BA MĂNG TRƯỜNG SƠN
Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
Mười giờ đêm qua, ông Ba Ngữ nhận được điện thoại củaTuấn, bảo vệ trại cá sấu:
- Hàng rào b40, khu chuồng cá sấu lớn chuẩn bị xuất chuồng bị nghiêng về phía ao, có nguy cơ cá xổng ra khu vực xung quanh.
Ông ra lệnh:
- Khẩn trương đóng cọc quây lưới sắt vòng ngoài và dùng tời dựng ngay hàng rào b40 phía trong. Tuyệt đối nhẹ tay, không gây tiếng động lớn, đánh động cá. Nói xong ông nổ xe máy vọt lẹ trong màn đêm dày đặc. Khoảng hơn 30 phút sau ông đã có mặt trực tiếp chỉ huy trên mười người làm trong trại dựng lại hàng rào b40. Hì hục mãi, đến mờ sáng công việc mới tạm ổn.
- Chị Năm, cháo gà đâu đem ra cho anh em nếm vài ly coi. Nhớ đem rượu ngon để dành mấy tháng nay ở góc nhà bếp ấy. Ông Ba có vẻ hài lòng về việc dựng lại hàng rào, sốt sắng bảo chị Năm.
- Dạ, có ngay đây, cháo nóng đây…Chị Năm khệnh khạng bê một thau lớn cháo nghi ngút khói, mùi thơm lừng sực nức mũi, để giữa sân:
- xin mời ông Ba và cả nhà nào!
Mọi người nen nhau múc cháo, rót rượu uống tự nhiên. Tiếng nói cười, suýt xoa húp cháo nóng, tiếng ly chạm mời rượu lách cách, nghe thật vui tai...
- Ủa nghe nói trại mình mới có khách hồi chiều đến xin việc, sao không thấy đâu ta? Ông Ba Ngữ hỏi giật giọng.
- Tôi đây, xin chào ông…
- Ủa, ai, ai như là… anh Nga vậy? Ông Ba ngơ ngác hỏi khách.
- Ông là ai mà biết tôi! Tôi Nga, Nga Nghệ An đây!
- Trời ơi, anh Nga! Nga Tân Kỳ, Nga Trường Sơn…! Ông Ba bỏ chén cháo ăn dở lên chiếc bàn tròn giữa sân chạy lại ôm chầm lấy ông khách:
- Thế mà em cứ tưởng anh đã…
- Chú Ba, Ba Măng phải không? Anh không ngờ lại được gặp chú. Chú làm gì ở đây? Cứ tưởng bệnh tật của chú như vậy thì làm gì…
- Làm gì còn sống phải không?
Cả hai người ôm chầm lấy nhau. Nước mắt trào ra, lăn tròn trên khuôn mặt hốc hác, đen sạm, khắc khổ của ông khách. Còn ông Ba Ngữ khóc òa lên như trẻ con bị đòn oan…Một lúc sau, bình tĩnh lại, nắm chặt tay ông Nga, ông Ba hướng về những người làm:
- Xin giới thiệu mọi người, đây là anh Nga, tiểu đội trưởng, ân nhân của tôi ở chiến trường Trường Sơn năm 1972. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau cười vang:
- Chúc mừng chiến sỹ Trường Sơn tái ngộ…
- Thôi mình về đi anh! Ủa tay anh làm sao vậy? Ông Ba nhìn chằm chằm vào vết thương đang rỉ máu trên mu bàn tay phải của khách.
- Lúc nãy phụ kéo rào, chôn cọc sắt với mấy anh em vô tình toắc chút da thôi mà!
- Anh vô đây, máu chảy nhiều không tốt! Vừa nói ông Ba vừa kéo ông Nga vô nhà khách trong trại:
- Chị Năm đâu, lấy bông băng ra đây dịt vết thương cho anh Nga nào! Chị Năm vội vàng lục tủ thuốc trên tường lấy bông băng, thuốc sát trùng ra, thao tác thành thạo như nhân viên y tế, băng vết thương cho ông Nga chu tất. Ông Nga ngước mắt nhìn chị Năm:
- Cảm ơn chị! Chị Năm khẽ gật đầu, không nói không rằng đi ra phía sân dọn dẹp “bãi chiến trường” vừa ăn nhậu lúc mờ sáng. Trước khi đưa khách về nhà riêng, ông Ba gọi người phụ trách trại ra dặn dò tỷ mỹ những công việc cần làm để đảm bảo an toàn cho trại cá sấu gần 2000 con.
