CẶP CHÀO MÀO LÔNG TRẮNG.
Truyện ngắn của Phạm Tiến Đặng
Hội viên Sư đoàn 471, Bình Thuận
Tác giả Phạm Tiến Đặng
Cơm chiều xong. Tôi đánh răng rửa mặt rồi vào thắp nhang trên bàn thờ Phật. Đang định ngồi thiền. Chuông điện thoại reo. Đầu máy bên kia giọng thằng Dũng - thằng bạn cùng tiểu đoàn xe trước đây với tôi ở Đoàn 559: Tôi mới đi thăm quê về. Biếu ông ít trà Tân Cương, Thái Nguyên chính hãng ngon lắm! Ông ra tôi lấy quà và uống trà nhé. Ra liền đây ! Để tôi gọi cho thằng Quang, thằng Bình nữa. Thưởng trà xong tôi còn phải ngủ sớm, để sáng mai vô rẫy xịt thuốc diệt cỏ cho hai heta mì nữa đấy !
Tôi oke rồi cúp máy. Đành bỏ một buổi thiền. Tình đồng đội của mấy thằng lính Trường Sơn tha hương chúng tôi là thế ! Tôi thay bộ đồ sơvin rồi khoá cửa, đẩy xe ra cổng. Phi thẳng năm cây số đến nhà thằng Dũng.
Ở đất Bình Thuận này lính Trường Sơn ít lắm ! Như huyện Hàm Tân tôi ở quân số chưa bằng một xã ngoài Bắc. Người gốc địa phương cực hiếm, chủ yếu là dân tứ xứ giải ngũ phiêu dạt về đây vì miếng cơm, manh áo. Có lẽ vì thế mà những thằng lính Trường Sơn còn sót lại trong cuộc chiến như chúng tôi hôm nay gắn bó, đùm bọc và thương quí nhau đến lạ..! Hàng ngày mỗi đứa mỗi việc, thằng nào cũng lo chí thú làm ăn. Nhưng bất kể đứa nào trong nhà có công, có việc. đau ốm hay giỗ chạp, cưới xin gì...Chỉ cần báo với một đứa là anh em bảo nhau đến đủ. Tự động phân công lo tròn việc nhà cho đồng đội. Lần ấy nhà tôi có việc. Ngoài danh sách bạn bè gần gũi đã mời. Đề phòng " bất trắc" tôi đã đặt nhà hàng làm thêm hai bàn bằng hai mươi suất nữa. Biết tin - Những thằng đồng đội ở xa của tôi, không mời cũng đến. Gặp mặt tôi, chúng nói thẳng: Nhà khác mời tụi tao còn cân nhắc. Riêng mày, nghe tin là tụi tao hò nhau cùng đến chia vui. Thế là có bao nhiêu dọn ra bằng hết. Khách khứa thì được đón tiếp nồng hậu, ăn uống no say. Chỉ tội cho mấy thằng đồng đội ở gần tôi vẫn cái bụng rỗng không, lo công việc cho đến khi xong xuôi kết thúc. Nhìn số đồ ăn còn dư lại chút đỉnh, tôi ái ngại vô cùng. Thấy tôi bấm máy định kêu nhà hàng mang đồ ăn vào gấp, mấy thằng bạn lính kiên quyết cản lại - Thôi đi ông ! Còn gì anh em mình dùng nấy, khách sáo gì. Đồ ăn này còn ngon và bổ dưỡng gấp mấy cái thời tụi mình sống, chiến đấu ở đại ngàn Trường Sơn ấy chứ ! Tôi chỉ còn biết cười mếu mà gật đầu.
Bốn đứa chúng tôi đủ mặt. Những tách trà được Dũng rót ra xanh màu tảo nhạt. Nó nâng tách trà lên điệu bộ kính cẩn: Lễ bạc lòng thành, có ấm trà ngon đồng đội Trường Sơn về thăm quê mới biếu. Em mời quí bác thưởng trà !
Thằng Bình cười khà..khà...khoát tay - Miễn chấp! Miễn chấp !
