Những vần thơ trên Trường Sơn của lính Sư đoàn 472 - Nguyễn Văn Vỵ

Ngày đăng: 09:58 07/07/2019 Lượt xem: 663
 NHỮNG VẦN THƠ TRÊN TRƯỜNG SƠN
 CỦA LINH SƯ ĐOÀN 472


(Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Sư đoàn 472 (20/7/1971 - 20/7/2019) 

       Trong những năm kháng chiến cũng như sau ngày thống nhất đất nước, lúc còn ở Trường Sơn, cùng với nhiệm vụ mở đường, lãnh đạo Sư đoàn 472 đặc biệt chú trọng đến đời sống tinh thần của bộ đội. Lâu lắm, một hoặc hai năm bộ đội mới có dịp được thưởng thức Văn công chuyên nghiệp của Bộ Tư lênh Trường Sơn, vì vậy hàng năm Nghị quyết của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Sư đoàn, ngoài nhiệm vụ mở đường, chính trị tư tưởng, hậu cần, kỹ thuật…còn có chỉ tiêu nhiệm vụ về tuyên truyền văn hóa văn nghệ. 

      Chính sự quan tâm của Đảng ủy, Thủ trưởng đơn vị, Sư đoàn 472 đã có nhiều văn nghệ sỹ thành danh như nhà thơ Trọng Khoát (nguyên Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn), nhạc sỹ Đào Thế Y (nguyên trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn)… và nhiều cán bộ chiến sỹ tay cuốc xẻng, vô lăng, tay búa, tay kìm… có nhiều sáng tác kịch, thơ, văn, nhạc để đời. Ngày nay mỗi lần các cựu binh của Sư đoàn ngồi lại với nhau họ lại hát, ngâm cho nhau nghe những bài thơ, bài hát thành truyền thống của Sư đoàn như: Bài hát “Em đi bạt ta luy” của Hồng Lĩnh; “Khi chiếc cầu ở lại”, “Ánh lửa hàn”…thơ của nguyên Trung đoàn Trưởng 99 Nguyễn Khải; Và đặc biệt kịch vui “À ra thế” vở kịch vui được Đài truyền hình , Đài Tiếng nói Việt Nam dựng và phát trong chiều mồng một Tết năm 1980; bài hát “Những nàng tiên trong mây” và nhiều bài thơ trong tập thơ Mở đường của Nguyễn Văn Ban (Bút danh Tống Ban, Phong Vân nguyên trợ lý tuyên huấn Sư đoàn)…đã ghi dấu ấn, và nhiều tác phẩm  được nhiều Huy chương Vàng trong Hội diễn Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

      Nguyễn Văn Ban (2/9/1946-12/7/2012) Bút danh Tống Ban, Phong Vân; Anh sinh ngày 2/9/1946; Nhập ngũ năm 1965; Quê: Thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Nguyên trợ lí Tuyên huấn Trung đoàn 30 (1970-1973), trợ lí Tuyên huấn Sư đoàn 472 (1974-1984)… Anh có nhiều tác phẩm đăng báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội… Tập thơ “Nỗi nhớ”  - Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 1990, tác phẩm “À ra thế” – Nhà xuất bản Quân Đội Nhân dân - 1982, và một số tác phẩm sân khấu tham gia hội diễn đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.

       Trong thời kỳ trọng bệnh (2000-2012) anh vẫn đau đáu nỗi nhớ Trường Sơn: “Mùa xuân về những bụi tre nhú măng/ Điều chưa nói cứ thầm trong nhớ”. Trường Sơn đã ngấm vào máu của anh. Nhiều đêm không ngủ, mặc dù cách xa nhau, sau hơn hai chục năm bặt tin nhau, khi có số điện thoại của tôi, anh vẫn thường xuyên điện thoại cho tôi trao đổi về những tác phẩm chúng tôi viết ở Trường Sơn. Anh nói: “Khi chuyện trò về Trường Sơn thì bệnh tật nó nguôi ngoai đi nhiều lắm Vỵ ạ”.

       Nhân kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Sư đoàn 472, xin trân trọng giới thiệu ba bài thơ của Tống Ban (trong hàng trăm bài thơ của anh) viết về Trường Sơn năm xưa đến các Hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam nói chung và Sư đoàn 472 nói riêng cùng đọc;  cũng là thắp một nén hương lòng đồng đội nhân ngày giỗ thứ 7 của anh.
 
