Ngày 30-4, nhớ về một nhà thơ Mỹ - Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 05:19 06/05/2017 Lượt xem: 576

NGÀY 30 THÁNG 4, NHỚ VỀ MỘT NHÀ THƠ MỸ

Nguyễn Hữu Quý

(Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Trường Sơn)

 

Mỹ với Việt Nam từng là đối phương của nhau trong cuộc chiến tranh kéo dài hai thập kỷ và được kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chiến thắng vinh quang thuộc về những người Việt Nam yêu nước và ngày cuối cùng của tháng Tư cách đây 42 năm đã mở ra cánh cửa hòa bình cho một dân tộc. Lớn hơn cả chiến thắng, những người hát khúc khải hoàn không hề dìm phía bên kia trong bể máu, trái lại đã mở rộng vòng tay nâng kẻ bại trận đứng dậy, với mong muốn xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải dân tộc. Đó là một hiện thực lịch sử đã xảy ra, đang xảy ra mà ai có thiện chí với đất nước này đều dễ dàng nhận ra. Ở bên kia Thái Bình Dương bao la, những kẻ từng đặt dấu giày viễn chinh lên dải đất cong cong hình chữ S này cũng đã nhận được từ “kẻ thù xứng đáng” của họ lòng bao dung, tha thứ. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là sự lựa chọn nhân văn nhất của hai phía sau chiến tranh. Nhờ thế, tôi mới có cơ hội gặp gỡ những cựu binh Mỹ từng đi qua chiến tranh Việt Nam tại ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội - trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Trong đó có Giáo sư - Nhà thơ Bruce Weigl. Ông từng có mặt ở Quảng Trị, vùng đất khốc liệt nhất của đất nước ta thời bom đạn từ năm 1967 đến 1968. Tôi nghĩ, nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì chắc chắn điều kỳ diệu như Bruce Weigl viết sẽ không thành hiện thực: Chiến tranh đã từng tước đi của tôi rất nhiều, nhưng nó cũng cho tôi thơ ca, một người con Việt Nam và tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam. Ông không nói sai sự thật, ít nhất là với những gì ông đang có. Nước Mỹ nhìn nhận Bruce Weigl, tác giả của 12 tập thơ trong đó có phần quan trọng viết về Việt Nam là một hiện tượng thi ca. Điều đáng quý là ông yêu đất nước Việt Nam, con người Việt Nam thật nồng nàn.

Chắc chắn, không riêng gì Bruce Weigl, nhiều cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam mang trong mình bóng tối hãi hùng của dĩ vãng. Càng ngày họ càng thấy rõ hơn sự vô nghĩa, vô lý của cuộc chiến tàn bạo do chính phủ Mỹ phát động đó. Nhưng với ông, nỗi ám ảnh ấy được trình bày bằng một thể loại văn chương xưa cũ nhất của nhân loại được gọi là thơ. Với ông, Chiến tranh là con ong bằng sắt cháy đỏ, hút cạn hết mật cuộc đời (Tết đến). Nỗi ám ảnh về cô bé Việt Nam bị bom na pan đốt cháy trong chiến tranh thật hơn cả sự thật; độ “nét” của hình ảnh lưu lại trong ký ức đạt trình phân giải cao: Cả bây giờ cả khi nhắm mắt, anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng / bom na pan dính vào váy như thạch / đôi bàn tay với ra phía trước / nhưng không ai đón bé trong biển lửa trước mắt…Không nghi ngờ gì nữa, những người lính như Bruce Weigl thực sự là nạn nhân cuộc chiến tranh tiêu phí nhiều máu và đô la này của Mỹ. Nanh vuốt chiến tranh đã ngoạm vào cuộc đời trai trẻ của những người như ông và bi kịch thay họ cảm thấy cô độc lẻ loi hơn khi tiếng súng đã ngừng cho tận tới một ngày được phía bên kia tha thứ. Đây, không còn là thơ nữa mà chính xác là lời tự thú: Chiến tranh đã ăn thủng tôi / Tôi không thể chạm vào ai được nữa / Ngọn gió thổi xuyên qua tôi đến một nơi xanh thẳm / nơi họ vẫn ngã xuống trong biển máu (Kỷ niệm ngày được tha thứ). Sự tự thú mang tính lịch sử, phủ định lý lẽ bào chữa lấp liếm của kẻ gây chiến, bằng thơ, bằng những ngẫm suy rút ra từ máu: Đó là cuộc chiến tranh chống lại chính chúng ta (Cửa ngõ). Sự mất mát to lớn, nỗi đau sâu thẳm của người dân trên xứ sở nhiệt đới này đã “giác ngộ” họ; những người như Bruce Weigl “nhận” từ chiến tranh bài học thực tiễn về lòng từ tâm.