***
Sau chiến dịch “ Mùa hè đỏ lửa năm 1972 ”, đơn vị của Ba Ngữ được lệnh tiếp tục hành quân vào tăng cường cho mặt trận B2. Mới đi được hai ngày thì Ngữ bị sốt rét rất nặng, không thể hành quân theo đơn vị, phải nằm lại điều trị ở một binh trạm. Hai tuần sau hết sốt, nhưng căn bệnh tim của ông lại tái phát nên được cấp trên cho ở lại binh trạm biên chế vào tổ tăng gia sản xuất, chờ có dịp đưa về phía sau điều trị bệnh. Tiểu đội trưởng Nga, phụ trách nuôi quân, tăng gia sản xuất của binh trạm rất mến Ngữ vì tuy sức khỏe yếu nhưng nhiệt tình với công việc được giao, luôn hoàn tốt nhiệm vụ. Còn nhớ, hôm ấy, đi lấy măng rừng. Chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ anh đã bẻ đầy cơi một ba lô toàn măng loại “ong” và còn đèo thêm một ôm thật lớn rau chua để về cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Trên đường về, anh xuống suối tắm sơ cho đỡ ngứa vì lông măng rừng bám vào quần áo, da thịt rất nhiều. Đang tắm bên bờ suối thì cơn lũ rừng bất ngờ ập tới, anh bị nước cuốn đi… Lúc tỉnh dậy anh thấy lạnh cóng, toàn thân đau ê ẩm, đầu óc quay cuồng nhức như búa bổ và nghe tiếng người nói nhỏ nhẹ bên tai:
- Em không sao, về tới binh trạm rồi! Từ từ mở mắt, Ngữ nhìn thấy tiểu đội trưởng Nga đang ngồi chăm sóc bên cạnh:
- Cám ơn anh, em thật có lỗi…
Vài bữa sau, khi khỏe lại, Ngữ nghe mọi người kể: Anh Nga kinh nghiệm lắm, nghe tiếng sấm rừng nổ liên hồi, biết mưa to ở thượng nguồn sẽ có lũ quyét về nên gan dạ chạy tắt đường rừng đón ở đoạn suối to bên dưới. Vừa tới bờ suối, anh thấy Ngữ đang quờ quạng tìm cách bám vào cây bên bờ. Nga chọn thời cơ tung cuộn dây dù ra và thật may, Ngữ túm được sợi dây, lắc quấn mấy vòng quanh cổ tay và mệt quá thiếp đi… Nga kéo đồng đội vào bờ, dốc nước trong người ra, hô hấp nhân tạo cho Ngữ…
Đêm qua, ông Ba Ngữ trằn trọc mãi, nhớ về những kỷ niệm ở Trường Sơn năm xưa. Mãi gần sáng mới thiếp đi được một chút.
- Ông ơi, anh Nga dậy rồi, ra uống cà phê cho nóng! Bà Ba kém ông xã hơn nữa con giáp nên trông còn khá bảnh, gọi khéo chồng.
- Tôi đã nói với bà rồi, gọi anh Nga bằng anh Hai cho nó thân mật!
-Vâng tôi quên, lần đầu cũng là lần cuối, ông thông cảm nha! Bà Ba người gốc Nam Định di cư vào Nam, ăn nói cứ ngọt như mía lụi, mềm như lụa Hà Đông.
- Bà ra chuyện với anh Hai một chút, nói tôi bận việc phải giải quyết, ra sau nha! Nói rồi, ông ra đằng sau vườn tập thể dục sáng. Khoảng 35 năm nay ông trung thành tập “Đạt Ma Dịch Cân Kinh”, thường gọi là bài thể dục vẫy tay. Mỗi buổi sáng và buổi chiều ông vẫy khoảng hai ngàn cái, mồ hôi ướt hết khuôn mặt, người nóng ran, mất 45 phút. Cũng nhờ bài tập thể dục này hay sao ấy, mà bây giờ ông không còn bệnh tim mạch như trước đây nữa, ăn ngủ tốt và khỏe mạnh, không bị bệnh mãn tính, cảm cúm lăng nhăng…
- Anh Hai chờ lâu quá phải không? Xin lỗi, nào trà xanh “hãm”mới đây, mời anh!
- Chú Ba này, hỏi chú thế này đừng bảo anh thọc mạch nha!
- Anh cứ nói, là người trong nhà rồi mà anh cứ “rào trước đón sau” vậy?
- Tiền ở đâu mà chú tậu được đất đai, của nả nhiều thế?
Ông Ba cười hề hề, đưa tay lên trán:
- Tiền của ở đây chớ có đâu xa! Để em kể cho anh Hai nghe…
Em ra Bắc chữa bệnh và an dưỡng được hơn nửa năm thì về địa phương hưởng chế độ bệnh binh. Tháng được mấy trăm bạc trợ cấp làm sao nuôi được gia đình. Cha ông bà ta có câu “Bụng đói đầu gối phải bò”. Em bò vào Nam lập nghiệp một mình từ hai bàn tay trắng. Lúc đầu ở trọ đi làm thuê cho người ta ở vùng Kiệm Tân, dành dụm tiền học nghề sửa xe máy, máy nông nghiệp. Mấy năm đầu Miền Nam giải phóng, trong dân có nhiều xe máy cũ, máy móc nông nghiệp hỏng, sắt phế liệu…vứt đầy xó nhà. Làm ra được đồng nào là em lân la đạp xe ba gác xuống tận nhà dân ở trong hẽm, ngõ, ngách mua rẻ đưa về. “Kiến tha lâu đầy tổ”. Mấy năm sau em trở thành vựa mua bán ve chai lớn nhất ở trong vùng. Chỉ riêng bán các đống sắt cũ ấy em mua được cả chục ha đất nông nghiệp màu mỡ ở Xuân Lộc, Đồng Nai…
Ông Nga nghe vợ chồng Ngữ kể chuyện làm giầu như nghe chuyện cổ tích, chuyện ở trên trời. Miệng anh cứ há hốc ra, thỉnh thoảng khô miệng cầm ly lên hấp một miếng nước trà xanh đặc quánh:
- Thế bây giờ chú có khoảng bao nhiêu ha?
- Trước khi trả lời, em nói thế này, làm gì cũng vậy muốn thành công phải có thời cơ, lúc em chọn nghề “lượm ve chai” cả vùng này không ai có nghề kỳ cục như vậy. Bây giờ anh xem ve chai nhiều cỡ nào không? Anh nghe đi, tiếng loa ngoài đường vang lên inh ỏi: “Ai bán ve chai không? Điện thoại hư, điện thoại bể, máy may, máy bơm, mô tơ,quạt điện …bán không”? Mọi người cùng cười:
- Chú có lý lăm lắm!
- Thôi ta đi anh Hai, hôm nay đi cơ sở với vợ chồng em! Cả ba người bước lên chiếc xe ô tô con bóng nhoáng.
Khoảng hơn tiếng sau, xe bon bon tiến vào khu trang trại trồng trọt của Ba Ngữ ở huyện Xuân Lộc. Cổng trang trại treo bảng : “Trại cây ăn trái Ba Măng Trường Sơn”. Hai anh em xuống xe cùng nhìn lên tấm bảng cười khúc khích:
- Sao không đặt tên hay hay, oanh oách mà dài loằng ngoằng vậy?
- Tên này mất cả đêm suy nghĩ cơ đấy. Nghe tên, con em bạn bè Trường Sơn người ta dễ tìm đến với mình… Anh biết không trong trại này có hơn 40 người làm việc thì gần một nửa là con em cựu chiến binh, nhiều người có thân nhân hy sinh ở Trường Sơn. Ví như, chị Năm ở trại cá sấu dưới Trảng Bom đó. Chị ấy là con của nữ chiến sỹ Trường Sơn hy sinh năm 1968 ở miền Tây Quảng Bình. Nhưng thôi, chuyện đó nói sau, bây giờ mời anh vào trong trại.
Hai anh em bạn già vừa đi, vừa nói chuyện:
- Cái này có ba khu: Khu trồng cây ăn trái khoảng 15 ha. Khu chăn nuôi hơn 20 ha và khu ao thả cá khoảng 5 ha…
- Chú dùng phân gì mà cây ăn trái xanh tốt thế kia?
- Em nuôi gần 100 con bò, 500 con heo, vừa bán thịt lại có nguồn phân chuồng dồi dào bón cho cây trồng, cho cá ăn…Chỉ riêng khoản này thôi cũng tiết kiệm mỗi năm cả trăm triệu đồng ! Ông Ba Ngữ chỉ tay lên sườn đồi trước mặt:
- Khu đó là chuồng bò, bên dưới là khu trồng cỏ, dưới nữa là ao nuôi cá, còn từ đây trở lên kéo dạt hai bên đường trục này trồng cây ăn trái để tiện cho việc thu hoạch, vận chuyển của bạn hàng…
- Trại có mấy loại cây ăn trái?
