"Chị ấy là Nữ CCB Trường Sơn" - Tác phẩm dự thi "Hào khí Trường Sơn" của Hải Ba - Nam Định (Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)

Ngày đăng: 07:20 26/02/2019 Lượt xem: 684
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN” 
 
CHỊ ẤY LÀ NỮ CỰU CHIẾN BINH TRƯỜNG SƠN
HẢI BA
(ĐINH VĂN HỞI)
 
         Đọc bài viết trên báo Nam Định nói về Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Nam Định, tôi mừng lắm khi nhận ra hình ảnh người bạn là Nguyễn Thị Kỳ cùng đồng đội trên trang báo. Giây phút xúc động làm tôi nhớ tới những kỷ niệm khó quên...
         Sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng Hải, tôi nhận Quyết định phân công về làm việc ở một Công ty Vận tải của tỉnh Nam Định. Do mối quan hệ kinh doanh mà tôi quen biết anh chị Quyền - Kỳ. Nhất là khi biết tôi cũng là đội viên Thanh niên xung phong thời chống Mỹ thì mối quan hệ của chúng tôi càng trở nên gần gũi thân thiết hơn.
         Chị là Nguyễn Thị Kỳ quê ở làng An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Chị lớn lên trong hoàn cảnh cả nuớc đang bừng bừng khí thế “ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” mà Bác Hồ đã dạy. Miền Bắc ra sức đẩy mạnh công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến  miền Nam. Lớp lớp Thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Tháng 8 năm 1974 chị tạm biệt người thân, bạn bè, tạm biệt luỹ tre làng yên bình, thơ mộng, tạm biệt mái trường phổ thông cấp III của huyện Bình Lục lên đuờng nhập ngũ. Chị trở thành người lính Công binh đơn vị  X334-D934 Bộ đội Truờng Sơn.
         Trường Sơn là tuyến vận tải chiến lược của ta vận chuyển Bộ đội, lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược... từ Bắc vào Nam. Nhận ra tầm quan trọng có tính quyết định tới sự thành bại cuộc chiến, Đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng quân sự phong toả, đánh phá Trường Sơn, trút xuống nơi đây hàng ngàn hàng vạn tấn bom và cả chất độc hoá học... Chúng muốn thiêu trụi Trường Sơn để xoá tên huyết mạch giao thông này trên bản đồ quân sự.
          Nhớ về năm tháng cùng đồng đội ở Trường Sơn, có lần chị đã tâm sự:
          - Cùng đơn vị vào Trường Sơn em mới mười sáu, mười bảy tuổi ngây thơ lắm anh ạ. Mọi người vẫn coi em là em út đơn vị mà. Lúc đó ta bắt đầu đánh lớn, từ sông Bến Hải trở vào tới Đông Hà Quảng Trị đã được giải phóng. Tuy nhiên, sự ác liệt của chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày, chúng em vẫn cận kề cái chết. Em còn nhớ một người đồng chí vừa biết nhau hôm trước, hôm sau đã hy sinh khi đi làm nhiệm vụ. Những lần như thế càng làm cho tình cảm đồng đội chúng em sâu nặng hơn…
         Em ở đơn vị Công binh chuyên thu lượm xe cơ giới của địch bỏ lại khi chúng tháo chạy và xe của ta bị hư hỏng hoặc bị bom đạn Mỹ đánh để về sửa chữa, phục hồi đưa ra phục vụ chiến đấu. Mới đầu em làm “anh nuôi” phải luôn cố chăm lo đảm bảo sức khoẻ Cán bộ Chiến sĩ đơn vị. Nhiều bữa rau không đủ ăn xót ruột lắm, em phải đi hái rau rừng để cải thiện. Sau đó đơn vị lại giao làm trực máy Thông tin. Đây là công việc đòi hỏi trách nhiệm cao, phải bí mật, giữ kín thông tin và báo cáo kịp thời để Chỉ huy đơn vị xử lý. Em cố rèn mình không để sơ xẩy điều gì làm ảnh hưởng tới công việc được giao.
         
