"Khi người đàn ông khóc" - Tác phẩm của Phạm Thị Hồng Loan, UV Thường vụ Hội VHNT tỉnh Nam Định, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

Ngày đăng: 05:20 15/08/2019 Lượt xem: 779
KHI NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÓC
Phạm Thị Hồng Loan
Theo lời kể của Cựu chiến binh Lương Xuân An (Khoá 1962-1965) -
trường chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định

 
         Sau 81 ngày đêm chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị, đầu năm 1973, chúng tôi được lệnh hành quân ra Bắc để củng cố đơn vị. Đến Kim Bảng, ngửa mặt lên trời, tôi khoan khoái đón nhận  làn mưa xuân dịu ngọt  tưới đẫm cho cái đầu nóng bỏng, khét mùi súng đạn. Tết! Tết sắp đến rồi! Nghĩ đến giây phút trở về đón Tết cùng gia đình sau mấy năm lăn lộn ở chiến trường không một dòng thư gửi về cho bố mẹ, tôi thấy chộn rộn trong lòng.
Thu xếp xong một số công việc cần thiết ở đơn vị, sáng ba mươi Tết, tôi nhanh chóng ra bến xe Phủ Lý. Chà! Đoàn người xếp hàng rồng rắn thế kia thì bao giờ tấm vé xe khách mới đến tay mình? Hai ngày nghỉ. Làm sao bây giờ? Mỗi phút với người lính tranh thủ về nhà quí giá biết bao. Thôi đành vậy. Ba mươi cây số. Lưng đeo ba lô với bao thứ lỉnh kỉnh phải băng đèo, lội suối  còn vượt được nữa là quãng đường về quê êm ru này. Xốc ba lô lên vai, tôi mải miết đi như chạy, mong được nhìn thấy nụ cười của mẹ.
          Chiều Mùng một Tết. Tôi xuống  nhà Hậu để bàn kế hoạch  đưa hài cốt của bạn về. Nhìn gương mặt hốc hác của bố Hậu, tôi thấy tim mình như thắt lại. Tất cả ùa về trong tôi ứ nghẹn.
          Tối ngày 29/5/1965, tôi bước ra khỏi phòng thi, thở phào nhẹ nhõm. Tôi ngước mắt nhìn lớp học, bá vai Hậu, ríu rít ùa ra cổng trường. Chợt thày Trinh- giáo viên Chủ  nhiệm đứng trước mặt tôi:
- Mời hai em lên văn phòng, Ban Giám hiệu muốn gặp các em.
           Bước vào phòng, tôi đưa mắt nhìn quanh. Rất nhiều bạn cùng khoá học đang ngồi ngay ngắn trên ghế. Tiếng thày Hiệu trưởng Trần Đức Dực dõng dạc:
- Các em thân mến! Kì thi tốt nghiệp đã xong rồi, các em chỉ còn đợi nhận giấy báo nhập trường Đại học vì theo qui định của Bộ giáo dục, các em không phải thi. Nhưng…Thày ngập ngừng nhìn xoáy vào mắt chúng tôi rồi mở túi, lấy ra một mảnh giấy nhỏ - Đây là giấy gọi  nhập ngũ của các em. Trường ta có 15 em đi trong đợt này. Các em ạ, Tổ quốc đang cần các em. Hãy cố gắng lên, vững vàng vượt qua khó khăn, gian khổ để sống và chiến đấu cho xứng danh học sinh Lê Hồng Phong, xứng danh người lính Cụ Hồ.
      Tiếng thày như nghẹn lại, ánh mắt hướng ra cửa, nơi cây phượng vĩ đang thả từng cánh hoa đỏ rực trong đêm.
      Giã từ  khoảng trời hoa mộng, chúng tôi lên đường.
          Sau đợt huấn luyện, nhóm Lê Hồng Phong chúng tôi được phân về các đơn vị khác nhau. Tôi và Hậu về đơn vị pháo 57 cơ động chiến lược của Bộ quốc phòng. Chúng tôi luôn ở tư thế sẵn sàng để đi bất cứ nơi nào khi có lệnh.