Phải nói rằng Việt Nam đã thấm vào sâu, rất sâu trong tâm hồn của nhà thơ Mỹ này. Cây lúa Việt Nam, người mẹ Việt Nam luôn song hành cùng nhau trong bão giông thời cuộc. Trong cuộc hoán vị giàu ý nghĩa biểu tượng, số phận cây cũng là số phận người, lúa và mẹ kết thành một Việt Nam tảo tần, nhân hậu, dâng hiến nhưng cũng lắm khổ đau, chia ly: Rồi Mẹ như cây mạ / sẵn sàng cho số phận nhô lên từ mảnh ruộng Mẹ đã được gieo / để lại được cấy xuống trong hàng hàng những người sống sót / Dậy thì khi lúa trổ đòng / bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp / Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh / tự do chảy qua những cánh đồng…

Sau 30 tháng 4 năm 1975, trên vết thương chiến tranh nảy lên mầm tình yêu. Tình yêu bật dậy và dâng tràn bao la, gần gũi như nhịp tim hơi thở con người, thiêng liêng như một tân tôn giáo tinh khiết. Tình yêu ấy không phải bỗng nhiên đến, nó trải qua những trải nghiệm và giác ngộ nghiệt ngã để dần dần nghiêng hẳn về phía kẻ thù một thuở của mình. May mắn đã mỉm cười với ông, Bruce Weilg không ngã xuống vì viên đạn mũi chông của những người yêu nước Việt Nam để còn thời gian cho trái tim thi sĩ nhạy cảm thao thức cùng những vui buồn sáng tối của dân tộc tôi. Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời ông, theo tôi là ở đó. Tên tuổi ông không bị khắc vào bức tường chiến tranh Việt Nam ở Washington lẫn giữa 58.267 linh hồn lính trận mà đã được tô đậm trên những bài thơ làm rưng rưng nước Mỹ: những bài thơ ngợi ca kẻ thù mình. Sau chiến tranh những cựu chiến binh Mỹ như Bruce Weigl trở lại Việt Nam, đất nước mà họ từng ném bom, bắn phá, mở nhiều cuộc hành quân tìm và diệt những người yêu nước. Cái họ được nhận không phải là hận thù mà là sự độ lượng bao dung. Một không khí yên bình bao trùm lên đất nước này và họ lắng nghe được những xao xuyến gần gũi: Sau một đêm không ngủ, tôi nghe tiếng chim dìu ban mai / về trên mặt hồ bằng tiếng hát / Trên những chiếc thuyền nan / Những người hái sen chèo ra xa giữa những bông hoa trắng muốt được ngắt ra / nhưng sẽ lại dâng lên sự sống (Cuộc đời cô lá cờ lụa đỏ).

Mối liên hệ quá khứ - hiện tại, chiến tranh - hòa bình là một phần của phép biện chứng duy vật trong cảm nhận của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ này. Thâm nhập vào ngóc ngách cuộc sống phố phường, làng xã Việt Nam và từ sự hồn nhiên, đơn sơ của nó nhà thơ phát hiện ra những giá trị mới mà có lẽ trước đó ông chưa hề có. Những câu thơ ngợi ca cuộc sống hòa bình bay lên ngay trên mảnh đất từng bị đào xới vì bom đạn: Đèn dầu thắp sáng hàng quán / Nơi những người, vừa từng là kẻ thù của tôi / Ngồi trên vỉa hè ngợi ca đêm giản dị / Mùi phở thơm bay lên / Món ăn của ngày và của đêm…Và những đứa trẻ / bao vây chúng tôi bằng tiếng cười đen và trắng / đá cầu nhịp nhàng lên không trung / tất cả vì bom đã thôi dội xuống (Duy vật biện chứng).

Đất nước này còn “cho” Bruce Weigl một người con Việt Nam. Đó là Nguyễn Thị HạnhWeigl, con nuôi của ông. Ông đã có bài Con gái của bố khá cảm động: …bây giờ con ở đây / trong bộ đồ ngủ sáng màu chúng ta đã mua ở Hà Nội / với những từ tiếng Anh in sai chính tả ở đằng trước áo / và trong cặp mắt đen của con, chảy dòng sông Bình Lục vẫn nổi sóng, dâng lên và vặn mình đổ ra biển lớn ngày con đến với cha. Hai sự thật, hai cảnh ngộ, hai Tổ quốc tìm đến với nhau trong tình yêu con người nhân loại cao cả và tốt đẹp.

Từ chiến tranh đến hòa bình, từ hận thù đến yêu thương là những trải nghiệm của một con người, một đời người, một số phận. Cuộc đời của một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam găm níu vào những bài thơ chắt ra từ máu và nước mắt, từ bi ai và hy vọng…tựa như một cuốn tự truyện nhiều cung bậc. Tôi nghĩ rằng, ai đó còn có cái nhìn sai lệch về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược vì hòa bình, độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta, còn chưa hiểu đúng giá trị của ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì hãy đọc kỹ các thi phẩm của một người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, giáo sư - nhà thơ Bruce Weigl. Và, trong ngày Chiến thắng của dân tộc, tôi lại nhớ về ông như nhớ một người bạn. Phải chăng, đó cũng là điều kỳ diệu mang con số 30.4!

                                                                   

tin tức liên quan