Những câu thơ lẩn khuất... Nhận xét về cuộc thi thơ LBTS của Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 09:57 14/04/2016 Lượt xem: 594

NHỮNG CÂU THƠ LẪN KHUẤT…

Đại tá, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi "Lục bát Trường Sơn"

 

Với tư cách là thành viên Ban Chung khảo cuộc thi Lục bát Trường Sơn do Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2015 cùng với nhà thơ Vương Trọng và nhà văn Phạm Hoa, tôi khá bất ngờ về chất lượng thơ do những người phần lớn không chuyên sáng tác. Đọc kỹ càng 174 tác phẩm vào chung khảo trong hơn 4000 bài lục bát dự thi của các tác giả ở khắp mọi miền Đất nước, trong đó có nhiều người từng là bộ đội lái xe, công binh, xăng dầu, hậu cần, pháo cao xạ, giữ kho, văn công, quân y, thanh niên xung phong…đã có mặt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại những năm đánh Mỹ ác liệt tôi bất chợt nhớ tới hai câu thơ của Chế Lan Viên: Những câu thơ lẫn khuất / Mọc góc xa của rừng...(Những câu thơ)

Tôi ngỡ ngàng tưởng như các ý thơ, câu thơ, bài thơ ấy đã có từ lâu, thời những con đường kín, đường hở dọc ngang giữa Trường Sơn đại ngàn đang còn mịt mù bom đạn Mỹ. Thời Cạnh giếng nước có bom từ trường / Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm / Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…(Gửi em, cô thanh niên xung phong – Phạm Tiến Duật); thời Cái vết thương xoàng mà đưa viện / Hàng còn đầy bến tiếng xe reo / Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến / Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo (Nhớ - Phạm Tiến Duật). Những câu thơ lẫn khuất nẻo rừng xa bật dậy, tỏa sáng cùng ký ức một thời bi tráng; anh hùng dũng mãnh liền kề, trộn lẫn đau thương tang tóc dường như chưa bao giờ nói hết. Ký ức, phải chăng như Aime Cesaire, nhà thơ lớn của thế kỷ XX sinh năm 1913 ở Martinique đã viết: Ký ức, những điều bị chôn vùi, tất cả đều dược khai quật, công bố, nở rộ rực rỡ hoàn chỉnh trong thế giới mà chúng ta đang sống. Đấy là nói chung, còn những ký ức Trường Sơn trong lòng những người lính Trường Sơn thì đã hằn sâu thành đường mòn, thành dấu tích không phai mờ. Tôi muốn gọi đó là tuyến ký ức Trường Sơn.

Bởi thế, nên khi Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh mở cuộc thi Lục bát Trường Sơn thì như đã khơi chạm vào đúng mạch nguồn ký ức của những người lính, thanh niên xung phong của thời trận mạc xa xôi ấy, chỉ trong gần một năm đã có hàng nghìn bài thơ gửi về Ban tổ chức. Đôi vợ chồng chị Phạm Thị Nhung và anh Phạm Đăng Kiểm vốn là lính Trường Sơn đều có thơ vào chung khảo. Ông Sỹ Nhiếp là tác giả dự thi cao tuổi nhất, sinh năm 1930. Đọc những bài thơ lục bát dự thi tôi như được chạm vào trần trụi quá khứ và nỗi lòng hiện tại trong chuỗi hồi ức về Trường Sơn mà mình vốn là người từng can dự.

Nhắc đến Trường Sơn, chúng ta không thể quên được nhà thơ Phạm Tiến Duật. Anh là người đã mang Trường Sơn vào thi ca chống Mỹ với những tầm kích lớn lao, mới mẻ, vừa hùng vĩ, vừa trữ tình. Rất nhiều đồng đội Trường Sơn nhớ anh, trong đó có Phạm Đăng Kiểm với bài thơ Duật ơi! Bài thơ không dài nhưng dung lượng đủ chứa những điều cần nói về Phạm Tiến Duật, về Trường Sơn: Anh theo “Vòng trắng” về trời / “Vòng đen” gửi lại nhắc người mai sau / “Vầng trăng quầng lửa” trên đầu / Cho “Xe không kính” qua cầu Thời gian / Sách đâu mở trắng non ngàn?/ Tiếng cười con gái giòn tan…rừng chiều / Lính Trường Sơn tuổi chớm yêu / Nghêu ngao giăng mảnh trăng treo ngang trời / “Bom rơi mặt lấm”..là cười / “Đông mưa, Tây nắng” thành lời trao nhau / “Rừng không dân” ở nơi đâu? /  Anh về nhen giữa cõi sâu… “Lửa đèn”…

