Tiểu đoàn trưởng của tôi - Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 04:14 12/07/2019 Lượt xem: 738
TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG CỦA TÔI
                                                                                  
               Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
 
    Hôm nay ông Phong rất vui. Lần đầu tiên ông được nhà báo phỏng vấn về cung cách làm kinh tế giỏi. Mà sướng ở chỗ là “làm trực tiếp” trên sóng của đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh nữa cơ chứ. Cũng phải thôi, mất gần mười năm trời chứ phải bữa một bữa hai mà được đứng trước bàn dân thiên hạ để nói chuyện làm kinh tế sao…
- Bà biết không, lúc đầu khi ống kính Ca Mê Ra quay về hướng mình, tôi run run như hồi bê trầu cau đi hỏi vợ. Nhưng nhớ lại lời dặn của anh đạo diễn trước lúc ghi hình:
- Anh cứ tự nhiên như ngày còn ở bộ đội ấy. Tiểu đoàn trưởng nói trước lính thế nào thì bây giờ cứ vậy thôi, tự tin, mạch lạc và truyền cảm như rót mật vào tai người xem mới sướng!
- Ông nói thử coi nào!
            …Thưa bà con và các bạn! Tôi là Thiếu tá quân đội về hưu. Mới 50 tuổi, không trẻ, cũng chưa già. Tuổi này mà không làm ăn coi như vứt bỏ! Nghĩ thế, tôi với chiếc xe Hon da 50 làm “bạn”với nhau gần ba tháng trời ròng rã “bò” khắp nơi trong và ngoài tỉnh để tìm mô hình làm kinh tế…
Nói thì dễ, xem thì thích, thấy người ta đếm tiền thì mê…nhưng khi bắt tay vào việc thì ôi chao, bao nhiêu là khó khăn trở ngại. Nhưng lính mà, đã quyết là làm…
Phong nghĩ, lính bao giờ cũng có duyên với rừng, với cây. Hỏi mấy kỹ sư lâm nghiệp, họ bảo:
- Chuyện làm giống cây rừng là ý tưởng táo bạo, ông người “ngoài đạo”càng khó hơn. Nhưng làm bài bản sẽ thành công đấy!
Tôi về bàn với bà xã thì bị một phen“ hú vía”…
- Ông này lẩn thẩn từ hồi nào vậy? Dạo đi tán gái ông không biết tôi đang học ở trường nào à, rõ khỉ!
- Trường Trung cấp lâm nghiệp Sông Bé.
Cả nhà cười vang. Thế là “thuận vợ, thuận chồng”, thắng lợi phân nửa rồi. Suốt gần hết mùa khô năm ấy, Phong chỉ huy cày phá đất, khoan giếng, rào vườn, mua gom phân chuồng, làm hầm ủ phân cho hoai mục và chuẩn bị đầu ra cho sản phẩm… Lài, vợ Phong chăm vườn cây keo, tập huấn kỹ thuật cắt ghép cây cho người lao động và in ấn tài liệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây keo lai. Hai vợ chồng xoay như “đèn cù”, “đầu tắt, mặt tối” ngày nào cũng tới gần 20 giờ mới được nghỉ ngơi. 
Hôm nay, Phong đánh xe lên đơn vị cũ nhận 10 lính ra quân về làm việc cho Trại giống của gia đình mình. Ở nhà Lan chỉ huy lắp dàn nước tưới tự động ở khu vực ươm cây giống.
- Chị Lan ơi, có khách!
- Có đây, tôi ra ngay!
Chạy vội ra cổng, Lan thấy mấy ông ở xã tay xách cặp, nách cặp sổ sách, hăm hăm bước vào nhà:
- Có ai ở nhà không?
- Dạ, em chào mấy bác! Mời các bác vào nhà trong uống nước ạ!
- Khỏi! Làm ăn kiểu gì mà tự nhiên như “rừng không chủ ấy”! Ông Phong có nhà không?
- Dạ, nhà em lên đơn vị cũ, đầu giờ chiều mới về!