Tôi nâng tách trà lên cụng cùng đồng đội, rồi đưa lên mũi cho khíu giác thưởng thức trước. Trà xịn có khác. Mùi hương sen thoảng nhẹ. Nhấp một chút nơi đầu lưỡi, sau vị chát là cái ngọt thấm dần vô cổ họng.
Thằng Bình trêu bạn: Tớ thừa nhận thứ trà này thơm ngon thiệt, nhưng không biết trà sạch hay là trà bẩn đây ?
Dũng thật thà khẳng định: Theo tớ đây là trà sạch. Vì trà này là của gia đình thằng bạn trực tiếp trồng, thu hái, sao chế và ướp hương ! Nếu quí vị không tin, mình chỉ cần uống tới nước thứ ba, thứ tư nước không nhạt dần mà chuyển sang màu lá khô thì biết ngay.
Bình cười...Chuyện sạch, bẩn từ từ rồi tính. Nhân đây tớ cũng thông báo cho các đồng đội biết tin vui: Từ ngày thành lập tính đến tháng rồi báo điện tử Hội Truyền thống Trường Sơn mình đã có tới hơn mười hai triệu lượt độc giả truy cập đấy !
Ba thằng chúng tôi tròn mắt đồng thanh: Thật vậy không ? Làm gì mà báo mình có số độc giả lớn đến vậy ?
Bình nghiêm túc: Tớ nói thật mà! Không tin các cậu cứ vô mạng là biết ngay thôi. Báo mình giờ phong phú đọc mê lắm. Này nhé ! Ngoài những bài viết của anh, chị em đồng đội, biên tập viên, cộng tác viên "cây nhà, lá vườn". Không chỉ để ôn lại cái thời đạn bom khốc liệt mà còn nhắc nhở nhau giữ gìn và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Bộ đội Cụ Hồ. Ngoài những gương điển hình của rất nhiều đồng đội làm tốt, làm hay. Còn có những bài viết sắc nét cảnh báo, nhắc nhau những việc làm và hướng cho hội viên đi đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và mục đích, tiêu chí Hội. Không chỉ thế ! Ban Biên tập còn chắt lọc những bài viết hay, trung thực mang tính thời sự của các báo khác để chuyển tới bạn đọc trong và ngoài Hội. Mục thơ văn hội viên có rất nhiều bài xuất sắc đáng để người đọc suy ngẫm... Nếu các cậu đang buồn thì hãy vào mục chuyện cười. Chỉ cần đọc vài chuyện là "buồn ơi ta chào mi" liền hà.
Quang nói: Báo mình hay vậy! Nhưng theo tôi được biết phóng viên, Biên tập viên các báo khác ngoài lương chính, phụ phí đi công tác họ còn có thêm tiền nhuận bút khi viết bài. Ấy vậy mà mấy bố trong Ban Biên tập và các cộng tác viên Báo mình “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Viết bài, biên tập đưa tin đã không lương, lại chẳng đồng phụ cấp. Mà sao trong họ nhiệt huyết đến vậy ?
Bình xen vào: Ừ nhỉ kể cũng lạ ! Như bác Võ Sở và các vị lãnh đạo Trung ương Hội tuổi đời ai cũng trên thất thập cổ lai hy. Chiến đấu, cống hiến cho xã hội đến lúc nghỉ hưu. Lẽ thường con người ta ai mà chẳng muốn nghỉ ngơi hưởng thụ, vui thú điền viên. Tổ chức tiệc tùng. Đi du lịch thăm thú đó đây cùng bạn bè, con cháu...Vậy mà..?