          Những câu thơ lưu giữ hình ảnh Trường Sơn thời chiến tranh thật sinh động. Đúng là không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng. Hình như cái chất tếu táo lạc quan của lính vẫn còn chưa bị mất mát bao nhiêu: Đường thì ngã bảy, ngã ba / Con tim - chỉ một đường ra tuyến đầu / Trống trênh dốc thẳm, vực sâu / Sốt run tay lái. Mái đầu tóc xanh / Đầm mình trong bãi chiến tranh / Bom vô tư (?)…lính cũng thành vô tư (Nhớ rừng – Phạm Thị Nhung). Khẩu khí thơ tạo dựng vóc dáng, vị thế ung dung đĩnh đạc của các chiến sĩ lái xe Trường Sơn thời chống Mỹ. Nổi trội là hai câu Đầm mình trong bãi chiến tranh / Bom vô tư (?)…lính cũng thành vô tư, rất chuyên nghiệp.

          Không gian Trường Sơn không phải chỉ có đạn bom ác liệt mà ở giữa rừng già vẫn có những khoảng đẹp nao lòng. Chúng ta đã từng gặp gỡ điều đó trong thơ Nguyễn Duy: Mặt trời là trái tim anh / Mặt trăng vành vạnh là tình của em (Bầu trời vuông) hay Phạm Tiến Duật: Thế đấy giữa chiến trường / Nghe tiếng bom rất nhỏ (Tiếng bom ở Seng Phan) thì trong cuộc thi này vẫn được gặp lại một Trường Sơn nên thơ trong chiến tranh: Nhà em ở cạnh hố bom / Có con cá lặn đớp chòm sao rơi / Hoa phong lan nở bồi hồi / Trường Sơn em đến ở rồi lại thương / Sáng nghe bầy vượn kêu sương / Trưa nghe bom nổ ngoài đường inh tai / Đêm nghe tiếng hát ngân dài / Ru ai ngon giấc ban mai sáng dần… và Em về trăng đậu kề bên / Hay đâu gặp ánh mắt duyên em cười…(Nhà em – Phạm Cao Phong).

          Thú vị là còn có thêm những khoảnh khắc thần tiên, rất con người ở giữa lòng Trường Sơn thời giặc giã: Sóng vương một chút mộng mơ / Ngọt ngào êm dịu vỗ bờ vai tôi / Sóng hôn má, sóng hôn môi / Sóng hôn tóc, sóng hôn đôi mắt huyền / Em như từ cõi thần tiên / Khỏa thân suối nước tắm miền mưa bom (Tắm suối – Nguyễn Tất Đình Vân)

          Theo tôi, phần lắng đọng nhất, sâu nhất của cuộc thi này là những bài thơ viết về thân phận người lính Trường Sơn và người thân của họ sau chiến tranh. Những mất mát, thiệt thòi mà họ phải chịu đựng trong và sau cuộc chiến lâu dài, phản ánh đúng sự khốc liệt, nghiệt ngã vô cùng của hiện thực đã qua. Chiến tranh đã lùi xa hằng ba, bốn thập kỷ, chúng ta có cơ hội nhìn lại năm tháng đã đi qua một cách điềm tĩnh và toàn diện hơn. Hy sinh, mất mát là quá lớn. Hệ lụy của chiến tranh để lại chẳng bé nhỏ chút nào. Vết thương dẫu liền sẹo vẫn còn những nhức buốt trong tim. Khi trái gió trở trời, khi thế thái nhân tình đầy quanh co, giông bão thì những nhức buốt kia lại quặn xiết hơn. Bài thơ Nghinh ơi của Nguyễn Thanh Liêm để lại dấu vết rất sâu trong lòng người đọc bởi nó vừa mang nỗi thương xót của đồng đội với đồng đội vừa có sự chờ mong thăm thẳm của người mẹ liệt sỹ: Hầm kèo chỉ có hai ta / Bát cơm ăn vội để ra mặt đường / Bom bi, mìn vướng, từ trường…/ Ken dày mặt đất sát thương máu nhòa / Võng đôi liệm bạn chiều tà / Cây rừng im bóng khói là là bay / Mình về bạn ở lại đây / Khắc vào tâm tưởng nơi này Nghinh ơi! và: Mắt mờ chân chậm tóc mây / Sớm khuya mẹ giấu đắng cay vào lòng / Mòn khung bậu cửa mẹ trông / Tháng năm, năm tháng mẹ mong mẹ chờ / Chiều nay nhòa khói hương thờ / Mẹ ngồi, nủa thực, nửa mơ Nghinh về…

