Dì Tám An - Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 09:16 09/09/2019 Lượt xem: 679
                                    DÌ TÁM AN

                                                Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
 

Ba của Thanh bị thương ở Quảng Trị năm 1972. Ông bị bom Mỹ trên đường hành quân vào phía Nam để tăng cường mặt trận B2. Vết thương ở đầu gối, tháo khớp, đi phải chống nạng, lệnh một bên vai. Những năm cuối đời, ông bị ung thư gan, do di chứng của chất độc da cam. Tháng giêng, năm 1982, ông qua đời trong niềm thương tiếc của người thân, bạn bè, bà con hàng xóm láng giềng. Gần một năm sau, mẹ Thanh cũng theo chồng về với tiên tổ vì bệnh hiểm nghèo. Thanh mới lên mười mà phải đi làm để nuôi em nhỏ. Hàng ngày, Thanh ban ngày đi bán vé số, đêm đi phụ tưới nước cho các hộ làm nấm rơm ở cánh đồng đằng trước làng. Nhiều hôm việc nhiều, đến 10 giờ đêm mới về đi ngủ. Làm việc nhiều, lại phải chăm em nhỏ nên Thanh không lớn nổi, người còi như con cá mắm.
Rồi một hôm, người trong làng kháo nhau: Anh em thằng Thanh có người đến nhận là con. Chắc có lẽ đúng, vì ông Hai bị nhiễm chất độc da cam. Hai anh em nhà nó không đứa nào giống ông ấy dù chỉ một chút nhỏ thôi…
- Chuyện ấy chỉ có bố mẹ chúng biết, mà cả hai đều không còn thì làm sao biết được?
- Có đấy! Khoa học bây giờ người ta còn biết nguồn gốc của con người, chỗ ở và mộ chí của người tiền sử ở chỗ này, nơi kia, huống hồ chuyện nó sờ sờ ra đấy…
- Kệ người ta, mình chỉ mong anh em nhà nó có nơi nương tựa. Trời sắp vào mùa mưa lũ rồi mà nhà cửa tồng toành, hống hoác thế kia thì làm sao tránh được mưa gió?
      Lúc đầu, người ta đến xin nhận làm con, Thanh khăng khăng không chịu:
-Bà về đi, bố mẹ con vừa mất…Còn lạnh lẽo khổ thân lắm, làm sao bỏ cho đành lòng!
Còn em gái Thanh, bé Hà nghe nói đi nơi khác ở, nó gào thét khóc lóc thật thảm thương:
-Em đi với mẹ! Cho em đi theo bố. Bố mẹ ơi con đói lắm, con thèm cơm!
Người đàn bà thấy thế, càng thương yêu bọn nhỏ nhiều hơn. Bà chạy ra ngoài chợ mua cơm, bánh kẹo và quần áo về cho hai anh em Thanh. Bé Hà nghe nói có bánh kẹo, chạy vội ra ngoài sân, giơ hai bàn tay đầy bụi đất bẩn thỉu lên xin cho bằng được. Bà khách giơ bịch bánh lên:
-Con ngoan đi theo dì, rửa tay cho thật sạch rồi ăn cho nó mới ngon!
Hà đi theo, chịu để cho dì rửa tay, rửa mặt. Cầm bịch bánh trên tay, Hà nhìn theo người khách lạ lẫm tỏ vẻ bằng lòng, cảm ơn, tay bóc bánh đưa lên miệng nhai, mỉm cười.
-Thôi để dì về kẻo tối. Thanh nhớ tắm rửa cho em cho sạch nha. Mai dì lại sang chơi.
Thanh đứng trên hè quan sát kỹ từng cử chỉ, động tác và lời nói của dì khách, lễ phép đáp:
-Dạ!  
Khách đi xe máy ra khỏi ngõ được vài chục mét, nghe tiếng gọi của phụ nữ:
-Chị ơi, dừng lại em hỏi chuyện này?
Vừa dừng xe, chưa kịp dựng chân chống, người phụ nữ cười tươi,vẻ thân thiện:     
-Chị có việc gì ở nhà cháu Thanh?
Một thoáng suy nghĩ chạy nhanh trong đầu, có nên nói thiệt mọi chuyện cho người ta biết không?
- Chị đừng ngại, tôi là cán bộ phụ nữ ở đây, có gì chị nói, tôi sẽ giúp đỡ chị!
- Ở đây không tiện, mời chị quá bộ lên xe, ra quán cà phê ngoài kia mình nói chuyện cho có đầu, có đuôi.
 