Thằng Dũng bảo: Cái nghĩa, cái tình của đồng đội mình dành cho nhau tưởng chừng giản dị nhưng vô cùng cao cả. Này nhé ! Như nhiều đồng chí trở về lăn lộn với đời thường. Khi rau, dưa cà mắm thì lặng im chịu đựng. Nhưng khi làm ăn vươn lên được. Có bát ăn, bát để là lại tất tả ngược xuôi đi kiếm tìm và trợ giúp cho đồng đội. Tớ nghe nói như đồng chí Trần Thị Chung trước đây làm nuôi quân ở Binh trạm 44, Sư 471. Giải ngũ về đời thường do chí thú làm ăn, vượt lên! Chị đã nhiều lần chia xẻ và giúp cho rất nhiều đồng đội. Không những thế Chị còn trực tiếp mang cả hơn 50 con heo rừng đưa đến trao tận tay cho các gia đình đồng chí khó khăn chăn nuôi cải thiện cuộc sống.
Tôi khẳng định: Đúng nghĩa tình của lính Trường Sơn mình là vậy! Không lương, không phụ cấp. Tự bỏ tiền tham gia công tác Hội từ Trung ương đến địa phương. Nhưng bằng vào nghĩa tình và việc làm trong sáng Hội Trường Sơn chúng ta đã làm được những việc tưởng chừng như không thể. Các cậu chỉ cần tổng hợp những con số về hoạt động nghĩa tình thông qua những phần quà, những xổ tiết kiệm, những căn nhà đã trao cho đồng đội thì thấy rõ ngay việc làm ấy đáng trân quí đến nhường nào. Như Tỉnh Hội mình thì có già Long. Chủ tịch Hội. Ba giờ sáng dạy đi lấy đậu phụ về nhóm lửa chiên ròn, để sáng sớm cho vợ ra chợ bán kiếm thêm đồng thu nhập. Khó, khổ là thế ! Nhưng bất kể công việc gì của Hội dù xa mấy với chiếc xe máy cà tàng anh cũng tìm đến tận nơi để cùng chia xẻ và tháo gỡ. Trên cao nguyên thì có anh Đinh Quang Đá. kinh tế gia đình cũng chỉ giật gấu, vá vai. Ấy vậy mà chỗ nào đồng đội khó khăn, dù chạy xe máy đi cả hơn trăm cây số anh cũng tới. Anh tới để tìm hiểu, động viên, chia xẻ và kêu gọi các mạnh thường quân cùng các cấp chính quyền, chung tay giúp cho những đồng đội Trường sơn đang gặp những hoàn cảnh éo le, bất hạnh.
Nhiều lắm...Nhiều lắm những người anh, người đồng đội của mình có tấm lòng nhân ái !
Quang trầm tư, nói nhỏ như tự trả lời cho chính câu hỏi khi nãy của mình : Hiểu được điều này chỉ có thể suy ra từ - Bản sắc Trường Sơn, bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Những người chỉ biết suốt đời cống hiến, hy sinh. Chỉ biết cho đi mà không hề nghĩ suy nhận lại !
Tối nay ngồi uống trà đối diện với Bình. Nhìn chiếc phù hiệu Trường Sơn lấp lánh dưới ánh đèn nơi ngực nó, tôi mới chợt hiểu ra ý nghĩa sâu xa của chiếc phù hiệu biểu tượng của Bộ đội Trường Sơn. Những đồi núi chập trùng ngút ngàn, xanh ngát thanh bình ấy đã được tưới bằng nước từ những dòng sông, dòng suối nhuộm đầy máu đỏ của những người lính Trường Sơn đã hy sinh cho sự bình yên của đất nước hôm nay!
Dũng chép miệng: Nghe ông Bình nói mà tụi này thèm quá. Rất tiếc, tụi tôi không biết lên mạng để hàng ngày được theo dõi Báo mình. Quay qua tôi Dũng bảo : Ông thông báo cho anh em tôi một số tin tức mới nhất được không ?
Tôi kể cho anh em nghe mới đây các tỉnh hội Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai...Anh em tổ chức Đại hội hoành tráng và vui lắm ! Ngoài đó nhiều huyện đã một trăm phần trăm thành lập xong Hội Truyền thống Trường Sơn đến cơ sở Hội cấp xã. Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang và một số nơi khác có những mô hình làm kinh tế hội rất phù hợp. Không những họ tạo được nguồn quỹ để thăm hỏi, động viên giúp đỡ lẫn nhau, mà còn tạo việc làm, thu nhập chính đáng ổn định cuộc sống cho hội viên và con em họ. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn lặn lội khắp miền xuôi, ngược để thăm hỏi, động viên anh chị em hội viên. Đến với các Hội cơ sở để nắm chắc tình hình, kịp thời đưa ra những những quyết sách, điều chỉnh sáng tạo, chỉ đạo củng cố và xây dựng Hội phù hợp với tình hình thực tiễn. Vừa qua đoàn lãnh đạo Trung ương Hội do Chủ tịch Võ Sở cùng với Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Anh Tuấn dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Tổng cục Chính trị, Trường Đại học Giao thông Hà Nội v.v... Để chuẩn bị cho Đại hội nhịệm kỳ hai của Hội sắp khai mạc vào đầu tháng chín tại Thủ đô Hà nội.
Tớ nghe - lần Đại hội này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đến dự, chỉ đạo Đại hội và trực tiếp trao Huân chương Lao động cho Hội Trường sơn mình nữa đấy ! Đó chính là sự quan tâm chăm sóc và ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho những người lính Trường Sơn đã suốt đời cống hiến hy sinh vì sự bình yên cho quê hương, đất nước !
Thằng Quang reo lên: Vậy mới phải chứ ! Nó vừa nói vừa lấy mấy trái ổi trong túi nilon ra, lấy dao cắt từng miếng xếp vào đĩa để lên bàn mời: Chào đón tin vui của Hội mình, tôi có mang theo ít trái cây sạch trong khu vườn sinh thái, mời các đồng đội dùng thử xem hương vị thế nào ?
Vườn cây trái của Quang - Nhân vật trong truyện ngắn.
Chúng tôi cầm miếng ổi lên ăn. Thật tuyệt vời ! Trái không lớn chỉ to hơn nắm tay một chút. Nhưng thanh, ròn. Không hạt, ngọt và mùi thơm dịu nhẹ. Phải thú thực: Nếu ai đã ăn loại ổi này thì có lẽ trái táo Tầu, táo Mỹ không còn đất “để dụng võ”. Ai chứ tụi tôi thì không lạ gì cái Hoa viên sinh thái của Quang. Vùng đất hơn hai heta của người chủ cũ chỗ lồi, chỗ lõm. Đường vào bé xíu, cỏ dại lút đầu, lưa thưa mấy cây điều sơ xác. Rao bán dư hai năm ai đến coi cũng le lưỡi, lắc đầu. Thằng Quang mua lại. Bằng số lưng vốn ít ỏi, san ủi, mở đường. Kết hợp với trí tuệ kiến tạo cùng công sức lao động miệt mài của cựu lính Trường Sơn. Đến nay mới sáu năm trôi qua khu hoa viên sinh thái của nó đã trở thành vườn cây rợp mát. Trong vườn mùa nào thức ấy, cây trái xum xuê, trĩu quả lung linh soi bóng xuống những hồ cá trong vườn. Vườn nó chim rừng đủ loại từ cu cu, chích choè, chào mào, sao sáo...tự nhiên ở đâu kéo về làm tổ, đẻ con dắt nhau bay đi rồi lại rủ nhau bay về xây thêm nhiều tổ mới. Ban đầu trái cây trong vườn chín. Tụi tôi thấy thằng Quang không tận dụng thu hái bán hết. Tụi tôi thầm trách hắn: Nghèo mà lại chơi sang. Đến giờ thì tụi tôi đã hiểu - Quang dành lại thức ăn để nuôi những chú chim hoang dã. Không những thế nó còn tiết kiệm chi tiêu dành ra những phần tiền thu nhập ít ỏi từ chăn nuôi, trồng trọt mà giúp cho các cháu nghèo hiếu học, giúp những đồng đội cơ nhỡ khó khăn. Đôi lúc rảnh việc hứng lên. Sáng sớm tụi tôi rủ nhau kéo vào bắt nó pha cà phê thiết đãi. Ngồi uống cà phê trong không gian tĩnh lặng. Nghe tiếng thác nước đổ từ trên núi xuống (Hòn non bộ nó làm bằng bê tông cốt thép, phỏng theo một ngọn núi đá ở Trường Sơn) hoà quyện cùng tiếng chim rừng, mùi hương của các loài hoa. Tiềm thức tưởng như đã nằm sâu trong ký ức của những người lính già chúng tôi bồi hồi, da diết...Nhớ về cái ngày còn ở Trường Sơn với những cánh rừng, con suối lảnh lót tiếng chim kêu, vượn hú trong những giờ phút ngắn ngủi thanh bình không có tiếng bom rơi, đạn réo...