          Ngày 26/4/1970, khi đang chiến đấu bảo vệ đường 12 (Quảng Bình), đơn vị tôi được lệnh hành quân cấp tốc ra Nghệ An, bảo vệ đường 7 và chi viện cho mặt trận Cánh Đồng Chum. Ngày 3/5/1970 có lẽ là ngày đỏ lửa nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ các kho và con đường chiến lược được coi là hậu cứ của chiến dịch Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng. Vầng thái dương chưa kịp ló ra sau những dãy núi cao, hàng trăm lượt máy bay F105, F4 từ sân bay Thái Lan lao sang đánh phá các trọng điểm và trận địa bố trí rải rác trên những vạt đồi nhỏ, những sườn núi. Trên đoạn đường  chỉ vỏn vẹn hơn chục km, chúng đã  trút xuống hàng ngàn tấn bom phát quang, bom bi, bom bi ổi, bom bi khoan. Cả đất trời rung chuyển, khói bụi tuôn trào. Những chiếc xe ngụy trang lầm lụi  trong mưa bom, bão đạn trườn qua từng hố bom, chuyển từng hòm đạn pháo đến các nơi. Trận đánh ngày càng ác liệt. Trong lúc cùng đồng đội đánh trả những đợt phản kích của kẻ thù thì bên tôi, Hậu dồn hết tâm trí vào máy đo xa. Nhô hẳn người lên trên công sự, anh chăm chú quan sát từng sự dịch chuyển của máy bay Mỹ. Mỗi lời anh phát ra như một mệnh lệnh chiến đấu để từng loạt pháo trùm lên kẻ thù. Rồi điều bất ngờ đã sảy ra. Một viên bom bi xuyên thẳng vào ngực. Anh ngã xuống, hai tay vẫn ôm chặt máy như thúc giục đồng đội tiếp tục giáng sấm sét xuống đầu giặc.
          Mười một giờ trưa. Trận đánh kết thúc. Tôi nhảy ra khỏi bệ pháo, lao đến ôm chặt người bạn từ thưở ấu thơ trong tay. Nước mắt đẫm ngực áo còn loang vết máu của Hậu. Hậu ơi! Tiếng gọi của tôi tan giữa không gian khét lẹt, mù mịt, dội vào vách đá, vang giữa non ngàn.
          Tháng 3/1973, tôi xin  nghỉ phép để  đưa Hậu về với gia đình. Đến nhà hôm trước, hôm sau, tôi cùng với bố Hậu lên tàu vào Vinh. Đến Tương Dương, hai bố con hành quân bằng xe đạp. Con đường này trước đây là túi bom, giờ đây vắng tanh, ngổn ngang đá hộc, nham nhở hố bom chưa kịp san lấp. Thảng hoặc, tôi dừng lại ven đường, quì xuống bên khe nước tuôn ra từ mé rừng. Những dòng nước mát lạnh khiến tôi tỉnh táo lại. Hơn một ngày trời rong ruổi với bao cung đường cheo leo, khúc khuỷu, cuối cùng tôi đã đến Mường Xén.
          Chiều buông. Dựng xe bên đường, tôi quan sát cảnh vật nơi đã từng gắn bó. Chiến tranh vẫn hiện hữu trên từng nóc nhà, từng ngõ nhỏ. Chợt tôi thấy một người đàn ông dân tộc Tày Hạy dáng vẻ khắc khổ đi đến:
- Hai người chắc ở nơi xa đến đây có việc gì phải không?
-Cháu chào bác. Hai bố con cháu từ Nam Định vào đây mà trời sắp tối rồi…Chưa để tôi nói hết câu, ông cười đôn hậu - Thôi, hai bố con về nhà tôi nghỉ ngơi.
         Đêm yên tĩnh. Chỉ có tiếng gió thì thào. Tiếng chim Từ qui gọi bạn. Bất chợt đâu đây tiếng “cắc…cụp…cum” hệt như “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” ngày nào dội về. Âm thanh tiếng giã gạo chày đôi. Từ nơi này, những hạt gạo nối nhau ra trận. Đằng sau những thùng xe đạn pháo là những thùng gạo trắng tinh ấm tình tiền tuyến, hậu phương.
          Mờ sáng hôm sau,  tôi đã thấy mâm cơm  để sẵn trên chõng:
- Hai bố con ăn cơm rồi lên đường. Tôi đã chuẩn bị cuốc, xẻng, cả cuốc chim nữa. Đất ở đó rắn lắm.
