"Trường Sơn" - Bài của Trần Thị Thắng ( Nguyên Phóng viên báo Quân giải phóng Miền Nam, nguyên Biên tập viên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam )

Ngày đăng: 09:47 06/03/2019 Lượt xem: 621
TRƯỜNG SƠN

Trần Thị Thắng
( Nguyên Phóng viên báo Quân giải phóng Miền Nam,
nguyên Biên tập viên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam )

(Trích trong “Ngày trở về” NXB QDND 1997) Nhân kỷ niệm  60 năm mở đường Trường Sơn.
 
         Ngày 1-9, xem xong phòng mổ, bác sĩ Nguyễn Viết Hà (Bệnh viện trưởng) mời hai chúng tôi ngồi chơi. Qua câu chuyện mở đầu, ở đây các anh muốn chúng tôi ở lại làm giúp ít việc: Kẻ pa-nô, cắt chữ dán trên băng để khỏi vào chiến trường sớm lúc nào đỡ lúc ấy (có lẽ anh Hà làm phép tính thử chúng tôi) . Còn chúng tôi quyết đi tới đích càng sớm càng tốt, cắt khỏi đường rừng Trường Sơn để được về đồng bằng nhận nhiệm vụ.
         Đến lúc này, cả tôi và Thanh đều lo lắng, bởi sức lực rất yếu,mỗi người chỉ nặng 35 kg, da vàng như da lươn. Từ đây vào Trung ương Cục là vùng rốn sâu nhất của sốt rét, hoặc có người gọi “vùng biển đen”. Số bệnh nhân chết trong cực Nam Trung Bộ này là rất lớn. Nhưng chúng tôi vẫn phải đi. Anh Hà viết cho chúng tôi mấy chữ, mở con đường ngắn nhất về “ông cụ”.
         Mỗi cuộc đi của chúng tôi bao giờ cũng chuẩn bị kỹ càng, bởi không ai biết được tình thế gì sẽ xảy ra trên đường. 2 giờ chiều ngày 2-9, chúng tôi ngồi trên một chiếc xe trâu đi từ C25 ra Cần Ché. Con đường cát bụi. Bốn chúng tôi ngồi nghiêng ngả trên xe vì đường quá xóc. Người đánh xe trông khỏe mạnh. Anh là dân địa phương, còn hai chúng tôi ốm dở. Anh Quang, anh Hậu (người của C25 đưa chúng tôi đi)  là dân sốt rét. Thanh bị say nắng, chúng tôi ép Thanh phải uống vitamin C pha đường. Tôi tuy không bị say nắng, nhưng thái dương giật giật. Thanh ngả người vào vai tôi, mệt xỉu. 5 giờ chiều, xe trâu đỗ bên lề đường, chúng tôi đi bộ vào thành phố. Tôi bắt đầu thấy mình lại bị sốt rét chiều như mọi ngày
         “Cần Ché, một thị trấn nhỏ, không xôn xao, ồn ào lắm. Đó là bề ngoài. Nhưng bên trong, nó mang hừng hực một cái gì đó… Đi trong thị trấn nhỏ này 2/3 là Việt kiều và Hoa kiều. Người ta vẫn giữ được cái sinh hoạt cổ truyền và tân tiến. Đi chợ ban đêm ở đây là những ô hàng nhỏ xếp bên nhau. Một chum đèn soi rõ tất cả những cái gì muốn bày ra và ánh sáng tỏa ra ngoài rất khiêm nhường. Chúng tôi đến một gia đình yêu nước ở đây, cả gia đình cách mạng. Ông đã từng làm Chủ tịch tỉnh (gia đình người Hoa). Ông Ngọc chạy giấy tờ, xin chỗ ngồi cho chúng tôi đi xuồng máy. Khi tiễn chúng tôi ra bến sông, không một ai trong gia đình chịu bỏ về trước, họ chờ xuồng máy đi mới trở về. Một điều làm chúng tôi cảm động nhất là trên sông luôn có báo động. Vì máy bay địch bay. Gia đình ở đây chưa tiếp xúc với máy bay địch bao giờ, họ vẫn không hề mảy may lo sợ. Họ chờ. 9 giờ 20 phút đêm, xuồng nổ máy, xuất phát, họ mới tiễn biệt thực sự chúng tôi. Thật là hạnh phúc khi gặp một gia đình tốt”.
 ***
         Lần đầu tiên được ngồi thuyền đi dọc sông Mê Kông về phía Công Pông Chàm. Thời điểm này ở Cam-pu-chia nhiều vùng nằm trong vùng kiểm soát của Khơ Me đỏ, một số vùng nằm trong vùng kiểm soát của quân Lon Lol.
        Chính vì vậy, nên việc đi lại từ vùng nọ sang vùng kia phải có giấy tờ cẩn thận. Chúng tôi đi như thế này không có giấy tờ tùy thân, mà giấy tờ từng cán bộ, chiến sĩ được nằm trong két sắt chuyển bằng đường giao liên vào tới Trung ương Cục, hoặc Tư lệnh Miền. Nếu có bị địch bắt dọc đường thì chẳng ai biết chúng tôi là ai. Muốn đi được thì phải nhờ vào T8 (C25 Chỗ anh Hà) và ông Ngọc lo thủ tục giấy tờ thì mới đi lại tự do trên đất bạn được. Khi ca nô chạy xa thành phố, lúc ấy tôi vẫn cảm thấy như mơ, bởi vì việc ngồi xuôi dòng Mê Kông trên 250 km đỡ cho chúng tôi phải đi cả đôi ba tuần trên bộ. Mà chắc gì đã tới! – Với sức khỏe hiện thời, chúng tôi càng không thể đi  nổi. Ngồi nép vào thành ca nô tránh gió, tránh sương mà người vẫn lạnh rờn rợn. Cả bốn chúng tôi lên bờ. 4 giờ sáng, trên đất Công Pông Chàm vẫn tối và nhiều sương, vậy là chúng tôi sắp đến Trung cục rồi , thật mà như mơ, các bạn trong đoàn phải đi bộ hoàn toàn về R. sung sướng và hạnh phúc tràn ngập trong từng mạch máu trong tôi.
         Chúng tôi thầm cảm ơn đường giao liên Trường Sơn.

 
Tác giả Trần Thị Thắng (bên phải) , cùng Hà Phương, hai Nhà báo- Nhà văn Giải phóng 1973.

tin tức liên quan