- Về nói với ổng, Ủy ban mời sáng mai lên Trụ sở “làm việc” nha!
Ở nhà quê, hãy nghe “lên Ủy ban làm việc” là y như có chuyện, không mất của cũng mất công, mất thời gian, lôi thôi lắm chuyện… Nhưng đối với ông Phong thì đừng hòng, chả việc gì phải sợ, nghĩ vậy nên khách vừa quay ra, đi được vài bước đã nghe tiếng la sanh sảnh của bà Lan:
- Lập trang trại đó, làm gì được nhau nào? Chảnh ! Giỏi mai gặp ông Phong, mà kiếm chác…
Chiều về nghe bà xã kể chuyện hồi sáng, ông Phong cười:
- Bà kỳ quá, người đời có câu: “chém tre phải dè đầu mắt ”, trước khi triển khai công việc này tôi có làm đơn gửi Hội Cựu Binh, Ủy ban nhân dân xã trình bày phương án làm ăn của gia đình mình. Chắc họ xuống kiểm tra đôn đốc thôi mà!
- Tôi cứ tưởng họ “làm khó để ló…” cơ!
             Sáng hôm sau ông Phong lên Trụ sở Ủy ban. Các phòng đều mở cửa nhưng hầu hết chưa có người làm việc. Đưa tay lên nhìn đồng hồ, chết, 8 giờ 15 rồi mà không thấy cán bộ đâu. Ông Phong vội rẽ qua phòng Hội Cựu chiến binh:
- Chào các anh, hôm qua bên Ủy ban mời sáng nay lên gặp mà giờ này chẳng có ai. Giờ tôi mắc đi Sở Lâm nghiệp để mua giống keo lai mới, mau lớn, cho năng suất cao, có gì các anh nói dùm tôi với nha!
- Vâng, anh đi kẻo muộn.
- Ông ấy nghỉ hưu mà chẳng khi nào được ngơi nghỉ!
- Tham công, tiếc việc quá mà!
Mới gần hai giờ chiều, ông Phong áp tải một xe cây keo lai về. Ông chỉ huy toàn bộ người làm trong trại xuống hàng để còn kịp lấy chuyến nữa, trên kho Công ty cạn hàng rồi:
-Yêu cầu các anh chị làm nhanh nhưng nhẹ tay thôi, tránh bể bầu cây, dập cành, rách lá…Cái giống này bây giờ quý lắm, ở các nơi chưa có đâu.
- Ông ơi, trời này có lẽ sắp có mưa to !
- Bà cho người vào kho lấy lưới quăng lên khu vực cây giống, che cho mưa đỡ dập và khẩn trương làm cơm ăn sớm, đêm nay huy động thêm người trồng bằng hết số này cho tôi. Còn chuyến sau sáng mai sẽ tính.
Tiếng chân người chạy thình tịch, tiếng cười nói, tiếng loa đài bên quán cà phê vọng qua, ồn ào như chợ vỡ. Cho đến 11 giờ đêm việc trồng cây giống mới tạm ổn. Mọi người cầm gói mì “bồi dưỡng” làm đêm lục túc ra về. Riêng ông Phong còn rửa cho thật sạch chiếc xe tải bảy tấn dính đầy bùn đất chở cây giống suốt ngày nay rồi đưa vào nhà xe khóa cẩn thận.
Mấy anh bạn trẻ xuất ngũ, làm việc trong Trại vừa ở quán cà phê về thấy ông Phong còn làm việc, chọc ông:
- Tiểu đoàn Trưởng siêng quá, chắc phải “kiếm” thêm bà Hai nữa để đấm lưng thôi !
Tiếng cười phá tan màn đêm tĩnh mịch.
- Về ngủ, mai còn đi lấy giống cây khoai mì ở tận huyện Tân Phú kia đấy!
- Thời này ai còn ăn khoai mì mà trồng hởi Thủ trưởng?
Ông Phong chau mày, ngâm hai câu ca dao:
“ Đựơc mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng! ”
- Mấy chú nhớ cho, khoai mì bây giờ trồng bao nhiêu cũng không đủ cho nhà máy bột ngọt VeDan ở PhướcThái mình nó “ăn” đâu nha!
- Ông là “Tá” mà cái gì cũng rành quá ta!
Đám trẻ lên giường đi ngủ. Lúc này ông Phong mới thấm mệt, đưa tay lên vỗ vỗ lưng, đi vào nhà trong…
 