***
            Sau buổi nói chuyện với chị Hiền, cán bộ Hội Phụ nữ làng Thanh Xá. Chiều nào dì Tám cũng mang cơm và một số đồ dùng cần thiết cho anh em Thanh. Mấy ngày nay, thái độ của anh em Thanh với dì Tám khác nhiều. Thanh, Hà gọi bà là dì Tám, gọi dạ, bảo vâng lễ phép và đặc biệt là ăn ở sạch sẽ hơn. Tối đến, nhà có cửa đóng then cài và có chăn đắp khi gió lạnh về. Hôm nay dì gọi thợ đến dựng, lợp, che chắn lại cái nhà tranh tre. Nhà mưa không còn dột, xiêu vẹo, ọt ẹt như trước. Xung quanh nhà, dì và Thanh cặm cụi gần hết buổi sáng mới dọn sạch cỏ rác, chất thành đồng để đốt. Khi trả tiền công cho nhóm thợ sữa nhà, dì nói:
- Ngày mai các anh làm cho tôi cái nhà tắm, bên cạnh là cầu tiêu tự hủy. Làm thật chắc chắn, đẹp và hợp vệ sinh.
- Vật tư thì sao?
- Các anh chủ động gọi và báo giá cho tôi!
- Bà yên tâm, khoảng bốn ngày là ô kê!
Bốn ngày sau, ai đi ngang qua nhà Thanh cũng phải dừng lại ngắm ngía:
- Ngăn nắp, gọn gàng và ưa con mắt quá!
- Chắc bà này giỏi lắm đây?
- Giỏi thì chưa biết, nhưng người ta thương người nghèo khó, cô đơn, không nơi nương tựa. Họ thật tuyệt vời!
Những câu nói tưởng như vô tình ấy càng làm cho Thanh thêm vui và tin tưởng ở người dì mà từ trước tới giờ mình không hề nghe bố mẹ, người thân nhắc tới. Rồi tối hôm kia, khi mang quà cho bọn trẻ, lúc ra về trời bất ngờ kéo mây đen kịt, gió ào ào kéo theo mưa to, sấm chớp ầm ầm... Dì Tám mặc áo mưa định ra về, hai anh em Thanh chạy lại ôm chầm lấy dì năn nỉ:
- Mưa lớn thế này dì ở lại với bọn con!
- Con sợ quá dì ơi!
Con bé Hà la khóc, nước mắt, nước mũi ướt nhẽm khuôn mặt, mắt đỏ hoe.
-Thế thì dì ở lại với các con! Thôi nín đi nào!
Đêm ấy mưa thật lâu, hai anh em nhà Thanh ôm nhau ngủ ngon giấc. Còn dì Tám lạ nhà, thỉnh thoảng thức dậy kiểm tra mưa to, gió lớn cửa nả có làm sao không, nên giấc ngủ chập chờn, mãi đến gần sáng mới ngủ thiếp đi. Rồi khi nghe tiếng gọi ngoài sân, dì mới tỉnh dậy ra mở cửa:
- Ôi chị Hiền, chị đến khi nào vậy?
- Tôi vừa mới tới!
- Mời chị vào trong, chờ tôi một chút!
Dì Tám vội lấy chiếc ghế nhựa cũ mời khách ngồi, chạy ra sau nhà vệ sinh. Một thoáng sau, dì lên thưa chuyện với khách. Chị Hiền ghé vào tai dì nói nhỏ:
-Hôm trước cháu Thanh lên Ủy ban đồng ý nhận làm con nuôi của chị rồi. Tôi có gọi điện về bên chị mà không ai bắt máy cả. Cho nên tôi đến đây báo cho chị biết và mời chị sáng nay cùng các cháu lên Văn phòng để làm giấy tờ cho nó hợp lệ.   
-Thế thì tốt quá, cảm ơn chị rất nhiều! Giờ thế này, chị cho tôi về nhà thay quần áo, lấy giấy tờ tùy thân, tôi sang liền!
Dì Tám vội vã ra về. Chị Hiền cán bộ Hội Phụ nữ còn ở lại nói chuyện thêm với hai đứa nhỏ. Khoảng gần một tiếng sau, cả bốn người đã có mặt đông đủ ở Ủy ban xã. Cán bộ Tư pháp xã làm xong tờ khai mời dì Tám ký trước, đến cháu Thanh và cuối cùng là người đại diện cho Hội Phụ Nữ là chị Hiền. Trong lúc chờ đợi Chủ tịch xã ký giấy tờ, cháu Thanh chạy đến cảm ơn chú cán bộ Tư pháp và hai dì. Bắt tay mọi người xong, Thanh bật khóc. Bé Hà cũng khóc theo. Dì Tám lấy khăn mùi xoa trong túi ra mau khô nước mắt cho hai đứa con mình. Khi cầm giấy tờ có đóng mộc đỏ trên tay, dì Tám khóc nức nở, những giọt nước mắt nối nhau lăn dài trên gương mặt người mẹ đã bước qua thời sinh nở.
 