Sau chiến tranh có những cô gái Trường Sơn trở thành người tu hành. Không dễ tìm được cách lý giải thấu đáo về hiện tượng xã hội có thật này. Thơ cũng không đi lý giải điều ấy mà chỉ thấy tràn dâng nỗi thương cảm và chia sẻ mênh mang. Bài thơ Viết trước cổng chùa của Đặng Khánh Cường đầy thổn thức: Cái thời ngực nở, eo thon / Tiếng cười át tiếng đạn bom xa rồi / Mười năm vắt kiệt sức người / Em về gửi phận vào nơi cửa thiền và: Nâu sồng giữa chốn trần ai / Tiếng chuông đã vượt ra ngoài miền đau / Chiều nay trong đám rước dâu / Có ai thấp thoáng hương ngâu cổng chùa. Cũng miêu tả thân phận những người phụ nữ như thế, Lê Đình Tâm viết: Ghé vào Lâm Tự chốn xưa / Hình như…áo lính…dậu chùa ai phơi? Cửa thiền đau tiếng chuông rơi / Vẳng sâu Tam bảo tiếng người Nam mô…(Nơi Tam bảo). Cửa Phật thanh tao, tĩnh tại có làm vơi được nỗi đau đời không nhỉ, hay là khi có, khi không như những câu thơ tôi vừa dẫn dụ. Lúc này, chỗ này Tiếng chuông đã vượt ra ngoài miền đau, còn lúc khác, chỗ khác thì Cửa thiền đau tiếng chuông rơi, nghe đến não lòng!

Khá nhiều bài thơ viết về mẹ và chị. Có lẽ, trong mọi cuộc chiến người gánh gồng nhiều nỗi mất mát, đau thương, thiệt thòi nhất là phụ nữ. Các bài thơ dự thi Lục bát Trường Sơn đã chuyển tải được phần nào điều đó. Một người mẹ có con hy sinh ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972 đã tìm đến nơi ấy sau chiến tranh. Mặt sông như mặt gương hiện về quá khứ và khúc xạ nỗi đau của mẹ: Đất trời thì rộng bao la / Con nằm dưới đáy can qua bể trường / Nhẹ tay, mẹ vớt phần thương / Lênh loang sóng, sợ bầm gương, mẹ chừa / Mái chèo khỏa vợi làn mưa / Con trên tay mẹ như vừa trót rơi / Con như thiêu đốt nụ cười / Lòng sông Thạch Hãn bời bời xót xa/ Ru con sông thở đến nhòa / Mái chèo mẹ đẩy khẽ qua tháng ngày / Giấc nào là giấc con say / Giấc nào đáy nước hao gầy mắt trăng (Sông thở - Lê Thúy Bắc). Hình ảnh, ngôn ngữ trong bài thơ thật ám ảnh, truyền cảm. Nhân đây cũng xin nói thêm cho bạn đọc rõ, mùa hè năm 1972, bộ đội Trường Sơn đã cử một số đơn vị vận tải đường sông tiếp tế lương thực, vũ khí cho quân ta bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đất nước hòa bình, đâu phải mọi chuyện đều được trôi chảy, yên ổn. Hậu quả khủng khiếp của chiến tranh chưa biết tới bao giờ giải quyết xong. Nỗi buồn chiến tranh chưa vơi đã phải cộng thêm nỗi buồn thời bình khi bao sự nhiễu nhương, tiêu cực còn sờ sờ ra đấy. Sự phân hóa giàu nghèo thêm sâu sắc; trong căn nhà tình nghĩa khiêm nhường lòng mẹ có con ngã xuống ở Trường Sơn không phải lúc nào cũng thanh thản: Mẹ đau, đau cả cơi trầu / Mẹ buồn, buồn cả bể dâu kiếp người / Bao ngôi biệt thự cao với / Căn nhà tình nghĩa mẹ ơi khiêm nhường / Ngoài kia nhốn nháo thị trường / Nơi đây mẹ sống cương thường thẳng ngay / Người ta mâm cao cỗ đầy / Mẹ nghèo, bếp lạnh, túi gầy đồng lương / Cảnh đời sống động quê hương / Mà con yên nghỉ dặm đường Trường Sơn (Đời mẹ - Vương Văn Kiểm).