         Sau hoà bình lập lại trên dải đất hình chữ “S”, chị đuợc về nghỉ an dưỡng ở Binh trạm Nam Phong, Nam Trực, Nam Định. Như trời đã sắp đặt, ở đây chị đã gặp anh Đặng Văn Quyền là lính Công binh Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 384-Bộ Quốc phòng. Đến năm 1979, sau khi hết thời gian an dưỡng cả hai cùng chuyển nghành về làm việc ở Công ty Thương mại Vật liệu chất đốt Nam Định. Chị làm nhân viên kế toán Nhà ăn tập thể, anh làm nhân viên phòng Nghiệp vụ Công ty. Tình yêu đôi lứa đã chín muồi, anh chị cùng nhau xây dựng tổ ấm và sống hạnh phúc trong gian nhà tập thể nhỏ bé của Công ty. Thời đó, những người làm ở ngành Thương nghiệp thường giàu nhanh khi họ biết trục quyền, trục lợi để ăn chênh lệch giá “cung cấp’ và “tự do”. Nhưng với tính cách trung thực của người lính, không làm việc khuất tất nên cái nghèo vẫn theo đuổi, anh chị chỉ sống và nuôi con bằng đồng tiền lương chắt chiu của mình, chật vật lắm.
          Vào cuối thập kỷ 80, cả nước toàn tâm toàn ý cùng gồng mình lên phá vỡ cơ chế quan liêu bao cấp và thay vào đó là xây dựng cơ chế kinh tế thị trường. Đổi mới sâu sắc, toàn diện nếp nghĩ, nếp làm theo nguyên tắc tự chủ sản xuất kinh doanh. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không tự mình thoát ra khỏi vỏ bọc bao cấp, chấp nhận thua cuộc phải giải thể. Công ty Thương nghiệp Vật liệu chất đốt Nam Định cũng trong tình trạng như vậy. Anh chị phải nghỉ việc theo chế độ 176, anh nhận được 900 ngàn đồng, chị được 1,2 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp. Về với hai bàn tay trắng tránh sao khỏi cảnh khó khăn, vất vả khi phải nuôi ba con nhỏ và bố mẹ già.         
         Cùng thời gian đó tôi chuyển vào làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh nên mọi thông tin giữa chúng tôi bị gián đoạn. Mãi gần hai chục năm sau, khi tôi về nghỉ hưu ở thành phố Nam Định mới lại gặp nhau. Tôi còn nhớ mãi lần đầu gặp lại, vẫn tính cách bộc bạch, chân thành hai anh chị chia sẻ với tôi đủ mọi chuyện. Kể cho tôi nghe quãng đời vượt dốc khi mới nghỉ việc:
          - Nhận tháng lương bao cấp cuối cùng rồi về với cuộc sống hoàn toàn khác lạ, vợ chồng em cũng thấy hoang mang lắm. Làm gì và làm như thế nào để kiếm sống?! Bỏ ngỏ đến gần một năm sau mới có câu trả lời sau khi đã tìm hiểu thị trường. Chúng em quyết định làm dịch vụ thương mại. Khởi đầu là bán lẻ đồ điện, vật liệu xây dựng, giấy dầu... Sau đó chuyển sang đại lý phân phối. Cứ thế quen dần, thị trường mở rộng. Với phương châm hàng thật, giá thật và đôi bên cùng có lợi chúng em tạo nên lòng tin với bạn hàng, khách hàng..  Sau một thời gian kinh doanh, vốn tích luỹ được đã đủ trang trải nợ vay ban đầu, số còn lại làm vốn tự có của gia đình. Tình cảm khách mua, khách bán với chúng em được gắn bó, uy tín kinh doanh ngày một nâng lên. Cơ chế mới là vậy, cái khó ló cái khôn mà anh.
          “Cái khó ló cái khôn”, câu châm ngôn giản đơn mà hiện hữu. Như muốn minh chứng điều đó, chị kể rành rọt câu chuyện hình thành Công ty Tư nhân Kỳ Quyền cho tôi nghe:
          - Anh còn nhớ gian nhà tập thể lợp giấy dầu mà hồi đó chúng em ở không? Một biểu tượng đặc trưng của thời bao cấp! Giấy dầu thời đó chỉ để lợp nhà. Khổ, biết là nóng mà vẫn phải lợp, phải ở. Bây giờ tìm đâu ra nhà lợp giấy dầu hả anh?. Giấy dầu chúng em làm ra bây giờ là để thi công các công trình xây dựng, công trình giao thông như sân bay, bến cảng đường xá, công trình quân sự...
         Khi buôn giấy dầu từ nước bạn về có lãi suất rất cao, lượng tiêu thụ lớn. Vợ chồng em bèn tính chuyện xây dựng dây truyền sản xuất tại quê nhà một cách thận trọng và thấy có hiệu quả. Thế là chúng em tập trung vào việc xây dựng dây truyền sản xuất giấy dầu. Khi đang lúng túng về công nghệ thì được một bạn hàng thân tín cho tham khảo dây truyền công nghệ cũ. Chúng em tự tìm tòi, tham khảo và cải tiến rồi nhờ tài năng thợ cơ khí Nam Định mà tạo nên thiết bị sản xuất như ngày nay, tiết kiệm khoảng một phần ba chi phí mua thiết bị nước bạn.
Cũng sóng gió lắm mới vượt qua được khó khăn về tiền vốn, vật tư và nhất là mặt bằng sản xuất đáp ứng yêu cầu môi trường. Về vị trí này là lần thứ ba di chuyển, chắc là ổn định. Nói để anh mừng, đến nay thương hiệu đã được khẳng định, khách hàng tin cậy, hợp tác. Hạch toán có lãi để tái đầu tư. Thôi thì mèo nhỏ bắt chuột nhỏ anh nhỉ....
          Tôi tiếp lời:
          - Bắt chuột nhỏ để nuôi mèo lớn lên bắt chuột to, có đúng không nào?
         Chúng tôi cười oà, phấn khích.
          Tôi được biết anh Quyền đã nhiều lần bị huyết áp cao, đột quỵ không còn khả năng hỗ trợ chị kinh doanh. Hiện nay một mình chị vừa lo chăm sóc thuốc men chạy chữa cho chồng vừa lo toan công việc sản xuất kinh doanh ngày một phát triển.
         Khối lượng hàng hoá bán vào thị trường lên tới hơn bốn vạn mét giấy dầu. Doanh thu gần 6,5 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước  địa phương chừng 500 triệu đồng mỗi năm.. Có thời điểm đã tạo công ăn việc làm cho hơn hai mươi lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5,5 - 6,0 triệu đồng trong tháng. Đón xuân Kỷ Hợi 2019, mỗi thành viên trong doanh nghiệp được nhận 5 triệu đồmg quà Tết. Điều đáng quý là có tới một nửa số lao động của doanh nghiệp là con em, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn được nhận vào làm việc. Doanh nghiệp đã trở thành mái ấm gia đình của con em Cựu chiến binh Trường Sơn.
          Nghĩ về đồng chí, đồng đội chị luôn tâm niệm:
          - Sau cuộc chiến ác liệt mà còn được như ngày nay là may mắn và hạnh phúc lắm rồi so với nhiều đồng chí, đồng đội đã mãi mãi ra đi hoặc đang bị thương tật hành hạ. Em và đất nước này mang ơn họ nhiều lắm!
          Từ tâm niệm giàu tính nhân văn đó mà chị luôn sống hết mình vì nghĩa tình đồng chí, đồng đội, nhân ái với cộng đồng. Chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng tính đến năm 2018, chị đã dành gần một tỉ đồng cho công việc tình nghĩa, từ thiện, công đức. Như: Thăm viếng Nghĩa trang Trường Sơn, tài trợ xây dựng Nghĩa trang Thành Lợi quê nhà; ủng hộ xây nhà tình nghĩa mẹ Việt Nam anh hùng, nhà nghĩa tình đồng đội, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, tặng quà và cho đồng đội vay hàng trăm triệu đồng không tính lãi để làm vốn sản xuất kinh doanh...
          Với nghĩa cử cao đẹp và ý chí vượt khó, sáng tạo vươn lên làm giàu trong thời đổi mới, chị đang là niềm tin trong trái tim đồng chí, đồng đội và cộng đồng. Chị đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Trường Sơn Việt Nam; Uỷ viên BCH Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Nam Định; Phó Ban liên lạc Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Nam Định. Vẫn tác phong trung thực, quyết đáp và trách nhiệm của người lính Trường Sơn năm xưa, chị đã trở thành người cán bộ Hội xuất sắc, người nữ Doanh nhân thành đạt, người Phụ nữ nhân hậu đảm đang. Chị đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của UBND tỉnh Nam Định, Hội truyền thống Trường Sơn và nhiều cơ quan chức năng khác. Và gần gũi, quý giá vẫn là tấm lòng đồng chí, đồng đội giàmh cho chị.
          Lửa truyền thống Trường Sơn đang được người nữ Cựu chiến binh Nguyễn Thị Kỳ - Nữ Doanh nhân thành đạt - thắp sáng và truyền toả trong đời sống kinh tế xã hội, góp công tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
         