- Em đi học hỏi ở nhiều nơi, thấy rằng: Trồng, chăm sóc thì dễ, mình có nhân viên kỹ thuật. Khó nhất là khâu tiêu thụ. Trái cây hàng hóa không thể để dành trong kho, thu hoạch vài ba ngày không có người mua chỉ có làm phân thôi. Cho nên em chỉ trồng ba loại cây thu hoạch trong dịp Tết, dễ tiêu thụ là bưởi da xanh, cam, quýt. Trước khi trồng em ký hợp đồng tiêu thụ với thương lái, có giao kèo hẳn hoi…
- Ông Ba ơi, có khách! Kỹ sư Hiền chạy lại gần ông Ba:
- Thưa ông, có khách Sài gòn lên đặt hàng tiêu thụ Tết năm nay. Tôi nói đã ký hợp đồng bán hết sản phẩm rồi, nhưng họ không nghe muốn được trực tiếp thương lượng với ông.
Ông ba gật đầu, mình phải gặp người ta, lần này còn lần khác nữa! Nói rồi ông quay sang anh Hai:
- Đây là anh Hai tôi ở Nghệ An mới vô, cho ảnh đi thăm trại một chút. Hiền cúi xuống lễ phép:
- Xin chào ông Hai!
***
Khách vừa ra khỏi cổng, ông Nga khen Ngữ hết lời:
- Chú giỏi thật. Vừa bán được trái cây, vừa bán được cá, thịt bò, thịt heo. Đúng là “ một người lo hơn kho người làm”, “ Thuận lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Luật bất thành văn của trang trại nhà Ba Ngữ là hàng ngày, người nào vào trại liên hệ công việc đều được mời cơm rượu chu tất, lúc về ít nhiều cũng có quà, mùa này không có trái cây thì vài chục trứng gà, vịt, hoặc ít con cá ăn lấy thảo. Mùa trái cây thì một cặp bưởi da xanh, một kg cam quýt, gọi là “cây nhà lá vườn”.
Chiều, trên đường về nhà, vợ chồng ông Ba còn ghé qua cơ sở gia công cơ khí của gia đình ở huyện Thống Nhất, cách nhà hơn 10 cây số. Đã gần 5 giờ chiều mà tiếng búa, tiếng máy hàn, máy nổ các loại vẫn vang lên chan chát, bình bịch, xình xịch, xì xì…nghe những tiếng động ấy từ xa ông Ba biết hôm nay ai nghỉ, ai làm và đang làm việc gì ở trong xưởng. Có được những “chiêu độc” ấy là do Ba Ngữ sành sỏi tất cả công việc trong xưởng đã đành mà biết được tay nghề và tánh nết của từng người thợ. Đặc biệt là kỹ sư Nam, tay chìa, tay khóa của Ba Ngữ ở xưởng này. Bây giờ ông tin Nam như người trong gia đình, được quán xuyến tất cả các công việc ở đây. Vợ ông Ba đi sau nói với anh Hai:
- Đây là nơi “đẻ” ra tiền đó anh. Xưởng chuyên sản xuất, gia công, sữa chữa đồ dùng, máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình và làm dịch vụ sữa chữa máy nông nghiệp trong vùng.
- Công nhân ở đây có nhiều không, thím?
- Cần “tinh” không cần “đa”, xưởng có hai tổ. Tổ một làm tại xưởng từ việc nhỏ nhất rèn chấu liềm sao cho sắc để cắt cỏ cho năng suất đến việc làm ra khung nhà kho xưởng, chuồng trại chăn nuôi, dịch vụ cơ khí. Tổ hai cơ động làm việc theo hợp đồng với các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, xử lý các tình huống khẩn cấp theo yêu cầu của khách hàng gần xa…
Mãi tới bảy giờ tối vợ chồng Ba Ngữ và ông Nga mới về tới nhà. Ở ngoài sân lác đác đã có khách vào chơi:
- Ba Ngữ đâu từ sáng giờ không thấy, hay là đi thành phố với mấy em rồi?
- Chào ông Tám, tôi mà có em út thì bà Ba đuổi đi từ tám kiếp. Hôm nay đi Xuân Lộc có chút việc. Mời ông ngồi nhắm với anh em tôi vài ly rượu nhạt.
