Vui buồn Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn

Ngày đăng: 04:01 30/06/2019 Lượt xem: 625
VUI BUỒN KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
                                   Thạc sĩ - NGƯT - Nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ             
                     (Nguyên cán bộ sáng tác Đoàn Văn công Trường Sơn)
 
    Có thể nói, trong suốt tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2019, những chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019) đã diễn ra vô cùng sôi nổi, hoành tráng, trang trọng và rực rỡ sắc màu trên khắp các tỉnh thành ở rất nhiều sân khấu, nhiều cấp độ lớn nhỏ khác nhau, trong đó có hàng chục chương trình ca múa nhạc, sử thi nghệ thuật, phim phóng sự, trả lời phỏng vấn, được phát sóng trên các kênh truyền hình lớn như VTV, TTXVN, QPVN, Truyền hình Quốc Hội, Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Truyền hình Hà Nội... Điều đó đã chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của tuyến đường huyền thoại mang tên Bác Hồ, đem đến niềm tự hào, niềm vui nao nức, trước hết là cho hơn ba mươi mốt vạn hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn trên khắp đất nước Việt Nam. Xúc động biết bao khi ta được thấy lại hình ảnh thời thanh xuân tươi đẹp “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu) của chính mình trên màn ảnh và trên sân khấu. 
     Nhưng, bên cạnh niềm vui và tự hào ấy, vẫn còn đó những nỗi buồn, vì thấy khá nhiều điều lạc lõng, vô lý trên sân khấu và trên màn ảnh khi tái hiện con đường huyền thoại cùng với những con người làm nên con đường ấy..
Trước hết, cần biết đường Trường Sơn bắt đầu từ tháng 5/1959 bằng giai đoạn gùi thồ. Gùi bằng đôi vai rồi tiến tới thồ bằng xe đạp. Bài hát tiêu biểu phản ảnh giai đoạn này chính là “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối) với lời ca như vắt từ gan ruột những chiến sĩ Trường Sơn thủa ấy: “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.(Rất tiếc đã không có một bài hát nào viết về các đoàn xe đạp thồ xuyên Trường Sơn). Tiếp đó, từ 1964, là giai đoạn mở đường để vận chuyển bằng ô tô, mạng lưới đường được đối phương gọi là “trận đồ bát quái” xuyên từ biên giới Quảng Bình sang nước bạn Lào rồi chạy dọc phía Tây Trường Sơn, với nhiều bài hát nổi tiếng ca ngợi các binh chủng hợp thành trên tuyến đường này. Đó là những bài hát “Cô gái mở đường” (Xuân Giao), “Đường Trường Sơn xe anh qua” (Văn Dung), “Em ở nơi đâu” (Phan Nhân), “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” (Hoàng hiệp - Phạm Tiến Duật), “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp - Nguyễn Đình Thi), “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn” (Tân Huyền)… Song song với tuyến đường vận chuyển bằng ô tô, vẫn có tuyến đường hành quân bộ gọi là đường Giao liên, đưa dẫn hàng triệu chiến sĩ từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, đón hàng vạn cán bộ, thương bệnh binh từ chiến trường ra miền Bắc, là