Hạnh phúc muộn màng - Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 05:08 22/07/2019 Lượt xem: 725
  HẠNH PHÚC MUỘN MÀNG

              Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
 

     Năm nay Liên đã gần 40 tuổi. Tên đẹp, nhưng lưng hơi cong, chỉ được cái hay cười. Liên cười nhe hai hàm răng to, cái trắng, cái đen, hai cái trước cửa to chảng vảng như thìa canh, trông thật ngộ.
- Răng thế kia chắc tham ăn lắm.
Nhưng Liên không ham hố chuyện ăn uống, lại rất thảo. Hàng xóm gọi chị là Liên
“ tổng”, vì điếc tổng, điếc nhĩ, cứ nghe người ta chỉ chỏ bằng tay thôi. Thật lạ, Liên  điếc nhưng hay nói. Người thân trong nhà cho biết: Khi còn nhỏ Liên còn nghe loáng thoáng, tiếng được, tiếng mất nhưng càng lớn càng điếc đặc. Hắn bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, bố nó ngày xưa đi dân công hỏa tuyến ở chiến trường!
Chị được hưởng hai suất trợ cấp, tàn tật và da cam. Đi lĩnh tiền từ xã về, gặp đứa trẻ con nào trên đường Liên cũng cho tiền:
- Của em, cầm lấy mà ăn bánh cho đỡ đói.
- Cho thật à !
- Không lấy chị buồn chết !
Liên đâu chết, về nhà bỏ cơm, dận dỗi đòi cha:
-Mấy đứa không chơi với con thì sống làm gì?
Liên khóc hu hu, hai chân co lên đạp xuống, nước mắt nước mũi chảy tràn trụa trên mặt, giống như trẻ con. Cha dọa:
- Con không ăn, tao bỏ về với mẹ mày cho đỡ khổ cái thân già này!
Không hiểu linh tính sao, khoảng nửa tháng sau, ông đi thật. Người ta bảo ông bị chết ngẹn khi ăn sáng. Bên cạnh chỗ ông nằm còn bát cơm nguội khô khốc, đĩa rau lang xào tỏi cạnh ống muối vừng làm bằng mắt tre già. Chiều cùng ngày bà con hàng xóm tiễn đưa ông ra nghĩa trang sau làng…
Mấy ngày đầu cha mới mất, Liên khóc nhiều. Càng khóc tâm tính Liên càng thay đổi. Chị không bước ra khỏi nhà, suốt ngày chú tâm vào việc nhang khói, làm cơm, thay nước cúng cha. Ai đến, Liên ra tiếp đón:
-Thưa bác tư mới đến, chị mới sang, anh mới tới…
Giọng Liên thật đon đã, lễ phép và loáng thoáng nghe được người ta nói chuyện, đỡ ngễnh ngãng hơn trước rất nhiều.
Thời gian trôi đi, Liên càng tiến bộ. Chị chủ động làm mọi việc trong nhà: Cho gà vịt ăn, quyét dọn sắp xếp đồ đạc gọn gàng ngăn nắp, đi chợ mua bán, nấu ăn như người bình thường. Trên xã cho cái ti vi, chị biết lấy kênh chuyển đài và cười vui hát nhép theo ca sĩ nữa chớ!
Rồi một hôm, mới sáng sớm có người đến nhà:
-Xin lỗi…đây có phải nhà Bác Hai không?
- Anh biết cha tôi à?
- Không…nhưng mà biết!
Liên chằm chằm nhìn khách. Anh ta khoác trên vai ba lô “con cóc” bạc màu, đi dép cao su quai rộng, mắt nheo nheo, nhìn nghiêng hẳn một bên.
- Anh đến có chuyện gì không?
- Bố tôi cho địa chỉ tìm nhà Bác!
- Mời anh vào nhà uống nước!
Hai người nói chuyện với nhau một hồi lâu. Trước khi ra về khách xin phép thắp nhang cho Bác Hai, rồi trao cho Liên một lá thư và nói nhỏ:
-Đọc xong “ hóa đi” cho Bác!
            Hà Nội, ngày…tháng…năm…
Thưa anh !Tôi là Mãi quê Hà Đông, đại đội 541đây.  Mấy chục năm nay tôi không liên lạc được với anh, vì từ khi ở Trường Sơn về đến nay hay bị bệnh lắm. Sau bị thương năm ấy, tôi chuyển đến điều trị ở Trại điều dưỡng Sầm Sơn, Thanh Hóa gần một năm rồi về hưởng chế độ mất sức và chất độc da cam. Vợ tôi sinh ba lần nhưng chỉ nuôi được thằng Bưởi, nhưng cũng không lành lạnh như người ta. Tôi yếu không đi xa được nên cho cháu Bưởi vào.
            Anh Hai Hồng ! Tôi nghe đồng đội nói, anh có con gái chưa lấy chồng. Tôi hỏi thật anh thế này: Mình làm xui với nhau có được không?...
Có gì cháu Bưởi vào trong đó anh ráng xắp xếp cho hai đứa nha! Mong anh mạnh khỏe và thông cám tôi!
                                                                                                            Chào anh
                                                                                                      Nguyễn Văn Mãi
            Liên không biết chữ và chưa nhờ ai đọc thư nhưng qua buổi tiếp xúc với người đàn ông ấy, có cái gì lâng lâng trong lòng, khó nói nên lời. Liên tự trách mình, tại sao không mời người ta bữa cơm, gọi là chỗ quen thân với cha mình, hay chí ít lúc họ ra về cũng tiễn ra ngoài cổng. Họ đi rồi tại sao mình lại thấy buồn, căn nhà trống vắng giờ thêm tuềnh toàng lạnh lẽo hơn! Mình nhớ người ta rồi phải không, hay là…?
Khách về được mấy hôm thì trong xóm người kháo nhau:
- Con Liên có người yêu!
- Bữa đó tôi thấy hai đứa nó nói chuyện âu yếm, tình cảm lắm kìa!
- Còn gửi thư cho nhau, như chuyện tiểu thuyết ấy!
- Hay, tình yêu thật là kỳ diệu, nó làm thay đổi bản tính của con Liên rất nhiều đó nha!…
Liên nghe hết những lời trêu chọc ấy. Chị mặc kệ. Thấy người râm ran, khấp khởi hẵn lên. Mỗi khi lên giường ngủ chị lại suy nghĩ mung lung trước những từ ngữ bộc bạch chân tình trong lá thư bố người ấy gửi cho cha mình, mà bé Na ở cạnh nhà đọc hộ cho Liên nghe. Mình sẽ có chồng sao, vui vui mà cứ lo lo, bồn chồn thế nào ấy…!
 