         Tôi xin gửi lòng mình vào bài viết này với sự ngưỡng mộ và tự hào về người nữ Cựu chiến binh Trường Sơn, người Giám đốc doanh nghiệp thành đạt ở thời kỳ đổi mới, người bạn thân thiết của tôi Nguyễn Thị Kỳ. Những mét giấy dầu mà chị và doanh nghiệp Quyền Kỳ làm ra đã góp phần làm nên con đường tuần tra Biên giới và các công trình quân sự nơi biển xa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tạo dấu ấn những con đường giao thông vươn dài nối liền các vùng kinh tế của đất nước, những bến cảng nước sâu đón tàu bè bạn đến từ năm Châu bốn bể và những sân bay nâng cánh Việt Nam lên tầm cao mới.
         Cả nước đang tưng bừng đón mùa xuân mới với bao niềm vui lớn, tôi cầu chúc Doanh nghiệp Quyền Kỳ vượt qua mọi thách thức của nền kinh tế thị trường tiếp tục vững bước đi lên. Và tôi tin điều đó sẽ thành sự thật, bởi Doanh nghiệp có ánh sáng Nghị quyết Ban CHTW lần thứ 8 khoá XII về vai trò kinh tế tư nhân và bởi chị ấy là nữ Cựu chiến binh Trường Sơn./.                                                              

Ảnh minh họa:
 
Ảnh (1) Nữ CCB Nguyễn Thị Kỳ (thứ hai hàng đầu phải sang) Chụp ảnh lưu niệm
cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Ảnh (2) Giám đốc Nguyễn Thị Kỳ và sản phẩm Giấy dầu do Doanh nghiệp mình làm ra

Ảnh (3) Nữ CCB Nguyễn Thị Kỳ (thứ nhất hàng đầu trái sang) nhận Bằng khen
do Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam trao tặng.

Nam Định ngày 31 tháng 1 năm 2019
HẢI BA
(ĐINH VĂN HỞI)

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Truờng Sơn
Địa chỉ liên hệ: 167 Phan Đình Phung-TP Nam Định
ĐT: 0913.504305
tin tức liên quan