nguồn cảm hứng tạo nên các nhạc phẩm tuyệt vời như “Bài ca bên cánh võng” (Nguyên Nhung), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (Trần Chung  - Nguyễn Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung - Gia Dũng), “Đường tôi đi dài theo đất nước” (Vũ Trọng Hối),  “Nổi lửa lên em” (Huy Du - Giang Lam), “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” (Hoàng Hà), “Đưa anh đi hái măng rừng” (Hoàng Tạo)... Đó cũng là thời kỳ đạn bom ác liệt nhất, cùng với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và núi rừng, đã cướp đi sinh mạng hàng vạn chiến sĩ trên tuyến đường trải dọc xuyên ngang như một mạng lưới khổng lồ, mà đến khoảng 90% là ở phía tây Trường Sơn (nước bạn Lào).
     Cùng với tuyến đường Trường Sơn, các quốc lộ, tỉnh lộ thuộc Khu 4 Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng trở thành “tuyến lửa” vì máy bay Mỹ và pháo từ tàu chiến Mỹ ngoài biển bắn phá ngăn chặn ác liệt ngày đêm. Nhưng với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, quân và dân Khu 4 đã quên mình vì miền Nam ruột thịt, giữ thông đường để các chuyến xe băng qua, đưa hàng tới những “đầu mối” của tuyến đường Trường Sơn. Các bài hát “Vui mở đường” (Đỗ Nhuận), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Bài hát của người lái xe” (Nguyễn Đức Toàn), “Tôi người lái xe” (An Chung), “Người con gái sông La” (Doãn Nho - Phương Thúy), “Đường chờ xe, không để xe chờ đường” (Trần Quý)… ra đời ở khu vực này.
     Đồng thời, còn có những bài hát viết về các dân tộc thiểu số anh em ở sườn phía đông Trường Sơn từ Quảng Trị đến Tây Nguyên, tham gia kháng chiến chống Mỹ cùng các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời trong thời kỳ này như “Bài ca đường Chín chiến thắng” (Văn Dung), “Tiếng đàn Ta-Lư”, “Cô gái Pa-Cô” (Huy Thục), “Rừng xanh vang tiếng Ta-Lư” (Phương Nam), “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp), “Bóng cây Kơ-nia” (Phan Huỳnh Điểu - Anh Ngọc), “Người lái đò trên sông Pô-cô” (Cầm Phong), “Sông Đắc-Roong mùa xuân về” (Tố Hải)… 
     Sau hiệp định Pa-ri, bắt đầu từ năm 1973, Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Không còn bom B52 rải thảm, không còn máy bay rải chất độc hóa học, bom phốt pho, bom từ trường, bom la-de, bom bi, mìn vướng nổ mùa khô, bom chùm tọa độ mùa mưa... Không còn máy bay C130 dùng máy soi hồng ngoại và máy ngắn laze để nã đạn 40 ly triệt hạ xe ta, “cây nhiệt đới” thu tiếng động tìm nơi đóng quân của ta để trút bom hủy diệt... Từ 1973, các máy bay do ngụy quyền Sài Gòn điều đến đánh phá tuyến đường rất thưa thớt, hiệu quả rất kém cỏi. Nếu ở bên Tây Trường Sơn (Lào), chiến sĩ ta phải ở nhà hầm, nhà thùng, nửa nổi nửa chìm dười mặt đất, thì sau hiệp định Pa-ri, ta “lật cánh” sang phía đông Trường Sơn (Việt Nam), chiến sĩ ta làm nhà ngay trên mặt đất, xe chạy từng tốp giữa ban ngày, đã gần như thời bình. Đó là điều kiện thuận lợi để ta mở tuyến đường bên Đông Trường Sơn (TS), bắt đầu từ Tân Kỳ - Nghệ An, nối vào quốc lộ 14, xuyên dọc các tỉnh Trung bộ, qua Tây Nguyên tới tận Lộc Ninh.