...Trường sơn đang vào mùa mưa. Sáng ấy... cánh lính chúng tôi hành quân đi nhận nhiệm vụ. Con đường giao liên chỉ vừa một lối chân người. Trơn trượt, lởm chởm đá tai mèo. Nhờ chiếc gậy Trường Sơn làm điểm tựa, đã giúp cho những người lính Trường Sơn vững bước. Đến trạm gần chân đèo Phù Trường, người dắt đoàn chúng tôi hành quân hôm đó là một nữ chiến sỹ giao liên. Em có khuôn mặt bầu bầu trắng mịn, điểm tô mấy sợi lông măng xoăn xoăn hai bên mái thái dương. Bộ quân phục màu xanh tô châu ôm sát thân hình của độ tuổi trăng tròn mười bảy. Hỏi ra mới biết - Em quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Em mới vào nhận nhiệm vụ ở đơn vị giao liên này được vài tháng. Sau khi băng qua một cánh rừng đến bên dòng suối, đơn vị được phép giải lao để chuẩn bị lên đèo. Anh em đề nghị em hát một bài. Khoác khẩu AK chéo qua vai, em cất giọng : Xe ta băng băng qua dặm ngàn, kìa đoàn xe ta băng qua bao suối đèo, đồi nương. Mà xe ta băng ra chiến trường. Chào em cô gái Lam Hồng...Giọng em cao vút quyện cùng tiếng suối ào ào tuôn chảy như những cung bậc nhạc nền thanh thoát, trầm hùng... Hình ảnh những đoàn xe không kính trong mịt mù khói lửa đạn bom đang băng đèo, vượt suối lao nhanh về hướng các chiến trường. Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong mảnh mai đang hè nhau vần những quả bom chưa nổ sang bên, vác đá lấp đường để thông tuyến xe qua... Những hình ảnh ngoan cường trong lửa, hoa và nước mắt đã được hoạ sỹ Đức Dụ - Hoạ sỹ Chiến trường ghi lại bằng những nét bút chì phác hoạ trong tập tranh của ông về cuộc sống, chiến đấu của những người lính Trường Sơn.
Anh Chính, Phó đoàn, không biết từ lúc nào đã bắt được một cặp chào mào con lông trắng. Anh vừa nghe em hát vừa hý hoáy lấy dao găm chẻ mấy cành hóp đan thành một chiếc lồng. Em vừa dứt tiếng, anh mang chiếc lồng chim có hai chú chào mào non lông trắng đến trao vào tay em rồi nói: Anh tặng em cặp chim chào mào này mang về trạm nuôi làm kỷ niệm. Đây là loài chim quí hiếm. Nó còn nhỏ chưa bay được ở trong rừng không biết bom đạn thế nào...Về trạm nhớ chăm sóc nó thật cẩn thận. Sau này hết chiến tranh em nhớ mang nó thả về rừng.
Nhung ( tên cô giao liên ) được anh Chính tặng cho cặp chim non mừng vui ríu rít...Cầm chiếc lồng có hai chú chim con chưa ra ràng bé xíu giơ lên mở tròn đôi mắt bồ câu ngắm nghía...Cặp chim này đẹp quá ! Em hứa với các anh sẽ đưa nó về trạm và chăm sóc cẩn thận. Ngày chiến thắng, anh em mình gặp lại sẽ cùng nhau mang nó thả về rừng.