***
Vài tháng sau, dì Tám đầu tư xây căn nhà mới kiên cố và khá khang trên nền nhà cũ. Thanh đi học Trường Bổ túc văn hóa gần nhà, bé Hà đi Mẫu giáo. Hàng ngày dì Tám đi làm trên chợ huyện, chiều đi ngang đón con đi học về, vào bếp nấu cơm cho con ăn. Việc nhà cửa xắp đặt gọn gàng tươm tất, đâu vào đấy. Người trong làng xã đến thăm mẹ con dì Tám ngày càng nhiều. Ai cũng hỏi cháu Thanh:
-Dì con có thương anh em con không?
Thanh nhoẻn miệng cười hỏi lại:
-Không thương sao lại xây nhà, nuôi các con ăn học?
Người ở địa phương kháo nhau: Bà Tám có cơ sở làm ăn khá lớn ở chợ huyện. Bả không có con, mà hai đứa này cũng không phải con của ông xã bà ta.
Nhưng có một người biết rất rõ hoàn cảnh của dì Tám. Đó là chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ làng Thanh Xá. Chị Bảy Hiền kể: Chồng chị Tám, Giám đốc Công ty TNHH Việt Cường, gần chợ huyện, trước đây là bộ đội Trường Sơn về phục viên ở Thị trấn. Ông là thương binh nặng, bị nhiễm chất độc da cam nên không có con. Trước khi mất, ông căn dặn bà xã nhiều lần, phải tìm cho được đứa con nuôi để sau này về già có người phụng dưỡng và duy trì phát triễn cơ sở làm ăn của gia đình.  Ông nói trong nước mắt:
-Nếu bà không làm được việc này, tôi chết không yên, không nhắm mắt được đâu!
Nói xong, ông trút hơi thở cuối cùng về với tổ tiên.
Đã hơn năm nay, nghe tin nơi nào có người khó khăn, nghèo khổ, neo đơn, dì Tám tìm đến cho bằng được để làm từ thiện và may ra gặp được quý nhân …Nhưng mãi tới khi đến làng Thanh Xá, trao quà nhân ngày thương binh liệt sỹ 27-7 cho Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng Đoàn Thị Hạ, 85 tuổi, có 3 người con là Liệt sỹ, dì mới nghe tin về trường hợp của anh em Thanh…
Trong buổi liên hoan khánh thành nhà mới cho Thanh, dì Tám dâng hương lên bàn thờ đặt giữa nhà, đứng trước di ảnh bố mẹ các con thưa rằng: Trước hết anh chị cho em cảm ơn rất nhiều vì ân huệ được làm mẹ thay anh chị chăm sóc nuôi dưỡng các cháu. Em hứa với anh chị sẽ cố gắng dạy dỗ các cháu nên người. Kính mong anh chị nơi suối vàng được bình an và siêu thoát!
Thắp nhang cho người đã khuất xong, dì Tám mỉm cười nhìn các bàn khách đã đến dự đông vui. Dì cầm ly rượu trên tay, nâng lên:
-Xin kính mời các ông, các bà, các bác và bà con hàng xóm cùng nâng ly, cầm đũa vui chung cùng mẹ con tôi!
-Xin mời! zô,zô, zô!
Chị Bảy Hiền chạy lại ôm chặt lấy dì Tám trong tiếng vỗ tay của mọi người và tiếng nhạc du dương. Từ ngoài cổng ông Lê Văn Thơm, người cao tuổi nhất ở trong làng ôm bó hoa mới hái trong vườn nhà tới, trao cho dì Tám:
- Ông tặng Tám An. Chúc mừng mẹ con chị hạnh phúc!
- Cảm ơn ông rất nhiều! Nhưng tại sao ông biết tên tôi?
- Tôi là cán bộ phụ trách mảng tuyên giáo, thi đua của Hội Cựu chiến binh huyện ta. Chị Tám An xem, ai đây?
Ông Thơm giơ tờ báo Cựu Chiến Binh Việt Nam lên khoe với mọi người, nói tiếp:
- Chị Tám đây là Lê Thị An, Cựu chiến binh Binh đoàn 12, “Chiến sỹ thi đua”nhiều năm liền của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn…Ở trong tờ báo này viết rất rõ về thành tích của Đại úy quân y. Mời mọi cùng người đọc và suy ngẫm!
- Tám ôm bó hoa tươi vào sát người, cười thật tươi. Chưa bao giờ Dì Tám An đẹp như ngày hôm nay. 
    
                                    Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5-2019
                                               
 
  • ĐT: 0969406504 ; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
  • Địa chỉ liên hệ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An
Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan