Chuyện một người lính cựu, dự thi Hào khí Trường Sơn của Vũ Thế Thược

Ngày đăng: 02:07 12/02/2019 Lượt xem: 817
Bài dự thi viết về HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN 
 
      
                                                 CHUYỆN MỘT NGƯỜI LÍNH CỰU

                                               
                                                                                  Ghi chép
 
       Đại úy Hoàng Đắc Lưu Phó Chủ tịch Hội Truyền thống bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh kiêm Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Lào huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh Tết này thượng thọ 80. Đoàn đại biểu BCH Hội Hữu nghị Việt Lào cùng Hội truyền thống bộ đội Trường Sơn do Chủ tịch Lê Ba là trưởng đoàn đến nhà chúc Tết. Nhìn anh cả vui khỏe Chủ tịch Ba mừng rứu cả lưỡi, nâng cái túi lên trịnh trọng công bố:
- Tết này anh cả thọ 80, mời anh cả diện cho bộ lễ. Lê Ba rút trong túi ra cái quần đỏ, áo đỏ, khăn xếp đỏ nói tiếp: “Tuổi xuân luồn rừng vượt thác màu xanh áo lính, tuổi già vui thú thảnh thơi áo đỏ là đúng với vận khí cuộc đời, bác cả diện đi chúng em xin pô ảnh, nhiều đồng đội bận, trước họ xông pha chiến trường giờ lại xông pha thương trường, trước bảo vệ Tổ quốc, giờ làm giàu cho đất nước, “Cuộc đời chiến sỹ giản dị đẹp biết bao”.

     Nâng chén rượu nồng, các hội viên vui mừng sung sướng trước thành quả hai mươi mốt năm chiến đấu hy sinh đã thực sự mang lại hạnh phúc cho đồng bào, hưng thịnh cho đất nước trong đó có bản thân mình. Chiến thắng quân thù cần danh tướng, chiến thắng đói nghèo cần những doanh nhân. Tướng doanh nhân ngày một đông, tá, úy doanh nhân thì vô kể, họ đã là niềm kiêu hãnh của đất nước hôm nay… Không ít bộ đội Trường Sơn thời đánh Mỹ.

      Lê Ba từng viết báo, thích lãng du nên tôi rủ anh đi chơi thăm quê hương một doanh nhân tiêu biểu, Doanh nhân, Anh hùng lao động thời đổi mới Đoàn Xuân Tiếp con liệt sỹ chống Pháp, cựu lái xe Trường Sơn, thương binh hạng ba người mà tôi đã từng quen biết.

 
       ****
 
      Quê anh làng Phương Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh. Từ Ngụ đi theo tỉnh lộ 285 dăm km là đến. Ấn tượng đầu tiên là cái hồ bơi. Bờ hồ xây khá đẹp, mỗi góc một bức tượng đá trắng rất nghệ thuật. Hồ bơi là hồ chứa nước của trạm bơm làng anh. Chúng tôi hỏi một người về doanh nhân Đoàn Xuân Tiếp.
- Thưa ông, ông Tiếp có hay về quê không ? Có giúp cho làng nhiều không?
- Bác tôi bận lắm nhưng việc làng, việc họ vẫn về. Còn giúp cho làng ư? Quan điểm của bác ấy là cho cái cần câu chứ không cho con cá. Hồ bơi này bác ấy xây tặng làng vừa là hồ chứa nước, vừa là bể bơi. Ao làng bây giờ ô nhiễm không tắm được, chỉ còn cái hồ này không cho thả cá lại có nước ra nước vào nên khá sạch. Tôi đã đi nhiều nơi, chưa thấy làng nào có hồ bơi đẹp thế này. Cách đây mươi năm, làng tôi xây đình sau sáu mươi năm đốt đình tiêu thổ kháng chiến, bác ấy cung tiến toàn bộ phần móng và nển, còn giúp làng mở xưởng thêu tranh nghệ thuật, có lúc gần hai trăm người làm, thu nhập không cao nhưng ổn định. Con em gia đình chính sách, người tàn tật ông ấy cho đào tạo nghề và nhận vào làm việc ngay trong công ty. Con em chính sách tốt nghiệp cấp 3 ưu tiên cho vào học trường Đại học Kinh Bắc do ông ấy là sáng lập viên kiêm Chủ tịch HĐQT. Hiện ông ấy có hai công ty lớn khoảng ngàn nhân viên trong đó trên 50% là người tàn tật, sản phẩm của họ rất đa dạng, thêu tranh, chế tác đồ mỹ nghệ từ tranh, đá, vàng bạc phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.

         Tôi gọi điện xin gặp anh. Văn phòng Công ty trả lời: Viết bài thì bác cứ đến Công ty Chân Thiện mỹ ở Quế Võ Bắc Ninh, hay Sao Đỏ Chí Linh Hải Dương hay trường Đại Học Kinh Bắc ở Tp. Bắc Ninh. Viết về ông Tiếp thì thôi, nhiều người viết lắm rồi. Sếp em không muốn viết về mình. Tôi đành xin số điện thoại cá nhân. May mắn được anh thông báo: “Sáng mai tôi về Chân thiện Mỹ Quế Võ, nếu anh bố trí được, tôi mời anh từ 9 đến 10 giờ.” Tôi đoán chắc đây là tình cảm đặc biệt dành cho đồng đội năm xưa nên tôi sang sớm hơn nửa giờ.