***
 
Chưa gặp được mấy ông Ủy ban, không yên tâm nên sáng nay mới hơn 5 giờ sáng ông Phong đã gõ cửa nhà Chủ tịch xã:
- Anh Năm ơi! Ra mở của cho tôi với nào?
- Ai vậy?
- Tôi Phong đây!
- Làm gì mà sớm vậy anh Phong? Đi vào nhà đi!
Chưa ngồi xuống ghế, Phong đã lên tiếng:
- Sáng qua tôi tới văn phòng mà không gặp mấy anh, chờ không được đành thất lễ, mong anh bỏ qua!
- Tôi có hẹn anh à?
Phong đem chuyện đoàn cán bộ xã đến Trại kiểm tra kể cho anh Năm. Nghe xong Chủ tịch rất bực:
- Tôi không có chỉ đạo việc ấy, để kiểm tra lại. Tôi xin lỗi vì không giúp được anh chị mà lại để xẩy ra việc này. Anh cứ triển khai dự án cho tốt, đây là mô hình kinh tế mới cần phải hỗ trợ, động viên, khuyên khích để phát triển sản xuất ở địa phương. Có gì khó khăn anh cứ đề đạt với chúng tôi…
Sáng hôm ấy, Chủ tịch xã cho gọi mấy ông trong đoàn kiểm tra lên:
- Ai bảo các ông xuống hoạch họe nhà ông Phong?
Ông Địa chính liếc mắt về phía ông Chánh Văn phòng và cán bộ Kinh tế xã, nhưng không ai dám lên tiếng, mặt cúi xuống.
- Tôi nói với mấy ông thế này: Người ta làm có ích cho gia đình, xã hội; đúng đường lối, chủ trương thì mình phải có trách nhiệm tạo thuận lợi cho họ làm. Ông Phong là người biết điều đây, người khác không để cho các ông yên đâu…Thế này, ngay ngày hôm nay anh Hà Văn phòng thảo cho tôi một công văn gửi ông Phong, gợi ý ông ấy xem có khó khăn gì để chính quyền hỗ trợ. Đấy là kiểu xin lỗi khéo người ta, mà cũng là trách nhiệm của mình…
- Vâng, Chủ tịch nói chí phải!
 