Lại thêm nỗi những Vọng phu không thể hóa đá. Những người vợ lính Trường Sơn dằng dặc, mòn mỏi chờ đợi chồng trong chiến tranh. Trong bài thơ Chị tôi, tác giả Trần Công Sản viết: Bảy ngày quấn quýt vợ chồng / Rồi đưa tiễn với năm mong tháng chờ / Anh về trong những giấc mơ / Ánh trăng lọt cửa chị quờ ánh trăng / Nỗi riêng đau cả đêm nằm / Giường xô lệch chiếu, vo chăn gối nhàu / Mấy mươi năm chị làm dâu / Ngày làm vợ tính trên đầu ngón tay…Người vợ không hóa đá nhưng chồng chị đã “hóa” thành đá núi Trường Sơn cùng hàng nghìn đồng đội khác. Thế mới có câu hỏi tu từ này: Trường Sơn đá núi trập trùng / Đá nào nghe thấu tiếng lòng chị tôi…(Chị tôi – Trần Công Sản). Thấm thía sự hy sinh của đồng chí, đồng bào trong chiến tranh chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập tự do Đất nước hôm nay. Càng phải nỗ lực phấn đấu xây dựng Tổ quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để nhân dân thực sự được hưởng hạnh phúc. Có như thế thì sự hy sinh của bao lớp người đi trước càng được khẳng định ý nghĩa lớn lao hơn.

Cái Hay của văn chương, theo tôi, là phản ánh đúng sự thật cuộc sống bằng sáng tạo nghệ thuật cao. Sự tô hồng hay bóp méo sự thật đều không mang lại giá trị đích thực của văn chương. Thơ trong tiến trình đang đổi mới của nó cũng phải giữ được sự đầy đặn của cảm xúc, mang đậm hơi thở cuộc sống và nghệ thuật diễn đạt gần gũi với đông đảo công chúng. Cuộc thi Lục bát Trường Sơn không mang tính chuyên nghiệp và không do một cơ quan văn học nghệ thuật tổ chức nhưng nó đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Bởi, trong nhiều tác phẩm dự thi đã có được hai yếu tố cơ bản của thơ là cảm xúc và chất đời sống. Ngoài hai yếu tố tôi vừa nhắc thì một số bài thơ khá còn có chất lượng nghệ thuật cao. Đó là các bài thơ Duật ơi! của Phạm Đăng Kiểm; Nghinh ơi! của Nguyễn Thanh Liêm; Sông thở của Lê Thúy Bắc; Chị tôi của Trần Công Sản; Viết trước cổng chùa của Đặng Khánh Cường…

Tôi nghĩ, ít nhiều những người viết văn làm thơ chuyên nghiệp sẽ rút ra cho mình những điều bổ ích từ các cuộc thi như thế này. Đó là, đông đảo công chúng đang muốn gì, cần gì từ văn chương nghệ thuật?

 

                                Đồng Xa, những ngày đầu xuân Bình Thân 2016

                                                                    NHQ

tin tức liên quan