Giới thiệu tập thơ "Gió mùa" của Nguyễn Quốc Lập - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

Ngày đăng: 09:00 06/02/2019 Lượt xem: 551

---------------------------------------------------------------------------------

GIỚI THIỆU TẬP THƠ “GIÓ MÙA”
CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN QUỐC LẬP
 
         Nguyễn Quốc Lập - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh; Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh; Biên tập viên Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn. Anh vừa cho ra đời tập thơ thứ hai của mình – Tập thơ mang tên “ Gió mùa”.
          Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu tóm tắt đôi dòng bình của Trần Công Sản - Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn Bắc Ninh về tập thơ này.
 
 
Gió mùa - Tập thơ thứ hai của Nguyễn Quốc Lập


          Tình Thơ người lính
         Tôi gặp và quen Nguyễn Quốc Lập trong dịp hai chúng tôi cùng đi nhận giải cuộc thi "Lục bát Trường Sơn" và "Gương sáng Trường Sơn" do Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh phát động. Tôi nói vui với anh: "Chúng mình cùng quê, cùng lều chõng đi thi và cùng đậu thám hoa". Nhưng anh nhận giải văn, tôi nhận giải thơ. Ấy vậy mà sau một năm ngày nhận giải thưởng, Nguyễn Quốc Lập tặng tôi tập thơ "Lính Trường Sơn" dầy dặn với gần trăm bài, đa phần là thơ lục bát, do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2017, làm tôi thầm thán phục. Anh chàng này đa tài thật, vừa viết báo, viết văn lại làm thơ nữa. Lại một bất ngờ Nguyễn Quốc Lập đưa tôi bản thảo tập thơ "Gió Mùa" ; "Anh viết lời tựa cho em, anh em mình cùng có một thời cầm súng, trận mạc chắc dễ cảm nhận thơ của nhau hơn".
         Cầm tập bản thảo trên tay, tôi sửng sốt, lại trên trăm bài thơ chào đời trong gần một năm, có lẽ phải gọi anh là nhà thơ thôi.
         Nguyễn Quốc Lập sinh ra và lớn lên ở vùng quê có nghề truyền thống tranh dân dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Một ngôi làng ven đê trù phú, bốn mùa ngô lúa xanh tươi với dòng Sông Đuống rì rào sóng vỗ ngày đêm chở nặng phù sa.
         Hồn thơ của Nguyễn Quốc Lập được ấp ủ từ quê hương có con sông "Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ" (Hoàng Cầm) được nuôi dưỡng thành hồn thơ chiến sỹ.
         Mười sáu năm trong quân ngũ, bàn chân người chiến sỹ đã từng qua chiến trường B, C. Sau ngày toàn thắng, đất nước trọn niềm vui, anh cùng đồng đội hành quân trở lại tây nguyên truy quét bọn PULRO, tàn dư quân địch, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào giai đoạn hai, sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975. Buông cây súng trở về đời thường, mang theo vết thương, người thương binh ấy lại cầm bút viết báo, làm thơ.
          Cầm tập thơ trên tay tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không biết tác giả viết gì đây, lần theo cảm xúc từng bài thơ tôi mang máng anh viết về người lính Trường Sơn thời trận mạc, đến giữa tập thơ bắt gặp bài "Gió mùa", phụ đề ghi "Thân tặng đồng đội nữ Trường sơn". Cảm giác của tôi đã đúng "Gió mùa"  chỉ là ẩn dụ nói sự mất mát hy sinh của những người lính Trường Sơn. Với đồng đội nữ, sự hy sinh thiệt thòi còn tăng gấp bội. Tác giả đã phải thốt lên:
Đông về em có lạnh không
Chăn đơn gối chiếc anh lòng quặn đau
         Tuổi xuân của người con gái đã bỏ lại ở Trường Sơn.
Đến mùa gió lại trở đông
Chăn bông gối đệm mà không ấm phòng
Bởi em chưa kịp lấy chồng
Chiến trường khói lửa chờ mong gió mùa.
(Gió mùa)
         Người phụ nữ trong tập "gió mùa" dường như được tác giả ưu ái hơn cả. Anh xót xa với cô thanh niên xung phong, cô bộ đội nữ mở đường Trường Sơn thủa ấy:
Trường Sơn nắng cháy mưa quây
Tóc em rụng xuống vương đầy cành khô
(Cô gái mở đường)
         Những người vợ lính Trường Sơn mỏi mòn chờ đợi:
Tuổi xuân giữ mãi hai hai
Còn em chờ đợi đã ngoài bảy mươi
(Giữ vẹn câu thề)
         Anh ra đi mãi mãi tuổi hai hai, em vẫn chờ anh không hóa đá, câu thơ tưởng như nhẹ bẫng, đọc chậm lại sẽ làm ta rưng rưng lệ.
       Nguyễn Quốc Lập làm thơ như một cách dãi bầy tình cảm, một cách bộc lộ ứng sử với đời. Những liên tưởng nhớ nhung, mong đợi, suy ngẫm...
Vẳng nghe tiếng mẹ hát ru
Đu đưa theo nhịp võng dù Trường Sơn
 (Lời ru của mẹ)
         Trong tập thơ anh dành tình cảm cho người bạn đời yêu thương của mình. Người vợ lính trong thời chiến chịu bao nhiêu thiệt thòi, khắc khoải, cô đơn:
Vài ngày cưới phải đi xa
Anh vào chiến tuyến ở nhà mình em.
 (Hoa khôi của anh)
         Đừng tưởng thơ người lính khô khan, chỉ thấy bom rơi đạn nổ. Thơ Nguyễn Quốc Lập cũng tình tứ lắm đấy:
Ngắm mãi vòng eo cô thôn nữ
Lung linh bóng nước dưới chân cầu
(Thả câu)
         Trong thơ có họa, như bức tranh tố nữ khỏa mình bên dòng nước biếc, có tràng thi sĩ trộm nhìn , ngơ ngẩn đứng làm thơ.
         Ngôn ngữ thơ Nguyễn Quốc Lập là ngôn ngữ phổ thông với thể thơ truyền thống, song đâu đó đã có những câu neo vào lòng người đọc:
Tìm về kỷ niệm dòng sông
Trăng treo bến nước đò không có người.
(trăng treo bến nước)
         Hay mùa thu với nỗi niềm bâng khuâng man mát:
Chiều về nhẹ gió thu bay
Trời se se lạnh heo may hững hờ
(Thu xưa)
         Có thể gọi tập thơ "Gió mùa" là tình thơ người lính. bao cảm xúc trong thời chiến tranh trận mạc cứ ùa về trong thơ anh. Bao cung bậc buồn vui, ấm lạnh của kiếp người cũng được anh đưa lên trang viết. Đọc "Gió mùa" ta càng yêu cuộc sống thanh bình của ngày hôm nay, càng nhớ ơn những người đã đổ máu xương cho độc lập, tự do, hạnh phúc.
 
Trần Công Sản
Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn Bắc Ninh

 

tin tức liên quan