày 21 tháng 8, hơn một trăm cán bộ chiến sĩ C895 đã kiệt sức phải đưa lên xe đến các bệnh viện điều dưỡng. Nhiều người phải nằm viện đến 6 tháng. Trường hợp chị Được phải nằm điều trị tới 2 năm, khi về nhà cũng chỉ sống được thêm 2 năm nữa trong tình cảnh nửa tỉnh nửa dở ngây rồi chết thảm hại. Năm 1976, mười năm sau ngày cứu chữa toa tầu ấy, C895 thêm 8 người nữa cả con trai con gái trẻ đẹp đã từ biệt cõi đời ở độ tuổi đời ba mươi trong cái thân xác tiều tụy, bơ phờ. Năm 1980 lại có thêm 3 người nữa đau ốm mỏi mòn mà chết. Những người còn ở lại đều gầy ốm. Nhiều chị ở vậy, không lấy chồng. Chị Đoán đẹp gái, xông xáo là thế nhưng đã phải đi tu. Điều không chút bình thường ở đồng đội của chị Nguyễn Thị Kiều, những người từng chiến đấu bên nhau ngày ấy, khi họ đã lấy nhau, hạnh phúc đến ít hơn những điều buồn thảm. Cặp anh Lan chị Nga xã Kim Chung, anh Tiền chị Lan xã Duyên Hải, cặp C trưởng Lê Nguyên Nhung lấy C phó Nguyễn Thị Vui... cặp nào cũng 3, 4 người con , những đứa đầu đều bị thần kinh nặng, các cháu sinh sau trí nhớ không bình thường. Chị Hảo xã Minh Hòa chạy chưa mãi để sinh con, các lần sinh trước đẻ ra không phải là con, lần cuối sinh cháu gái, thì cháu lại tàn tật. Chị Đặng Thị Hiền ở xã Bạch Đằng huyện Đông Hưng sinh được 3 cháu, cháu nào cũng kháu khỉnh, nhưng đến tháng thứ sáu trở đi đều phát triển kỳ lạ, mình, chân tay dài nghêu, mồm mắt méo ngọng. Cháu đầu sống được 5 năm trong cảnh buồn thảm. Hai cháu sau đều chết khi chưa đầy một tuổi. Sau đó, chị Hiền phát chứng điên dại, đập phá. Các đồng chí Lâm, Tiền, Lan đã từng là thầy giáo, cô giáo dạy giỏi, nay nói năng "chầm chập". Chị Đặng Thị Tín, trước đây nặng 65 kg, nay teo tóp còn chừng 30kg, lại hay đau đầu. Những hy sinh của những người tuổi trẻ dũng cảm đến quên mình ấy tiếp tục là cuộc chiến đấu dai dẳng đối mặt với bệnh tật, với khó khăn trong đời sống, chịu đựng buồn đau, phải tự mình chống đỡ ở hoàn cảnh không dễ gì san sẻ. Chỉ còn tình đồng đội thăm nom, động viên nhau lúc tuổi tác đau yếu ở quê nhà.
Đến năm 2013, những cống hiến hy sinh của họ đã được tôn vinh: Đại đội 895 Thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; A trưởng liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sau 47 năm.
Ông Vũ Minh Trúc đến hôm nay còn nhắc lại tình cảnh ông Phạm Văn Nhung, người chỉ huy trực tiếp tại sân ga ngày ấy cũng phải nhập viện dài ngày và sau này, năm nào cũng phải nhập viện. Ông Huỳnh Vàng, Phó trưởng ga núi Gôi rồi sau đó là Trưởng ga, từng là Trung đội trưởng tự vệ năng động là thế, nay vẫn mang chứng trạng đau đầu, nổi mề đay da chân tay thường xuyên. Con trai ông, 20 tuổi mà không biết nói, chỉ nằm một chỗ nhỏ bé như đứa trẻ lên tám. Ấy vậy mà hồ sơ xác nhận nhiễm độc của ông vẫn chưa được công nhận.
Chúng tôi tìm về nghĩa trang thị trấn Gôi, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ, một nghĩa trang liệt sĩ trang nhã, tôn nghiêm. Lần theo những hàng bia, chúng tôi tìm được ngôi mộ người nữ anh hùng: A trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi, sinh năm 1943, quê xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, người quên mình cứu đồng đội, nhận cái chết về mình năm ấy. Nhìn tấm bia trên mộ người con gái anh hùng, tự nhiên nhớ đến câu thơ thương cảm "Ai biết tên em thành liệt sĩ" trong bài thơ Núi Đôi của nhà thơ quá cố Vũ Cao. Lại nhớ đến lời đùa vui của "người đàn chị" Hồng Mùi trong đêm cứu sập cầu Tào trở về rủ nhau tắm ở đầm trăng với cô Thảo đàn em: "Chớ vội bi quan...chiến thắng, tao sẽ đứng ra cưới cho mỗi đứa một thằng.Tao sẵn sàng nhường cả suất của tao cho mày"… Ôi, liệu có sự linh nghiệm nào chăng trong câu nói buột miệng này? Chúng tôi thắp hương trên mộ chị và không quên thắp hương lên mộ các liệt sĩ Lê Công Đóa, Phạm Thị Nhớn, Nguyễn Thị Nhung… những người con quê lúa Thái Bình cùng một ngày giỗ, cùng yên nghỉ trên miền đất thiêng này.
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong Ga Núi Gôi được xây dựng
nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh của Đại đội 895 trong khi bảo vệ cung đường sắt
và các vùng lân cận từ Ga Gôi đến ga Cát Đằng.