Nước suối đục ngầu, cuồn cuộn. Chúng tôi bọc ba lô, quần áo trong tấm áo mưa rồi từng người im lặng bơi qua suối. Qua bên bờ chưa kịp mặc xong quần áo, từ những mô đá lúp xúp ven bờ từng tràng AR15 nổ tung chát chúa. Nhung hô to: Biệt kích! Tất cả tản ra theo đội hình chiến đấu! Nhanh như cắt em lăn người vào sau mô đá. Những khẩu AK của chúng tôi chớp lửa, nổ rền hoà với tiếng điểm xạ vô cùng chính xác từ khẩu súng trên tay của Nhung. Trận đánh kết thúc nhanh gọn. Tổ thám báo bảy tên đã bị ta bắn bị thưong và tiêu diệt. Nhung rời mô đá chạy đến ven suối, nhặt cái lồng chim bị văng ra khi em lăn người vào vị trí chiến đấu. Cầm chiếc lồng chim trên tay, Nhung đi về phía chúng tôi với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Giọng nói miền Trung trong trẻo, đượm tình, em bảo: Các anh coi hai con chim ni lăn xa dữ vậy mà có bị xây xát chi mô! Chúng tôi đang định chạy tới bên em để coi dung nhan của hai chú chim non chào mào lông trắng sau trận đánh. Bỗng bùm! Một tiếng nổ chát chúa vang lên từ khẩu súng côn của tên biệt kích bị thưong nằm vắt mình lên mô đá giả chết. Bằng phản xạ của người lính. Anh Chính lia ngay cả nửa băng đạn vào thằng toán trưởng biệt kích vừa nổ súng vào Nhung. Chúng tôi lao đến bên Nhung. Em vẫn đứng, người hơi chúi về phía trước. Tay Nhung vẫn cầm chặt chiếc lồng chim. Dòng máu đỏ tươi tuôn ra xối xả từ bên ngực trái. Chúng tôi quây xung quanh em và đặt em nằm xuống. Nhung nở nụ cười trên đôi môi nhợt nhạt thều thào kẽ nói: Nhờ các anh báo..áo...lại với...ới...ới..các đồng chí trong trạm, binh nhất Nhung đã hoàn thành nhiệm vụ ! Ờ...ớ...các anh nhớ đưa cặp chim này về trạm...ạm...nhờ các đồng đội em nuôi giúp, để mai này thả chúng về rừng. Chúng tôi nhận chiếc lồng có hai chú chim non từ bàn tay run run của em trao. Cặp chim bé nhỏ nép mình vào nhau run run, ngơ ngác...Chúng làm sao hiểu được...để cho chúng có cuộc sống bình an, người nữ chiến sỹ giao liên Trường Sơn đang tuổi trăng tròn đã mãi mãi nằm lại nơi lưng đồi, bên suối !
Hỡi quí ông, quí bà dư tiền, lắm của ! Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn. Hãy đừng vì khoái khẩu, mà săn lùng động vật hoang dã. Để có được những món sơn hào, hải vị trên bàn ăn sang trọng của quí ngài, xin hãy hiểu cho rằng : Tuy là động vật nhưng chúng cũng muốn được sống trong thanh bình, ấm êm, hạnh phúc như chính loài người! Và hơn thế - Thượng đế sinh ra muôn loài trên Trái đất này, chính là Ngài ban cho Trái đất này được cân bằng sinh thái !
Cặp mi dài thanh tú của Nhung từ, từ khép lại. Những người lính chúng tôi hàng ngày, hàng giờ đối diện với bao mất mát hy sinh. Tưởng như con tim đã sạn chai, lúc này không ai còn cầm được nước mắt.