    Thêm một điều cần nói nữa: Danh xưng “Cựu chiến binh TS” chỉ đúng với những chiến sĩ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường TS, thuộc biên chế các đơn vị của tuyến  chi viện chiến lược này. Còn những cán bộ, chiến sĩ hành quân qua TS để vào Nam, ra Bắc, quân số lên đến vài triệu người, thời gian đi mất vài ba tháng trên tuyến đường giao liên TS, cũng hoàn toàn không phải là lính TS. Nhưng hiện nay danh xưng “cựu chiến binh TS” được gán ghép tùy tiện cho bất cứ ai đã từng đi qua TS, đó là điều không chính xác!
     Vì vậy, nếu tái hiện đường Trường Sơn mà lấy bối cảnh km số 0 ở Tân Kỳ  -  Nghệ An, hay lấy bức ảnh chụp năm 1973 ở gần ngã ba Đông Dương ra làm chủ đề để “tán dương”, thì có khác gì cho khán giả ngắm nghía cái đuôi voi, để rồi tùy ý tưởng tượng vẽ ra cả con voi! Cũng tương tự, nếu phỏng vấn một chiến sĩ TS nhập ngũ năm 1973, hay thậm chí phỏng vấn người chỉ hành quân qua Trường Sơn, để hỏi họ về sự ác liệt, gian khổ và chiến công của tuyến đường thì sẽ chẳng có là bao, nếu họ không cố bịa đặt thêm thắt 100%!
     Bên cạnh việc chọn nhầm địa chỉ, nhầm nhân vật như trên, một số chương trình cũng chọn nhầm ca khúc, lẫn lộn giữa tuyến giao thông khu 4 với hệ thống đường TS, làm cho người nghe tưởng đường TS có cả đường “vòng theo ven biển”, lái xe nhìn thấy cả “những cách đồng quê hương ta, đâu lối xưa thủa bé chăn trâu người”.  Rồi bài hát nổi tiếng “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về tinh thần rèn luyện của thanh niên hậu phương sẵn sàng lên đường vượt TS tới chiến trường, lời hát rất rõ ràng là “TS ơi! Nơi núi mờ xa mà ta chưa qua”, vậy mà đạo diễn vẫn cho diễn viên đang “đóng vai” là chiến sĩ TS vừa hát vừa chống gậy vượt núi, băng rừng TS. Các bài hát “Tình ca Tây Nguyên” (Hoàng Vân), “Chiếc vòng cầu hôn” (Trần Tiến) và những bài hát do các nhạc sĩ viết sau hòa bình thống nhất nước nhà, không liên quan đến đường TS năm xưa cũng được đạo diễn tùy tiện đưa vào. Có chương trình khi ca ngợi chiến sĩ lái xe TS, lại dùng “Bài hát của người lái xe”, trong đó có đoạn lời “Có những con đường êm như ru, tai lắng nghe gió vi vu…”; ca ngợi lực lượng công binh - TNXP mở đường TS, lại dùng “Vui mở đường”, có đoạn lời “Ai qua khu Bốn mà nghe tiếng hát đoàn ta xung phong đi cứu nước…”. 
      Và cái dở nhiều nhất trong hầu hết các chương trình là việc sử dụng phục trang, đạo cụ sai lệch.
     Đó là cho bộ đội TS hành quân đeo chiếc ba lô lép kẹp, giống ba lô của mấy kẻ đào ngũ (tìm đường trốn về hậu phương); cho nữ TNXP mặc áo bỏ trong quần (như nam giới), một tốp nữ mà có đến bốn năm cô đeo kính cận thị; cho gánh đôi quang thúng dài như đi chợ dưới đồng bằng; để ca sĩ đơn ca đeo nhẫn và đồng hồ xịn thời nay; có cả “đoàn quân” chống gậy vượt TS nhưng gậy dài quá đầu (sẽ vướng cành cây rừng không đi được) mà những ai từng chống gậy hành quân bộ qua TS đều dễ nhận ra điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng rất vô lý ấy; nhiều chương trình cho cả tốp TNXP xách hàng chục chiếc đèn bão, thắp sáng “công khai” không che chắn, là đã biến họ thành những “mồi nhử” cho máy bay giặc đến trút bom đạn, chứ làm sao vui vẻ cười đùa được (xem ảnh 1, 2, 3)...
     Đó là tình trạng cho đội mũ tai bèo tràn lan, hình như đạo diễn tưởng rằng cứ bộ đội, TNXP thời chống Mỹ đều đội mũ tai bèo cả. Xin được dẫn một đoạn trong bài thơ “Xuân 61” của nhà thơ Tố Hữu nói về chiếc mũ này: “Hoan hô anh Giải phóng quân…/ Cả năm châu chân lý đang nhìn theo/ Bóng anh đi và vành mũ tai bèo/ của anh đó/ Ôi chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/ Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/ Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc…”. Anh Giải phóng quân đây là bộ đội chiến đấu ở chiến trường, trước hết là miền Nam (chiến trường B), rồi đến chiến trường C (Lào) và K (Campuchia). Bộ đội, TNXP miền Bắc là “hậu phương lớn”, tuyệt đối không dùng mũ này. Tuy nhiên, ngay cả bộ đội, TNXP ở TS, mũ tai bèo cũng thường chỉ dùng cho lực lượng giao liên, bộ đội hành quân đường bộ vượt TS vào chiến trường. Còn đa số dùng mũ cối, mũ sắt tùy theo binh chủng. Vì vậy hát bài về lính TS có thể đội mũ tai bèo. Nhưng nếu để người hát các bài liên quan đến các tỉnh khu 4 thì đội mũ tai bèo là hoàn toàn không đúng. Còn khăn rằn là đặc điểm trang phục của bộ đội, du kích, TNXP khu vực Nam bộ, phù hợp với các bài hát “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” (Lư Nhất Vũ), “Qua sông” (Phạm Minh Tuấn”, “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” (Huỳnh Thơ) v.v… Vậy mà vẫn có đạo diễn cho các cô gái Trường Sơn, ca sĩ hát “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”, “Vui mở đường”... đội mũ tai bèo và quàng khăn rằn!!!??? 
    Đó còn là tình trạng dùng lẫn lộn cờ Tổ quốc với cờ Giải phóng.  Cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi vắn tắt là cờ Giải phóng, tồn tại từ 1960 đến 1975) khác với cờ Tổ quốc là có nửa dưới màu xanh lam. Các bài hát liên quan đến miền Nam giai đoạn chống Mỹ, nếu có dùng cờ thì phải là cờ Giải phóng. Bài “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà) phản ảnh ngày hội vui chiến thắng ở Sài Gòn (Lời: …những bước chân dồn về đây, Sài Gòn ơi vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng”), thì không thể dùng loạt cờ Tổ quốc (ảnh 4), thậm chí cho xen lẫn cả cờ Đảng (ảnh 5). Nếu ở Sài Gòn hôm mừng chiến thắng đó mà xuất hiện cờ Tổ quốc, cờ Đảng như trên thì rất phản tác dụng về tuyên truyền. Điều này đòi hỏi các đạo diễn và cả những người tổng duyệt phải có tầm hiểu biết lịch sử, hoặc chịu khó tham khảo những người “trong cuộc” mới tránh khỏi sự việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như thế. Đó là chưa kể có chương trình trước đó, cũng mang duy nhất 1 lá cờ Giải phóng ra, nhưng lại để lộn màu xanh lam lên trên, màu đỏ xuống dưới, cho phất cờ ngược từ đầu đến cuối bài hát!
 