Vâng, chúng tôi đang hành hương trên miền đất cổ với bề dầy lịch sử cao vời Thiên Bản xưa Vụ Bản nay tầng tầng lớp lớp những sự tích, những chiến tích. Phía tây bắc núi Gôi là vùng kho lẫm quân lương của tướng quân Phạm Bạch Hổ, người được vua Lê Đại Hành giao chức "Đô liệu Lương quân" lúc ông đã bảy mươi tuổi trong công cuộc "phạt Tống" thắng lợi năm 981. Ông được vua ban thưởng và dân làng Đại Đê, xã Đại An lập Đền Vua Mây - mỹ hiệu tôn kính, phụng thờ ông mấy trăm năm qua. Và kia phía bên đông núi Gôi là đình làng Bách Cốc, xã Thành Lợi, nơi phối thờ Thái hậu Dương Vân Nga - Đại thắng Minh hoàng hậu triều vua Lê Đại Hành làm Thành Hoàng. Bà được nhà vua giao việc tổ chức dân thôn xay lúa giã gạo, đốc suất lương thảo từ Bách Cốc miền Thiên Bản tiếp ứng cho đạo quân "bình Chiêm" năm 982 toàn thắng, thần phả đình Bách Cốc có chép lại sự kiện này. Kia nữa, cao cao là ngọn Hổ Sơn nơi Huyền Trân công chúa xuống tóc đi tu rồi viên tịch ở đây sau khi sang nước Chiêm Thành làm tròn duyên phận kết nối bang giao trở về. Đây nữa, bên miền mây khói vấn vít là Phủ Dầy Vân Cát, Tiên Hương nơi phụng thờ Ngọc Quỳnh Hoa thiên cung công chúa giáng sinh lần thứ hai làm Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bậc "Mẫu nghi Thiên hạ". Lễ hội tưng bừng người đông như nước, cờ quạt rợp trời khởi đầu từ tháng Giêng năm mới Mồng một chơi cửa chơi nhà/ Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình/ Mồng bốn chơi chợ Quả Linh/ Mồng năm chợ Trình, mồng sáu núi Gôi/ Cách ngày mồng bảy nghỉ ngơi/ Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng...
Nhưng còn có một ngày lễ - một ngày "giỗ trận 20 tháng 8" lặng thầm hằng năm trên đất Vụ Bản giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nơi đây, sân Ga núi Gôi, bên lề thị trấn Gôi - huyện lỵ Vụ Bản đang mở mang to đẹp, đàng hoàng, những người cảm tử cứu tàu năm xưa đáp xe từ Thái Bình hẹn nhau một ngày trở về. Họ cầm tay nhau mừng mừng tủi tủi, bước chân chầm chậm, hương nến sóng hàng. Họ đứng vòng quanh ngôi đền nhỏ, tuần tự bước lên làm lễ dâng hương tưởng niệm những người đồng đội thân thiết giờ đã hóa thân vào đất đá cỏ cây chốn linh thiêng này. Ông cựu trưởng ga Huỳnh Vàng mái đầu bạc trắng, ông Lê Nguyên Nhung, bà Nguyễn Thị Kiều, ông Phạm Văn Hoa, ông Phạm Văn Noãn, ông Lương Văn Toại, bà Nguyễn Thị Lương, ni sư Thích Diệu Đoán... toàn những người cao tuổi. Và bóng dáng những ai kia thấp thoáng bên vầng khói nhang tưởng nhớ, lặng phắc, nghẹn ngào. Những người hành hương lại cùng nhau tìm đến nghĩa trang thị trấn Gôi viếng mộ những người mãi mãi nằm lại nơi này. Rồi đoàn hành hương lại quay về nơi họ ra đi...
Về đây thành tâm dâng hương, tôi nói với người bạn thơ đồng hành và cũng là để thưa với đồng chí phó chủ tịch thị trấn Gôi Trần Ngọc Phong trước cổng nghĩa trang liệt sĩ: "Ga núi Gôi cần dựng một tượng đài!" - Một tượng đài mang biểu tượng chiến công của huyện Vụ Bản thời chống Mỹ. Một tượng đài dựng ngay sau ngôi đền nhỏ sân ga, đứng lồng lộng trên mặt hồ nguyên là một mảnh của gương của biển Đông lùi xa còn gửi lại. Một tượng đài tập thể, người nhân viên nhà ga phía sau đứng cao phất cờ thông tuyến. Một bên, người chiến sĩ vác vòi rồng dập lửa; một bên, người công nhân chống xà beng điềm tĩnh ngẩng đầu. Trung tâm là hình tượng người nữ anh hùng hai tay nâng một người nữ đồng đội. Phía trước chị là 4 chị em cùng trong trang phục thanh niên xung phong ngày ấy. Một tượng đài thềm bệ bắc một cây cầu nối vào ngôi đền sân ga. Một tượng đài vút cao bên chân núi Gôi để hành khách Bắc Nam mỗi lần qua ga núi Gôi có dịp chiêm ngưỡng một chiến công, nghe ngân vang lời chúc "thượng lộ bình an" trên đất nước thanh bình.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Thơ liên ngâm Nguyễn Bính - Vũ Hoàng Chương trên chuyến tàu ngược Bắc Giang thăm Bàng Bá Lân, năm 1939. Nguyễn Bính: "Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương". Vũ Hoàng Chương:"Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương". Nguyễn Bính:"Sở tại Bàng quan chầu lối xóm". Vũ Hoàng Chương:"Thi gia Bá ngọ lúc lên đường"... (Giai thoại Nguyễn Bính).