          Cuối cùng, vạt rừng cao năm xưa hiện ra. Gốc cây tôi chọn làm nơi Hậu yên nghỉ vẫn còn đó. Tôi ào lên. Hai đầu gối muốn  khuỵu xuống. Tấm bia bằng gỗ vẫn đặt ngay ngắn trên mộ. Ngày ấy, đơn vị đã có sẵn hộp sơn. Tôi cẩn trọng ghi từng nét rõ ràng, cẩn thận. Sờ tay lên tấm bia còn nguyên màu đỏ, lòng tôi quặn thắt: Phạm Đức Hậu, nhưng tên bạn tôi chỉ còn lại chữ H. Phần còn lại, mối đã gặm mòn. Những dòng chữ ghi tên đơn vị, quê quán vẫn còn đây: C502 –E230 –F367. Quê quán: Hoàng Văn Thụ - tp Nam Định. Cả ba chúng tôi hối hả bắt tay vào việc. Từng lớp đất hiện ra. Vừa lật hòn đất to như cục đá tảng, tôi sững sờ. Một phần hình hài Hậu hiện ra nguyên vẹn. Tấm ván đã bị mối xông hết. Mắt tôi hoa lên. Tỉ mẩn, tôi nhặt từng phần cơ thể của Hậu, nâng niu lau sạch bằng tấm khăn mang theo. Người cha ngã xuống bên nấm mộ, ôm chặt thiên hoa của con vào lòng. Đôi vai gày rung lên từng hồi. Con ơi… Tiếng gọi của người cha trào ra trong từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim, tắc nghẹn trong những dòng nước mắt xối xả. Tiếng gọi thân thương đó như vang lại từ những ngày cậu con trai bé bỏng  nhoẻn cười chào cha mỗi buổi đi học về. Từ  những điểm 5 đỏ chói trên trang vở. Những giọt nước mắt nghẹn đắng như được chắt ra từ nỗi nhớ thương, khắc khoải dồn nén bao đêm ngày. Đây là lần đầu tiên tôi thấy đàn ông khóc. Họ chỉ khóc khi ở tận cùng nỗi đau thương, mất mát. Nước mắt nén chặt giờ bật ra đớn đau.
          Người đàn ông chạy vụt đi. Lát sau, ông trở ra, ấn vào tay tôi một đùm xôi, con gà đã luộc chín. Đôi mắt đỏ quạnh, ông cầm lấy tay cha Hậu, rưng rưng:
- Nó là Bộ đội, đem nó về nhà đi thôi!
          Hai người đàn ông rơi lệ, ôm nhau từ biệt. Nước mắt tôi thấm vào gói xôi. Đây là kết quả của tiếng “cắc… cụp…cum” vang lên suốt  đêm qua.  Là sự chắt chiu của cả nhà dành cho những khi có  việc quan trọng. Lắc lư trên chiếc xe Gát từ Biên giới về, ôm chặt hình hài người bạn gói trong ba lô, tôi vẫn mang theo ánh nhìn đau đáu và giọt nước mắt của người đàn ông Tày Hạy.
          Đến Tương  Dương, trời sập tối. Anh lái xe dừng lại:
- Mời các bác nghỉ ngơi, sáng sớm mai ta tiếp tục cuộc hành trình.
          Tôi xuống xe, nhìn quanh quất. Phía bên kia, một dãy lán lá của Thanh niên xung phong men dài theo sườn đồi. Đưa bố vào lán nghỉ ngơi, tôi trở ra, trèo lên xe, buộc ngay ngắn quai ba lô vào lưng rồi ngả người trên ghế, gối đầu lên ba lô. Tôi thì thầm: “Hậu ơi! Tao với mày cùng ngủ nhé”.
          Ngày hôm sau, xe dừng ở Con Cuông. Biết tôi là Bộ đội, người chủ quán trọ nhiệt tình sắp xếp nơi ăn, chỗ nghỉ. Đêm xuống. Tôi lại buộc chặt chiếc ba lô vào người, vừa thầm thì: “Chúng ta cùng ngủ nào” vừa chìm sâu vào giấc ngủ.
          Đêm thứ 12 của cuộc hành trình, tôi vào quán trọ gần sân Ga Vinh đợi tàu. Ôm chặt chiếc ba lô, tôi nghe như có tiếng Hậu đâu đây vọng về: “Chúng mình cùng ngủ ngon nhé”. 4h30 phút. Con tàu rùng mình, chậm chạp, nặng nề dừng lại. Tôi nắm tay bố:
- Bố về nhà báo cho gia đình để làm các thủ tục . Con đưa Hậu về Nghĩa trang thành phố, đợi mọi người ở đó.
          Nghĩa trang vắng lặng. Những nấm mộ im lìm trong sương mù. Tôi  đến bên tượng đài: “Hậu ơi, tao đã đưa mày về với gia đình, với quê hương rồi. Hãy yên lòng nhé.” Tôi thầm thì với nó bao điều và biết rằng Hậu sẽ hiểu những điều mình nói.
     Bước thấp bước cao, tôi trở về đơn vị. Đêm ấy chìm trong giấc ngủ tôi thấy nụ cười ấm áp của Hậu. Hai đứa nắm tay nhau chạy trên con đường tràn ngập nắng gió, tím biếc hoa bằng lăng, đỏ rực hoa Phượng vĩ.
    Hậu ơi! Xin hãy ngủ yên trong lòng đất Mẹ!

 
Phạm Thị Hồng Loan
Ủy viên Thường vụ Hội VHNT tỉnh Nam Định
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

tin tức liên quan