Chuyện kể của người lính, dự thi Hào khí Trường Sơn của Nguyễn Thanh Hương
Bài dự thi “Hào khí Trường Sơn”
CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI LÍNH
Ký Nguyễn Thanh Hương
Vừa qua, tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt, Ban liên lạc cựu binh sư đoàn 471 đã tổ chức cuộc gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 45 năm ngày sư đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 1971 – 2016.
Gần 300 cán bộ, chiến sỹ là cựu binh của sư đoàn trong toàn quốc đã về dự trong niềm vui, niềm tự hào và niềm xúc động bởi sau chiến tranh một thời gian dài mới được gặp nhau. Ai cũng rưng rưng nước mắt nhớ đến đồng đội của mình đã nằm lại ở Trường Sơn, ở Lào trong những ngày khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhớ thương rồi lại thấy trách nhiệm của mình còn nặng nề đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong buổi gặp mặt, đại diện các đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, các ban hậu cần, trinh sát, quân y và một số cá nhân thuộc sư đoàn 471 đã ôn lại kỷ niệm của một thời oanh liệt của mình với đồng đội, với các trận đánh, với quan hệ giữa nhân dân ta với nhân dân Lào anh em.
Mọi người có mặt hôm đó đặc biệt chú ý đến chuyện kể của cựu binh Đinh Công Nguyệt, nguyên là chiến sỹ quân y. Mọi người chú ý bởi chuyện ông kể không có trong lịch sử chiến tranh thế giới và vì cách truyền đạt của ông dễ nghe, dễ hiểu, rất hài hước. Chuyện mà ông nhớ mãi không bao giờ quên vì tính chất sâu sắc của nó trong cuộc đời quân ngũ của ông.
Trước năm 1972, đơn vị ông đóng quân ở Lào. Thôi, không nhắc đến những khó khăn mà ông cùng đồng đội ở khắp mặt trận như những cơn sốt rét tím tái cơ thể, những trận đói dài ngày, những ngày thiếu muối, thiếu nước uống, nước sinh hoạt, mà ông kể về cái sự trái khóay của ông – một quân y sỹ, mà có thể nói không có một người lính nào trên thế giới đã làm như ông. Hai việc làm bất đắc dĩ mà ông không thích làm, không muốn làm mà phải làm.
Việc thứ nhất: Anh Nguyệt chỉ học đến trình độ trung cấp y rồi vào ngay chiến trường. Ở đơn vị, anh làm nhiệm vụ sơ cấp cứu thương binh tại chỗ, sau đó nếu là thương binh nặng thì chuyển về tuyến sau. Đồng thời cấp phát thuốc sốt rét cho đồng đội, theo dõi sức khỏe mọi người. Việc đỡ đẻ là việc quá xa lạ, thậm chí quá khả năng của ông…
Hôm ấy, chưa kịp ăn cơm tối, có một phụ nữ Lào và một đồng chí của ta, đồng chí này biết tiếng Lào gọi anh Nguyệt ra nói con dâu của bà này đau đẻ. Người Lào kiêng cữ việc sinh đẻ trong nhà, mà phải ra rừng đẻ. Hiện tại con dâu của bà đang ở ngoài rừng, anh Nguyệt ạ - đồng chí của ta nói – hãy cứu con bà đi.
Nguyệt lo lắng vì anh có học khoa sản đâu, nhất là việc đỡ đẻ, nhưng nhớ đến lời đồng chí Chính ủy trung đoàn từng nói:
- Các đồng chí sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế nhưng cũng là nhiệm vụ đánh Mỹ và tay sai. Bộ đội Việt Nam cũng như bộ đội Lào, là con em của nhân dân, phải có quan hệ mật thiết với nhân dân Lào, giúp dân là một trong 10 lời thề của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nghĩ vậy, Nguyệt vội xách túi thuốc, bông băng, dao kéo đi cùng hai người.