MỞ ĐƯỜNG

Anh và em cùng lên đỉnh cao 
Đừng lo nhé hỡi em yêu quí, 
Đường nhỏ voi đi 
Dốc cao đèo khỉ 
Anh và em hẹn đến trước thời gian.
Rừng khộp, rừng le, mây móc bạt ngàn 
Em cứ bảo luồn rừng cho chóng 
Anh lại muốn phát đường cho rộng 
Để người sau đỡ khổ hơn ta.
Anh và em cùng vượt đường xa 
Cứ đi mãi đường kia sẽ rộng 
Em nói thế nhưng anh muốn chóng 
Đâu phải hôm nay mà cho mai sau.
Qua suối, qua sông cảm ơn những nhịp cầu 
Tạo đường thẳng, đi nhanh hơn đường gấp 
Ta cảm ơn những người hạ dốc 
Mở con đường ta đi hôm nay.
Ta biết ơn người chịu khổ bao ngày 
Cho ta sống những ngày thu thắm!
Phát tuyến hôm nay, gai cào gai cắm 
Nước mắt, mồ hôi máu đổ trên đường.
Thế nào em! 
Dãi nắng, dầm sương 
Cùng anh chứ! 
Hỡi em yêu mến 
Đỉnh cao ước mơ hẳn rồi sẽ đến 
Tới đó rồi ta mở hội vui 
Bầu bạn, anh cùng đến hát cười 
Vất vả đấy! 
Nhưng vui nhiều em nhỉ ?

Trường Sơn-Mường Phìn - 1973


LỜI RU MẶT ĐƯỜNG

Qua đoạn xóc ta đến đường rải nhựa
Xe vút nhanh vi vu, vi vu
Tiếng gió reo hay tiếng hát ru
Mà êm ả dễ làm ta chợp mắt
Bình minh gọi những chồi tơ xanh ngắt
Rạng rỡ niềm vui đón nắng trở về.
Biển trong xanh tung hoa trắng hả hê
Núi rực lửa đón mùa lúa chín
Buổi chia tay nhìn nhau bịn rịn
Bài dân ca âm vang…âm vang
Ngọt giọng à ơi sau lũy tre làng
Xuyên ngàn dặm thành sấm rền đỉnh núi.
Trôi sạch hết những chặng đường gió bụi
Thành lời ru trên mặt đường hôm nay
Lời mẹ ru:
Ai đổ mồ hôi trên đồng lúa tháng ngày
Để thơm dẻo những hạt vàng, hạt bạc
Ai lấy máu viết lên bản nhạc
Cho muôn đời âm vang lời ru
Xe vút nhanh vi vu …vi vu
Tiếng gió thổi quyện lời ru của mẹ
Lời hát của con đường tươi trẻ
Trên Trường Sơn âm vang…âm vang.

Trường Sơn -1976 – sau khi Sư đoàn thí điểm thi công đường betong nhựa đầu tiên


DẤU CHÂN TRÊN TRƯỜNG SƠN

Trên Trường Sơn hùng vĩ
Bao bước chân ngày đêm không nghỉ
Tạc một kỳ công
Kiệt tác tuyệt vời
Căm thù
Thôi thúc
Máu sôi
Cuồn cuộn những dòng suối lá
Bước chân nghiến mòn sỏi đá
Hoắm sâu một dấu chân người (*)
Những đoàn hùng binh đi mãi không thôi
Đá mòn mà chân không nghỉ
Kỳ công
Tạc vào thế kỷ:
Dấu chân của triệu anh hùng!

Trường Sơn – 1972

(*)Trên Trường Sơn có tác đá in dấu chân người, không phải dấu chân của tiên, của thành mà là dấu chân của hàng triệu người lính Cụ Hồ hành quân bước chân vào tảng đá đó để đi tới chiến trường miền Nam đánh Mỹ.


 
 Nhà thơ Tống Ban. (Ảnh tặng tôi khi tôi chuyển công tác).



    Từ trái qua phải: Tống Ban; Nguyễn Xuân Thiều – PCN Chính trị E 99; Phạm Đình Hổ - CNCT Trung đoàn 99; Nhà thơ Lê Thị Mây; Nhà thơ Hữu Thỉnh; Nguyễn Khải – Trung đoàn trưởng 99; X; Nhà văn Thái Bá Lợi; Nhà văn Trung Trung Đỉnh; Nhà văn Phạm Thị Kim Cúc; Nhà thơ Trần Văn Tám. Ảnh chụp năm 1980 nhân chuyến đi thực tế Trường Sơn của trường Viết văn Nguyễn Du.



 Tiết mục “Những nàng tiên trong mây” của Tống Ban do Đội Tuyên Văn Sư đoàn 472 biểu diễn tại Hội diễn văn nghệ Toàn quân.
 

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Vỵ


 
tin tức liên quan