 
Ảnh trên: nữ TNXP Trường Sơn bỏ áo trong quần, đèn bão không che chắn là sai.
 

 
 Ảnh trên: Hành quân trên Trường Sơn mà ba lô lép kẹp, gậy dài quá đầu là sai!  
 
 

 
Tái hiện nữ TNXP Trường Sơn mà đeo nhẫn, đồng hồ như ca sĩ này là sai
 

 
Dùng cờ Tổ quốc, cờ Đảng múa hát mừng đại thắng 30/4/1975 ở miền Nam là chưa chuẩn.
 
    Vâng. Tháng Năm năm 1959 là ngày mở đường TS. 16 năm sau, đường TS kết thúc sứ mạng lịch sử anh hùng của nó trong niềm vui đại thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Ngày ấy mới cách đây mới 44 năm. Rất nhiều bức ảnh, bài viết về chặng đường 16 của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại được xuất bản thành sách, được đăng trên internet, lưu ở các Bảo tàng. Cùng với đó, còn khá nhiều nhân chứng sống, đặc biệt là các Cựu chiến binh Trường Sơn nhập ngũ trước năm 1973, trong đó có những người từng là Phó Tư lệnh Bộ đội TS, có người là chỉ huy các Sư đoàn bám trụ trên TS trong những năm ác liệt, gian nan và hào hùng nhất, có tầm nhìn bao quát, là “kho” tư liệu chân thực, sống động, mà tiêu biểu là Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký; Thiếu tướng Hoàng Kiền, AHLLVT, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống TS; Nhà báo - nhà văn Phạm Thành Long, nguyên cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 471, nguyên Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong, hiện là Trưởng Ban Tuyên truyền - Thi đua Hội Truyền thống TS, và nhiều người khác nữa. Rất tiếc là những kho tư liệu hiện vật, những nhân chứng quý giá ấy đã không được nhiều tác giả, đạo diễn tiếp cận tìm hiểu một cách thấu đáo, nên trong khá nhiều chương trình trên truyền hình (cả nghệ thuật biểu diễn và phim ảnh), những chiến công, những hình ảnh của bộ đội, TNXP TS không thiếu những chỗ bị chệch choạc về thời điểm, mờ nhạt về hoàn cảnh, sai lệch về hình ảnh con người, đã phần nào làm suy giảm tầm vóc vĩ đại của tuyến đường huyền thoại mang tên Bác Hồ. Hiệu ứng của các chương trình mang tầm cỡ Quốc gia này chắc chắn sẽ tiếp tục được “kế thừa, phát huy” ở các chương trình cấp tỉnh thành, Bộ, Ngành, đơn vị và lan tỏa xuống các cấp nhỏ tiếp theo. Đó là một hiệu ứng đáng quan ngại. 
      Riêng Hội Truyền thống TS, Lễ kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn hôm 19/5/2019 tại khuôn viên Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Hà Đông, Hà Nội), đã có 24 Câu lạc bộ văn nghệ từ 19 tỉnh, thành về tham gia biểu diễn chào mừng trên 2 sân khấu, phục vụ cho hơn 4 ngàn đại biểu và các cựu chiến binh, cựu TNXP TS. Đây là các tiết mục được chọn lọc từ 6 cụm Liên hoan “Bài ca Trường Sơn” do T.Ư Hội Trường Sơn tổ chức tại 6 tỉnh thành ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chúng tôi đã phải rất chú trọng uốn nắn, nhắc nhở để các diễn viên kịp thời sửa đổi không mắc các sai lầm tương tự như trên, ngay trước khi họ biểu diễn ở các cụm Liên hoan. Điều này cũng được quán triệt cho những đơn vị của Hội TS được các Đài Truyền hình Trung ương và Đài địa phương ghi hình, phát sóng trong đợt kỷ niệm 60 năm ngày mở đường TS vừa qua. Vì thế, khi xem những chương trình nghệ thuật cấp Trung ương trên sóng truyền hình, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến từ các nơi điện về, với tâm trạng vui cũng có đấy, nhưng buồn thì nhiều hơn!
     Liệu rằng 5 năm, 10 năm nữa, khi những nhân chứng sống quan trọng không còn hoặc “hết tác dụng” vì già yếu, với cách tiếp cận khai thác tư liệu, xây dựng chương trình nhầm địa chỉ, nhầm thời điểm, nhầm nhân vật, nhầm bài hát, nhầm phục trang, đạo cụ… như trên, thì những sai lệch còn đi xa đến đâu. Hình ảnh tuyến đường huyền thoại Trường Sơn sẽ lẫn lộn, nhạt nhòa đến đâu?
     Đó là nỗi buồn đọng lại sau những ngày vui cả đất nước tưng bừng kỷ niệm 60 năm ngày mở đường TS. Nỗi buồn của người viết những dòng này - một Cựu chiến sĩ công binh TS, cựu diễn viên kiêm Cán bộ sáng tác của Đoàn Văn công Trường Sơn thời kỳ 1968 - 1975, cũng là nỗi buồn của nhiều Cựu chiến binh từng gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp trên những cung đường thấm bao máu xương đồng đội: Đường Trường Sơn huyền thoại anh hùng!
                                                         Tp Hồ Chí Minh. Những ngày cuối tháng 6/2019

tin tức liên quan