        Chào bảo vệ, bảo vệ nói Giám đốc đến rồi để tôi nhắc lễ Tân là khách hẹn đã tới để họ chuẩn bị.

          Thương binh Đoàn Xuân Tiếp sinh 1950 hơn tôi hai tuổi, anh là lái xe đường Trường Sơn. Ra quân lái xe khách ở Sân bay Gia Lâm. Lao động được 19 năm, còn một năm nữa là nghỉ hưu. Ai cũng nghĩ lương hưu và trợ cấp thương binh kiểu gì anh cũng an tâm lúc tuổi già. Vậy nghe Nhà nước có chính sách cho hưởng một lần, anh quả quyết viết đơn xin được giải quyết lấy vốn đầu tư. Bè bạn, người thân nghi ngờ lo lắng nhưng anh vẫn rất lạc quan. Ban đầu anh đầu tư buôn đồ lưu niệm bán ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau hai năm làm ăn, anh mạnh dạn về Hải Dương mở lớp dạy nghề cho người tàn tật. Sau thời gian tất bật chuẩn bị, lớp học đầu tiên có 60 học sinh, họ vừa học vừa làm nên có thu nhập. Số công nhân nhanh chóng tăng lên được Bộ LĐ và TBXH, UBND tỉnh Hải Dương giúp đỡ anh đã được cấp phép thành lập công ty và sau hơn hai mươi năm xây dựng bây giờ công ty anh đã có được thương hiệu vững chãi.

        Nhìn những người thợ khuyết tật chăm chỉ, vui vẻ lao động, tất cả đều bày tỏ thái độ quý trọng, thân gần với anh vì anh rất gần gũi và yêu thương họ. Chính anh đã dẫn dắt cho trên hai mươi cặp vợ chồng, đám cưới nào anh cũng đến dự. Anh đưa tôi đi thăm công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn châu Âu, giới thiệu một số sản phẩm chủ yếu dành cho xuất khẩu, trường Đại học Kinh Bắc của anh đào tạo 5 chuyên ngành thiết thực như Quản trị kế toán, Ngọai ngữ Du lịch, Kinh doanh du lịch, Công nghệ thông tin…

       Hai chúng tôi ngồi uống trà dưới giàn hoa giấy lớn. Anh Tiếp kể: “Trước hết nhờ chính sách của Nhà nước cộng may mắn mà tôi có sự nghiệp hôm nay, quan điểm của tôi về giúp đỡ mọi người là sắm cho người ấy cái cần câu để họ kiếm cá, xã hội đích thực là xã hội lao động, ai cũng phải lao động, lao động theo khả năng, không lao động làm gì có thành quả. Người khó khăn phải tạo cho họ thời cơ và điều kiện làm việc, đừng dễ dàng cho cá sẽ dẫn đến trì trệ. Ưu tiên chứ không đặc cách thế mới phát triển bền vững, giữ được đạo đức của xã hội.”

       Nghe anh tâm sự, tôi hiểu anh rất chắt chiu, từng phút từng giờ, lo toan mọi thứ, anh rất bận, đang tiếp tôi mà điện gọi, điện hỏi liên hồi nên tôi cũng nhanh chóng bày tỏ sự ngưỡng mộ người đồng đội giàu nghị lực và biết chăm lo cho xã hội. Anh hiểu ý nên giải thích: “Anh có viết thì viết về công nhân, đừng viết gì về tôi nhé. Công ty tôi vừa có chuyện vui, chị phiên dịch yêu một khách du lịch người Anh, sau hai năm tìm hiểu họ vừa làm đám cưới, họ tặng tôi chai rượu. Có rượu ngon, có bạn hiền nhưng tôi kiêng rượu, tuyệt đối nên tôi biếu anh.

      Chúng tôi xiết chặt tay nhau. Anh tiễn tôi ra tận cổng. Vừa đi vừa kể chuyện năm xưa…

       Ra về, tôi cứ nghĩ mãi cái danh hiệu : “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” cái chính là anh đã mang hạnh phúc cho nhiều người, đặc biệt là người khuyết tật, con em gia đình chính sách, giúp họ sống có ý nghĩa, gián tiếp giúp Nhà nước, xã hội ổn định. Anh như cái khung thép vững chãi kia để cho các loài hoa giấy yếu ớt leo cao vấn vít trên đầu.
 
 
                                                                 Ngày 20 Tết Quý Hợi 26/1/21209
                                                          Công ty Chân thiện mỹ Quế Võ Bắc Ninh.
 
Vũ Thế Thược
Đại Lai-Gia Bình-Bắc Ninh
ĐT 0363193299
tin tức liên quan