Mấy tháng sau có dịp đi qua trạm giao liên của Nhung, nghe các đồng chí trong trạm kể lại...Chúng tôi càng cảm phục em. Bố Nhung là bộ đội đã hy sinh ở chiến trường K. Nhà có bốn anh em thì hai anh trai đã vào bộ đội. Sau khi học hết cấp hai, Nhung cứ nằng nặc bám theo bà cô ruột làm xã đội trưởng xin cho được vào chiến trường đánh Mỹ. Chịu hết nổi sự đeo bám của cô cháu gái. Bà cô Nhung đành phải chiều theo nguyện vọng của đứa cháu đẹp người, đẹp nết ngoan hiền. Nhung vào đơn vị huấn luyện. Sau ba tháng cô đã là xạ thủ nổi tiếng với các bài kiểm tra bắn đạn thật, nhất là môn điểm xạ luôn đặt điểm chín, mười. Tính đến ngày em hy sinh, Nhung vào Trường Sơn chưa đầy năm tháng. Trong nhiều lần làm giao liên dẫn đường đã hai lần Nhung chạm chán với thám báo địch. Đặc biệt nhất phải kể đến lần em dắt đoàn cán bộ cao cấp vào tăng cường cho một số Quân khu. Một mình một súng khi đối diện với quân thù. Bằng sự dũng cảm, mưu trí và tài điểm xạ em đã tiêu diệt được bốn tên. Chỉ còn một tên hoảng hồn luồn rừng trốn chạy. Trận ấy Nhung đã bảo vệ được tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo. Được cấp trên gửi điện khen ngợi. Đơn vị làm báo cáo thành tích và Sư đoàn đã cấp Bằng khen cho em !
Thằng Dũng vỗ vai tôi gọi giật: Trà nguội hết rồi, không uống đi để còn về nghỉ. Nghĩ suy gì mà mày thần người ra như bị thôi miên vậy ? Tôi bừng tỉnh, cắt ngang dòng hồi ức...Cười nói với ba thằng bạn: Tao vừa nhớ lại một phần ký ức của cái ngày còn ở Trường Sơn.
Đã khuya, tôi chia tay ba thằng đồng đội ra về. Đêm tháng tám vào thu xe lạnh. Con đường nhựa đen bóng, nhoèn nhoẹt nước mưa dưới ánh đèn xe loang loáng. Đèn đường chiếu vào những lá cờ đỏ thắm treo hai bên đường. Chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Mùng Hai tháng Chín, được gió - tung bay như những cánh tay của đồng đội tôi vẫy gọi. Màu đỏ ấy là máu của biết bao con người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do, bình yên cho đất nước ! Miền Bắc đang vào mùa mưa bão. Thủ đô đêm nay những con đường có còn ngát mùi hương hoa sữa ? Rừng cờ, rừng hoa đỏ rực khắp phố phường cùng với người Hà Nội và nhân dân cả nước đang náo nức chào mừng ngày Quốc khánh Mùng Hai tháng Chín. Nơi Bác Hồ cách đây bảy mươi mốt năm đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nơi ấy cũng sắp diễn ra một Đại hội cực kỳ quan trọng của những người lính Trường Sơn - Đại hội đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ hai.
Tôi tự hứa với mình: Đã sống và sống tiếp quãng đời còn lại sao cho xứng đáng với bao anh hùng, liệt sỹ trong đó có đồng đội của tôi - Nhung ! Em đã ngã xuống trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ năm nào.
Thưa quí vị ! Câu chuyện tôi kể về cặp chim chào mào lông trắng chỉ đơn giản là vậy. Nếu quí vị muốn rõ hơn về loài chim quí đó ở Trường Sơn và muốn tận mắt thấy nơi đồng đội tôi - Nhung đã nằm xuống. Xin hãy bằng một chuyến hành hưong thăm chiến trường xưa, tìm về cội nguồn. Nơi có trạm giao liên dưới chân đèo Phù trường. Nơi còn đó những cây cổ thụ già, dòng suối quyện cùng hương gió sẽ thì thầm kể cho bạn nghe nhiều lắm...nhiều lắm...Những gì đã xảy ra ở đại ngàn Trường Sơn trong những năm 1971-1973. Con đường mang tên Hồ Chí Minh. Con đường đã trở thành huyền thoại - Bởi những con người bình dị đã trở thành huyền thoại !
PTĐ