***
            Từ Hà Tĩnh về, vừa đến đầu phố thì Bưởi nghe tin bố nằm ở bệnh viện K. Anh vội bắt Tắc xi đến bệnh viện. Đến nơi người ta đã đưa ông vào nhà xác. Bác sỹ nói ông bị bệnh ung thư gan giai đoạn cuối nên không qua khỏi. Anh báo tin cho gia đình và sau gần hai ngày chạy vạy nhờ vả các nơi, mới đưa bố mình về nơi an nghĩ cuối cùng theo đúng lễ nghi của dòng tộc và địa phương…
Sau lễ trăm ngày của bố, Bưởi lại lăn lội vào nhà Bác Hai ở Hà Tĩnh. Anh nhẩm trong đầu: Cô ấy không đẹp như người ta, nhưng lại được cái dễ gần, dễ thương, hoàn cảnh giống mình và là con của bạn Bố. Họ đọc thư mà im lặng tức là đồng ý một nữa rồi. Phân nữa còn lại là ở nơi mình, phải chủ động sáp vào, mình nhiều tuổi rồi, cơ hội còn ít lắm! Suy nghĩ vậy nên vừa đến ngõ nhà Liên, Bưởi đã mạnh dạn lên tiếng:
-Mở cửa! Liên ơi ơi ơi…
Liên hớt hải lăng xăng đi tìm dép rồi xỏ đại, chạy ra:
- Chờ chút!
- Sao… giờ mới vô?
Cánh cổng mở, Liên vội xách túi đồ khá nặng trên tay Bưởi:
- Cái gì mà lỉnh kỉnh quá vậy?
- Có chút quà đem vào cúng Bác!
Hai người trò chuyện, nhìn nhau âu yếm như đã quen thân từ lâu, cùng đi vào nhà. Mỗi người một việc, sắp quà vào đĩa, thay nước, lau dọn bàn thờ và đốt nhang cúng ông Hai.
-Con là Nguyễn Văn Bưởi, con của bố Nguyễn Văn Mãi, quê Hà Đông, bạn dân công hỏa tuyến Trường Sơn của Bác. Hôm nay con vào đây thăm Liên, có chút quà dâng lên Bác, mong nơi suối vàng được bình yên và cho chúng con được làm thân với nhau. Con hứa với Bác sẽ yêu thương đùm bọc Liên suốt đời. Xin cảm ơn Bác rất nhiều!
Liên chắp tay trước ngực, nhìn lên bàn thờ, ngực đánh thùm thụp như người leo núi.
Tối hôm ấy nhà Liên thật đông khách. Mọi người trong xóm được thưởng thức bánh kẹo Hải Hà, Cốm Hà Nội, nhai Cua Đơ và uống chè xanh nước hai nổi tiếng của vùng quê Nghệ Tĩnh. Mọi người cười nói rôm rả, mừng cho Liên và Bưởi:
- Hai đứa thật xứng đôi!
- Ông trời có mắt!
            Một năm sau cái ngày “ra mắt” ấy, Bé Hiếu, con của Bưởi và Liên đã được ba tháng tuổi. Bé bụ bẫm, rất dễ thương và cũng hay cười giống mẹ. Hai vợ chồng Bưởi quyết định cho cu Hiếu về thăm quê Nội. Trước mộ Bố, Liên bế con trên tay, Bưởi khom lưng cúi xuống dâng hương kính cẩn:
-Kính thưa Bố, hôm nay con về cùng với Liên vợ con và Hiếu cháu đích tôn của Bố. Chúng con thắp nhang cầu chúc Bố bình an, phù hộ con cháu sống hạnh phúc như mong muốn của Bố trước lúc đi xa. Cảm ơn Bố rất nhiều những gì đã tạo dựng cho chúng con!
Liên ôm con quỳ xuống cạnh mộ bố chồng, bạn thân của cha mình, nước mắt chảy ròng ròng…
Nắng tháng tám xuyên qua kẽ lá lung linh nơi nghĩa trang. Ngôi mộ của ông Mãi lâu nay vắng người đến, bây giờ đã có hoa thơm, khói hương thơm ngát bay lơ lững trong làn gió ban mai thổi về nhè nhẹ.
   
                                                            Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21-7-2019
                                                                        Trịnh Huỳnh Đức
  • ĐT: 0969406504; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
  • Địa chỉ liên hệ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
 
 

tin tức liên quan