***
Có cái công văn của xã, ông Phong được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay 500 triệu đồng để đầu tư sản xuất kinh doanh. Có nguồn vốn bổ sung, ông triển khai ngay khu vực bán các loại giống cây trồng chủ lực, như: Điều cao sản, mít nghệ lai, sầu riêng hạt lép, ổi ít hạt, cà phê, cao su…  để phục vụ bà con nông dân trong vùng. Hôm nay chủ nhật, đúng hẹn ông Phong hướng dẫn đoàn khách Hội Nông dân huyện Vĩnh Cữu thăm quan vườn cây giống để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
- Ông  Phong ơi, có thư!
- Thư ai vậy?
- Thư của khách hàng từ Bình Thuận gửi vào!
- Bà xã ơi! Vào hướng dẫn đoàn khách huyện Vĩnh Cữu ra thăm khu giống cây keo lai cho tôi…
Ông bóc thư ra xem:
“ Ông Phong thân mến!
            Rừng keo lai của tôi trồng năm ngoái nay cao gần 3 mét rồi, nhiều người đến xem ai cũng khen ! Còn giống mỳ trồng xen với keo vụ này cho thu hoạch rất khá. Mỗi ha thu được hơn 25 tấn, giá bán tại nương 800 đồng một kg, thu 20 triệu đồng. Trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 13 triệu đồng cơ đấy. Anh nhớ để cho tôi hai triệu cây keo và một xe 10 tấn cây khoai mì giống cao sản như năm ngoái nhé. Nếu ông đồng ý, cho tôi xin số tài khoản để ứng trước tiền cho ông 30% giá trị hợp đồng. Tôi bận, xin chào và hẹn gặp ông. Chúc sức khỏe!
                                                                        Tánh Linh, ngày…tháng…năm
                                                                                    Đoàn Hữu Nho
***
- Bà xã ơi, năm nay mình thu kha khá đấy, xem có trích ra một ít làm quà biếu Tết cho bà con lối xóm và khách hàng không?
- Trích 5% tiền khen thưởng, làm như doanh nghiệp ấy!
- Theo tôi không “chích choát” gì cho phiền phức. Mình thu hoạch mấy sào khoai mì trồng xen trong cây keo lai, đổi cho nhà máy Bột ngọt VeDan ở cạnh nhà, lấy khoảng 200 kg bột ngọt làm quà, vừa có nghĩa “cây nhà lá vườn” mà đây cũng là “chiêu” quảng cáo hiệu quả đó! Cái “sáng kiến” này có đáng được thưởng không bà?
- Thưởng chớ…, nhưng cũng phải giữ sức khỏe, đổ bệnh thì khổ lắm đó nha!
Hai ông bà đấm lưng nhau thùm thụp, chắc ngữ này “ hồi xuân” lăm lắm đây.
Cụ Trần Đình Hoàn hơn 90 tuổi, người cao tuổi nhất trong xã nhận gói quà biếu Tết của Trại cây giống nhà ông Phong nhoẻn miệng cười:
- Doanh nghiệp nào trong xã mà cũng “thơm thảo” như ông Phong thì các cụ quê mình thọ thêm vài tuổi nữa chứ không ít đâu bà con ạ!
 Mấy năm nay, các tỉnh Miền Đông Nam Bộ, phong trào trồng rừng phát triển rất mạnh, bình quân mỗi năm trên một trăm nghìn ha, đa phần người ta trồng keo lai, hoặc cây gỗ lớn trong rừng keo lai. Mô hình trồng khoai mì cao sản trong rừng keo lai cho hiệu quả rất cao ở các Lâm trường Mã Đà, Hiếu Liêm, Xuân Lộc, Long Thành và Tân Phú của tỉnh Đồng Nai, rồi phát triển sang các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tầu, Bình thuận…Nên một thời gian dài giống keo lai, mì cao sản…của nhà ông Phong “trúng đậm”, cơ ngơi trang trại ngày càng phát triển...
Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn “trực tiếp” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, cô phóng viên trẻ xinh đẹp hỏi khó ông Phong:
- Cơ nguyên nào ông đến với cây rừng?
- Bà xã tôi học Lâm nghiệp, chẳng lẽ để bà ấy “thất nghiệp” sao?
- Hay, “gái có công, chồng chẳng phụ”!…
Tiếng vỗ tay, tiếng hò reo tán thưởng từ ngoài phòng phỏng vấn vọng vào. Buổi phát thanh – truyền hình trực tiếp kết thúc trong tiếng ồn ào, vui vẻ ấy mà không có trong kịch bản của đạo diễn.
 
                                    Thành phố Hồ Chí Minh,chủ nhật ngày 8-7-2019
                                                            Trịnh Huỳnh Đức
            ( Cựu chiến binh sư đoàn 316 – Hội viên Hội CCB thành phố Hồ Chí Minh )
  • ĐT: 0969406504 ; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
  • Địa chỉ liên hệ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An
Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
 
 

tin tức liên quan