Đến nơi, con dâu bà đã vỡ nước ối. Nguy quá làm sao bây giờ? Vỡ ối mà đứa bé chưa ra thì có nguy cơ bị ngạt nếu không cấp cứu kịp thời. Nguyệt mới đầu đỏ mặt vì ngượng bởi anh chưa có vợ, bỗng nhiên đứng trước một sản phụ trẻ mới 19 tuổi nên anh rất lúng túng. Anh nói với đồng chí của ta hãy dịch lời anh: Bảo chị ấy hãy rặn ra, như người ta rặn…ấy mà.
Mười phút trôi qua, người mẹ trẻ hơi thở yếu, nhịp tim chậm, lúc nguy cơ nhất thì Nguyệt nhìn thấy cái đầu đức bé nhô ra một phần, Nguyệt kéo nó ra ngay, nếu không cháu sẽ bị ngạt.
Tiếng oe oe bật lên. Mọi người thở phào. Mồ hôi anh tuôn khắp cơ thể, mặc dù lúc đó đang mùa đông lạnh giá. Anh nhanh tay dùng kéo cắt rốn rồi băng lại. Cháu trai. Tuyệt quá.
Về đến đơn vị gần 10 giờ đêm. Có đồng chí hỏi đùa cậu có nhìn thấy…của chị ta. Thấy gì chứ? Cái ấy đấy. Là cái gì chứ? Là ..là…ha ha.ha…
- À, à tớ không để ý, chỉ thấy cái đầu bé con nhô ra, phải kéo ngay. Kéo nó xong lo cắt rốn, lau người cho nó, có nhìn gì đâu.
Anh em lại nói, thôi còn nhiều dịp nữa, lo gì chứ. Thì đúng quá, còn dịp nữa. Bởi cái tin đồng bộ đội Việt Nam đánh giặc giỏi lại giỏi cả việc đỡ đẻ, nên mấy ngày sau lại có người tìm đến. Nguyệt lại xách túi đi. Ôi chao, có 5 chị to bụng ngồi chờ ở bên suối, cạnh 5 chị là một chị to bụng nằm rên la.
Mấy chị kia nói để đồng chí phiên dịch nói lại cho Nguyệt hiểu là họ mong Nguyệt đỡ đẻ cho họ trước.
- Giời ạ, phải đỡ cho người đau trước, chư chưa đẻ sao mà đỡ được.
Nhưng nghe người của ta dịch lại là, các chị muốn đẻ ngay để về còn đi rẫy (!)
Lại phải luôn mồm giải thích để chị em hiểu. Trong số này, chưa ai đến ngày sinh cả, ngoại trừ một chị đang nằm đó kêu đau.
Sau đó, còn nhiều ca nữa. Ca nào cũng làm Nguyệt lo lắng lẫn đỏ mặt vì ngượng. Lo vì lỡ xảy ra chuyện gì. Người chửa – cửa mả! vậy mà ca nào cũng mẹ tròn con vuông.
Chuyện bất đắc dĩ thứ hai là chữa bệnh phụ khoa cho các đồng chí nữ cùng đơn vị của Nguyệt.
Do thiếu nước tắm, về mùa khô, nam giới thì ghẻ lở, nữ giới thì viêm loét đường âm đạo rất nặng. Thuốc kháng sinh chỉ đủ cho thương binh, làm gì còn cho chị em.
Nguyệt nhớ lại trong thời gian học chuyên môn ở ngoài Bắc, anh có xem một số sách về cây thuốc nam, trong đó lá trầu không có thể chữa viêm nhiễm, giã nhuyễn, vắt lấy nước rồi bôi vào chỗ viêm nhiễm là khỏi.
Nhưng việc khó nhất là các đồng chí nữ trong đơn vị, chưa ai có chồng, có người yêu, có nghĩa là chị em còn “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, làm sao để đưa nước trầu vào được.
Nguyệt tập trung chị em, nói rõ việc đó. Nếu chị em nào xâu hổ, lo sợ mà không chữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng. các chị đều nói chết thì thôi chứ không làm việc đó. Ôi, sao không có nữ quân y ở đây chứ?
Nguyệt nói, tôi không trực tiếp chữa cho các đồng chí, các đồng chí đừng sợ. Tôi sẽ hướng dẫn cho một đồng chí nữ cách làm. Nguyệt gọi riêng một chị ra, hướng dẫn, sau đó chị này làm rất tốt. Ai cũng kêu xót như kim châm, như muối xát, chị nào cũng giẫy lên như đỉa phải vôi. Biết làm sao, thuốc đắng giã tật mà.
Rồi lần lượt, các đồng chí nữ đều khỏi hẳn. Mọi người chúc mừng Nguyệt bằng câu nói vui, nhưng là thật:
- Cám ơn đồng chí nhé. Đồng chí có thêm nghề nữa là đỡ đẻ và…phụ khoa…
…Sau lần ấy, vào cuối năm 1972, Nguyệt được điều về Việt Nam ở tuyến đường Trường Sơn. Ở đây, một số nữ thanh niên xung phong quen biết Nguyệt, trong đó có một chị tuổi 28, chị này rất mến Nguyệt, đã mấy lần sang hầm của Nguyệt tâm sự. Rồi một buổi tối, chị chủ động ngồi cạnh Nguyệt, thì thầm:
- Anh cho tôi xin một đứa con.
Nguyệt trả lời rằng tôi đã có vợ đâu mà có con cho chị. Chị kia nói ngốc lắm, và rồi chị ôm lấy Nguyệt, rồi dùng tay “du lịch” lên những chỗ nhạy cảm của Nguyệt. Nguyệt sợ quá đứng lên. Chị ấy nói:
- Hãy cho tôi một đứa con. Chiến tranh không biết khi nào mới kết thúc. Đàn bà chúng tôi ngoài tuổi 25 coi như là ế rồi. Anh biết rồi đó, xinh đẹp mà ở rừng cũng trở lên xấu xí vì sốt rét, vì thiếu ăn. Nhiều chị em chúng tôi 4,5 tháng không có…tháng, tóc rụng hết. Do đó, tôi xin anh, van anh hãy cho tôi một đứa con.
Nguyệt nói, tha lỗi cho tôi, chết đấy chị ạ. Vi phạm quân lệnh là bị tước quân tịch, đuổi về địa phương đấy.
Chị kia nói:
- Chỉ có tôi và anh biết. Tôi không khai anh ra là được chứ gì? Tôi xin chịu kỷ luật một mình, cái tôi cần nhất là đứa con. Nào anh, cho tôi đi…
Nguyệt vẫn kiên quyết chối từ. Chị ấy đứng lên, gạt nước mắt lầm lũi chui ra khỏi hầm chữ A.
Thương lắm, nhưng không làm được. Nguyệt thở dài và nhiều đêm mất ngủ.
* * *
…Nghe ông Nguyệt kể, cả mất trăm con người trong hội trường đều bật lên tiếng cười sảng khoái. Ông nói tiếp, sau đại thắng 1975, tôi tiếp tục phục vụ trong quân ngũ đến 1982 mới ra quân. Hôm nay, rất tiếc là một số đồng chí là nhân vật trong hai chuyện tôi kể đều không có mặt ở đây. Sư đoàn ta có đến chục ngàn cán bộ, chiến sỹ ở rải rác trên dải Trường Sơn, hòa bình về mỗi người một nơi, thật khó liên lạc. Ai cũng lo chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con cái, rồi lại đến cháu nội cháu ngoại…nên việc tìm đến nhau thật khó nếu không có chuyện thành lập Ban liên lạc sư đoàn để có ngày hôm nay.
Chuyện một chị thanh niên xung phong xin tôi con không có đoạn kết cũng là chuyện thường gặp trong chiến tranh thôi mà.
Lúc giải lao – Tôi – người ghi lại câu chuyện này hỏi ông Nguyệt:
- Anh có nhớ đã đỡ đẻ cho bao nhiêu người hồi đó không?
Ông Nguyệt cười khà khà, mình có nghĩ là chắc gì mình được sống trở về, nên mình có ghi tên tuổi những người mình đã đỡ đẻ đâu.
Tôi nghĩ, chỉ là hai chi tiết trong nhiều chi tiết nữa của ông, của hàng ngàn đồng đội với ông trong những ngày khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhưng, những chi tiết đó cũng làm đẹp thêm chân dung người lính dũng cảm và nhân hậu./.
NGUYỄN THANH HƯƠNG
133, đường Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng.Di động: 0949.300.759