- Trưa nay có mấy anh chị nhà báo ở thành phố Hồ Chí Minh đến tìm ông. Không có ông ở nhà, được sự ủy quyền của lãnh đạo xã, tôi thay mặt cho Hội Người Cao Tuổi đã tiếp làm việc với họ. Giờ báo cáo để ông rõ…
- Thật ra thành tích nói vậy thôi chứ bằng ai mà lên đài, in báo…Ông Ba phân trần với khách.
- Tôi phát cho họ mỗi người một tờ báo cáo thành tích của ông trình bày tại Hội nghị Hội Cựu Chiến Binh làm kinh tế giỏi toàn tỉnh năm 2018. Chuyện làm kinh tế thì đã có trong báo cáo rất rõ, nhưng việc nuôi người già không nơi nương tựa bị hỏng mắt thì họ muốn tìm hiểu, đây là mô hình mới ? Và thế là tôi mạnh dạn hướng dẫn họ vào tham quan... Khi đến thăm các cụ, ai cũng khen chủ nhà có đầu óc về y học nghỉ dưỡng, tìm được vùng đất yên tĩnh bên sông nước hữu tình để lập khu an dưỡng cho người già, thật tuyệt vời. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và tặng quà cho các cụ, đoàn nhà báo còn chụp hình lưu niệm và hẹn khi về Thành phố sẽ có báo tặng cho từng người.
- Cả tuần nay bận lu bu công việc tôi không vào đó được, nghe nói có một cụ nữa ở miền Trung mới vào phải không?
- Vâng, bây giờ là 15 cụ, trong đó có 13 cụ bị mù và 2 cụ bị bệnh nặng về mắt.
- Tôi đã chuyển tiền mổ mắt cho bệnh viện, tuần sau sẽ đưa hai cụ về đó để mổ may ra cứu được để các cụ khỏi khổ!
Ông Hai Nga nghe hai người nói chuyện, hỏi chen vô:
- Tại sao em chỉ nuôi dưỡng những người neo đơn hỏng mắt ?
- Anh Hai quên rồi sao? Dạo ở Trường Sơn có lần em kể cho anh nghe về chuyện của mẹ em bị mù cả hai mắt đó sao. Không ai khổ như người mù…Do đó, còn ngày nào sống ở trên đời là em có trách nhiệm giúp đỡ, chăm lo, nuôi dưỡng người người già bệnh tật, nhất là người gìa neo đơn hỏng mắt.
- Thôi bây giờ anh em mình cạn ly!
***
Sáng sớm hôm sau, mới 6 giờ 30 mà chị Năm đã có mặt dọn dẹp ở trước sân nhà.
- Chị Năm để đó đi, chút nữa có người dọn dẹp, khỏi lo. Vợ ông ba vẫy tay gọi chị Năm vào ngồi cạnh mình:
- Chị nhớ xuống đó giữ gìn sức khỏe và thường xuyên gọi điện về cho em nha. Em tặng chị mấy cạc điện thoại này và nghe em…chăm sóc cho anh Hai em đấy nha! Không hiểu sao, mới sáng sớm mà chị Năm đã có ông mặt trời trên khuôn mặt, hai tay đấm lên lưng vợ Ba Ngữ :
- Con này láo vừa vừa thôi nha!
Ông Ba nhìn vợ cười, tự tay pha hai ly cà phê, hãm ấm trà xanh thật đặc. Mùi thơm nồng ấm của cà phê, mùi dịu ngọt của trà xanh làm người ta sảng khoái hứng khởi bắt tay vào một ngày làm việc mới.
- Mời cả nhà nào! Hôm nay anh Hai và chị Năm xuống trại Ba Măng Trường Sơn nhận nhiệm vụ mới. Anh Hai làm Trại trưởng, nhiệm vụ em đã trao đổi cụ thể rồi. Còn chị Năm làm quản gia, phụ trách hậu cần…Có gì phát sinh cần trao đổi gọi điện về cho vợ chồng em. Còn chuyện bí mật của hai người thì khỏi báo cáo !
Cả nhà cười vang, chia tay nhau. Chiếc xe con chở hai người con của Trường Sơn đi nhận nhiệm vụ mới, nhưng lần này không phải đi đánh giặc mà đi làm giầu, đi tìm hạnh phúc…
Thành phố Hồ Chí Minh, Tháng 7-2019
Trịnh Huỳnh Đức
( Cựu chiến binh Sư đoàn 316, Hội viên Hội CCB thành phố Hồ Chí Minh)
ĐT: 0969406504; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
-
Địa chỉ liên hệ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An,
Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương